Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Vĩnh biệt nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo

10/01/2021 06:00 GMT+7

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - cây đại thụ của đờn ca tài tử Nam bộ, vừa qua đời chiều tối ngày 7.1.

“Di sản sống” của âm nhạc dân tộc Việt Nam

Theo thông tin từ gia đình nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo ở Đồng Tháp, ông qua đời lúc 18 giờ 50 hôm 7.1 sau thời gian chống chọi bệnh do tuổi cao sức yếu, thọ 104 tuổi.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Ông được giới đờn ca tài tử Nam bộ và các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc trong và ngoài nước biết đến như “di sản sống”. Ông không chỉ nói được 5 thứ tiếng, chơi điêu luyện hàng chục nhạc cụ trong nước và thế giới, mà còn tham gia giảng dạy âm nhạc tại nhiều trường đại học nổi tiếng tại nhiều quốc gia.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo còn sáng tạo ra dây Tỳ (hò-liu-sol-sol) và dây Xề (rề-sol) cho cây đàn gáo và đã cải tiến đàn tranh 16 dây thành 17 dây, 19 dây và 21 dây với nhiều tính năng vượt trội. Gần đây, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và gia đình về sinh sống tại TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp.
Hồi tháng 5.2020, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã tham dự sự kiện công bố sách Nguyễn Vĩnh Bảo - Những giai điệu cuộc đời (tái bản lần thứ nhất) tại TP.Cao Lãnh do Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức. Tác phẩm viết về nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, một cây đại thụ của đờn ca tài tử Nam bộ, người con ưu tú của đất Đồng Tháp. Sách của nhóm tác giả do GS-TS Nguyễn Thuyết Phong chủ biên, tái bản lần thứ nhất (in lần đầu vào năm 2015). Sách có độ dày 400 trang, khổ in 14,5 x 21,5 cm, với số lượng in là 1.500 quyển.
Cũng trong sự kiện này, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã chia sẻ nhiều câu chuyện về cuộc đời thăng trầm và tình yêu của ông dành cho âm nhạc dân tộc. Đồng thời, ông và gia đình đã chính thức bàn giao Hiệu đàn Vĩnh Bảo mà ông đã dày công gầy dựng cho tỉnh Đồng Tháp như lời gắn kết ấm tình đất, tình người.

Quảng bá du lịch Việt Nam trên YouTube

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam trên YouTube

Việt Nam: đi để yêu là tên chiến dịch quảng bá, đẩy mạnh kích cầu du lịch trên YouTube do Trung tâm thông tin du lịch - Tổng cục Du lịch tổ chức.
Chiến dịch ra mắt và triển khai ngày 7.1, là hoạt động nối tiếp của chương trình Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn, do Bộ VH-TT-DL phát động từ năm 2020.
Theo Tổng cục Du lịch, chiến dịch Việt Nam: đi để yêu có sự góp mặt của nhiều nhà sáng tạo nội dung YouTube nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong giới trẻ với lượng theo dõi lớn. Theo đó, mỗi nhà sáng tạo nội dung YouTube sẽ đóng vai trò như một “thuyết minh viên du lịch trực tuyến” khám phá về văn hóa, ẩm thực, con người và thiên nhiên Việt Nam. Sau mỗi chuyến đi, các nhà sáng tạo nội dung sẽ chia sẻ video trên kênh YouTube cá nhân, trên kênh YouTube chính thức của Tổng cục Du lịch tại địa chỉ https://www.youtube.com/vietnamtourismmedia.
Tổng cục Du lịch cho biết mọi nhà sáng tạo nội dung đều có thể tham gia chiến dịch bằng việc gửi các video clip về kênh YouTube chính thức của Tổng cục Du lịch do Trung tâm thông tin du lịch làm đầu mối, qua địa chỉ [email protected].
Cũng theo Tổng cục Du lịch, chiến dịch hiện có sự tham gia của những nhà sáng tạo nội dung YouTube như: Khoai Lang Thang, Chan La Cà, Fly Around Vietnam, H’Hen Niê… Đây cũng là bước đi thể hiện quyết tâm của ngành du lịch với sự điều phối của Tổng cục Du lịch trong việc ứng dụng công nghệ số hỗ trợ phát triển du lịch.

