Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Lâm Đồng xây dựng lại quy định về bảo tồn biệt thự Đà Lạt

07/11/2021 06:00 GMT+7

Tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng khẩn trương xây dựng lại quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước ở TP. Đà Lạt và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 30.11.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND TP.Đà Lạt rà soát, tập hợp hồ sơ, tài liệu kiến trúc, quy mô, diện tích xây dựng của các ngôi biệt thự để tổ chức phân loại, đánh giá cụ thể về giá trị kiến trúc, chất lượng công trình của từng biệt thự. Trên cơ sở đó, xây dựng quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước (SHNN) phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật, với nguyên tắc “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”, khai thác phù hợp và có hiệu quả quỹ đất hiện có. Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu việc này phải khẩn trương thực hiện và báo cáo, đề xuất tỉnh trước ngày 30.11.

Lâm Đồng xây dựng quy định mới thay QĐ 47 khiến dư luận lo lắng về số phận của Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt

GIA BÌNH

Trước đó, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã có báo cáo, đề xuất UBND tỉnh thay thế Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ngày 8.12.2017 của UBND tỉnh (gọi tắt là QĐ 47) quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc SHNN trên địa bàn TP.Đà Lạt. QĐ 47 đã phân loại quỹ biệt thự thuộc SHNN trên địa bàn TP.Đà Lạt (162 biệt thự) thành 3 nhóm: nhóm 1 có 5 biệt thự, nhóm 2 có 74 biệt thự và nhóm 3 có 83 biệt thự. Điều đáng lưu ý, trong QĐ 47 (cũng như QĐ 49/2011/QĐ-UBND trước đó), Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt là một trong 5 dinh thự được xếp vào nhóm 1. Biệt thự nhóm 1 là những biệt thự gắn với di tích lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; có giá trị điển hình về kiến trúc. Việc quản lý, sử dụng không được làm thay đổi kiểu dáng kiến trúc, các chỉ tiêu quy hoạch và công năng, tính chất sử dụng ban đầu của biệt thự.

Sở Xây dựng Lâm Đồng phối hợp với UBND TP.Đà Lạt tổ chức trưng bày, lấy ý kiến 3 phương án ý tưởng kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt (từ 14.8 - 14.9.2020) và phương án được đa số các ý kiến đồng thuận, lựa chọn cũng như đã được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng chọn là phương án Hotel du Printemps của kiến trúc sư (KTS) Thierry Van de Winagaert (đưa Dinh tỉnh trưởng lên cao 28 m và phía dưới là tổ hợp khách sạn). Dù vậy, cả 3 phương án này đều vấp phải sự không đồng tình của nhiều KTS trong nước, bởi xa lạ với Đà Lạt và có thể phá đi di sản của Đà Lạt. Các KTS cho rằng Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt cùng đồi Dinh là “viên ngọc quý” cần gìn giữ và bảo tồn. Ngày 15.9.2020, Hội KTS Việt Nam cũng gửi văn bản đến Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng có ý kiến về 3 phương án xây dựng khách sạn tại đồi Dinh tỉnh trưởng này, đề nghị không nên xây dựng công trình khách sạn trên đồi Dinh.

Vì vậy, việc tỉnh Lâm Đồng đang xây dựng quy định mới về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc SHNN trên địa bàn TP.Đà Lạt lần này (để thay QĐ 47) khiến dư luận không khỏi lo lắng về số phận của Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt.

Đà Nẵng khôi phục lễ hội đặc trưng của đồng bào Cơ Tu

UBND TP.Đà Nẵng vừa có quyết định bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trong đó giao Sở VH-TT phối hợp các ngành liên quan tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng người Cơ Tu (tập trung sinh sống chủ yếu tại xã Hòa Bắc, H.Hòa Vang).

