Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Nghệ sĩ chung tay hỗ trợ đồng bào miền Trung

18/10/2020 05:30 GMT+7

Khi cả nước đang hướng về đồng bào miền Trung trong bão lũ, nhiều nghệ sĩ với trách nhiệm xã hội và bằng sức ảnh hưởng của mình đã đứng ra kêu gọi, huy động nguồn lực hỗ trợ bà con miền Trung vượt qua thiên tai.

Nhiều nghệ sĩ quyên góp, hỗ trợ đồng bào miền Trung 

Sáng 13.10, ca sĩ Thủy Tiên đăng tải bài viết trên trang Facebook cá nhân, kêu gọi mọi người cùng chung tay quyên góp tiền, các nhu yếu phẩm cần thiết để giúp bà con miền Trung đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì tình hình lũ lụt kéo dài gây ngập trên diện rộng ở các tỉnh như Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Đến tối 16.10, nữ ca sĩ cho biết đã nhận được số tiền hỗ trợ 40 tỉ đồng. Không chỉ vận động quyên góp, nữ ca sĩ còn bay ra Thừa Thiên - Huế để trực tiếp cứu trợ bà con vùng lũ.
Ngày 14.10, ca - nhạc sĩ Jack phát đi lời kêu gọi đến các nghệ sĩ và cầu thủ tại TP.HCM tham gia một trận bóng giao hữu gây quỹ ủng hộ người dân miền Trung vượt qua thiên tai. Theo đó, tiền quyên góp của thành viên đội bóng và tiền vé bán sẽ được đưa vào quỹ mua nhu yếu phẩm, chuyển đến tận tay đồng bào gặp nạn. Trước đó cộng đồng người hâm mộ Jack cũng kêu gọi ủng hộ tài chính cho hoạt động "Chi viện rốn lũ miền Trung". Chỉ sau chưa đầy 24 giờ, ban dự án đã nhận được số tiền đóng góp 114 triệu đồng từ mọi miền đất nước, trong đó có kiều bào nước ngoài.

Ca sĩ Quang Dũng cùng các đồng nghiệp tổ chức đêm nhạc hỗ trợ cho miền Trung vào 29.10

Ảnh: NSCC

Là một người con của miền Trung (Đà Nẵng), ca sĩ Mỹ Tâm cũng lên đường cứu trợ tại 2 xã Đại Lãnh và Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam từ ngày 16.10.
Các nghệ sĩ khác như Trấn Thành, Lý Hải - Minh Hà, Hoa hậu Kỳ Duyên - người mẫu Minh Triệu... cũng kêu gọi quyên góp hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng ủng hộ bà con miền Trung. Ca sĩ Quang Dũng cùng các đồng nghiệp vừa quyết định thực hiện đêm nhạc Lời ca dao của mẹ vào ngày 29.10 tại Nhà hát TP.HCM với mong muốn chung tay hỗ trợ đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn sau bão lũ. Ca sĩ Đinh Hiền Anh cùng NSND Hồng Lựu vừa có cuộc họp khẩn với Đài truyền hình tỉnh Nghệ An, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An và nhiều đơn vị khác để cùng tổ chức đêm nhạc thiện nguyện Ru bão nhằm hỗ trợ các gia đình nạn nhân của vụ sạt lở ở Rào Trăng 3 và bà con vùng lũ miền Trung. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp lúc 20 giờ 15 ngày 23.10 trên sóng Đài truyền hình Nghệ An.

Tìm lại bức bích họa quý thời Trần trong hang tối

Ông Đào Xuân Ngọc, một nhà nghiên cứu tự do tại Hà Nội, đã đeo đuổi việc tìm lại những bức bích họa trong chùa Hang Thiện Kế (xã Thiện Kế, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) từ nhiều năm. Theo tư liệu từng công bố và giới thiệu trên bản tin của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp vào năm 1942, trong hang có những bức họa liên quan đến Phật giáo. Sau bản tin đó, hầu như không có thông tin gì thêm về những tác phẩm cũng như hang này. Hang Thiện Kế hiện vẫn ở lưng chừng núi, với đền Cậu Thiện ngay cửa hang. Đi sâu vào trong là hệ thống nhóm tượng Phật thuộc Tam bảo và các chư Phật.