Tác phẩm của họa sĩ Ngô Ngọc Thành bị xước rất sâu

ẢNH: NSCC

Nhiều tác giả gửi đơn đòi Ban tổ chức Triển lãm mỹ thuật Việt Nam bồi thường

Ban tổ chức Triển lãm mỹ thuật Việt Nam cho biết hiện đã có 9 tác giả gửi đơn liên quan đến tác phẩm bị mất, hỏng và đòi bồi thường. Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020 khai mạc chiều 1.12.2020 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội).
Chiều 6.1, bà Trần Thị Thu Đông, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), cho biết hiện đã có 9 đơn gửi về Ban tổ chức Triển lãm mỹ thuật Việt Nam liên quan đến các tác phẩm mất, hỏng; trong đó có 2 đơn của tác giả bị mất tác phẩm là họa sĩ Phạm Hùng Anh (mất 1 tranh giấy vẽ bút sắt) và nhà điêu khắc Triệu Ngọc Thạch (1 tượng nằm trong bộ tượng).
“7 tác phẩm còn lại hiện ban tổ chức đang lần lượt gặp các tác giả để cùng bàn cách thỏa thuận. Còn trường hợp mất tác phẩm thì phải chờ công an”, bà Thu Đông nói.
Cũng trong chiều 6.1, ông Nguyễn Quốc Huy, tác giả có bức sơn mài bị xước nặng, cho biết sáng cùng ngày ông và ban tổ chức đã có cuộc đàm phán về mức bồi thường. “Họ đã xin lỗi và có đề nghị không tiết lộ mức bồi thường. Tôi cũng thông cảm và đồng ý”, ông Huy nói. Ông Huy cũng tiết lộ đã nhận được tiền bồi thường. Trước đó, ông Huy cho biết tác phẩm của ông có mức giá là 50.000 USD.
Cùng thời điểm, nhà điêu khắc Triệu Ngọc Thạch cho biết việc gặp mặt để đàm phán bồi thường với ban tổ chức triển lãm hiện vẫn chưa xong. Theo ông Thạch, ban tổ chức có dấu hiệu đổ lỗi và bảo còn chờ công an kết luận. Ông Thạch đưa mức đền bù 5.000 USD cho tác phẩm bị mất và 1 tác phẩm bị vỡ trong chùm tượng của mình.
Một đơn khác là của họa sĩ Ngô Ngọc Thành, liên quan đến tác phẩm sơn mài bị xước, đã được gửi tới Thanh tra Bộ VH-TT-DL. Đơn này sau đó được chuyển để Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm xử lý. Ông Thành cho biết trước triển lãm, ông đã nhận tiền đặt cọc để bán tranh với giá 8.000 USD. Khi tác phẩm bị xước, người mua đã từ chối mua bức tranh này. Ông Thành yêu cầu Cục đền bù thỏa đáng cho tác phẩm bị hỏng.
Họa sĩ Thân Trọng Dũng cho biết mình chưa nhận được phản hồi gì sau khi gửi đơn về ban tổ chức triển lãm và Thanh tra Bộ VH-TT-DL. “Tôi chỉ nhận được văn bản Thanh tra Bộ chỉ đạo Cục giải quyết. Không biết sao mà họ để lằng nhằng quá”, ông Dũng nói. Mức bồi thường mà ông Dũng yêu cầu là 15.000 USD.
Trong tin nhắn trao đổi với tác giả bị mất tranh Phạm Hùng Anh, ông Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang chờ thông tin từ cơ quan công an đang điều tra, có kết quả về tranh của bạn, chúng tôi sẽ thông báo với bạn nhé”. Trong khi đó, ông Bùi Kỳ Đà, Phó giám đốc Trung tâm triển lãm Vân Hồ (đơn vị thi công và có địa điểm tổ chức triển lãm), xác nhận: “Mất thì chắc chắn là mất rồi”. Chính vì thế, điều khó hiểu là vì sao ban tổ chức triển lãm phải chờ công an kết luận mới tính toán mức đền bù cho ông Hùng Anh. Bản thân ông Kỳ Đà cũng đã xác định thực hiện việc đền bù cho ông Hùng Anh càng sớm càng tốt. “Mình có lỗi rồi thì mình phải bồi thường cái đã. Còn nếu báo công an tìm được thì lấy lại tiền sau”, ông nói.
Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội), bản thân việc giao tranh cho ban tổ chức của họa sĩ đã có giá trị như một hợp đồng gửi giữ. Nếu có mất mát, hỏng hóc thì ban tổ chức triển lãm phải chịu trách nhiệm. Nếu tìm ra ai làm hỏng thì người đó liên đới chịu trách nhiệm.