Theo đó, cần sưu tầm, phục dựng và tổ chức các lớp truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu có nguy cơ bị mai một cao (tiếng nói, nghề truyền thống, trình diễn dân gian, phong tục); khôi phục, tổ chức các lễ hội truyền thống đặc trưng như: lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn mừng được mùa… Theo UBND TP.Đà Nẵng, ngành văn hóa cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa truyền thống như: sưu tầm các hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa, đặc trưng của đồng bào để thực hiện trưng bày, giới thiệu tại nhà gươl; đa dạng hóa các hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà gươl trong việc nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào và thu hút khách...

Đà Nẵng sẽ tổ chức các lớp truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ Tu

HOÀNG SƠN

Bên cạnh đó, địa phương cần tổ chức hoạt động để phát triển du lịch văn hóa, tăng cường hoạt động giao lưu, kết nối và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào.

Hạn chế hình ảnh diễn viên có hành vi kích động bạo lực gia đình trong phim

Bộ VH-TT-DL đang đưa lên mạng để lấy ý kiến về dự thảo luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi từ nay đến 1.12.

Theo đó, dự thảo mới có 9 chương, 80 điều. Dự thảo có quy định tại điều 22: “Bộ VH-TT-DL có trách nhiệm hướng dẫn thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình trong các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch; quy định việc hạn chế hình ảnh diễn viên có hành vi kích động bạo lực gia đình trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình và các trò chơi điện tử”.

Phim ngắn Vòng lặp lên án nạn bạo lực gia đình

CẮT TỪ CLIP

Bên cạnh đó, Bộ TT-TT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan phát hiện và ngăn chặn các thông tin, hình ảnh, dữ liệu trên không gian mạng gây kích động bạo lực gia đình.

Số hóa 3D di tích điện Thái Hòa

Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Công ty AGS Technologies tiến hành số hóa 3D điện Thái Hòa để lưu trữ tư liệu hình ảnh chân thực và phục vụ du lịch trải nghiệm thực tế ảo .

Ngày 1.11, TS Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu thuộc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết trong khuôn khổ dự án trùng tu điện Thái Hòa (ở Đại nội Huế), trung tâm đã phối hợp với Công ty AGS Technologies tiến hành số hóa 3D điện Thái Hòa để lưu trữ tư liệu hình ảnh chân thực và phục vụ du lịch trải nghiệm thực tế ảo.

Hình ảnh 3D điện Thái Hòa

D.A

Cụ thể, trước khi công trình điện Thái Hòa được hạ giải để bảo tồn, trùng tu, các kỹ thuật viên đã scan 3D toàn bộ dữ liệu thu thập được từ bề mặt của công trình; sử dụng thiết bị drone để bay quét các kiến trúc bên trên. Dữ liệu được các chuyên gia của AGS chuyển đổi thành các mô hình 3D ảnh thực thông qua các phần mềm chuyên nghiệp trên máy tính. Dự án nhằm lưu trữ toàn bộ dữ liệu hình ảnh dạng số hóa để trung tâm có thể dễ dàng quản lý, chia sẻ với các đơn vị liên quan trong công tác bảo tồn, phục dựng, tu bổ di tích. Dự kiến đầu tháng 11, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cũng sẽ triển khai tour tham quan điện Thái Hòa theo hình thức thực tế ảo.

Bí ẩn bức tượng cổ ở dãy núi Ngọc Linh

Ngày 2.11, ông Phạm Bình Vương, cán bộ Phòng Di sản, Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, cho biết hiện các ngành chức năng của tỉnh vẫn đang tiến hành nghiên cứu bức tượng cổ được phát hiện tại H.Đăk Glei (Kon Tum).

Ông Vương cho hay trong chuyến khảo sát, kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh mới đây, ông được giới thiệu những thông tin có liên quan tượng đá và các hiện vật tại làng Đăk Đoát, xã Đăk Pek, H.Đăk Glei.

Bức tượng này được người dân phát hiện năm 1979 và bàn giao cho UBND H.Đăk Glei. Năm 1993, bức tượng được bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh Kon Tum lưu giữ. Về vị trí địa lý, vào thời điểm được phát hiện, bức tượng nằm sâu trong dãy núi Ngọc Linh ở phía bắc của tỉnh Kon Tum, phía tây giáp với biên giới Lào, phía bắc giáp H.Phước Sơn (Quảng Nam).

