Nguyên do ông Bùi Quang Viễn tự tổ chức triển lãm tranh không xin phép tại phòng tranh Alpha Art Station (số 271/5 Nguyễn Trọng Tuyển, P.10, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Tham dự có ông Từ Lương - Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, ông Võ Trọng Nam - Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM.
Nhắc lại tinh thần cầu thị và lắng nghe dư luận của Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Võ Trọng Nam, Chánh Thanh tra Sở VH-TT TP.HCM Phạm Văn Dũng cho biết: "Về nguyên tắc trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện những vi phạm thì về nguyên tắc phải tạm giữ tang vật. Tuy nhiên, xét thấy các bức tranh trừu tượng của họa sĩ Bùi Quang Viễn có nội dung chưa vi phạm điều cấm gì nghiêm trọng, chỉ có triển lãm là không xin phép nên chúng tôi tiến hành lập biên bản và chụp ảnh hiện vật lập hồ sơ. Quá trình xử lý, do hiện nay theo quy định tại khoản 4 điều 19 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, việc tổ chức triển lãm không giấy phép sẽ bị phạt tiền nhưng quy định Chánh Thanh tra chỉ được xử phạt từ 20 - 25 triệu đồng, còn hành vi vi phạm của ông Bùi Quang Viễn từ 20 - 30 triệu đồng thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM nên chúng tôi kiến nghị xử lý. Ngoài hình thức xử phạt hành chính, điều 19 còn quy định rõ biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm nên chúng tôi đề xuất đưa nội dung này vào quyết định xử phạt. Vì Nghị định 38 có nêu rõ ‘buộc tiêu hủy tang vật vi phạm’, vì vậy phải tuân thủ theo quy định chứ không thể khác được".
Từ 15.7.2022 - 30.7.2022, ông Bùi Quang Viễn tổ chức triển lãm cá nhân đầu tay mang tên Improvisation (tạm dịch: Ứng tác) giới thiệu tới công chúng 29 bức tranh nhưng không xin phép |
t.l |
Cũng theo giải thích của ông Chánh Thanh tra Sở VH-TT TP.HCM Phạm Văn Dũng thì đối với triển lãm không phép của Bùi Quang Viễn, hiện quyết định xử phạt hành chính của TP.HCM buộc tiêu hủy tang vật vi phạm vẫn có hiệu lực.
“Chúng tôi áp dụng xử phạt rất đúng luật, xử lý thận trọng, có tình, có lý vụ việc này. Vì nếu áp dụng theo điều 17 'buộc di dời tang vật vi phạm khỏi địa điểm tổ chức triển lãm' thì số tiền phạt lên đến 30 - 40 triệu đồng, nên chúng tôi cân nhắc dữ lắm. Trong quá trình làm việc với Thanh tra, ông Bùi Quang Viễn cũng nhận ra cái sai của mình và cam kết xin phép cho những lần tổ chức sau. Vì thế mà anh em mới không tạm giữ tang vật mà để họa sĩ tự xử lý…”, Chánh Thanh tra Sở VH-TT TP.HCM Phạm Văn Dũng cho biết.
Nói về hiệu lực thi hành quyết định xử phạt của UBND TP.HCM, vị đại diện Sở VH-TT TP.HCM cho biết theo quy định là 10 ngày kể từ ngày ký. “Tuy nhiên hình thức tiêu hủy là đốt hay bỏ bức tranh đi như thế nào thì vẫn chưa có quy định chi tiết. Từ trước đến nay, Sở VH-TT cũng chưa xử lý gì về nội dung này mà giao cho cá nhân vi phạm tự thực hiện”, ông nói thêm.
Trước những mâu thuẫn trên, mới đây Sở VH-TT TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM có công văn khẩn gửi Bộ VH-TT-DL nhằm góp ý cho Nghị định 38/2021, trong đó đề nghị hủy bỏ quy định buộc tiêu hủy tang vật với hành vi tổ chức triển lãm mỹ thuật và trại sáng tác điêu khắc không có giấy phép. Theo chính quyền thành phố, quy định này chưa thực sự cần thiết. Tuy nhiên, trong thời gian chờ luật sửa đổi, sự việc vẫn được giải quyết theo luật hiện hành.
Tái hiện cuộc đời nữ tướng Nguyễn Thị Định qua sân khấu thực cảnh
20 giờ ngày 20.8, Sở VH-TT-DL Bến Tre tổ chức sân khấu thực cảnh về cuộc đời của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Loại hình sân khấu này lần đầu tiên diễn ra tại miền Nam.
