Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Phát động cuộc thi viết 'Nghĩa tình miền Tây'

05/06/2022 07:00 GMT+7

Lễ phát động cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây được nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên , công bố vào sáng 31.5, nhân Hội thảo “Xóa trắng” cao tốc, diễn ra tại Tòa soạn Báo Thanh Niên , TP.HCM.

Tiếp nối thành công của các cuộc thi viết: Thành phố tôi yêu dành cho Sài Gòn - TP.HCM (năm 2019), Hà Nội - Thành phố tôi yêu (2020 - 2021), Thương nhớ miền Trung (2020) cũng như sự hưởng ứng nhiệt thành đối với cuộc thi Sống đẹp (2021) và hiện đang diễn ra mùa 2 - 2022, Báo Thanh Niên tổ chức cuộc thi viết chủ đề Nghĩa tình miền Tây, diễn ra từ nay đến hết ngày 30.9.2022.

Cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây là dịp để mọi công dân VN, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ VN thể hiện những xúc cảm, sự mến yêu hay ân tình của mình đối với miền Tây, cụ thể là các tỉnh - thành: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Vườn quýt ở H.Lai Vung (Đồng Tháp)

DUY TÂN

Trong âm nhạc, chúng ta có lẽ đã từng nghe những bài ca toát lên nét đẹp đặc trưng của các tỉnh miền Tây, như Áo mới Cà Mau (Thanh Sơn) với “người Cà Mau dễ thương vô cùng”, như Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang đầy da diết của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển - một trong những nhạc phẩm nổi tiếng viết về Bạc Liêu nơi ông đã có thời gian gắn bó, là Kiên Giang mình đẹp lắm (Lư Nhất Vũ - Lê Giang), hay giai điệu Về miền Tây của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng thường vang lên rộn rã quen thuộc trên những chuyến xe, chuyến phà về miền Tây một thời...

Với phim ảnh và văn học, nhiều người hẳn vẫn còn nhớ bộ phim truyền hình Đất phương nam nổi tiếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn (được chuyển thể từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi), nay đang được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thực hiện phiên bản điện ảnh; hay bộ phim điện ảnh Mùa len trâu của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh dựa trên tác phẩm cùng tên trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, tái hiện cuộc sống của những người nông dân miền Tây sông nước đầu thế kỷ 20, mỗi khi mùa lũ về, những người làm nghề “len trâu” phải đưa trâu đi lên vùng cao để sống qua mùa lũ…

Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn hy vọng: “Khi tham gia cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây, các tác phẩm sẽ gửi gắm, chuyển tải thật phong phú, sinh động, đậm tình, thắm nghĩa không chỉ những kỷ niệm, ký ức về miền Tây của hôm qua, mà cả những câu chuyện của hôm nay. Và điều đặc biệt trong cuộc thi viết lần này, có thêm một hạng mục chính luận để hưởng ứng Nghị quyết số 13 - NQ/TW ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, rất mong được nhận những bài viết tâm huyết về mong ước hay đề xuất, ý kiến để cùng góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh ĐBSCL”.

Trong mỗi cuộc thi, những bài viết có chất lượng được Ban giám khảo vòng sơ khảo chọn đăng trên chuyên trang theo chủ đề của báo giấy, cũng như chuyên mục cùng tên trên Thanh Niên Online và được trả nhuận bút theo quy định. Sau mỗi cuộc thi, những bài viết tiêu biểu và đoạt giải sẽ được Ban tổ chức in sách và phát hành.

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn CT Group, đơn vị đồng hành cùng cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây, cho biết: “Chúng tôi rất cảm động và hạnh phúc khi đồng hành cùng cuộc thi hết sức ý nghĩa này. Chủ đề Nghĩa tình miền Tây đã nói lên nhiều những cảm xúc của những ai từng sinh ra, lớn lên, từng sống và làm việc ở miền Tây. Miền Tây có thể hạ tầng chưa phát triển, có thể khó khăn về kinh tế - xã hội nhưng rất giàu nghĩa tình. Sự phát triển của miền Tây sẽ rất bền vững trên nền tảng văn hóa đó. Để khởi đầu cho sự phát triển mới, tôi cho rằng cuộc thi này hết sức đúng hướng, đúng thời điểm. Cảm ơn Báo Thanh Niên đã tạo điều kiện cho chúng tôi đồng hành cùng cuộc thi đầy ý nghĩa này”.

