Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Vĩnh biệt NSND Hoàng Dũng

21/02/2021 09:20 GMT+7

NSND Hoàng Dũng mất ngày 14.2 tại Hà Nội sau thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư để lại bao thương tiếc cho gia đình, đồng nghiệp và khán giả.

Lễ tang NSND Hoàng Dũng diễn ra sáng ngày 20.2, tại Nhà tang lễ Quốc gia (Hà Nội). Theo đúng di nguyện của ông, lễ tang được tổ chức giản dị, kín đáo, không bi lụy.

Tang lễ giản dị, kín đáo

Trước ngày lễ tang NSND Hoàng Dũng diễn ra, ban lễ tang đã phát đi thông báo, trong đó cho hay, do những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đang được siết chặt, hạn chế việc tập trung đông người, cùng với di nguyện của NSND Hoàng Dũng những ngày cuối đời về việc tổ chức đám tang giản dị, kín đáo, không bi lụy, nên ban tổ chức tang lễ quyết định báo chí không chụp ảnh, quay phim tang lễ.
“Ban tổ chức sẽ chủ động cung cấp đến tất cả các cơ quan báo chí, truyền thông quan tâm ngay sau khi tang lễ kết thúc. Thay mặt gia đình, chúng tôi gửi lời xin lỗi đến tất cả mọi người về sự bất tiện này để hoàn thành di nguyện cuối cùng của NSND Hoàng Dũng”, dòng thông báo cho hay.
NSND Hoàng Dũng được đưa đi cấp cứu khi đang thực hiện những cảnh quay trong bộ phim Trở về giữa yêu thương. Trong ký ức của những người bạn, những người đồng nghiệp, ông đã cố gắng chịu đựng những cơn đau để quay phim, không làm ảnh hưởng đến mọi người.
Nhiều khán giả khóc nhớ thương ông khi vẫn nhìn thấy hình ảnh ông trong bộ phim Trở về giữa yêu thương mà người nay đã khuất bóng. Màn ảnh, sân khấu đã mất một người nghệ sĩ tài năng, tâm huyết với nghề. Nhiều vai diễn của ông ghi dấu trong lòng khán giả mà có lẽ khó có ai có thể thay thế được.
NSND Hoàng Dũng (tên đầy đủ: Hoàng Tiến Dũng) sinh năm 1956 tại Hà Nội. Ông bắt đầu công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội từ năm 1978. Từ năm 2007 - 2017, ông giữ chức Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội.
Năm 2007, ông được phong tặng danh hiệu NSND sau đó được bầu làm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN nhiệm kỳ 2019 - 2024. Trong nhiều năm, NSND Hoàng Dũng giảng dạy tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh (Hà Nội). Ông cũng tham gia đào tạo diễn viên cho Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình VN (VFC).
NSND Hoàng Dũng ghi dấu với nhiều tác phẩm trên sân khấu kịch: Tôi và chúng ta, Cát bụi, Bình minh đó trái tim anh, Thầy khóa làng tôi, Hà Nội đêm trở gió, Ăn mày dĩ vãng, Tiếng đàn vùng Mê Thảo, Tình khúc ngàn năm, Bản danh sách điệp viên, Trái tim trong trắng... và các bộ phim truyền hình Kẻ giết người, Vua ốc đảo, Tiếng cồng định mệnh, Cuồng phong, Thái sư Trần Thủ Độ, Đàn trời, Người phán xử, Về nhà đi con, Sinh tử...
Vĩnh biệt ông, người nghệ sĩ tài hoa, người diễn viên trách nhiệm với bất kể vai diễn lớn nhỏ, người thầy tận tâm của biết bao thế hệ diễn viên…

Hình ảnh cô gái "thả rông" vòng 1 chụp cùng một đứa trẻ ngay di tích Chùa Cầu bị nhiều người lên án

