Sự kiện văn hóa tuần qua: Báo Thanh Niên trao giải cuộc thi viết ‘Sống đẹp’

25/12/2022 07:00 GMT+7

Chiều 21.12 tại TP.HCM, Báo Thanh Niên long trọng tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết Sống đẹp . Thay mặt Ban bí thư T.Ư Đoàn, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn - Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tham dự.

Về phía Báo Thanh Niên, đến dự tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết Sống đẹp lần 2 có Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng biên tập Báo Thanh Niên – Trưởng ban tổ chức cuộc thi; Nhà báo Lâm Hiếu Dũng – Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên. Đại diện ban giám khảo cuộc thi có PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh và nhà văn Trần Nhã Thụy.

Các cá nhân, đơn vị đồng hành cùng cuộc thi Sống đẹp có ông Nguyễn Luân Vũ – đại diện ông Lê Văn Lực – người đồng hành âm thầm xuyên suốt cuộc thi Sống đẹp; Ông Nguyễn Văn Đại - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á; Ông Bùi Đức Tuệ - Giám đốc Điều hành One IBC Việt Nam cùng các tác giả đoạt giải, các nhân vật được vinh danh và sinh viên đến từ các trường: ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH Gia Định.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Báo Thanh Niên trao giải cuộc thi viết ‘Sống đẹp’ - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn - Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát biểu

Độc lập

Phát biểu tại buổi lễ trao giải, Bí thư T.Ư Đoàn - Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên VN Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Ban Bí thư T.Ư Đoàn đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc thi Sống đẹp của Báo Thanh Niên. Với con số bài viết tham dự rất lớn và các tấm gương phản ánh đa dạng, đầy nghị lực và truyền cảm hứng đã nói lên sức lan tỏa của Sống đẹp trong thanh niên. Tại ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành sự kỳ vọng và giao nhiệm vụ cho thế hệ trẻ hai chữ tiên phong. Và với cuộc thi này, chúng ta đang đi tiên phong trên mặt trận đạo đức, tái khẳng định những đức tính tốt đẹp bằng các không gian đa dạng của những câu chuyện kể đầy tính nhân văn. Tôi mong các bạn trẻ thông qua bản thân, bạn bè và người thân hãy cùng lan tỏa các tấm gương Sống đẹp để cùng xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp, vì mục tiêu đất nước phồn vinh và phát triển".

Nhận xét về cuộc thi, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập Báo Thanh Niên, Trưởng ban tổ chức cho biết: "Sau hơn 6 tháng diễn ra, cuộc thi đã nhận được 705 bài tham gia (lần đầu là 418 bài). Trong đó, có 324 bài dự thi hạng mục ký sự phóng sự ghi chép và 381 bài dự thi hạng mục truyện ngắn. Những bài viết chất lượng tốt đã được ban giám khảo vòng sơ khảo (của Báo Thanh Niên) chọn đăng trên chuyên trang của báo in, cũng như chuyên mục Sống đẹp trên Thanh Niên Online. Từ hơn 700 bài dự thi, ban giám khảo vòng sơ khảo đã chọn ra 44 tác phẩm thuộc hạng mục ký sự, phóng sự, ghi chép và 29 tác phẩm thuộc hạng mục truyện ngắn vào vòng chung khảo. Kết quả chung cuộc đã được đăng trên chuyên mục Sống đẹp. Và những tác phẩm chất lượng từ cuộc thi năm nay cũng được in thành tuyển tập Sống là để cho đi vừa ra mắt".

Giải nhất hạng mục Phóng sự, ký sự, ghi chép thuộc về tác phẩm Vòng xe của Hậu (tác giả Võ Minh Huy – Quảng Ngãi). Giải nhất hạng mục Truyện ngắn thuộc về tác phẩm Món quà ánh sáng (tác giả Hiền Dương – Bạc Liêu).