6 đoàn nghệ thuật quốc tế trình diễn tại Festival Huế 2022

Chiều 1.6, theo thông tin từ Ban tổ chức Festival Huế 2022, hiện có 6 đoàn nghệ thuật quốc tế với sự góp mặt của nhiều tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến từ 4 quốc gia gồm: Bỉ, Brazil, Israel và Pháp xác nhận tham dự Festival Huế 2022 (diễn ra từ 25 - 30.6).

Nghệ sĩ Konoba đến từ nước Bỉ là tác giả, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất và nhạc công chơi nhiều nhạc cụ. Bài hát On Our Knees của anh đã vượt qua con số 50 triệu lượt xem ở châu Âu.

Nhóm nhạc Gute Gute, mang hương vị Địa Trung Hải, sẽ biểu diễn tại Festival Huế 2022

BTC

Đoàn Israel có sự góp mặt của nhóm nhạc Gute Gute, mang hương vị Địa Trung Hải. Gute Gute là một trong những nhóm nhạc hàng đầu của đất nước này, với phong cách pha trộn của âm nhạc Israel, Balkan, Địa Trung Hải, electro-dance và chất truyền thống đầy tinh tế.

Đặc biệt, dịp này nhóm nhạc Kid Francescoli cũng có mặt tại Huế. Đây là nhóm nhạc được cho là bậc thầy dòng nhạc pop điện tử nước Pháp. Kid Francescoli mang đến những bản nhạc điện tử vừa mê hoặc, sôi động nhưng cũng phảng phất u sầu. Bản nhạc mang tên Moon của nhóm đã đạt được 64 triệu lượt xem trên YouTube và phá vỡ các kỷ lục trên TikTok với hơn 570.000 lượt sử dụng ghép nhạc vào video cá nhân của người dùng khắp thế giới.

Ngoài ca nhạc, Festival Huế 2022 còn mang đến những chương trình triển lãm nghệ thuật đặc sắc từ các đoàn nghệ thuật quốc tế. Trong thời gian tới, ban tổ chức sẽ tiếp tục công bố thêm 4 đoàn nghệ thuật quốc tế từ các quốc gia khác như Tây Ban Nha, Nga, Ả Rập Xê Út và Thái Lan.

Xem xét kiến nghị thu hồi di sản Lễ giỗ bà Phi Yến

Liên quan việc kiến nghị thu hồi danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ giỗ bà Phi Yến ở H.Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có văn bản gửi Bộ VH-TT-DL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xem xét, xử lý.

Cụ thể, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phước tộc VN theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Miếu bà Phi Yến (An Sơn miếu)

BÙI THANH

Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 26.4 Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc VN đã tổ chức buổi tọa đàm và gửi thư kiến nghị Bộ VH-TT-DL thu hồi quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến. Dựa vào chính sử triều Nguyễn, thế phả của Hoàng tộc triều Nguyễn, ghi chép của các sử gia người Pháp cùng các nghiên cứu đã công bố…, tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu đã chứng minh bà thứ phi Hoàng Phi Yến (còn gọi Phi Yến, tên là Lê Thị Răm) và hoàng tử Cải (hoàng tử Hội An) là 2 nhân vật truyền thuyết, hư cấu, xuyên tạc lịch sử, xúc phạm nhân vật lịch sử như vua Gia Long. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cùng ký tên vào bản kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc VN, gửi Thủ tướng, Bộ VH-TT-DL, Cục Di sản văn hóa cùng các cơ quan liên quan đề nghị thu hồi quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến, lễ hội truyền thống An Sơn miếu tại H.Côn Đảo.

Quảng Bình tổ chức dày đặc sự kiện kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm

Chiều 30.5, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức họp báo định kỳ tháng 5, trong đó điểm nhấn là thông tin cho giới truyền thông về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16.6.1957 - 16.6.2022).

Theo ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình là sự kiện chính trị quan trọng nhằm biểu dương những thành quả của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Bình đã đạt được trong học tập và làm theo lời căn dặn của Bác Hồ suốt 65 năm qua.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình được khánh thành vào năm 2020

BÁO QUẢNG BÌNH

Đồng thời, thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Đảng, Bác Hồ; giáo dục sâu rộng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, ghi nhận những tình cảm thiêng liêng của bà con đồng bào các dân tộc, đặc biệt là bà con Bru - Vân Kiều đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Do đó, tỉnh Quảng Bình lập kế hoạch cụ thể tổ chức dày đặc các sự kiện kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm.