Ngày 17.8, Sở VH-TT-DL Bến Tre tổ chức buổi họp báo thông tin về kế hoạch tổ chức chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh đặc biệt về nữ tướng Nguyễn Thị Định (1920 - 1992), nhân kỷ niệm 30 năm ngày giỗ của bà.
Một góc sân khấu thực cảnh trong khuôn viên Đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định |
BẮC BÌNH |
Ông Nguyễn Văn Bàn, Giám đốc Sở VH-TT-DL Bến Tre, cho biết buổi biểu diễn sân khấu thực cảnh sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 20.8, ngay trong khu vực đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định ở xã Lương Hòa, H.Giồng Trôm, Bến Tre. Tác giả kịch bản và tổng đạo diễn của chương trình là nhà văn Nguyễn Quang Vinh.
Với thời lượng 120 phút, bằng sự tổng hòa của 5 loại hình sân khấu (kịch, cải lương…) trên sân khấu thực cảnh sẽ tập trung tái hiện, khắc họa những phẩm chất của nữ tướng từ trước và trong khi tham gia cách mạng, những hoạt động lãnh đạo của bà sau ngày giải phóng thống nhất đất nước.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, tác giả Giáo đường im bóng, qua đời ở tuổi 103
Tin từ gia đình nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, nhạc sĩ đã qua đời vào tối 18.8 tại Hà Nội, đại thọ 103 tuổi.
Nguyễn Thiện Tơ được xem là một trong những nhạc sĩ khởi đầu cho nền tân nhạc Việt Nam với những ca khúc được nhiều thế hệ người nghe yêu thích: Nhắn gió chiều, Trên đường về, Đêm trăng xưa, Chiều quê, Cung đàn xuân xưa, Tiếng trúc bên sông, Vườn hồng dưới trăng, Ngày vui đã qua... và đặc biệt là Giáo đường im bóng.
Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ thời trẻ |
t.l |
Giáo đường im bóng - Nguyễn Thiện Tơ sáng tác khi mới 17 tuổi - là tác phẩm được khơi nguồn từ cảm xúc của mối tình đầu với người sau này trở thành vợ ông (bà Vũ Hà Tiên) và những vần thơ của nhà thơ Phi Tâm Yến.
Phế tích Châu Thành có dấu ấn của 3 nền văn hóa: Champa, Ấn Độ, Trung Hoa
Ngày 18.8, Sở VH-TT tỉnh Bình Định tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật phế tích Châu Thành (ở khu vực Châu Thành, P.Nhơn Thành, TX.An Nhơn, Bình Định). Đây là khu phế tích có vị trí quan trọng, nằm trong vùng lõi di sản văn hóa Champa tại Bình Định.
Năm 2020, Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật tại phế tích Châu Thành, kết quả phát hiện được mặt bằng hoàn chỉnh kiến trúc đền thờ “đá thiêng". Năm 2021, hai đơn vị này tiếp tục khai quật phế tích Châu Thành lần thứ hai, kết quả xuất lộ tầng văn hóa dày với nhiều lớp kiến trúc chồng lấn lên nhau, phát triển liên tục từ sớm đến muộn, trải qua nhiều sự thay đổi về kiến trúc và tính chất.
Lãnh đạo Sở VH-TT tỉnh Bình Định trao đổi về các hiện vật phát hiện tại phế tích Châu Thành |
HOÀNG TRỌNG |
Năm 2022, Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học tiếp tục khai quật lần thứ ba tại phế tích Châu Thành nhằm làm rõ mặt bằng kiến trúc xuất lộ từ 2 lần khai quật trước, qua đó nhận thức rõ hơn về tính chất, giá trị lịch sử, văn hóa của phế tích này trong dòng chảy lịch sử.
Hố khai quật trong đợt 3 rộng 200 m2, kết quả phát hiện rất nhiều vật liệu kiến trúc (đồ đất nung, đồ đá) và các di vật liên quan. Về vật liệu kiến trúc đồ đất nung có hơn 9.300 di vật là gạch (17 loại gạch khác nhau), 29 đầu ngói ống (đầu ngói trang trí mặt hề và đầu ngói hoa sen), 3.550 hiện vật ngói âm dương và các loại gốm trang trí kiến trúc, gốm trang trí điểm góc… Vật liệu kiến trúc đồ đá có 22 hiện vật đá ong, 1 hiện vật đá trang trí điểm góc.