Cảnh trong phim Võ sinh đại chiến

ẢNH: ĐPCC

Võ sinh đại chiến rút khỏi rạp vì “bị chèn ép”?

Câu chuyện nhà sản xuất rút bộ phim Võ sinh đại chiến khỏi các rạp trên toàn quốc chỉ sau khoảng một tuần công chiếu (từ 1.1.2021) tiếp tục gây nhiều tranh cãi.
Trước đó, đại diện nhà phát hành Công ty cổ phần Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio) - bà Võ Thị Thùy Trang gửi thông cáo báo chí cho biết đã tiếp nhận đề nghị của đạo diễn Bá Cường và nhà sản xuất phim về việc rút Võ sinh đại chiến khỏi rạp và “đồng ý sự việc này với mong muốn từ nhà sản xuất là sẽ chọn một thời điểm phù hợp hơn để khán giả có nhiều cơ hội thưởng thức bộ phim hơn”.
Trong khi đó, đạo diễn Bá Cường và nhà sản xuất Thái Bá Dũng liên tục chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng Võ sinh đại chiến bị nhà phát hành, các chủ rạp chèn ép khi “chỉ được bố trí hai, ba suất mỗi ngày, vào các giờ khung ít người xem như 8 giờ 30, 12 giờ 30, 23 giờ 30 khiến nhiều người muốn xem phim cũng không thuận lợi giờ giấc để xem được”. Theo ông Thái Bá Dũng, khi phản hồi tình trạng suất chiếu ít với nhà phát hành Galaxy, ê kíp được cho biết Võ sinh đại chiến là tác phẩm mới về đạo diễn lẫn dàn diễn viên, đồng thời là dự án độc lập (tức không có nhà phát hành góp vốn) nên phim không được ưu tiên. Ngoài ra, suốt ba ngày lễ, phim không thu hút được khán giả nên không thể nâng suất. Ông Dũng bức xúc: “Vì ban đầu, phim đã không được ưu tiên về số suất, giờ đẹp, nên khán giả không có cơ hội lựa chọn. Nếu muốn công bằng, nhà phát hành phải phân bố lượng suất chiếu ngang nhau cho các phim trong những ngày đầu, phim nào vắng khán giả mới cắt bớt suất”.
Bình luận bên lề, nhà phê bình điện ảnh Châu Quang Phước nói: “Nhà phát hành cũng có nỗi khổ của họ vì mỗi cụm rạp đều phải chịu trách nhiệm về doanh thu, phim nào có khách thì họ dồn suất chiếu là quy luật của thị trường. Điều cần nói là Võ sinh đại chiến cũng là một phim có chất lượng khá tốt thì vẫn nên có được ưu tiên về suất chiếu”.