Ngoài các tác phẩm đoạt giải, ban tổ chức cuộc thi viết Sống đẹp lần 2 cũng vinh danh 5 nhân vật tiêu biểu, từng xuất hiện trong các tác phẩm gửi về: Nhâm Quang Văn (Thái Bình) trong tác phẩm Người chọn nghề… vớt xác (tác giả Trần Thị Thúy Vân); Lâm Kim Hùng (Ðồng Nai) trong tác phẩm Một ông chủ quán làm thay đổi nhiều số phận (Bùi Thuận); Quảng Ðình Hậu (Quảng Ngãi) trong tác phẩm Vòng xe của Hậu (tác giả Võ Minh Huy); Nguyễn Thị Thảo Nguyên (Kon Tum) trong tác phẩm Cô sinh viên mồ côi “nghiện” hiến máu, làm từ thiện(tác giả Hà An); Trương Văn Kiềm (Cần Thơ) trong tác phẩm Cánh chim không mỏi (tác giả Thiên Lộc).

Huỳnh Thị Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2022

Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu VN 2022 do Báo Tiền phong và Công ty Sen Vàng phối hợp tổ chức đã diễn ra vào tối 23.12 tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) với kết quả Huỳnh Thị Thanh Thủy giành được vương miện hoa hậu.

Thanh Thủy (19 tuổi), đến từ Đà Nẵng, cao 1,75 m, số đo ba vòng 80-63-94 cm, hiện đang là sinh viên năm thứ hai khoa Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng. Cô từng đoạt danh hiệu Hoa khôi Trường ĐH Ngoại ngữ trực thuộc Đại học Đà Nẵng, Á khôi 1 cuộc thi Học sinh - Sinh viên thanh lịch Đà Nẵng năm 2021.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Báo Thanh Niên trao giải cuộc thi viết ‘Sống đẹp’ - Ảnh 2.

Tân hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy (giữa) và 2 á hậu

k.c

 Á hậu 1 thuộc về Trịnh Thùy Linh (21 tuổi), quê Thanh Hóa, sinh viên ngành Kinh doanh - Marketing của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Cô cao 1,72 m, số đo lần lượt 87-58-95 cm. Thùy Linh cũng giành thêm giải thưởng phụ Người đẹp có làn da đẹp nhất.

Á hậu 2 được trao cho Lê Nguyễn Ngọc Hằng (19 tuổi), đến từ TP.HCM, là sinh viên Đại học Western Sydney (cơ sở đào tạo ở Việt Nam). Người đẹp cao 1,74 m với số đo ba vòng 85-60-89 cm và đoạt thêm giải phụ Người đẹp Tài năng. Ngọc Hằng từng vào top 10 chung cuộc Miss World Vietnam 2022 hồi tháng 8.

Thí sinh Hoàng Hương Giang (19 tuổi), đến từ Bắc Giang, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội) lọt Top 5 chung cuộc và giành giải phụ Người đẹp có gương mặt khả ái. Nguyễn Ngọc Mai (23 tuổi), quê Nam Định, từng tốt nghiệp Đại học Stenden (Hà Lan), đoạt giải Người đẹp Nhân ái để được vào thẳng top 5.

Thí sinh Phan Phương Oanh đoạt giải Người đẹp biển, Trần Lê Mai Chi - Người đẹp Thời trang, Nguyễn Thị Thanh Tâm - Người đẹp truyền thông, Trần Thị Bé Quyên - Người đẹp Áo dài...

Bà Rịa - Vũng Tàu có bảo vật và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 23.12, Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức lễ công bố quyết định công nhận 3 mặt nạ vàng là bảo vật quốc gia, lễ giỗ bà Phi Yến là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

3 mặt nạ vàng tìm thấy ở TP.Vũng Tàu là các hiện vật đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam và Đông Nam Á, có đặc điểm chung là hình chữ nhật và được chế tác bằng kỹ thuật dập thủ công bằng tay, với các họa tiết hoa văn nổi như lông mày, mắt, sống mũi. 3 hiện vật này được các nhà khảo cổ phát hiện tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Báo Thanh Niên trao giải cuộc thi viết ‘Sống đẹp’ - Ảnh 3.