ẢNH: C.X

Cô gái vô tư "thả rông" vòng 1 chụp ảnh ở di tích Chùa Cầu khiến dư luận bức xúc

Dư luận mấy ngày qua rất bức xúc trước hình ảnh một cô gái vô tư “thả rông” vòng 1 rồi tạo dáng chụp ảnh rất phản cảm ở di tích Chùa Cầu (TP. Hội An, Quảng Nam).
Trước đó vào ngày 15.2 (mùng 4 tết), trang Facebook cá nhân LipitChou Lý Bích Châu cập nhật hình ảnh cô gái ăn mặc phản cảm, tạo dáng cùng một cậu bé ở bên trong và phía trước di tích Chùa Cầu.
Kèm theo các bức ảnh là những dòng trạng thái: “Ai qua phố Hội chùa Cầu/ Để thương để nhớ để sầu cho ai/ Để sầu cho khách vãng lai/ Để thương để nhớ cho ai chịu sầu”.
Ngay khi đăng tải, những hình ảnh trên lập tức khiến dư luận phản ứng dữ dội. Bên dưới bài viết, nhiều người để lại bình luận nhằm bày tỏ sự phản đối gay gắt trước hành động của cô gái khi ăn mặc lố lăng ở chốn tôn nghiêm, đặc biệt là ở di tích lịch sử - văn hóa Chùa Cầu. Ngoài ra, không ít người lên án việc cô gái vô tư “thả rông” vòng 1 khi chụp ảnh với một đứa trẻ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Tống Quốc Hưng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Hội An, cho hay đã giao cán bộ phụ trách vào cuộc xác minh, điều tra và làm rõ việc cô gái vô tư “thả rông” vòng 1, tạo dáng chụp ảnh phản cảm ở di tích Chùa Cầu.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo TP.Hội An, sự việc cô gái vô tư “thả rông” vòng 1, tạo dáng chụp ảnh ở di tích Chùa Cầu hiện thành phố đã nắm thông tin trên các trang mạng xã hội đăng tải và đang cho các đơn vị liên quan vào cuộc xác minh, làm rõ. Cũng theo vị này, phố cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới và đặc biệt, di tích Chùa Cầu là biểu tượng xuyên suốt 4 thế kỷ của người dân Hội An nên những hành động làm tổn hại đến di tích và di sản này đều đáng bị lên án.
Hiện Công an tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc xác minh, điều tra.

Từ đây làng văn nghệ sẽ tắt đi tiếng đàn và giọng ngâm thơ ngọt lịm của Đoàn Vị Thượng

ẢNH: T.L

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng rời bỏ thế gian

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng tên thật là Trần Quang Đoàn, có thơ in báo từ trước năm 1975. Ông từng là nhà giáo, từng công tác tại báo Giáo dục và Thời đại trước khi lâm trọng bệnh. Nhà thơ Đoàn Vị Thượng có nhiều tác phẩm đã xuất bản: Ngôi trường, hoa phượng và tôi (thơ, 1987), Thơ Đoàn Vị Thượng (1988), Chuyện tình chim hót (truyện dài, 1989), Môi thơm (truyện dài, 1990). Tóc em còn thả mùa đi học (truyện dài, 1991).
Tại buổi ra mắt tập thơ của nhà thơ Đoàn Vị Thượng tại NXB Hội Nhà văn mới đây với sự tham dự của các đồng nghiệp: Phạm Sỹ Sáu, Phan Hoàng, Hoài Vũ, Thiên Hà, Lê Thị Kim, Trương Anh Quốc, Đoàn Đại Trí, Hà Thiên Sơn, Trần Quốc Toàn…, nhà văn Trần Nhã Thụy khẳng định: "Đoàn Vị Thượng cùng với Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trung Quân, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Thái Dương, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc... là những gương mặt thơ nổi bật của Sài Gòn - TP.HCM trong những năm 1990.. Cho đến nay, Đoàn Vị Thượng vẫn là giọng thơ được yêu mến. Dù làm thơ không nhiều nhưng thơ anh có giọng điệu, cá tính riêng, tưởng nhẹ mà không nhạt, tưởng hiền mà không cạn. Thơ của Đoàn Vị Thượng không phải là thơ thiền, nhưng tinh thần Phật giáo buông nhẹ mọi bề, khiến thơ anh có lúc như reo vui, đầy nhựa sống, nhưng vẫn lẩn khuất nỗi buồn phận người, với nỗi lo vụn vặt đời thường"..
Ông mất ngày 16.2 tại TP.HCM sau thời gian chống chọi với bạo bệnh, thọ 63 tuổi.

