Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Người Việt thắng đấu giá mũ quan văn thời Nguyễn

03/04/2022 07:00 GMT+7

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có văn bản đồng ý chủ trương tiếp nhận 2 cổ vật mũ quan văn, áo Nhật Bình thời Nguyễn, qua đó hé lộ người Việt đấu giá thành công 2 cổ vật này là Công ty CP Tập đoàn Sunshine.

Ngày 1.4, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương đã có văn bản đồng ý chủ trương tiếp nhận 2 cổ vật do Công ty CP Tập đoàn Sunshine (do ông Đỗ Anh Tuấn làm chủ tịch HĐQT) hiến tặng sau khi trúng đấu giá, gồm mũ quan văn và áo Nhật Bình thời Nguyễn.

Hai cổ vật triều Nguyễn được tham gia đấu giá vào ngày 29.10.2021 trên sàn đấu giá Auctionet và trúng đấu giá từ nhà đấu giá Balclis (Tây Ban Nha). Kết quả đấu giá được sàn đấu giá Auctionet công nhận chính thức vào ngày 30.10.2021.

Các cổ vật này gồm mũ quan văn thời Nguyễn (chế tác trong khoảng cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20) và áo Nhật Bình (chất liệu lụa thêu, chế tác trong khoảng thế kỷ 19). Dự kiến các cổ vật này được vận chuyển từ Tây Ban Nha về Việt Nam vào đầu tháng 4.2022.

Mũ quan văn triều Nguyễn đang trên đường về Việt Nam và sẽ hiến tặng cho Huế

T.L

Phiên đấu giá từng thu hút sự quan tâm của dư luận, nhưng thông tin về doanh nghiệp trúng đấu giá chưa có nhiều. Sau đó, Công ty CP Tập đoàn Sunshine có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc hiến tặng 2 cổ vật triều Nguyễn có giá trị lớn do chính doanh nghiệp này đấu giá thành công.

Mũ quan triều Nguyễn đã được mua qua đấu giá với số tiền hơn 20 tỉ đồng, cao gấp 1.200 lần mức giá khởi điểm. Theo Công ty CP Tập đoàn Sunshine, nhận thấy đây là những cổ vật nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận xã hội, có giá trị lớn về văn hóa - lịch sử nên doanh nghiệp mong muốn hiến tặng cho UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế với mục đích bảo quản, lưu giữ và trưng bày.

Hiện chiếc mũ quan văn thời Nguyễn và áo Nhật Bình này đang trên chuyến bay từ Tây Ban Nha về Việt Nam.

Vá víu di tích vì thiếu vốn trùng tu

Hàng chục di tích cấp quốc gia ở Nghệ An đang xuống cấp nghiêm trọng, trong khi kinh phí để sửa chữa rất nhỏ giọt khiến công tác tu bổ di tích như muối bỏ biển.

Được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 18 để làm nơi sinh hoạt cộng đồng và thờ thành hoàng Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng, đình Trung Cần (xã Trung Phúc Cường, H.Nam Đàn, Nghệ An) được giới chuyên môn đánh giá có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc ở Nghệ An. Nghệ thuật chạm khắc ở ngôi đình này đạt đến trình độ tinh xảo, đề tài phong phú, đa dạng với hình tượng tứ linh, tứ quý, vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, vua Thuấn đi cày, giã gạo, đánh cờ... Đình được xếp hạng di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1996.

Đình Trung Cần đang bị xuống cấp sau gần 300 năm xây dựng

K.HOAN

Tuy nhiên, trải qua gần 300 năm với nhiều biến động của lịch sử, ngôi đình này đang xuống cấp nặng nề. Ông Hồ Thanh Bình, người trông coi đình, cho biết khoảng 20 năm trước, đình đã được sửa chữa nhẹ một lần. Đến nay, mái ngói đã bị dột rất nhiều điểm khiến nước mưa thấm xuống rui, kèo, cột và các khung gỗ chạm trổ bên trong đình. Lá mái bằng gỗ phía sau tòa hạ điện bị hỏng, kéo theo mái ngói bị oằn xuống. “Trời mưa đến đây nhìn rất xót ruột. Dù toàn bộ gỗ của đình đều là gỗ lim, nhưng do thời gian đã lâu và bị thấm dột nên gỗ bị mục rất nhanh”, ông Bình nói.

