Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Xúc động nghĩa cử của nghệ sĩ trong mùa dịch

18/07/2021 06:00 GMT+7

Giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nghệ sĩ đã chung sức, góp “lửa” trợ giúp cho người dân gặp khó khăn nói chung cũng như cộng đồng làm nghệ thuật nói riêng, để lại ấn tượng đẹp với công chúng.

Từ “nhường cơm sẻ áo” đến tình nguyện cắt tóc, đi chợ…

Tính đến chiều 16.7, Quỹ hỗ trợ cộng đồng làm phim do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và những nhà làm phim kêu gọi đã góp được gần 800 triệu đồng để giúp đội ngũ thiết kế, kỹ thuật, nhân viên trong tổ sản xuất, điều phối, âm thanh - ánh sáng các đoàn làm phim đang gặp khó khăn trong những ngày giãn cách xã hội.
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi, Lý Hương, Cát Tường, ca sĩ Nam Cường... cũng kêu gọi hỗ trợ công nhân hậu đài khi biết đa số phải chạy xe ôm, làm shipper (người giao hàng), làm thuê trong mùa dịch. Theo đó, các nghệ sĩ đã trao quà gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm cho 180 công nhân hậu đài của 17 sân khấu ở TP.HCM như: Nhà hát Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, sân khấu kịch Hồng Vân, Quốc Thảo…
Khi Sài Gòn - TP.HCM gồng mình chống chọi với đại dịch, nhiều nghệ sĩ cũng đã thể hiện trách nhiệm xã hội của mình qua việc đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch ở các khu cách ly, khu xét nghiệm Covid-19, bệnh viện dã chiến như nhóm nghệ sĩ: Phương Thanh, Quốc Đại, Lê Minh (nhóm MTV), Khả Như, Hoàng Phi Kha, Hoa hậu Mai Phương Thúy, H’Hen Niê, Tiểu Vy, Á hậu Phương Anh, Kiều Loan…
Ca sĩ Phương Thanh chia sẻ chị vừa cùng các nghệ sĩ trong đội tình nguyện viên tham gia cắt tóc cho các bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2 ở Q.12. Còn MC Quỳnh Hoa - Phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, khởi xướng tổ chức nhóm nghệ sĩ giúp người dân đi chợ.

Ca sĩ Phương Thanh tham gia cắt tóc cho đội ngũ y tế ở Q.12, TP.HCM

ẢNH: NSCC

Nhiều ngày qua, MC Đại Nghĩa cùng diễn viên Nhật Kim Anh, ca sĩ Bình Tinh… vận chuyển và trao tặng hàng chục tấn gạo, rau cùng nhiều nhu yếu phẩm cho đội ngũ nhân viên y tế, bà con nghèo ở nhiều địa bàn của TP.HCM. Nhà thiết kế Thuận Việt cùng nhóm bạn thường lướt Facebook xem nhà hảo tâm nào sẵn sàng hỗ trợ những thực phẩm như: bánh tét, trứng gà, đu đủ, rau củ… thì sẽ xin, sau đó thu gom về chia ra gửi cho bếp ăn các bệnh viện, khu bị phong tỏa hoặc cách ly.
Diễn viên Việt Hương tặng gần 5 tấn gạo cùng các loại thực phẩm cần thiết cho dân ở khu phong tỏa Q.8 và TP.Thủ Đức; ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hỗ trợ 9 tấn gạo cùng thực phẩm đóng hộp cho bà con nghèo ở Q.Bình Tân, Q.10; ca sĩ Phi Nhung tặng 10 tấn gạo, 1.000 thùng mì cho người dân ở Q.12 và nhiều suất ăn tiếp sức cho y bác sĩ ở Bệnh viện Trưng Vương, Q.10... 

Họa sĩ Lê Thánh Thư và Hoàng Đăng Nhuận qua đời

Sáng 16.7, tin buồn về sự ra đi của họa sĩ Lê Thánh Thư - một tên tuổi của mỹ thuật Việt Nam được người thân đưa trên trang cá nhân làm bàng hoàng giới mỹ thuật và bạn bè.
Theo thông tin từ gia đình, họa sĩ - thi sĩ Lê Thánh Thư qua đời tại nhà riêng ở quận Tân Bình, TP.HCM vào sáng 16.7; hưởng thọ 65 tuổi. Trước đó 2 ngày, ông có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với Covid-19.

Họa sĩ Lê Thánh Thư là một tên tuổi của mỹ thuật Việt Nam

ẢNH: FBNV

Họa sĩ - nhà thơ Lê Thánh Thư sinh năm 1956 tại Quy Nhơn (Bình Định). Mười hai tuổi, ông được gửi vào trường Dòng (Séminary) tại Quy Nhơn. Năm 1975, ông rời nhà dòng để ra đời (xuất tu ra đời), lập gia đình tại Sài Gòn và có một cô con gái. Là họa sĩ nổi tiếng nhưng ông xuất thân là tự học. Bắt đầu vẽ từ năm 1982, ông từng đoạt giải thưởng lớn Mỹ thuật Việt Nam - Phillip Morris (năm 1996), giải thưởng Mỹ thuật ASEAN (năm 1998), giải thưởng Mỹ thuật Việt Nam - Phillip Morris (năm 1998), giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (năm 2005).