Di tích Ngũ Hành Sơn được giới thiệu trên Bản đồ di sản số Đà Nẵng

ẢNH: HOÀNG SƠN

Đà Nẵng đưa vào sử dụng Bản đồ di sản số

Ngày 8.1, Bảo tàng Đà Nẵng thông báo chính thức đưa vào sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin Bản đồ di sản số bằng tiếng Việt và tiếng Anh tại địa chỉ bandodisandanang.vn, giới thiệu thông tin, hình ảnh về hệ thống di tích trên địa bàn TP, gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt (thành Điện Hải, danh thắng Ngũ Hành Sơn), một di tích liên tỉnh (Hải Vân quan), 12 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp TP.
Người dân và du khách có thể truy cập địa chỉ đã nêu hoặc truy cập trang baotangdanang.vn, nhấn vào banner “Bản đồ di sản văn hóa Đà Nẵng” để liên kết đến ứng dụng. Sau khi truy cập, người dùng có thể tham quan trực tuyến các di tích thông qua các clip, hình ảnh cùng thông tin giới thiệu tên gọi, địa điểm, đường đi sự kiện, nhân vật lịch sử, giá trị... của di tích trên nền nhạc được chọn lọc công phu, phù hợp với hình ảnh.
Theo Bảo tàng Đà Nẵng, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa là xu thế tất yếu, qua đó góp phần quảng bá các điểm di tích trên địa bàn. Ứng dụng mới sẽ cung cấp nguồn dữ liệu phong phú, chính xác về hệ thống di tích cho những ai muốn tìm hiểu, khám phá về lịch sử, văn hóa của Đà Nẵng.

Cột cờ Thủ Ngữ sau khi trùng tu

ẢNH: M.ĐIỀN

Cột cờ Thủ Ngữ 156 năm tuổi tại Sài Gòn - TP.HCM 'khoác áo' tươi mới

Ngày 4.1, công trình trùng tu Cột cờ Thủ Ngữ do Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp cùng Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, đã làm lễ khánh thành.
Công trình trùng tu Cột cờ Thủ Ngữ khởi công vào ngày 23.11, tiến hành thi công và hoàn thành vào ngày 30.12.2020, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Theo tài liệu của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích Lịch sử - Văn hóa TP.HCM (Sở VH – TT TP.HCM), Cột cờ Thủ Ngữ được xây dựng vào tháng 10.1865 trên nền cũ của dinh quan thủ ngự chuyên chăm lo về thương chính của nhà Nguyễn. Người Pháp đặt tên cho cột cờ là Mât des Signaux. Phần chân cột cờ có kiến trúc độc đáo hình ngôi sao tám cánh như mặt bằng thành Gia Định xưa (thành Bát quái) gồm 3 tầng giật cấp. Thủ Ngữ có ý nghĩa là điểm giữ của cảng. Tuy nhiên cũng có tài liệu cho rằng thủ ngữ là ngôn ngữ dấu hiệu bằng tay (với cờ hiệu). Đây là công trình đầu tiên ở Sài Gòn dùng để canh tuần tàu biển và treo cờ để tàu thuyền ra vào cảng biết nên vào ngay hay chờ đợi. Công trình được làm bằng sắt, cao khoảng 30 m, trên chóp cột treo cờ bằng vải màu hoặc một quả bóng sơn đen làm hiệu cho tàu thuyền ra vào cảng lúc ban ngày, về đêm thì treo đèn màu trắng, có khi màu đỏ, để làm hiệu.
Cột cờ Thủ Ngữ được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố vào tháng 5.2016. Công trình nằm trong tổng thể chương trình chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng với diện tích khuôn viên 3.530 m2 và việc trùng tu theo hướng giữ nguyên hình thức kiến trúc cột cờ, chỉ thay đổi một số cấu trúc, kiến trúc dưới chân cột cờ, đảm bảo yêu cầu bảo tồn các yếu tố mang tính lịch sử và kiến trúc của công trình.
Được biết, các hạng mục trùng tu Cột cờ Thủ Ngữ vừa hoàn thiện xong gồm: thay toàn bộ cáp, sơn lại cột cờ, điều chỉnh bộ phận kéo cờ, tháo dỡ phần tường bao bên ngoài, thay mái ngói, lát đá nền kiến trúc, sơn lại phần kiến trúc xây dựng và lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng. "Trong quá trình trùng tu, phần di tích Cột cờ Thủ Ngữ được Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị Di tích Lịch sử - Văn hóa TP.HCM giám sát", ông Trương Kim Quân - giám đốc trung tâm cho biết.