Bức bích họa trong chùa Hang Thiện Kế

ẢNH: NGUYỄN ANH TUẤN

Ông Đào Xuân Ngọc và thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, cũng là nhà nghiên cứu tự do, cùng muốn tìm lại những bức bích họa Phật giáo đó. Họ tìm gặp Phó giám đốc Bảo tàng Tuyên Quang Lý Mạnh Thắng. Tháng 6.2020, cả ba hẹn gặp nhau tại chùa hang Thiện Kế nhằm xác định lại vị trí và quy mô bức họa.
Ông Ngọc cho biết: “Quy mô của bức họa được xác định là tổ hợp những hoạt cảnh Phật giáo được dàn theo trục ngang, vẽ màu trực tiếp vào bề mặt đá. Bức họa trong tình trạng mờ nhạt, bị tô chồng các lớp sơn màu đen, đỏ và bị các thanh dầm đâm xiên, các vách tường đặt rất sát bức họa, do đó rất khó quan sát quy mô tổng thể của các hoạt cảnh”. Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi tái phát hiện những dấu tích của bức họa độc đáo này. Những khảo sát ban đầu cho thấy bức họa gồm các hình Phật, Bồ Tát, Thị giả, chư Phật, Phi Thiên, hình mây, cánh sen... được phủ các màu son đỏ trầm, màu nâu, màu vàng”.
TS Trần Anh Dũng - Viện Khảo cổ học cho rằng các bức tranh đã phải chịu nhiều tác động. Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến, có nhiều tác động đến hang và tranh. “Bây giờ phải trả lại giá trị cho nó. Điều quan trọng nhất là phải bảo tồn, vì bích họa như thế này là rất ít. Ở Tuyên Quang, bích họa về Phật giáo chỉ có mỗi tác phẩm này. Mà cả miền núi phía bắc cũng chỉ có duy nhất tác phẩm đó. Đó lại là bức tranh có niên đại rất sớm, so với cả nước cũng là rất sớm”, ông Dũng nói.

TP.HCM khởi công xây mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Sáng 12.10, UBND TP.HCM, Sở VH-TT TP.HCM và chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp đã tổ chức lễ khởi công xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng, tại số 5 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM. Công trình có tổng mức đầu tư 275 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP.HCM.

Lễ khởi công xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng

ẢNH: CÔNG SƠN

Bảo tàng có diện tích sử dụng đất 6.021,5 m2, tổng diện tích sàn 8.551,42 m2, gồm 1 tầng hầm và 4 tầng nổi. Bảo tàng sẽ bố trí diện tích hơn 2.000 m2 dùng làm khu trưng bày, đáp ứng yêu cầu 5 chủ đề phải trưng bày thường xuyên, cùng các hoạt động ngắn hạn cũng như thực hiện nhiều hình thức trải nghiệm, gấp 5 lần so với diện tích trưng bày hiện hữu.
Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết trong hai năm thực hiện công trình, ảnh thờ, hương án và phòng thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng sẽ được cung thỉnh về Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM, đồng thời bố trí lại phòng trưng bày hiện vật để phục vụ nhân dân đến dâng hương và tham quan, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn. Hơn 17.000 hiện vật còn lại cũng được bảo quản chu đáo, đúng chuẩn quy định tại Bảo tàng TP.HCM và các kho lưu trữ tại chỗ.

Khánh thành tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Quy Nhơn

Chiều 12.10, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ khánh thành công trình tượng nghệ thuật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại bãi biển TP.Quy Nhơn (Bình Định). Công trình tượng nghệ thuật này được đặt tại trung tâm công viên giữa khách sạn Hải Âu và khách sạn Hoàng Yến trên đường An Dương Vương, TP.Quy Nhơn.