Ông Nguyễn An Toàn, Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường, cho biết xã đã nhiều lần báo cáo hiện trạng của đình và đề nghị sửa chữa, trùng tu, nhưng vẫn chưa có kết quả vì không có kinh phí.

Cùng chung số phận, đền Rậm (xã Châu Nhân, H.Hưng Nguyên) cũng đang kêu cứu khi dự án trùng đã được phê duyệt từ năm 2014 đến nay vẫn nằm trên giấy. Ngôi đền này được xây dựng từ năm 1831 để thờ các vị thần và vị tướng của Lê Lợi. Đền Rậm là quần thể di tích, nghệ thuật độc đáo, chạm trổ công phu, được xếp hạng di tích quốc gia năm 2008.

Theo bà Trần Thị Kim Phượng, Trưởng ban Quản lý di tích Nghệ An, tỉnh hiện có 144 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có hơn 30 di tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, mỗi năm ngành quản lý văn hóa chỉ được cấp vài ba tỉ đồng để sửa chữa các di tích xuống cấp.

Năm nay, Ban Quản lý di tích Nghệ An được bố trí 4 tỉ đồng để phục vụ cho việc sửa chữa các di tích, được coi là “khấm khá” nhất trong những năm qua. Tuy nhiên, theo bà Phượng, từ đầu năm đến nay, ban đã nhận gần 20 lá đơn từ các địa phương gửi đến đề nghị bố trí kinh phí để sửa chữa di tích xuống cấp. Do không thể thực hiện hết các nhu cầu, nên ban phải thẩm định và bố trí kinh phí để cứu những di tích cấp thiết nhất. Mỗi di tích chỉ bố trí được vài ba trăm triệu, việc sửa chữa là không hề dễ dàng trong khi nhu cầu trùng tu phải là hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng cho mỗi di tích.

Nguồn lực để trùng tu di tích ở Nghệ An thời gian qua chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa, từ sự đóng góp của người dân. Tuy nhiên, không phải di tích nào cũng huy động được sự đóng góp này, nên phải trông chờ vào kinh phí của nhà nước.

Hội Nhà văn Việt Nam quyết định tạm thu hồi giải thưởng

Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định tạm thu hồi giải thưởng Tác giả trẻ với tác phẩm Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật của tác giả Vũ Thị Trang.

Lý do được hội đưa ra là “để bảo đảm tính trong sáng, khách quan, nghiêm minh trong hệ thống Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, cũng như xét các yếu tố liên quan đến quy chế và uy tín của giải thưởng”.

Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam được trao lần đầu tiên vào năm nay, và cuốn sách của Vũ Thị Trang cũng nằm trong số đó. Tuy nhiên, đơn khiếu nại của TS Đỗ Hải Ninh, công tác tại Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS), gửi tới hội đề cập đến những dấu hiệu vi phạm bản quyền trong cuốn chuyên khảo Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật của tác giả Vũ Thị Trang.

Một trang bán sách trên mạng thông báo “Ngừng kinh doanh” cuốn sách Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật

CHỤP MÀN HÌNH

TS Ninh cũng dẫn ra những nội dung giống hệt mà mình đã công bố từ lâu, giờ có trong sách mà không hề trích nguồn. Không dừng lại ở đó, nhiều đoạn viết trong cuốn sách cũng được so sánh với cuốn sách Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy của tác giả Đỗ Lai Thúy.

Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho biết, khi có kết luận chính thức từ phía các cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề bản quyền, hội sẽ tham khảo và đưa ra quyết định tiếp theo phù hợp với trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

Trước đó, ngày 25.3, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư có ý kiến về cuốn Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật. Hội đồng cũng vừa trao giải C tặng thưởng tác phẩm, công trình lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2021 cho cuốn sách này. Theo đó, hội đồng cho rằng nơi có thể giải quyết vấn đề bản quyền cuốn sách là VASS - cơ quan giao, quản lý, nghiệm thu đề tài; NXB Khoa học xã hội Việt Nam - nơi xuất bản; và Cục Đăng ký sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ).

VASS hiện đang được đặt lên vai trách nhiệm thẩm định nặng nề. Điều này cũng dễ hiểu vì đây là đơn vị chủ quản của cả nơi xuất bản sách, nơi cấp tiền nghiên cứu, thẩm định nội dung đề tài của cả TS Trang lẫn TS Ninh.

Số tiền được cấp cho xuất bản sách, nghiên cứu đề tài đều thuộc ngân sách nhà nước cấp cho VASS. Chính vì thế, việc có trách nhiệm với cả nội dung nghiên cứu lẫn tiền nhà nước cấp cho nghiên cứu khoa học là câu chuyện công chúng đang chờ đợi VASS làm rõ. Đặc biệt, khi Hội Nhà văn Việt Nam đã dũng cảm “tạm thu” giải thưởng mà không im lặng cho qua thì trách nhiệm liêm chính học thuật của VASS càng trở nên bức thiết hơn. Nếu không, người dân có quyền đặt câu hỏi về hệ thống kiểm soát nghiên cứu đề tài của VASS, và liệu nó có xứng đáng với tiền thuế người dân đã đóng góp?

Mỹ Tâm cháy hết mình tại Đà Lạt với Khắc Hưng, Vũ trong Gala My Soul 1981

Gala My Soul 1981 đã diễn ra trong không khí gần gũi, bùng cháy tối 26 và 27.3 tại Đà Lạt với sự tham gia trước của 3 khách mời: nhạc sĩ Khắc Hưng, ca sĩ Vũ, Thịnh Suy và khoảng 1.000 khán giả.

Hai đêm nhạc diễn ra ngay giữa không gian ngoài trời thơ mộng của thành phố sương mù. Điều đặc biệt của đêm nhạc này còn là việc lần đầu tiên, người hâm mộ được gặp gỡ, giao lưu với Mỹ Tâm và được xem toàn bộ phần hậu trường trước và sau khi diễn ra đêm nhạc ở một khoảng cách gần đến vậy. Thậm chí, nữ ca sĩ còn xuống tận hàng ghế khán giả để ngồi hát trong ca khúc Nếu anh đi do nhạc sĩ Khắc Hưng sáng tác, khiến khán giả òa vỡ, nồng nhiệt cổ vũ...

Trong hơn 3 giờ đồng hồ, khán giả được đắm mình cùng giọng hát đầy trải nghiệm, cuốn hút của Mỹ Tâm và 3 khách mời Khắc Hưng, Vũ, Thịnh Suy với tiếng đàn piano mê hoặc của nhạc sĩ Hoài Sa, tiếng guitar điêu luyện của Dũng Đà Lạt và các thành viên trong ban nhạc. Mỹ Tâm và các ca/nhạc sĩ tham gia chương trình liên tục đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bằng những tiết mục âm nhạc được biên tập từ những bản hit từng được gây bão trên thị trường nhạc Việt như: Nơi mình dừng chân, Đúng cũng thành sai, Đâu chỉ riêng em, Hơn cả yêu...

Mỹ Tâm và nhạc sĩ Khắc Hưng

THẮNG ĐẶNG

Trong đêm nhạc, nữ ca sĩ còn khiến nhiều khán giả thích thú hưởng ứng nồng nhiệt khi giới thiệu một sáng tác hoàn toàn mới của nhạc sĩ Khắc Hưng mang tên Tay vớt ánh trăng. Bên cạnh đó, các ca khúc mới như Ngọn đồi hoa bay (sáng tác Đức Trí), Hẹn ước từ hư vô (Phan Mạnh Quỳnh) Mỹ Tâm từng thể hiện trong các đêm nhạc online trước đó cũng được mang vào đêm Gala 1.

