Mẫu xét nghiệm do người dân đưa lên không đáng tin
Chia sẻ tại Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 55, PGS - TS Nguyễn Quang Miên, Trưởng phòng C14 (Viện Khảo cổ học), cho biết đến giờ đơn vị mới có kết quả một mẫu xét nghiệm để xác định niên đại cọc gỗ ở Cao Quỳ bằng phương pháp đồng vị carbon C14. Trong số này, có 1 mẫu do một trưởng thôn tại địa phương mang lên.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử cho rằng mẫu xét nghiệm do người dân đưa lên thì không đáng tin. TS Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học, phát biểu tại hội nghị: “Tôi không hiểu tại sao lại dùng mẫu của người dân mang lên, mẫu của đoàn khai quật đâu. Mẫu người dân thì tôi không tin vì quy trình lấy mẫu C14 rất phức tạp. Nếu lấy mẫu không chính xác kết quả sẽ sai”.
TS Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học, cũng cho biết về mặt tiêu chuẩn lấy mẫu như vậy là không được. Theo ông Kiên, điều quan trọng nhất để xác định bãi cọc Cao Quỳ thuộc trận chiến Bạch Đằng năm 1288 hay không thì lại chưa khẳng định được. Chính vì vậy, ông Nguyễn Hồng Kiên chưa tin đây là bãi cọc gỗ chiến trận.
Trước đó, sau khi tham quan thực tế bãi cọc vào chiều 28.9, nhà khảo cổ học Nguyễn Văn Hảo cũng đưa nhiều hoài nghi: “Xung quanh khu vực này toàn là núi. Bãi cọc nằm ở giữa. Có thể đây là vùng vịnh cổ gần như khép kín. Trầm tích thì có than bùn. Nếu ở đây là dòng sông thì không thể có trầm tích than bùn được. Vậy thì tại sao lại có cọc gỗ ở đây. Cần có góc nhìn của nhà quân sự để làm rõ”. Ông Nguyễn Văn Hảo nói các kết luận trước đây về bãi cọc là quá vội vàng.
Trong khi đó, GS Lê Văn Lan vẫn cho rằng: “Có cơ sở để nói cọc gỗ Cao Quỳ liên quan đến trận Bạch Đằng năm 1288. Tuy nhiên, vẫn cần phải nghiên cứu đa ngành từ khảo cổ, địa mạo, địa chất để củng cố việc xuất lộ bãi cọc”.
Có cùng quan điểm với GS Lê Văn Lan, GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng bãi cọc Cao Quỳ nhiều khả năng thuộc về trận địa Bạch Đằng năm 1288.
Trước đó, ngày 1.10.2019, trong quá trình đào vườn thuộc cánh đồng Cao Quỳ, ông Nguyễn Tuân Triệu (ngụ thôn 3, làng Mai Động, xã Liên Khê, H.Thủy Nguyên, Hải Phòng) phát hiện 2 cọc gỗ dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm.
Người dân cho rằng đây có thể là cọc gỗ liên quan đến các trận đánh trên sông Bạch Đằng nên báo cơ quan chức năng. Bộ VH-TT-DL sau đó có quyết định cho khai quật khảo cổ tại nơi phát hiện các cọc gỗ. Sau 2 tháng, đoàn khảo cổ đã khai quật được 27 cọc gỗ tại 3 hố.
Đến ngày 21.12.2019, TP.Hải Phòng phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội nghị công bố kết quả khai quật bước đầu tại bãi cọc vừa phát lộ. Tại hội nghị này, các nhà khoa học đều thống nhất bãi cọc Cao Quỳ có liên quan đến chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần với đế quốc Nguyên Mông và đề nghị tiếp tục nghiên cứu, có phương án bảo tồn bãi cọc.
Thực hư chuyện giám mục Bá Đa Lộc cứu vua Gia Long thoát khỏi nhà Tây Sơn
Lâu nay, dư luận vẫn râm ran câu chuyện giám mục Bá Đa Lộc từng đưa vua Gia Long chạy trốn trong rừng sâu, để khỏi mất mạng nếu chẳng may rơi vào tay quân Tây Sơn (năm 1777), đã dấy lên nhiều nghi vấn trong lịch sử.
|
Sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn của Giáo sư Nguyễn Quốc Trị, do Khai Tâm và NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành, vừa nhận giả thưởng Sách Hay lần thứ 10, ở hạng mục sách phát hiện mới, khẳng định: “Thực ra đây chỉ là một sự phao dựng của sử thuộc địa. Còn vào năm 1777, vua Gia Long mới 16 tuổi ta (sinh năm 1762) đang giữ một chức vị nhỏ, chưa vợ con. Thời điểm Nguyễn Ánh lánh sang đảo Thổ Châu khi đó là vào cuối thu và đầu đông, những người trong gia đình, mẹ, vợ, con và chị em cũng không thể có mặt cùng ngài như tài liệu Pháp nói. Mẹ và chị em gái của vua lúc đó còn ẩn náu ở miền Trung, làng Yên (An) Du, H.Minh Linh (Quảng Trị). Mãi cho đến 2 năm sau, họ mới vào đến Gia Định, do Cai Cơ Lê Phúc Điển (chồng của trưởng công chúa Ngọc Tú, người sau đó đã hy sinh để cứu mạng vua), ra đón”.
