Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Đặt lại lư hương trước tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo

20/03/2022 07:00 GMT+7

Sau hơn 3 năm kể từ ngày di dời về Đền thờ Trần Hưng Đạo trên đường Võ Thị Sáu, lư hương đã được đưa về lại trước tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo ở Công viên Mê Linh.

Sáng 17.3, Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức lễ khánh thành dự án công viên Bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh, P.Bến Nghé, Q.1. Tham dự lễ khánh thành có Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM Tô Thị Bích Châu, cùng lãnh đạo nhiều sở, ban ngành thành phố.

Từ sáng sớm, nhiều người dân đã đến 2 công viên này để dạo chơi, tập thể dục. Theo ghi nhận, phía trước tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo trên đường Tôn Đức Thắng, hướng ra sông Sài Gòn đặt một lư hương. Qua tìm hiểu, lư hương này được đặt trước tượng đài vào đêm 16.3.

Trước đó, vào ngày 17.2.2019, Q.1 di chuyển lư hương trước tượng đài về Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo ở số 36 Võ Thị Sáu (P.Tân Định). Sau đó, UBND Q.1 triển khai dự án cải tạo công viên Bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh, lấy ý kiến người dân về phương án thiết kế kiến trúc.

Nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM (thứ 2 từ phải qua) chụp hình kỷ niệm bên lư hương mới được đặt lại

SỸ ĐÔNG

Trong phương án được lấy ý kiến rộng rãi hồi tháng 11.2021, phía trước tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo có đặt một lư hương. Nhiều ý kiến người dân ghi trong sổ góp ý thể hiện sự đồng tình với phương án, đồng thời đề nghị tăng cường mảng xanh.

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết công viên Bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh hư hại, xuống cấp sau nhiều năm sử dụng nên cần được nâng cấp, sửa chữa đẩy phát huy công năng không gian công cộng phục vụ cộng đồng và cải thiện cảnh quan khu vực trung tâm.

Riêng tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo có một số chỗ bị thời tiết và môi trường xâm thực, không đảm bảo mỹ quan và an toàn cũng được trùng tu lại, với sự tham vấn kỹ lưỡng của Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cùng các chuyên gia đầu ngành. Sau trùng tu, tượng đài Trần Hưng Đạo giữ được tính nguyên bản.

Tạm dừng thi công giếng ngọc ở đền Lê Văn Hưu

Ngày 19.3, ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND H.Thiệu Hóa, cho biết huyện này đã cho tạm dừng thi công (từ ngày 18.3) hạng mục giếng ngọc tại đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung, H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa) để chờ Sở VH-TT-DL Thanh Hóa kiểm tra, chỉ đạo.

Cũng theo ông Anh, các hạng mục khác như nhà từ đền, ao đền, nhà bia… vẫn tiến hành xây dựng và tôn tạo bình thường. Trước khi tạm dừng thi công, khu vực giếng ngọc đã được nhà thầu quây kín bạt xung quanh.

Như Thanh Niên phản ánh, dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu giai đoạn 3 đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân lẫn nhà nghiên cứu, người am hiểu về lịch sử, văn hóa khi chính quyền cho phá bỏ giếng cổ để xây dựng giếng mới với diện tích nhỏ hơn.

Giếng ngọc đang tạm dừng thi công để Sở VH-TT-DL Thanh Hóa kiểm tra và có chỉ đạo tiếp theo

PHÚC NGƯ

Theo người dân, cách tu bổ, tôn tạo giếng ngọc bằng việc phá bỏ cái cũ, làm cái mới như vậy là không tôn trọng yếu tố lịch sử, di tích và tâm linh, dù rằng thiết kế xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sau khi Báo Thanh Niên có bài phản ánh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu Sở VH-TT-DL, UBND H.Thiệu Hóa (Thanh Hóa) kiểm tra, làm rõ và có biện pháp xử lý đảm bảo việc tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện theo đúng quy định, và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.

Giếng ngọc ở đền Lê Văn Hưu có đường kính rộng hơn 10 m, nhưng hiện nay đơn vị thi công làm theo thiết kế được duyệt, là phá bỏ giếng cũ để làm giếng mới đường kính chỉ rộng hơn 6 m.

Nguyên nhân thu nhỏ giếng lại theo giải thích của đại diện chủ đầu tư dự án là để có diện tích làm đường lưu thông giữa chùa Hương Nghiêm với đền Lê Văn Hưu, và có diện tích để xây dựng nhà bia.