Niềm vui của các tác giả nhận giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm 2020: nhà văn - đạo diễn Xuân Phượng (thứ hai từ trái qua), nhà văn Bùi Quang Lâm và nhà thơ Cao Xuân Sơn.

ẢNH: QUỲNH TRÂN

Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng năm 2020

Sáng 19.2 tại số 81 Trần Quốc Thảo, Q.3, Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức lễ trao giải thưởng năm 2020 và kết nạp hội viên mới trong không khí ấm áp, chan hòa tình đồng nghiệp trong ngôi nhà chung văn chương đầu năm mới.
Theo nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM: “Hội đồng chuyên môn và Ban Chấp hành (BCH) Hội Nhà văn đã làm việc với tinh thần cầu thị, với nỗ lực không bỏ sót bất kỳ mọi khám phá, tìm tòi nào ...để tìm ra những tác phẩm xứng đáng trao giải thưởng hàng năm. Một mặt BCH luôn tôn trọng đánh giá của các Hội đồng chuyên môn; mặt khác tranh luận, phản biện để đi đến quyết định trao giải thưởng và tặng thưởng. Mặc dù từng có 10 năm trong BCH, dù không muốn so sánh nhưng theo tôi giải thưởng năm nay là đầy đặn và chất lượng nhất, với đủ các thể loại: văn, thơ lý luận phê bình...”.
Được biết, trong số ba tác giả được trao giải thưởng thì điều bất ngờ là hai tác phẩm hồi ký – truyện ký của hai tác giả chưa là Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM là đạo diễn Xuân Phượng (tác phẩm Gánh gánh gồng gồng...) và tác giả Bùi Quang Lâm (Đất K). Nhà văn đạo diễn Xuân Phượng (sinh năm 1929), dù tuổi năm nay đã cao nhưng bà... quá vui, có mặt ngay từ sáng sớm để nhận giải. Nhà văn Trầm Hương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM đánh giá "những trang viết của bà đậm chất nữ tính sự từng trải, nhân hậu, trí tuệ đã làm sống dậy gần trọn một thế thế kỷ đầy biến động, đau thương, bi hùng của đất nước. Động cơ thôi thúc bà cầm bút là để hóa giải uẩn khúc được chôn giấu sau hơn nửa thế kỷ, tuôn ra cùng những giọt nước mắt đoàn viên".
Nhà văn Trầm Hương nói: “Dù đậm chất trữ tình, xót xa, bi phẫn... Nhưng trên tất cả là niềm tự hào về người phụ nữ Việt Nam không cúi đầu khuất phục nghịch cảnh, một người mẹ tràn ngập tình mẫu tử cao đẹp, một nghị lực phi thường vượt qua những khúc quanh nghiệt ngã của lịch sử và số phận... Một hồi ký nhưng đậm chất điện ảnh, sâu thẳm nhân sinh; lấp lánh nước mắt thấm ướt, kết nối các thế hệ và ngân vang tiếng cười lạc quan từ trong chiến tranh tàn khốc; trong đói khổ, bóng tối những ngày hậu chiến, khao khát hướng tới tương lai tươi đẹp bằng nỗ lực kết nối con người...”.
Ngược lại, truyện ký Đất K Bùi Quang Lâm lại là những lát cắt chưa xa về những ngày hậu chiến khó khăn của đất nước, về những người mẹ tần tảo lo từng cái ăn cái mặc cho gia đình lại tiễn những đứa con ra chiến trường ác liệt.
Bấm chân qua tuổi dại khờ là tập thơ duy nhất được trao giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM năm 2020. Nói về sức hấp dẫn của tập thơ này, nữ văn sĩ Trầm Hương không giấu được cảm xúc khi trải lòng: “Ẩn đằng sau vẻ ngoài hầm hố, bặm trợn của người đàn ông không còn trẻ nữa là trái tim đa cảm, mềm yếu, mong manh của Cao Xuân Sơn. Anh đã tự họa chân dung mình: “Anh. Gã đàn ông lênh khênh, vạm vỡ/đủ tự mình làm núi ngắm mình chơi. Nhưng vượt lên trên, giá trị cốt lõi của tập thơ được vinh danh giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2020 là sự lắng đọng, chiêm nghiệm, triết lý bật lên một cách hồn nhiên từ trải nghiệm cuộc sống của anh".
So với mọi năm thì số tiền được trao của giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM năm nay có tăng khá hơn với 16 triệu đồng/giải và tặng thưởng 8 triệu đồng cho các tác phẩm Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối (nhà văn - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - hồi ký - NXB Tổng hợp TP.HCM); Đoản khúc chiều phù dung (Vũ Văn Song Toàn - tập truyện ngắn - NXB Trẻ); Đi tìm mỹ cảm văn chương (Trần Hoài Anh - tiểu luận – Phê bình – NXB Hội Nhà văn).
21 nhà văn – nhà thơ được kết nạp lần này, gồm: Đỗ Thị Anh, Phan Thị Thanh, Trúc Thuyên (Tống Phước Bảo), Đoàn Minh Phong, Đới Xuân Việt, Bùi Quang Lâm, Lê Công Sơn, Trần Võ Thành Văn, Đinh Thị Phúc (Phúc Đinh), Võ Thị Mai (Hoa Mai), Nguyễn Thị Dung (Thanh Dung), Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Hân (Phương Hùng), Nguyễn Thị Nguyệt (Nguyệt Thu), Nguyễn Đinh Nhật Lân (Chiêu Dương), Đoàn Lâm, Hồng Ngọc Châu, Nguyễn Văn Thành, Lê Thị Lựu (Thiên Hương), Nguyễn Thanh Hoàng, Nguyễn Thị Hường (Thu Hường), cũng đã được BCH Hội Nhà văn TP.HCM trao thẻ nhà văn và tặng hoa chúc mừng cho các tân hội viên trong những tình thân.