3 mặt nạ vàng được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

n.l

Theo đó, năm 2002, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội khảo sát khảo cổ trên địa bàn toàn tỉnh, phát hiện ra di tích Giồng Lớn Long Sơn có một số hiện vật nguyên vẹn, cho thấy đây là một di tích quan trọng. Năm 2003 và 2005, khai quật trên diện tích gần 550m2, các nhà khảo cổ đã phát hiện 2.308 hiện vật bằng gốm, đá, thủy tinh, mã não, kim loại màu vàng... ở trong các khu mộ táng. Những hiện vật này đều có niên đại trên dưới 2.000 năm. Các nhà khảo cổ tìm thấy những trang sức khá tinh xảo là những chiếc vòng đeo tay, hạt chuỗi được tìm thấy lẫn trong cát. Trong số hơn 2.300 hiện vật được tìm thấy tại Giồng Lớn là 3 chiếc mặt nạ bằng vàng tại 3 ngôi mộ khác nhau. Đây là những mặt nạ vàng, gắn liền với táng tất của người xưa. Với những giá trị độc đáo và giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng, ngày 25.12.2021, Thủ tướng ban hành Quyết định số 2198 công nhận mặt nạ vàng Giồng Lớn Long Sơn là Bảo vật Quốc gia. Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết 3 mặt nạ vàng là những hiện vật vô cùng đặc sắc, được làm từ kim loại quý với trình độ kỹ thuật chế tác điêu luyện, có niên đại cách ngày nay khoảng hơn 2000 năm, là giai đoạn chuyển tiếp từ Tiền Óc Eo lên văn hóa Óc Eo. Ba mặt nạ vàng còn nguyên vẹn, độc đáo duy nhất chỉ có ở Bà Rịa - Vũng Tàu, chưa có di tích khảo cổ nào ở Việt Nam phát hiện được đồ tùy táng bằng vàng có kích thước lớn, được chế tác cầu kỳ và có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, phản ánh những yếu tố về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo xuất hiện tại khu vực ven biển Đông Nam bộ.

Ba mặt nạ vàng Giồng Lớn được chôn cùng với các hiện vật mang truyền thống ven biển Đông Nam bộ là minh chứng rõ nét cho sự tiếp xúc, giao thoa giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh, giữa sự vận động nội tại của các văn hóa bản địa với các tác nhân kinh tế, văn hóa, tôn giáo từ bên ngoài. Hiện 3 mặt nạ vàng Giồng Lớn Long Sơn đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Lễ giỗ bà Phi Yến là di sản văn hóa phi vật thể có giá trị lịch sử, văn hóa - tín ngưỡng, nghệ thuật, thể hiện bản sắc của cộng đồng; là một hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú không chỉ đối với người Việt, Hoa, Khmer của vùng đất Nam bộ mà còn ảnh hưởng và thu hút đông đảo khách hành hương từ khắp mọi miền đất nước và một bộ phận người Việt mang quốc tịch ngoại quốc cùng du khách quốc tế như Mỹ, Pháp, Úc, Nga… Những năm gần đây, ngày giỗ bà Phi Yến đã trở thành một lễ hội văn hóa lớn trong năm, được cộng đồng cư dân Côn Đảo cùng đảng bộ, chính quyền Côn Đảo tổ chức trang trọng và từng bước nâng lễ giỗ hằng năm thành lễ hội truyền thống của địa phương, phù hợp tập quán và đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân trên đảo. Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đây là lần đầu tiên tỉnh này được vinh dự đón nhận và công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa của Việt Nam.

Ban Dân y T.Ư Cục miền Nam đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia

Ngày 19.12, tại H.Tân Biên, UBND tỉnh Tây Ninh và CLB truyền thống Ban Dân Y miền Nam tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia địa điểm Ban Dân y T.Ư Cục miền Nam.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Báo Thanh Niên trao giải cuộc thi viết ‘Sống đẹp’ - Ảnh 4.