Những hiện vật liên quan có một mảnh tượng bàn tay (có thể là bàn tay của tượng thờ trong lòng ngôi tháp trước đây) và 1 mảnh bia ký. Trong quá trình khai quật còn phát hiện 9 hiện vật gốm Chăm, 6 hiện vật gốm Việt, đinh sắt, đạn chì…
TS Phạm Văn Triệu, Phó trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử, thuộc Viện Khảo cổ học (người chủ trì đợt khai quật phế tích Châu Thành lần thứ 3) cho biết, sau khi bóc các lớp đất tại hố này đã xuất lộ kiến trúc nằm dưới lòng đất, bị lấp bởi gạch, ngói đổ xuống. Đoàn khảo cổ nhận định khu vực khai quật tại phế tích Châu Thành làm xuất lộ một phần nền móng của 3 kiến trúc thuộc các giai đoạn khác nhau.
Trong đó có 2 kiến trúc có khả năng là tường bao của 2 giai đoạn khác nhau. Trong kiến trúc của Ấn Độ Giáo, tường bao có chức năng giới hạn không gian thiêng, ngăn cách thế giới các vị thần linh với con người. Từ các tường bao này, đoàn khảo cổ dự đoán về vị trí ngôi đền thờ chính, cũng như quy mô của một công trình tôn giáo tại phế tích Châu Thành, dự đoán được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6.
Từ dấu hiệu xuất lộ di tích tường bao 2 giai đoạn đã cho thấy khu vực trung tâm của phế tích Châu Thành khả năng sẽ có di tích quan trọng, có thể là đền hoặc tháp được xây dựng nhằm phục vụ cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Do đó, cần thực hiện khai quật mở rộng tiến tới khai quật tổng thể để nghiên cứu tổng thể cụm di tích tháp Chăm này.
6 tháng đầu năm, lượng khách đến Đường sách TP.HCM tăng gấp 3 lần
Theo ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, từ đầu năm 2022, hoạt động sự kiện tại Đường sách TP.HCM ngày càng nhiều và tăng 62% so với năm 2021.
Cụ thể, có 144 chương trình chủ đề, giao lưu tác giả - tác phẩm, trưng bày, triển lãm và hoạt động trải nghiệm, trò chơi, tương tác… Lượt du khách, bạn đọc đến Đường sách tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, góp phần tạo nên doanh thu (hơn 20 tỉ đồng) cho các gian hàng.
Nhạc sĩ Trần Tiến giao lưu tại sự kiện ra mắt sách Hoàng Cầm về Kinh Bắc tại Đường sách TP.HCM |
THIÊN ANH |
Tại buổi sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của Đường sách TP.HCM chiều qua 17.8, ông Lê Hoàng nhìn nhận: Các hoạt động sự kiện diễn ra tại đây không chỉ vào cuối tuần mà trải đều vào các ngày trong tuần với nhiều trải nghiệm đa dạng, phong phú, của nhiều giới, nhiều lĩnh vực. Đường sách đã thu hút được nhiều hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật như âm nhạc, cải lương, các loại hình triển lãm nhiếp ảnh, hội họa, phim ảnh, phục chế sách xưa… Bên cạnh đó, nhiều tọa đàm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và gia đình; triển lãm sách hay dành cho con, danh mục sách hỗ trợ dạy và học… ngày càng được quan tâm cũng góp phần làm tăng doanh thu sách, đặc biệt là sách dành cho thiếu nhi.
Thông tin từ Công ty Đường sách TP.HCM, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 tăng 32,7% so với năm 2021 (giảm 7% so với trước dịch - năm 2019); trong đó doanh thu sách thiếu nhi tăng 115% so với năm 2021. Tuy doanh thu tăng nhưng số bản sách bán ra giảm 29% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm, Đường sách đã phối hợp Sở TT-TT TP.HCM kiện toàn pháp lý các gian hàng hoạt động giai đoạn 2021 - 2026, trong đó có sự tham gia mới của 2 đơn vị là NXB Chính trị Quốc gia Sự thật và Phanbook. Bên cạnh đó, được sự đồng ý của Sở này, các loại hình hoạt động mới như khu vực sách tiếng Anh dành cho bạn đọc, khu phục chế sách của Công ty Văn hóa sách Con Mèo Nhỏ, máy bán sách tự động của Công ty CP Văn hóa Sách Sài Gòn đã đưa vào hoạt động, tạo thêm sự tương tác, tăng tính tiện ích cho bạn đọc.
Với tình hình hoạt động kinh doanh cũng như các hoạt động sự kiện tăng cao, gần như đạt được mức cân bằng phục hồi sau đại dịch, ông Lê Hoàng cho biết dự kiến các tháng cuối năm 2022, Đường sách sẽ còn nhiều chương trình chủ điểm để đón bạn đọc, du khách.
Bình luận (0)