Cầu ngói Thanh Toàn sau trùng tu

ẢNH: ĐÌNH TOÀN

Vận hành trở lại Cầu ngói Thanh Toàn sau khi trùng tu

Tin từ UBND TX.Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế) cho hay Cầu ngói Thanh Toàn, di tích cấp quốc gia tại xã Thủy Thanh, đã được vận hành trở lại để du khách có thể chiêm ngưỡng công trình độc đáo này sau gần 1 năm tu bổ, sửa chữa.
Cầu ngói Thanh Toàn là cầu vòm bằng gỗ, mái ngói, lối kiến trúc “thượng gia hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu), được xây dựng năm 1776 bởi bà Trần Thị Đạo, người làng Thanh Toàn (sau này là làng Thanh Thủy) - vợ của một vị quan đầu triều xứ Thuận Hóa. Đến nay, cầu đã trải qua 5 lần trùng tu sửa chữa, dài gần 17 m, rộng hơn 4 m, với 18 trụ cột bằng gỗ, bắc qua mương làng bên cạnh dòng sông Như Ý. Công trình này là cầu gỗ cổ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao ở Việt Nam.
Trong quá trình tu bổ Cầu ngói Thanh Toàn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TX.Hương Thủy (chủ đầu tư công trình bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích) đã tham vấn ý kiến giới chuyên gia, tổ chức một số cuộc hội thảo “đầu bờ” để xác lập phương án thi công tối ưu. Các hạng mục đã được thực hiện gồm: tu bổ, phục hồi hệ thống ván sàn và kết cấu khung chính bằng gỗ lim (cột, kèo, lan can, kệ ngồi...); phục hồi hệ thống mái lợp bằng ngói âm ống men Thanh Lưu Ly; trang trí bờ mái, bờ quyết, ô hộc, bờ nóc, con giống gắn sành sứ...; xây phục hồi 2 tường đầu hồi, phục hồi nguyên gốc 2 câu đối, các chi tiết trang trí gắn sành sứ; trang bị hệ thống đèn led chiếu sáng nghệ thuật, hệ thống báo cháy tự động... Đặc biệt, hệ thống cột trụ, cấu kiện bằng gỗ được sơn chống hàu, mối mọt nhằm tăng tuổi thọ cho công trình.