Bên cạnh tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là bản phổ nhạc ca khúc Biển nhớ

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Tác phẩm có 2 hạng mục. Trong đó, tượng mỹ thuật cao 2,4m, chất liệu bằng đá granite xám trắng với bố cục là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với tư thế ngồi thoải mái, mặc áo sơ mi tay dài, chân mang giày, tay ôm cây đàn guitar, nét mặt suy tư như đang thả hồn vào những giai điệu âm nhạc. Bên cạnh tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có bản phổ nhạc bài hát Biển nhớ của ông. Phần bệ tượng là 2 vòng tròn đồng tâm, ở tâm là khối bát giác đều, giật 3 cấp đều.
Tác giả công trình này là nhà điêu khắc Lâm Quang Nới. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Mỹ thuật và nhiếp ảnh Oanh Vũ (ở TP.HCM). Theo ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định, công trình hoàn thành được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao về bố cục và chất lượng nghệ thuật, bởi có sự kết nối hài hòa với khuôn viên chung, tạo nên một điểm nhấn cho khu vực đô thị, đặc biệt đã góp phần tôn tạo không gian bờ biển Quy Nhơn, nơi có nhiều kỷ niệm đẹp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ông theo học sư phạm ở đây vào những năm 1962 - 1964.

Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam - Người mẹ trên sân khấu kịch miền Nam

Sáng 15.10 tại số 5B Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM), Ban Lý luận Phê bình (Hội Sân khấu TP.HCM) đã khai mạc triển lãm ảnh và tổ chức chuyên đề Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam - Người mẹ trên sân khấu kịch miền Nam.
Tham dự chương trình có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Minh Vương, NSND Lệ Thủy, NSND Kim Xuân, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Lê Thiện, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hồng Vân, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Thành Hội, đạo diễn Ái Như, nghệ sĩ hài Mỹ Chi… Tất cả cùng hồi tưởng những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời làm nghề, từng gắn bó với một tên tuổi lớn chuyên đóng vai người mẹ trên sân khấu kịch và điện ảnh là NSND Bảy Nam.

NSND Bảy Nam ở tuổi 89 vẫn ngồi trang điểm tỉ mỉ cho vai diễn

ẢNH: THANH HIỆP

Triển lãm giới thiệu gần 100 bức ảnh quý và tư liệu báo chí về NSND Bảy Nam (1913-2004), trong đó có nhiều bức ảnh làm người xem rưng rưng khi nhìn thấy NSND Bảy Nam, dù ở tuổi 89 vẫn ngồi tỉ mỉ trang điểm, hóa trang cho vai diễn để đời bà Tư trong vở Lá sầu riêng, cùng nhiều bức ảnh đen trắng các vai diễn của NSND Bảy Nam trên sân khấu cải lương (Ngọc kỳ lân), phim đen trắng (Ngọn cỏ gió đùa)…
Suốt cuộc đời hơn 70 năm đứng trên sân khấu, NSND Bảy Nam không chỉ là diễn viên mà còn là nhà quản lý, trưởng đoàn, tác giả kịch bản, đóng hàng chục phim truyện. Hai vở diễn thành công nhất trong sự nghiệp diễn xuất của bà là Lá sầu riêng Bông hồng cài áo, làm rung động biết bao trái tim khán giả. Nghệ sĩ Bảy Nam còn là nữ biên kịch đầu tiên của Sài Gòn với các kịch bản để đời: Nỗi đau lòng mẹ, Người đàn bà Việt Nam, Gươm vàng máu đỏ, Tiêu Anh Phụng...

Hỗn loạn thu phí bản quyền âm nhạc trên YouTube

Đó là vấn đề nổi cộm được nêu ra trong Đại hội đại biểu Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV - tổ chức xã hội nghề nghiệp đại diện cho quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất bản ghi dưới mọi hình thức ở Việt Nam) diễn ra hôm 14.10 tại TP.HCM.