Sách đã dẫn lập luận: “Một Thừa sai Pháp thuộc hạ của Giám mục Bá viết rằng Nguyễn Ánh đã được chính Đức cha “đem giấu trốn và sai Hồ Văn Nghị đem thức ăn nuôi sống”. Tin này chưa thể tin cậy hoàn toàn, vì do một người bị “bệnh thần kinh” là linh mục Faulet nói ra ba năm sau thời điểm xảy ra sự việc, chỉ dựa vào lời kể những người đồng đạo, không được xác nhận bởi chính Đức cha Bá hoặc phía VN. Hơn nữa, lời nói của một linh mục luôn cần phải được phối kiểm hư thực, vì như Rheinart (Khâm sứ Trung kỳ) đã nói, tin tức của các Thừa sai “không bao giờ chính xác và thường không đúng sự thật”. Còn tài liệu Pháp được các nhà khảo cứu thượng thặng như Maybon, Cadière xác nhận là đúng, thì cho rằng đó là sự tuyên truyền của chính sử Việt theo cách đề cao chân mạng đế vương của vua Gia Long.
Bằng những tư liệu hết sức thuyết phục, Giáo sư Nguyễn Quốc Trị đã chứng minh tiếp, rằng: Cuốn sử nặc danh do nhà in của Dòng Tân Định xuất bản lần thứ hai (năm 1884) có tường thuật vụ này với nhiều chi tiết sai lạc, không ăn khớp với chính sử nhà Nguyễn: Vua Gia Long thoát nạn khi Hoàng Tôn Dương hay Tân Chính vương bị Tây Sơn bắt giết, chớ không phải khi Duệ Vương bị nạn này, như Thực lục đã nói. Vua được “thầy cả bổn quốc” Phao Lồ (Paul Nghị) cứu khi cùng với một người đầy tớ dùng thuyền nhỏ tìm nơi ẩn náu trong rừng. Ông Phao Lồ cũng trên đường đi trốn, đưa vua lên thuyền của mình rồi chèo qua Hà Tiên giấu trong nhà Đức Thầy Vê Rô (Bá Đa Lộc) lúc Đức Thầy đã sang Cao Miên. Ở nhà này được một tháng thì sợ Tây Sơn tìm ra, nên Phao Lồ đưa ngài vào rừng vắng và “thỉnh thoảng chở đồ ăn đến cho mà thôi”.
Vì vậy, câu chuyện lan truyền như lâu nay cho rằng giám mục Bá Đa Lộc có cứu mạng vua Gia Long khỏi nhà Tây Sơn rất khó có thể xảy ra.
TP.HCM hỗ trợ kinh phí cho Long An xây Nhà lưu niệm giáo sư Trần Văn Giàu
Ngày 1.10, tại khu đất dòng họ của giáo sư Trần Văn Giàu (xã Dương Xuân Hội, H.Châu Thành, Long An), UBND tỉnh Long An tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình Nhà lưu niệm giáo sư Trần Văn Giàu.
|
Theo ông Phạm Tấn Hòa - Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, Nhà lưu niệm giáo sư Trần Văn Giàu đã được UBND tỉnh Long An xếp hạng di tích cấp tỉnh, gồm nhà thờ họ Trần và khu mộ giáo sư cùng gia đình… với tổng diện tích gần 3.000 mét vuông. Tổng kinh phí xây dựng Nhà lưu niệm gần 8,6 tỉ đồng do ngân sách TP.HCM hỗ trợ cho tỉnh Long An. Công trình sẽ được hoàn thành trong năm 2021.
Phim Ròm cán mốc 2 triệu USD sau 1 tuần công chiếu
Tác phẩm của đạo diễn Trần Thanh Huy đã xuất sắc đoạt giải New Currents - giải cao nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Busan 2019, đã chính thức trình làng khán giả Việt vào ngày 25.9. Sau 1 tuần công chiếu phim thu về 2 triệu USD (hơn 46 tỉ đồng).
|
Mất 8 năm để hoàn thành, Ròm đã trải qua một hành trình dài, từ việc thắng giải cao nhất tại Liên hoan phim quốc tế Busan năm 2019, sau đó bị phạt, rồi chỉnh sửa lại bản phim mới được ra rạp. Lấy bối cảnh một khu chung cư cũ đang chờ giải tỏa tại Sài Gòn, Ròm kể câu chuyện về cuộc sống của những người dân lao động nơi đây. Họ đều chơi số đề, xem trò may rủi là cơ hội kiếm tiền, hòng thay đổi cuộc đời. Trong phim, nhân vật Ròm (Trần Anh Khoa thủ vai) là cậu bé làm “cò đề” để kiếm sống qua ngày, chuyên tư vấn cho người dân những con số may mắn để họ có cơ may trúng số.