Họa sĩ xứ Huế Hoàng Đăng Nhuận

ẢNH: LÝ ĐỢI

Ngày 15.7, thông tin về họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận vừa qua đời được cấp báo khiến nhiều văn nghệ sĩ và những người yêu thích mỹ thuật hụt hẫng, bởi sự ra đi quá đột ngột của ông. Theo các bạn đồng nghiệp của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận thì ông mất lúc 16 giờ ngày 14.7. Ông sinh năm Nhâm Ngọ (1942), theo lịch ta hưởng thọ 80 tuổi.
Hoàng Đăng Nhuận tự học tại Huế và vào nghề khá sớm, năm 1969 ông đã có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Đà Nẵng. Thập niên 1970 ông lang bạt lên Đà Lạt và còn đến vài nơi khác để tìm chất liệu sáng tác. Cả cuộc đời lao động nghê thuật, ông có gần 20 triển lãm cá nhân trong và ngoài nước, từng có mặt ở các triển lãm lớn vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam: Liên Xô (cũ), Tiệp Khắc (cũ), Pháp, Đức, Ba Lan, Bungari, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore

Nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT sẽ tăng nhờ quy chế mới?

Mới đây, Sở VH-TT Hà Nội và Sở VH-TT TP.HCM vừa công bố danh sách các nghệ sĩ có hồ sơ đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT-DL), dự đoán năm nay số lượng nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND và NSƯT có thể nhiều hơn những năm trước, do những thay đổi trong quy chế xét tặng danh hiệu. “Đây là năm đầu tiên việc xét duyệt tiến hành theo nghị định mới. Bên cạnh việc giảm tỷ lệ phần trăm phiếu đồng ý của hội đồng từ 90% xuống 80% thì còn có cả việc áp dụng trường hợp đặc biệt nữa”, ông Cẩn nói.
Theo điều 8 khoản 4c của Nghị định 40/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2014 quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thì có những trường hợp được đánh giá là đặc biệt khi có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng vẫn có thể xét phong tặng. Đó là những trường hợp nghệ sĩ là người cao tuổi theo quy định tại điều 2 luật Người cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật; nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước; nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế...

Ca - nhạc sĩ Thế Hiển có tên trong danh sách được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND

Ảnh: T.L

NSND Nguyễn Hồng Phong (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) cho rằng việc xét duyệt nới như thế là thiên về cống hiến, về quá trình nhiều hơn. “Cách xét như thế sẽ có lợi cho những người ít tham gia hội diễn”, ông Phong nói.Ông Phong cũng liên hệ với những cái khó của nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. “Vì sao nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam ít đi hội diễn? Vì hội diễn trước đây thì quy chế bắt buộc phải là tác phẩm của Việt Nam. Nhưng đợt này thì chúng tôi có thể mang Hồ thiên nga, Những người khốn khổ đi được. Thực ra, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cũng nương nhờ các vở opera và ballet nổi tiếng thế giới nhiều, chứ cũng ít có tác phẩm của Việt Nam”, ông Phong phân tích.
Cũng theo ông Phong, nhìn sang lĩnh vực sân khấu, các sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM một thời gian dài không mấy khi đi hội diễn toàn quốc vì hầu hết không có kinh phí. Điều này, theo ông, thực sự thiệt thòi cho nghệ sĩ khi xét huân, huy chương. Vì thế, ông Phong mong mỏi các nghệ sĩ thiếu huy chương nhưng giàu đóng góp ở TP.HCM sẽ có mặt trong danh sách phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT đợt này.

Phim Vị bị cấm phổ biến tại Việt Nam

Chiều 12.7, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) Vi Kiến Thành đã ký quyết định cấm phổ biến phim Vị (Taste - của đạo diễn Lê Bảo) tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Cục Điện ảnh, lý do cấm phát hành phim Vị tại Việt Nam là bộ phim không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Quyết định này được đưa ra sau khi bộ phim được Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện T.Ư thẩm định cùng với việc tham khảo ý kiến từ đại diện của một số cơ quan văn hóa.
Bộ phim Vị lấy bối cảnh tại một xóm nghèo ở ngoại ô TP.HCM xoay quanh một người đàn ông Nigeria. Để cậu con trai nhỏ vẫn ở Nigeria, vì mưu sinh, người đàn ông này đã tới TP.HCM để lập nghiệp, trở thành cầu thủ chơi trong một đội bóng. Khi bản hợp đồng với đội bóng đã hết hạn, người đàn ông này buộc phải chuyển tới sống và sinh hoạt cùng 4 người phụ nữ Việt Nam trung niên.