Ngoài phần âm nhạc, đêm Gala 1 My Soul 1981 còn để lại nhiều dấu ấn khó quên bởi những phần giao lưu ăn ý, hài hước giữa Mỹ Tâm và các khách mời về những câu chuyện chưa từng kể đằng sau những bản hit được yêu mến. Với Vũ, anh từng xem Mỹ Tâm và các ca khúc của cô như một phần của tuổi thanh xuân, hay Thịnh Suy chia sẻ nhiều về cảm hứng vì sao viết nên ca khúc Một đêm say...

Oscar 2022: Phim trực tuyến lên ngôi và cú tát của Will Smith

Bộ phim độc lập chiếu trực tuyến trên Apple TV+ CODA đã giành giải Phim hay nhất tại lễ trao giải Oscar 2022 diễn ra sáng ngày 28.3 (giờ Việt Nam) tại Los Angeles (Mỹ).

CODA là tác phẩm độc đáo của nữ đạo diễn Sian Heder, chỉ nhận 3 đề cử nhưng thắng cả 3: Phim hay nhất, Nam diễn viên phụ xuất sắc (Troy Kotsur) và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất (Sian Heder). Đối thủ của CODA là The Power of The Dog nhận đến 12 đề cử chỉ thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất dành cho Jane Campion.

Troy Kotsur (53 tuổi) đã làm nên lịch sử với tư cách là nam diễn viên khiếm thính đầu tiên đoạt giải Oscar hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc. Trước ông chỉ có Marlee Matlin, bạn diễn (cũng là người khiếm thính) trong phim CODA nhận Oscar 1987 hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc qua phim Children of a Lesser God. Kotsur vào vai Frank Rossi, cha của Ruby - cô gái trẻ vừa phải vật lộn để giúp gia đình kinh doanh ngành hải sản vừa theo đuổi khát vọng âm nhạc.

Điều khác biệt lớn là lần đầu tiên trong lịch sử Oscar, phim trực tuyến “phá” nhiều kỷ lục tại mùa giải năm nay. Các tác phẩm đoạt giải như The Power of the Dog, Dune hay phim hay nhất là CODA đều đến từ những nền tảng trực tuyến. The Power of the Dog do Netflix phát hành, Dune vừa phát trên HBO Max vừa chiếu rạp và CODA thì chiếu trên nền tảng Apple TV+.

Khoảnh khắc Will Smith tát Chris Rock trên sân khấu Oscar

REUTERS

Khán giả hoàn toàn bất ngờ khi nam tài tử Will Smith bước lên sân khấu thẳng tay tát diễn viên hài Chris Rock vì đã buông lời đùa về mái tóc của vợ anh là nữ diễn viên Jada Pinkett Smith (đang gặp vấn đề rụng tóc). Will Smith nói với Chris Rock: “Bỏ tên vợ tôi ra khỏi miệng của anh nhé!”. Denzel Washington và Tyler Perry đã an ủi Will Smith ở phía sau sân khấu trong sự ngỡ ngàng của nhiều nghệ sĩ tham dự. Ban tổ chức Oscar phải cắt tiếng câu nói của Will Smith trên sóng truyền hình. Sau đó ít phút Will Smith bật khóc khi nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc qua vai diễn trong King Richard.

Nam diễn viên cũng gửi lời xin lỗi tới Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) - nơi tổ chức lễ trao giải Oscar - vì có hành xử quá khích: “Tôi xin lỗi vì đã hành xử như ông bố điên rồ Richard Williams trong phim. Cho tôi gửi lời xin lỗi Viện Hàn lâm, xin lỗi tất cả những đồng nghiệp. Tình yêu khiến con người ta hành động như phát rồ”.

AMPAS cho biết trên Twitter rằng “không chấp nhận bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào”. Cảnh sát Los Angeles tuyên bố các nhà điều tra đã biết vụ việc nhưng “cá nhân liên quan” cho đến nay từ chối báo cảnh sát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.