Lễ hội Bà Thu Bồn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Sáng 14.3, nhằm ngày 12.2 âm lịch, tại khu di tích lăng Bà Thu Bồn (xã Duy Tân, H.Duy Xuyên, Quảng Nam), UBND H.Duy Xuyên tổ chức Lễ công bố quyết định và đón nhận bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn.

Tại lễ công bố, hàng ngàn người dân Quảng Nam và du khách thập phương tham dự, xem các chương trình nghệ thuật tái hiện lịch sử của di sản, di tích Bà Thu Bồn.

Ông Nguyễn Thế Đức, Phó chủ tịch UBND H.Duy Xuyên, cho biết Lễ hội Bà Thu Bồn có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân vùng thượng lưu sông Thu Bồn.

H.Duy Xuyên đón nhận bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn

MẠNH CƯỜNG

Là lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng dân gian được truyền lại qua bao đời nhằm thể hiện lòng thành kính, tôn vinh, tri ân công đức của Bà và các vị tiền nhân trong công cuộc mở cõi, lập làng, tạo cơ sở và điều kiện cho các thế hệ kế tiếp an cư lạc nghiệp, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Chăm, Cơ Tu, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn.

Nhạc sĩ Ngọc Châu, tác giả Thì thầm mùa xuân qua đời

Nhạc sĩ Ngọc Châu, người nổi tiếng với nhiều ca khúc nhạc trẻ, trong đó có những ca khúc về mùa xuân, đã qua đời hồi 7 giờ 20 ngày 17.3 tại Bệnh viện 108 do suy tim giai đoạn cuối.

Nhạc sĩ Ngọc Châu

NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Nhạc sĩ Ngọc Châu sinh năm 1967, trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Anh là con của NSƯT Vũ Dậu và nghệ sĩ đàn bầu Phạm Ngọc Hướng. Nam nhạc sĩ là tác giả của những ca khúc nổi tiếng như Thì thầm mùa xuân, Chiều xuân, Cô tấm ngày nay, Mùa thu vàng, Nếu điều đó xảy ra… Trong đó, ca khúc Thì thầm mùa xuân từng giúp anh vào top 10 bình chọn của Làn Sóng Xanh. Ngoài sáng tác, Ngọc Châu từng đảm nhiệm phần thu và mix âm thanh cho một số chương trình âm nhạc.

Bàn giao 10 tài liệu hơn 400 năm liên quan đến Cống Quận công Trần Đức Hòa

Sáng 18.3, tại Khu tưởng niệm Cống Quận công Trần Đức Hòa của gia tộc Trần Đức (ở khu phố Tài Lương 3, P.Hoài Thanh Tây, TX.Hoài Nhơn, Bình Định), UBND TX.Hoài Nhơn và gia tộc đã tổ chức lễ húy kỵ, giao nhận sắc phong liên quan Cống Quận công Trần Đức Hòa.

Sau lễ húy kỵ, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo TX.Hoài Nhơn, ông Trần Đức Nghị (trưởng gia tộc Trần Đức - hậu duệ đời thứ 12 của gia tộc) đã bàn giao 10 đạo sắc phong, chỉ dụ của vua Lê, chúa Nguyễn liên quan đến Cống Quận công Trần Đức Hòa cho đại diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 (bàn giao bản gốc, ký gửi) để bảo quản, phát huy hơn nữa giá trị những tư liệu Hán Nôm quý hiếm này.

Đại diện tộc Trần Đức (giữa) bàn giao các tài liệu cổ cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2

ĐOÀN LANG

Đây là những tư liệu quý hiếm, có niên đại trên dưới 400 năm, gồm: 7 đạo sắc phong của vua Lê chúa Nguyễn, 2 đạo chỉ thị của 2 vị quốc công đều làm chúa ở Nam Hà và một văn kiện cấp bằng của Bộ Lại triều Lê.

Giữa tháng 12.2021, gia tộc Trần Đức cũng đã hiến tặng cho UBND TX.Hoài Nhơn hơn 1.800 m2 đất, công trình đã tôn tạo (trị giá khoảng 3 tỉ đồng) tại Khu tưởng niệm Cống Quận công Trần Đức Hòa của gia tộc để chính quyền có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, phục dựng, tôn tạo quần thể di tích Đền thờ Đào Duy Từ và mộ Cống Quận công Trần Đức Hòa... góp phần phát triển du lịch gắn với khai thác giá trị các di tích ở địa phương.

Theo sử sách triều Nguyễn, Cống Quận công Trần Đức Hòa là người xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, TX.Hoài Nhơn, Bình Định), phục vụ cho triều của chúa Nguyễn Hoàng (chúa Tiên, 1558-1613) và Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi, 1613-1635).