Cặp đôi phản diện trong phim là Ju Dan Tae (Uhm Ki Joon) và Cheon Seo Jin (Kim So Yeon) bắt tay nhau loại bỏ Shim Su Ryeon (Lee Ji Ah)

ẢNH: SOOMPI

Penthouse: Cuộc chiến thượng lưu phần 1 kết thúc thảm khốc

Tập cuối của phần 1 phim truyền hình Hàn Quốc Penthouse: Cuộc chiến thượng lưu phát sóng trên Đài SBS hôm 5.1 (giờ địa phương) đã để lại nhiều tiếc nuối với phần kết đầy bi kịch dành cho tuyến nhân vật chính diện.
Trong tập 21 của Penthouse: Cuộc chiến thượng lưu (tựa gốc: The Penthouse: War in Life), Oh Yoon Hee (Eugene) bị bắt vì là nghi can giết Shim Su Ryeon (Lee Ji Ah). Cô từ chối biện hộ và nhận hết mọi tội lỗi về mình. Trong khi đó, Logan Lee (Park Eun Seok) bị Ju Dan Tae (Uhm Ki Joon) bắt nhốt và đe doạ.
Ju Dan Tae và Cheon Seo Jin (Kim So Yeon) hóa ra đã bắt tay hợp tác với nhau, tính toán việc hãm hại Shim Su Ryeon từ trước. Ju Dan Tae mới chính là người giết Shim Su Ryeon, sau đó dàn dựng hiện trường để đổ tội cho Oh Yoon Hee.
Trong phiên tòa xét xử cuối cùng, Oh Yoon Hee có cuộc nói chuyện với một nữ phóng viên - người được Shim Su Ryeon gửi gắm bức thư xin giảm nhẹ tội cho Oh Yoon Hee trước khi bị Ju Dan Tae giết hại. Oh Yoon Hee xúc động. Cô quyết định xin quan toà xét xử lại và liên tục kêu lên mình vô tội sau khi nhận phán quyết xử án chung thân. Trên đường di chuyển về trại giam, Logan Lee đã dựng nên một vụ tai nạn, qua đó cứu thoát Oh Yoon Hee trước sự truy đuổi của cảnh sát.
Dù giải cứu Oh Yoon Hee, Logan Lee vẫn nhất quyết cho rằng cô là hung thủ giết hại Shim Su Ryeon. Hai người có màn tranh luận gay gắt. Cuối cùng, Oh Yoon Hee tự dùng thanh sắt đâm vào cổ mình để kết thúc những tội lỗi.
Trong khi đó, con gái Cheon Seo Jin được hé lộ chính là người đã quay lại clip mẹ sát hại ba ruột của mình để chiếm quyền thừa kế tập đoàn. Con trai Ju Dan Tae cũng nảy sinh nghi ngờ khi nhìn thấy gã đưa vali tiền lớn cho người giúp việc.
Kết thúc Penthouse: Cuộc chiến thượng lưu phần 1, hội nhà giàu ở Hera Palace mở tiệc mừng vì những rắc rối đã qua đi. Ju Dan Tae và Cheon Seo Jin công khai đến với nhau.
Đây là cái kết bi kịch đối với tuyến nhân vật chính của Penthouse: Cuộc chiến thượng lưu phần 1. Trên Naver, nhiều khán giả để lại bình luận: “Phần 1 kết thúc buồn quá. Tôi hy vọng hội nhà giàu độc ác sẽ bị trừng trị mạnh mẽ hơn trong phần 2”, “Không thể tin được cả Shim Su Ryeon và Oh Yoon Hee đều qua đời, liệu đây có phải là cú ‘lừa’ của biên kịch phim không?”, “Dù phần 1 kết thúc bi kịch nhưng đó là điều cần thiết để khán giả chờ đợi một phần 2 bùng nổ hơn”…
Penthouse: Cuộc chiến thượng lưu phần 1 lấy bối cảnh trong tòa chung cư cao cấp 100 tầng. Ba người phụ nữ Shim Su Ryeon (Lee Ji Ah), Cheon Seo Jin (Kim So Yeon) và Oh Yoon Hee (Eugene) có hoàn cảnh sống khác nhau, hướng tới những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, họ lại gắn kết với nhau theo nhiều cách. Từ câu chuyện ba người phụ nữ, tác phẩm thể hiện mặt tối của con người khi đứng trước những tham vọng về quyền lực và tiền bạc, cũng như góc khuất đằng sau cuộc sống xa hoa hào nhoáng, tưởng như ai cũng mơ ước của họ. Phần 2 gồm 12 tập dự kiến tiếp tục lên sóng Đài SBS từ 29.1.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.