Hình ảnh trong đoạn giới thiệu phim Vị

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Việc phim Vị bị cấm phổ biến được cho biết không liên quan đến nội dung phim mà bởi trong phim có trường đoạn kéo dài hàng chục phút các nhân vật khỏa thân, trong đó có những hình ảnh quay rất trực diện. Đó là trường đoạn mà 4 nhân vật nữ lớn tuổi và nhân vật nam là cầu thủ bóng đá Nigeria cùng sống trong một căn nhà; tất cả đều khỏa thân khi sinh hoạt, nấu cơm, ăn uống cùng nhau… Trường đoạn này đã vi phạm luật Điện ảnh.
Tháng 3 vừa qua, phim Vị đã giành giải Đặc biệt của Ban giám khảo hạng mục Encounters tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 71, trước đó là giải Dự án triển vọng nhất trong lễ trao giải Màn bạc (Silver Screen Awards) tại Singapore. Tháng 4, Thanh tra Bộ VH-TT-DL ra Quyết định 2/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, trong đó xử phạt Công ty Le Bien Pictures (Le Bien Pictures Company Limited), nhà sản xuất bộ phim Vị (Taste) của đạo diễn Lê Bảo, vì phát hành phim khi chưa được phép phổ biến.

Xử phạt công trình xâm phạm di tích quốc gia chùa Ông

UBND TP.Biên Hòa (Đồng Nai) vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Bùi Ngọc Huỳnh Anh (ngụ ấp Nhị Hòa, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) 15 triệu đồng về hành vi xây dựng công trình sai nội dung giấy phép, ảnh hưởng đến di tích quốc gia chùa Ông.
Bên cạnh đó, UBND TP.Biên Hòa còn buộc bà Huỳnh Anh dừng thi công công trình vi phạm để làm thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng (trong vòng 60 ngày). Nếu không có giấy phép điều chỉnh xây dựng phù hợp thì buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm.

Căn nhà xây dựng (phải) sai phép, xâm phạm di tích quốc gia chùa Ông

ẢNH: LÊ LÂM

Công trình vi phạm nói trên nằm sát chùa Ông, còn gọi là Thất phủ cổ miếu, một di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Trong giấy phép xây dựng (cấp ngày 27.5.2020), đây là công trình nhà cấp 4, gồm 1 trệt, 1 lầu, chiều cao 5,6 m. Đến khoảng tháng 3.2021, chủ nhà mới tiến hành xây dựng. Thời gian đầu, Ban Trị sự chùa Ông cho rằng chủ công trình xây lại theo kết cấu ban đầu (gồm 1 trệt, 1 lầu), nhưng đến khoảng tháng 5.2021, nhận thấy công trình có sự bất thường gây ảnh hưởng đến di tích quốc gia nên đã báo cáo UBND TP.Biên Hòa cùng Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai.

Cuộc phỏng vấn vợ chồng hoàng tử Harry và phim về Britney Spears được đề cử Emmy

Ngày 13.7, ban tổ chức giải Emmy 2021 công bố danh sách đề cử chính thức, trong đó có bộ phim tài liệu Framing Britney Spears về nữ ca sĩ Mỹ Britney Spears và cuộc phỏng vấn gây chấn động của 'nữ hoàng truyền hình' Oprah Winfrey với vợ chồng hoàng tử Harry,
Bộ phim Framing Britney Spears (dài 74 phút) do The New York Times sản xuất chiếu trên nền tảng Hulu hồi tháng 2.2021 được đề cử 2 hạng mục Emmy, trong đó có Phim tài liệu hay nhất. Britney Spears đã sống dưới sự quản thúc của cha cô kể từ năm 2008, khi cô phải nhập viện điều trị tâm thần. Tháng 6.2021, cô nói với tòa án Los Angeles (Mỹ) rằng quyền giám hộ này đang bị cha cô lạm dụng và muốn kết thúc nó.

Cuộc phỏng vấn gây chấn động của 'nữ hoàng truyền hình' Oprah Winfrey với vợ chồng Hoàng tử Harry

ẢNH: REUTERS

Cuộc phỏng vấn của Oprah Winfrey với hoàng tử Harry và vợ Meghan Markle vào tháng 3.2021 trên kênh CBS nhận được đề cử Emmy hạng mục Outstanding Hosted Nonfiction Series or Special (tạm dịch: Chương trình phi hư cấu có người dẫn chuyện xuất sắc).
Series The Crown của Netflix và The Mandalorian của Disney+ dẫn đầu danh sách đề cử Emmy năm nay khi mỗi phim giành được 24 đề cử. Xếp tiếp theo về số đề cử là WandaVision của Marvel và Disney+ với 23 đề cử và The Handmaid’s Tale của Hulu với 21 đề cử.
Emmy là giải thưởng thường niên của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật truyền hình Mỹ dành cho phim truyền hình, chương trình truyền hình, nghệ sĩ xuất sắc. Lễ trao giải Emmy lần thứ 73 dự kiến sẽ tổ chức ở Los Angeles vào ngày 19.9 (giờ Mỹ) và được truyền hình trực tiếp trên kênh CBS. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.