Tuy nhiên, bộ phim cũng nhận không ít ý kiến trái chiều: gây hẫng về kịch bản, nhất là ở đường dây xuyên suốt cũng như tâm lý, động cơ, cách giải quyết vấn đề của từng nhân vật trong phim… Có ý kiến cho rằng phim chỉ như một mảnh ghép “nghệ thuật” chưa liền mạch. Càng nhiều tranh cãi, bàn luận, Ròm càng nhiều hy vọng khán giả đến rạp để cùng thưởng thức và khám phá vì sao bộ phim giành được giải cao, làm rạng danh cho điện ảnh Việt đương thời.
Nhạc sĩ Lê Quang cắt bỏ bàn chân, nhạc sĩ Trần Tiến dưỡng bệnh ở Vũng Tàu
Theo ca sĩ Cam Thơ, nhạc sĩ Lê Quang bị bệnh tiểu đường, trước đó đã từng có vết thương ở chân nhưng vì không đi khám và để quá lâu nên vết thương nhiễm trùng, bị hoại tử và phải nhập viện ở Mỹ cắt bỏ một phần chân.
|
Cam Thơ cho biết khi các nghệ sĩ thân thiết với Lê Quang hay tin, một số ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Thảo, Mỹ Tâm... muốn tổ chức đêm nhạc để ủng hộ anh tiền viện phí. “Chúng tôi bất ngờ và cảm động. Cảm ơn mọi người, cảm ơn nhóm anh em thân hữu… đã lo lắng cho Lê Quang. Nhưng bây giờ chưa cần đến số tiền quyên góp đó”, nhạc sĩ Lê Quang nói. Anh chia sẻ thêm: “Hiện tôi đang chờ ca mổ thứ 2 - thông mạch máu, tôi nghĩ chắc cũng sẽ ổn thôi”. Và bà xã Cam Thơ động viên chồng: “Mong anh sớm hồi phục để gắn chân giả vào, công nghệ bây giờ tân tiến rồi, đeo chân vào vẫn sẽ đi chơi, đứng đàn như thường...Và mong anh sớm khỏe để về Việt Nam vì anh nhớ Việt Nam lắm rồi”.
Rất nhiều khán giả, người quen biết, bạn bè đã chia sẻ và gửi lời cầu chúc sớm phục hồi sức khỏe đến nhạc sĩ Lê Quang dưới kênh YouTube của Cam Thơ
Cùng thời điểm này, người hâm mộ nhạc sĩ Trần Tiến (tác giả của Vết chân tròn trên cát, Chiếc vòng cầu hôn, Ngọn lửa cao nguyên, Mặt trời bé con...) vừa hay tin ông đang phải dưỡng bệnh - như người nhà nhạc sĩ cho biết. Và theo thông tin từ những người bạn âm nhạc của ông, nhạc sĩ Trần Tiến đang dưỡng bệnh ở Vũng Tàu sau những ngày nhập viện tại TP.HCM.
The Album của BlackPink dẫn đầu bảng xếp hạng iTunes toàn cầu
Theo Soompi, vào 13 giờ ngày 2.10 (giờ địa phương), nhóm nhạc BlackPink chính thức phát hành full album đầu tay - The Album và ca khúc chủ đề Lovesick Girls. Ngay sau đó, thông báo từ YG Entertainment cho biết tính đến 7 giờ ngày 3.10 (giờ địa phương), The Album đã đạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng iTunes top album ở ít nhất 57 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, Canada, Brazil, Mexico, Chile, Tây Ban Nha, Pháp, Thái Lan và Việt Nam.
|
Đáng chú ý tại thị trường Mỹ, dù BlackPink phát hành album cùng thời điểm với danh ca Mariah Carey (album tổng hợp The Rarities), nhóm nhạc nữ Hàn Quốc vẫn vươn lên thẳng vị trí số 1 iTunes nước Mỹ chỉ sau 90 phút. Trong khi The Rarities của danh ca Mariah Carey xếp vị trí thứ 2.
Trước khi ra mắt, The Album vượt qua 1 triệu đơn đặt hàng trước. Sản phẩm âm nhạc của BlackPink trở thành album bán chạy nhất của nhóm nhạc nữ tại Hàn Quốc, vượt qua S.E.S với album Love - phát hành năm 1999 (760.000 bản). Đây cũng là album có số lượng đặt hàng trước cao nhất từng được ghi nhận đối với một nhóm nhạc nữ K-pop.
Bình luận (0)