Ông cùng chúa Sãi bàn mưu tính kế việc quân việc nước, được chúa coi là thân tín. Cháu Sãi thường gọi ông Trần Đức Hòa là nghĩa đệ (tức em kết nghĩa).

Trong thời gian giữ chức Tuần phủ khám lý phủ Quy Nhơn (nay là tỉnh Bình Định), ông Trần Đức Hòa “trong vỗ an dân chúng, ngoài cung cấp lương hướng cho quân đội, được xem là chỗ dựa của triều đình”. Ông cũng là người giúp đỡ, tiến cử danh nhân Đào Duy Từ cho chúa Nguyễn.

Cống Quận công Trần Đức Hòa cũng là người bảo trợ, chu cấp cho các linh mục, thừa sai Dòng Tên như: Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Christophoro Borri, những người khởi đầu sáng tạo chữ Quốc ngữ tại cư sở Nước Mặn (H.Tuy Phước, Bình Định) ở giai đoạn giữa năm 1618 đến đầu năm 1620.

Đạo diễn Vũ Minh – Một đời tài hoa

Đạo diễn Vũ Minh đột ngột qua đời lúc 3 giờ 20 ngày 13.3 khiến đồng nghiệp và khán giả bàng hoàng. 56 tuổi, anh còn rất sung sức trên sàn diễn, vậy mà sớm ra đi, để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ cho sân khấu.

Vũ Minh vào nghề một cách “vô tình”. Cha mẹ ly dị, anh làm đủ thứ để nuôi các em, có khi lăn lóc như những đứa trẻ bụi đời mà anh từng khắc họa trong vở kịch Trái tim nhảy múa. Anh đem tuổi thơ của mình vào đó, khán giả rưng rưng vì mọi thứ rất thật, rất chân thành. Đúng là Vũ Minh đã đi qua tuổi thơ nghiệt ngã nhưng cũng đầy tình thương yêu, đùm bọc của những người khốn khổ như anh. Cho đến mùa trung thu 1983, chàng thanh niên ấy đi ngang Trung tâm Múa rối Nụ Cười của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, thấy tấm bảng ghi tuyển diễn viên, anh bèn bạo gan ghi danh, và trúng tuyển. Thế là 15 năm Vũ Minh đắm say với múa rối, đắm say cùng thế giới trẻ thơ. Có lẽ đó là nền tảng để sau này anh thành công với gần 20 vở kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa.

Đạo diễn Vũ Minh

T.L

Từ rối, Vũ Minh theo học khóa đạo diễn Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, tốt nghiệp năm 2001 và bắt đầu vừa viết vừa dựng cho hàng loạt vở ăn khách như Hoàng tử Ai Cập, Na Tra đại náo thủy cung, Cậu bé rừng xanh, Chàng Lang Thang và nàng Tùy Tiện, Chú bé khoai lang tây và ba bà tiên, Aladin và đủ thứ thần, Vua bò cạp, Sơn Tinh-Thủy Tinh, Thánh Gióng, Phù Đổng Thiên Vương, Trần Quốc Toản ra quân

Vũ Minh còn bước sang lĩnh vực kịch người lớn với những vở cũng rất ăn khách, như Lời nói dối cuối cùng, Bệnh sĩ, Người tốt nhà số 5, Trái tim trong trắng, Hạnh phúc trên đồi hoa máu, Hợp đồng mãnh thú, Tía ơi má dìa, Sát thủ hai mảnh, Họng súng vô hình, Bông hồng cài áo, Dạ cổ hoài lang, Lời nguyền phù thủy… trong đó nhiều vở của tác giả Lưu Quang Vũ thuộc hàng kinh điển. Anh còn mạnh dạn bước sang cải lương, dựng chương trình Gìn vàng giữ ngọc, vở Đả chiến phá sông Ngân, Lữ Bố hí Điêu Thuyền… với một ngôn ngữ mới lạ, hiện đại nhưng vẫn không mất đi tính truyền thống.

Vũ Minh còn là giảng viên môn nghệ thuật biểu diễn tại Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, góp công đào tạo nhiều diễn viên trẻ như Xuân Thùy, Thu Trang, Hải Yến, Quốc Trung, Quốc Tuấn, Trang Đài… đang biểu diễn rất tốt ở sân khấu IDECAF, 5B, Thế Giới Trẻ (TP.HCM) và tham gia phim ảnh. Anh từng tâm sự: “Các em còn tâm huyết theo đuổi sân khấu thì nhiệm vụ của tôi phải là người đưa đò tận tụy, cố gắng truyền nghề để sân khấu còn thế hệ kế thừa”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.