Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Xử lý rapper phát hành sản phẩm báng bổ Phật giáo

10/10/2021 06:30 GMT+7

Chiều 7.10, ông Lê Minh Tuấn, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ VH-TT-DL, cho biết cục có văn bản đề nghị Thanh tra Bộ VH-TT-DL xử lý vi phạm của những rapper đã phát hành sản phẩm vi phạm chuẩn mực đạo đức, truyền thống, pháp luật.

Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đề nghị Bộ TT-TT xem xét xử lý với những kênh đã đăng tải sản phẩm vi phạm, trong đó có việc đề nghị gỡ bỏ các nội dung vi phạm. Theo ông Tuấn, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã đề nghị xử phạt hành chính những rapper (hay những người tạo nội dung) vi phạm theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Theo nghị định này, mức phạt cao nhất với hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình “xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo” là 50 triệu đồng, và “sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội” là 40 triệu đồng.

Hình ảnh cắt ghép báng bổ Phật giáo khiến cộng đồng mạng tức giận

CHỤP MÀN HÌNH

Ông Tuấn cũng cho biết trong bộ quy tắc của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mà đơn vị này đang chủ trì xây dựng, có nội dung về việc không sáng tác, sản xuất sản phẩm có nội dung vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó là áp dụng với những quy định pháp luật hiện hành đề xử lý. Việc quản lý những sản phẩm nghệ thuật biểu diễn trên mạng cũng sẽ là nội dung chính của luật Nghệ thuật biểu diễn đang có trong kế hoạch xây dựng của Bộ VH-TT-DL thời gian tới.

Tranh Việt Nam đấu giá ở nước ngoài liên tục dính "nghi án" hàng giả

Ngày 25.9, họa sĩ Lê Huy Tiếp đã đưa lên Facebook cá nhân những hình ảnh về nhiều bức tranh ông cho là giả. Đó là những bức tranh được cho là của danh họa Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, dự kiến được nhà đấu giá Drouot đưa ra đấu vào ngày 16.10. Vụ việc sau đó tạm khép lại bằng thông báo của họa sĩ Lê Huy Tiếp vào ngày 30.9. Trong đó, ông cho biết sau khi bạn ông liên hệ với nhà đấu giá về những bức xúc do tranh giả gây ra, nhà đấu giá đã đồng ý hạ 3 bức tranh giả được cho là của họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhưng vẫn để những bức khác, trong đó có tranh Lê Phổ.

Bức Nhà tranh gốc mít tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội

CHỤP MÀN HÌNH

Ngày 26.9, ông Ace Lê, giám tuyển người Việt đang làm việc tại Singapore, đã đưa ra bài viết về nghi vấn bức bình phong Nhà tranh gốc mít. Tác phẩm dự kiến đấu giá ngày 10.10 tại nhà Sotheby’s Hongkong. Thông tin của ông Ace Lê cho biết, trong phần ghi chú, nhà đấu giá có đề “Bức này tương đương với bức Nhà tranh gốc mít (1958) đang bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội”. Tại Hà Nội, bức sơn mài Nhà tranh gốc mít từng được triển lãm hồi 1960, sau đó tác giả Nguyễn Văn Tỵ cũng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 với chính tác phẩm này. Họa sĩ Nguyễn Bình Minh, con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, khẳng định bức bình phong sắp được đấu giá là tranh giả.

Vụ việc về bức tranh này đã khép lại ngày 5.10. Ông Ace Lê thông báo: “Sotheby’s đã nhận thức được về các nghi vấn quanh tính xác thực của tấm bình phong Nhà tranh gốc mít của Nguyễn Văn Tỵ. Sotheby’s đề cao tính nghiêm trọng của những sự vụ về tính xác thực và xin rút tác phẩm này khỏi phiên đấu, đồng thời sẽ tiến hành xác minh sau đó”.

Ngày 27.9, cũng ông Ace Lê đưa lên Facebook cá nhân một nghi án khác. Đó là bức Cô gái bên lồng chim sắp đấu giá tại nhà Tajan tại Pháp ngày 13.10. Theo ông, tác phẩm này “nhìn khác các bản in từ tranh gốc đã xuất hiện”. Họa sĩ Nguyễn Linh ngay sau đó vào bình luận những tranh này nhái ngô nghê, thường nhắm tới những nhà sưu tập Việt mới nổi, mua mà không hiểu món hàng, chỉ dựa vào chứng nhận của nhà đấu giá. Cũng phải nói thêm, năm 2020, nhà Tajan đã gỡ 5 bức tranh giả từng dự kiến đấu giá vào ngày 21.7.2020.

166 người đứng đơn tố cáo thành viên hội đồng duyệt tiết lộ nội dung phim chưa chiếu

Cục Điện ảnh đang trong quá trình xem xét, xử lý đơn thư tố cáo ông Trần Việt Văn, một thành viên hội đồng duyệt phim về việc ông này tiết lộ nội dung phim khi phim chưa ra rạp.

Đơn thư tố cáo có kèm theo danh sách 166 người đang làm việc trong lĩnh vực điện ảnh và người yêu điện ảnh.

Trước đó, đơn tố cáo thành viên hội đồng duyệt phim Trần Việt Văn đã được gửi tới Cục Điện ảnh. Trong đơn, những người tố cáo dẫn Khoản 9, Điều 9 quy chế làm việc của hội đồng. Theo đó: "Thành viên Hội đồng không được công bố nội dung thảo luận và ý kiến kết luận của Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng là người phát ngôn của Hội đồng".

Tuy nhiên, theo những người làm đơn, thành viên Hội đồng Trần Việt Văn đã mô tả, trích ra và rò rỉ nội dung mình đã tham gia thẩm định trong bài viết Ra biển lớn sao cứ đi đường tắt.