Cụ thể, ngoài phát động đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm, tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức các sự kiện, gồm lễ dâng hương, dâng hoa tại Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên đường 20 "Quyết thắng", Đền thờ chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ Quảng Bình, Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lễ báo công dâng Bác và chương trình nghệ thuật tại Quảng trường Hồ Chí Minh (đường Hùng Vương, TP.Đồng Hới) diễn ra vào tối 14.6; lễ khởi động dự án cấp điện cho 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch (H.Bố Trạch) và dự án nâng cấp đường 20 “Quyết thắng” vào ngày 14.6; giao lưu “Đồng bào Bru - Vân Kiều tỉnh Quảng Bình 65 năm vinh dự mang họ Hồ” vào ngày 12.6.

Ngoài ra, có một số hoạt động văn hóa như: sản xuất phim tài liệu kỷ niệm; trưng bày và triển lãm sách, hiện vật, hình ảnh với chủ đề “65 năm Quảng Bình làm theo lời Bác Hồ dạy” tại Bảo tàng tổng hợp, Thư viện tỉnh Quảng Bình (từ ngày 10.6 đến 20.6).

Triangle of Sadness đoạt giải Cành cọ vàng của LHP Cannes 2022

Bộ phim Triangle of Sadness của đạo diễn Thụy Điển Ruben Ostlund đã giành giải Cành cọ vàng - Phim hay nhất tại Liên hoan phim (LHP) Cannes kết thúc tối 28.5 (giờ Pháp).

“Khi bắt đầu làm bộ phim này, chúng tôi có mục tiêu thực sự là cố gắng tạo ra một tác phẩm điện ảnh thú vị cho khán giả với nội dung kích thích tư duy”, đạo diễn Ostlund nói khi lên nhận Cành cọ vàng LHP Cannes.

Đạo diễn Ruben Ostlund nhận giải Cành cọ vàng

REUTERS

Khám phá những quan niệm về vẻ đẹp và đặc quyền, bộ phim đưa hai người mẫu lên du thuyền sang trọng rồi để họ bị mắc kẹt trên một hòn đảo hoang với một số ít nhân viên và vị khách tỉ phú. Nhân viên phục vụ nhà vệ sinh được chứng minh là người có kỹ năng sinh tồn tốt nhất.

“Điều độc đáo ở Ostlund là anh ấy khiến bạn cười nhưng cũng khiến bạn phải suy nghĩ. Bất kể anh ấy xử lý khối cầu nào, chúng ta nhất định phải nhìn thế giới theo cách khác”, tờ Variety đánh giá về bộ phim. Ostlund từng đoạt giải Cành cọ vàng năm 2017 cho bộ phim The Square - một tác phẩm châm biếm về một giám tuyển nghệ thuật có uy tín.

Ban tổ chức LHP Cannes 2022 đã trao giải Grand Prix cho hai bộ phim Close của đạo diễn Bỉ Lukas Dhont về tình bạn và sự nam tính và phim Stars at Noon lấy bối cảnh ở Nicaragua ngày nay của nhà làm phim Pháp Claire Denis.

Giải thưởng của ban giám khảo thuộc về hai bộ phim: The Eight Mountains của hai đạo diễn Bỉ Felix Van Groeningen, Charlotte Vandermeersch và EO của đạo diễn Ba Lan Jerzy Skolimowski, được kể qua con mắt của một con lừa.

Ngôi sao Hàn Quốc Song Kang Ho đã nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc với vai diễn trong phim Broker trong khi đạo diễn Hàn Quốc Park Chan Wook giành giải Đạo diễn xuất sắc với bộ phim kinh dị lãng mạn Decision to Leave.

Zar Amir Ebrahimi người Iran thắng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc cho vai nhà báo theo dõi kẻ giết người hàng loạt trong phim Holy Spider đã vô cùng xúc động khi nhận giải. “Có thể tôi ở đây tối nay là thông điệp đặc biệt gửi đến phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ Iran”, nữ diễn viên nói trong một cuộc họp báo ngay sau lễ trao giải.

Nữ diễn viên Pháp Carole Bouquet đã công bố Giải thưởng đặc biệt kỷ niệm 75 năm thành lập LHP Cannes được trao cho anh em đạo diễn Bỉ Jean-Pierre Dardenne và Luc Dardenne qua phim Tori and Lokita.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.