Minari kể về một gia đình nhập cư vào Mỹ những năm 1980

ẢNH: REUTERS

Sau Parasite, phim Minari của đạo diễn gốc Hàn tạo tiếng vang ở Hollywood

Một năm sau khi bộ phim châm biếm của Hàn Quốc Parasite (tựa Việt: Ký sinh trùng) "gây bão" ở Hollywood, một bộ phim nói tiếng Hàn khác là Minari (Khát vọng đổi đời) cũng tạo nên tiếng vang.
Minari hiện đang chiếu tại các rạp phim ở Mỹ và dự kiến sẽ ra mắt ở xứ Hàn vào tháng 3 tới. Tác phẩm kể câu chuyện nhẹ nhàng, tinh túy về một gia đình nhập cư vào Mỹ những năm 1980 cố gắng cải thiện cuộc sống bằng cách bắt đầu cải tạo trang trại ở bang Arkansas.
Không giống như Parasite quay tại Hàn Quốc, Minari được sản xuất và quay phim tại Mỹ. Parasite làm nên lịch sử vào năm 2020 khi trở thành bộ phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên đoạt giải Oscar hạng mục Phim hay nhất. Đây là tác phẩm châm biếm về giai cấp và xã hội đương đại ở Hàn Quốc.
“Diễn viên đều nói tiếng Hàn trong một gia đình giữ văn hóa Hàn Quốc nhưng tôi nghĩ bộ phim Minari nói lên rất nhiều điều về nước Mỹ. Nó gồm nhiều người làm nhiều việc khác nhau, nhiều tầng lớp xã hội khác nhau và do đó hoàn toàn khác với Parasite”, đạo diễn Lee Isaac Chung nói.
Một câu chuyện cá nhân mạnh mẽ, bộ phim một phần dựa trên cuộc sống của đạo diễn Chung khi còn là một cậu bé lớn lên ở Arkansas (Mỹ), nhưng không có sự châm biếm và hầu như không đề cập đến nạn phân biệt chủng tộc. Thay vào đó, phim mô tả một cuộc sống bình dị nhưng không ít nhọc nhằn của dân nhập cư. Minari đã giành được nhiều đề cử giải thưởng, bao gồm cả giải Quả cầu vàng. Hiện các đề cử cho giải Oscar vẫn chưa được công bố.
Diễn viên người Mỹ gốc Hàn Steven Yeun (được biết đến với vai diễn trong phim truyền hình The Walking Dead), đóng vai người cha Jacob Yi, cho biết anh rất sợ hãi khi đảm nhận vai diễn này. “Thật đáng sợ khi tiếp cận thế hệ cha tôi để cố gắng hòa nhập vào thế hệ của họ. Phim giúp tôi mở rộng tầm mắt về những suy nghĩ mà tôi có thể đã hiểu sai về cha mình và cả thế hệ đó nữa”, Steven Yeun nói.
Ngoài Steven Yeun, Minari còn quy tụ dàn diễn viên: Han Yeri trong vai người vợ, Monica Yi, Youn Yuh Jung vai mẹ vợ, Soon Ja, Alan Kim (vai David), Will Patton (Paul)… Đạo diễn Chung cho biết khán giả đón nhận nồng nhiệt Minari hơn cả những gì anh mong đợi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.