Phim Người lắng nghe: Lời thì thầm chưa ra rạp

ĐPCC

Cũng phải nói thêm, theo bài viết Ra biển lớn sao cứ đi đường tắt, tác giả Trần Việt Văn cho rằng phim Người lắng nghe: Lời thì thầm đã được mang đi chiếu tại liên hoan phim quốc tế trước khi có giấy phép. Tuy nhiên, thông tin từ đạo diễn Khoa Nguyễn, phim Người lắng nghe: Lời thì thầm đã được cấp phép phổ biến vào 21.6.2021 và được phổ biến tại Liên hoan phim nghệ thuật quốc tế Hongkong vào ngày 26.6.2021. Như vậy là không có chuyện bộ phim này “đi đường tắt”.

Chiều 8.10, PV Thanh Niên đã liên lạc với Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành để hỏi về thái độ cũng như quan điểm xử lý của cơ quan này đối với nội dung đơn thư thì nhận được trả lời: “Sao lại cứ đi khai thác tôi chuyện đấy làm gì. Báo chí muốn viết thế nào thì cứ viết chứ khai thác tôi chuyện đấy làm gì. Có phải việc gì cũng đi phổ biến đi thông tin cho báo đâu”.

Hồ sơ di sản tư liệu thế giới cho Cửu đỉnh Huế sẽ sớm trình Bộ VH-TT-DL

Ngày 6.10, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết Hội đồng khoa học cơ sở tại tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thông qua hồ sơ di sản Cửu đỉnh Huế và sẽ sớm trình Bộ VH-TT-DL xem xét phê duyệt để đăng ký danh mục trình UNESCO công nhận di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới do UNESCO khởi xướng.

Một phần bên phải của hàng Cửu đỉnh đặt trước Thế Tổ miếu

V.T

Cửu đỉnh tại Hoàng cung Huế gồm 9 đỉnh đồng (Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh) do vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ miếu (Thế miếu) từ đó đến nay.

Giá trị của Cửu đỉnh được thể hiện ở trình độ đúc đồng tinh xảo của thợ thủ công Việt Nam. 162 họa tiết chạm khắc trên Cửu đỉnh chính là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, tổng hợp của nhiều lĩnh vực kiến trúc, hội họa, lịch sử, địa lý, văn hóa. Cửu đỉnh trong Hoàng cung Huế là bộ sưu tập độc đáo, độc bản, duy nhất ở Việt Nam và trên thế giới.

Đường Sách TP.HCM mở cửa trở lại

Sáng 7.10, Đường Sách TP.HCM đã gấp rút thực hiện những công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho ngày mở cửa hoạt động trở lại vào sáng 9.10, sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid -19.

Để sẵn sàng cho việc đón khách sau hơn 4 tháng tạm ngừng hoạt động, từ ngày 1.10 các gian hàng ở Đường Sách TP.HCM đã khẩn trương hoàn thiện những công việc chỉnh trang cảnh quan, vệ sinh gian hàng, không gian chung để đảm bảo sự an toàn cho bạn đọc và du khách. Dựa trên các quy định, hướng dẫn của UBND TP.HCM cũng như các cơ quan chức năng, Đường Sách TP.HCM lập nhiều phương án an toàn trong việc phòng chống dịch.

Lối vào Đường Sách TP.HCM có nhiều quy định bắt buộc về phòng dịch

THANH THÚY

Theo đó, Đường Sách TP.HCM khẩn trương triển khai việc kiểm kê, sắp xếp ca làm việc hợp lý, chuyên nghiệp và quan trọng nhất là chuẩn bị trang bị các thiết bị y tế, tăng cường biện pháp phòng chống dịch tại cửa hàng như: bố trí lại gian hàng đảm bảo giãn cách 2 m, dán sticker vị trí xếp hàng, bố trí 1 lối ra, 1 lối vào, lắp đặt vách ngăn giọt bắn ở quầy thu ngân, khay đựng tiền hoặc sử dụng thanh toán không tiền mặt, sắp xếp khay giao sách riêng, tránh tiếp xúc trực tiếp…

Thời gian đầu, Đường Sách TP.HCM mở cửa hoạt động từ 9 giờ đến 17 giờ hằng ngày. Sau đó, tùy vào tình hình thực tế sẽ mở cửa hoạt động theo khung giờ bình thường (8 giờ 30 – 21 giờ) vào thời điểm thích hợp.

Tiểu thuyết gia Tanzania Abdulrazak Gurnah thắng giải Nobel Văn học 2021

Ngày 7.10, giải Nobel Văn học 2021 được trao cho tiểu thuyết gia người Tanzania Abdulrazak Gurnah vì “vì sự thâm nhập kiên định và nhân ái của ông đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa”.

Nhà văn Abdulrazak Gurnah

REUTERS

Nhà văn Abdulrazak Gurnah sinh năm 1948, lớn lên trên hòn đảo Zanzibar và đến Anh tị nạn vào những năm 1960. Ông đã xuất bản 10 tiểu thuyết cũng như một số truyện ngắn. Theo báo The Guardian, Ủy ban Nobel cho biết chủ đề về người tị nạn xuyên suốt các sáng tác của ông ấy. Tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông là Paradise (1994), được lọt vào danh sách rút gọn của Giải Booker và giải thưởng văn học Whitbread, được trao hàng năm cho những nhà văn sống ở Anh và Ireland. Tác phẩm ra đời sau một chuyến đi Đông Phi vào khoảng năm 1990, kể về tuổi mới lớn, chuyện tình buồn cũng như niềm tin xung đột nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.