Nhạc sĩ Minh Châu bức xúc lên tiếng về nạn 'ăn cướp bản quyền' trên YouTube

ẢNH: N.V

Theo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 3 (2014 - 2019) của RIAV, những năm qua, sự phát triển nhanh và mạnh của công nghệ thông tin, tình trạng xâm phạm bản quyền đối với các sản phẩm bản ghi (bản ghi âm, ghi hình, bản ghi karaoke) thuộc quyền sở hữu của RIAV chưa có hồi kết trên các lĩnh vực, nhất là trên mạng, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất kinh doanh cũng như tái đầu tư cho sản phẩm mới của các đơn vị hội viên.
Từ năm 2015, sau nhiều lần thương thảo, RIAV đã chính thức hợp tác ký kết hợp đồng với Công ty Google nước ngoài (Google Inc, Google Ireland Limited, Google Commerce Limited) cấp quyền cho RIAV được trực tiếp đưa các sản phẩm thuộc quyền sở hữu của RIAV khai thác trên mạng xã hội YouTube. Để tạo thuận lợi hoạt động trong lĩnh vực này, RIAV thành lập đơn vị trực thuộc là Công ty TNHH MTV bản quyền nội dung số Việt Nam, đến nay đã thu hút được các đơn vị, cá nhân tham gia; bảo vệ được bản quyền các sản phẩm bản ghi và đem lại quyền lợi cho các đơn vị, cá nhân ủy thác khai thác. Dù vậy, theo Ban Chấp hành nhiệm kỳ 3, một số đơn vị sản xuất vẫn chưa thật sự tin tưởng vào hoạt động của hiệp hội (đơn cử là ngay trong đại hội, ông Hoàng Tuấn - Giám đốc HT.Production, đã xin rút khỏi RIAV), cũng như các cơ quan quản lý nhà nước chưa thấy rõ vai trò của hiệp hội nên chưa có nhiều sự ủng hộ.

Thi hoa hậu nhí và hoa hậu online “chui”

Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết việc tổ chức thi hoa hậu “chui” cho người chưa đủ 18 tuổi thi hoa hậu nhí là trái luật. Việc thi hoa hậu online cũng chưa có quy định.
Các vụ việc liên quan đến sự kiện Miss Baby vừa được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế và việc người đẹp Thái Thị Hoa thông báo đi thi Hoa hậu Trái đất theo hình thức online. Cụ thể, sự kiện Miss Baby được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế có các vòng thi và trao vương miện cùng dải băng Miss Baby cho thí sinh đoạt giải. Đây là cách gọi gần với giải thưởng các cuộc thi người đẹp, hoa hậu. Trong khi đó, theo luật, thí sinh dưới 18 tuổi không được phép tham gia các kỳ thi như vậy.
Trường hợp nghi án thi hoa hậu "chui" của người đẹp Thái Thị Hoa, thông tin báo chí cho thấy người đẹp này thông báo dự cuộc thi Hoa hậu Trái đất theo hình thức online.

Giấy phép cấp cho Miss Baby là trình diễn thời trang

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CUỘC THI

Ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế là đơn vị đã cấp phép cho sự kiện Miss Baby. “Giấy phép cấp tổ chức Miss Baby là giấy phép tổ chức chương trình biểu diễn thời trang. Trong giẩy phép này có cả nội dung chương trình gồm 11 tiết mục. Đây là cuộc trình diễn thời trang. Nếu như trong cuộc trình diễn này có sai phạm và trở thành cuộc thi chúng tôi sẽ cho kiểm tra và đề nghị báo cáo. Hiện nay, chưa có quy định về việc tổ chức thi hoa hậu, biểu diễn thời trang online. Người đẹp Thái Thị Hoa đi thi không xin phép ai, không thông báo”, ông Dương cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.