Người dân địa phương gọi tượng này là người anh hùng A Đriếp

ĐỨC NHẬT

Khi khảo sát tại khu vực phát hiện bức tượng, người dân ở đây cho biết, trước đây vị trí này rất đẹp. Phía sau là núi cao, trước mặt là thung lũng có dòng nước chảy qua và nhiều cây cổ thụ lớn bên cạnh những tảng đá khổng lồ. Tại đây có một bức tượng bằng đá nguyên khối đã bị ngã, nằm lộ thiên, tượng chỉ còn lại phần đầu. Tương truyền, người dân địa phương gọi tượng này là người anh hùng A Đriếp.

Ngoài ra, người dân tại làng Đăk Đoát cung cấp thêm một số thông tin và hiện vật có liên quan di tích này. Trong đó, có nhắc đến một khối đá lớn được dựng đứng cao khoảng 2 m, trên mặt đá có khắc hình “cây đinh ba” khoảng 1 m, nằm cách tượng A Đriếp khoảng 20 cm. Vị trí này nằm trên một triền đồi, hơi bằng phẳng, phía tây là núi Ngok Yang ở độ cao trên 1.000 m, phía đông là thung lũng Đăk Broi kéo dài theo sông Pô Cô. Bên cạnh di tích này có dòng suối Đăk Yang. Tại ngã ba của dòng suối Đăk Yang - Đăk Brôih, người dân đã phát hiện rất nhiều nhẫn vàng có đính ngọc, dây chuyền vàng, hạt chuỗi bằng vàng.

Theo ông Vương, đến hiện tại vẫn chưa có một ghi chép cụ thể, một nghiên cứu chuyên sâu nào về bức tượng trên. Cũng có nhiều nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết có thể bức tượng này là của người Chăm cổ. Tuy nhiên, bức tượng có từ thời gian nào, do ai tạo ra vẫn chưa có kết luận cụ thể.

Xôn xao poster Rap Việt mùa 2 bị phát hiện “đạo nhái”

Tối 5.11, mạng xã hội truyền nhau bức ảnh được cho là bị ê kíp Rap Việt mùa 2 “nhái” thiết kế. Trong một bài viết của một giám đốc nghệ thuật được đăng trên mạng xã hội, vị này cho rằng 2 tấm poster của Rap Việt mùa 2 có nhiều nét giống tấm ảnh được cho là ảnh gốc của một họa sĩ - nhà thiết kế Trung Quốc. “Tôi muốn chỉ ra rằng bức ảnh nghệ thuật này đã bị chương trình Rap Việt lấy đi và chỉnh sửa một cách cẩu thả” - vị này nhận xét. Bài viết thu hút hàng ngàn bình luận, chủ yếu cho rằng nhà sản xuất đã thiếu chặt chẽ trong các khâu sáng tạo. Ngoài poster chính bị cho là vay mượn ý tưởng, poster giới thiệu thí sinh cũng vướng phải nghi vấn đạo nhái.

Poster Rap Việt mùa 2 bị phát hiện “nhái” poster của nhà thiết kế Trung Quốc

T.L

Trước những thông tin liên quan đến poster Rap Việt mùa 2 sử dụng phông nền phong cảnh 3D thành phố về đêm đang gây xôn xao mạng xã hội, Vie Channel – nhà sản xuất chương trình chính thức lên tiếng.

Theo nhà sản xuất Rap Việt mùa 2, “Chúng tôi rất tiếc vì xảy ra sự việc này. Chúng tôi đã nghiêm túc xác minh làm rõ vấn đề và tìm ra nguyên nhân của sự việc không đáng có này. Đó là do sơ xuất của bộ phận thiết kế khi sử dụng hình ảnh này từ trang download miễn phí. Hiện tại, Vie Channel đang tích cực liên lạc với tác giả/đơn vị sở hữu hình ảnh trên để xin phép quyền sử dụng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.