Bà Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ nhiệm CLB truyền thống Ban Dân y đón nhận bằng công nhận xếp hạng Di tích quốc gia địa điểm Ban Dân y T.Ư Cục miền Nam do ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa trao

Giang Phương


Buổi lễ có sự tham dự của nhiều cán bộ lãnh đạo Nhà nước, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và địa phương. Theo đó, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến, Chủ nhiệm CLB Ban Dân y; nguyên Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến…đến dự và tham quan khu di tích.

Tại buổi lễ, ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL đã trao bằng công nhận xếp hạng Di tích quốc gia địa điểm Ban Dân y T.Ư Cục miền Nam. Bà Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ nhiệm CLB truyền thống Ban Dân y lên đón nhận bằng công nhận.

Nhân dịp này, CLB truyền thống Ban Dân y T.Ư Cục Miền Nam trao tặng 30 suất học bổng (trị giá 3 triệu đồng/suất) cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chăm ngoan học giỏi tại địa phương. Trước đó, ngày 15.12 tại H.Tân Biên, bà Trần Thị Trung Chiến cùng các thành viên trong CLB cũng đã trao tặng 100 phần quà cho các gia đình có công cách mạng và hộ nghèo.

Phim tài liệu Việt vào top 15 Oscar 2023

Sáng 22.12 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) công bố danh sách rút gọn một số hạng mục Oscar 2023, trong đó có Phim quốc tế xuất sắc. Theo đó, bộ phim 578: Phát đạn của kẻ điên của đạo diễn Lương Đình Dũng đại diện điện ảnh Việt (do Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT-DL cử đi thi) không có tên trong danh sách. Bộ phim này với diễn xuất của Hoa hậu H'Hen Niê, Hoàng Phúc, Trương Ngọc Tình, Alexandre Nguyễn... khi chiếu rạp tại Việt Nam hồi tháng 5.2022 chỉ thu được có 3,5 tỉ đồng, dù kinh phí đầu tư lên đến 60 tỉ đồng.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Báo Thanh Niên trao giải cuộc thi viết ‘Sống đẹp’ - Ảnh 5.

Phim tài liệu Children of the Mist (Những đứa trẻ trong sương) của đạo diễn người Tày 31 tuổi Hà Lệ Diễm có tên trong danh sách rút gọn của đề cử Oscar lần thứ 95

T.L

Một thông tin khiến giới điện ảnh Việt nức lòng đó là trong danh sách rút gọn 15 đề cử của hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc tại Oscar 2023 có phim của đạo diễn người Tày (Việt Nam) 31 tuổi Hà Lệ Diễm: Children of the Mist. Phim đứng chung các tác phẩm tài liệu khác trên thế giới, gồm: All That Breathes (Anh), All the Beauty and the Bloodshed (Mỹ), Bad Axe (Mỹ),Descendant (Mỹ), Fire of Love (Mỹ - Canada),Hallelujah: Leonard Cohen, a Journey, a Song (Mỹ - Canada), Hidden Letters (Trung Quốc), A House Made of Splinters (Đan Mạch), The Janes (Mỹ),Last Flight Home (Mỹ), Moonage Daydream (Đức - Mỹ), Navalny (Mỹ), Retrograde (Mỹ),The Territory (Mỹ - Anh - Brazil - Đan Mạch). Danh sách đề cử sẽ tiếp tục rút gọn một lần nữa để có top 9 cuối cùng tranh giải.

Trước Oscar lần thứ 95, Children of the Mist từng thắng nhiều giải như Đạo diễn xuất sắc tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam, Phim tài liệu Đông Nam Á xuất sắc tại LHP Balimakarya, Giải thưởng lớn (Grand Prix) tại LHP Giáo dục của Pháp... Gần nhất, phim đầu tay của Hà Lệ Diễm trình chiếu tại LHP Quốc tế Hà Nội vào tháng 11. Đạo diễn Hà Lệ Diễm (sinh năm 1992 tại Bắc Kạn, tốt nghiệp ngành Báo chí tại Đại học Khoa học - Xã hội & Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), tác giả của Children of the Mist, cho biết phim đủ điều kiện nộp Oscar 2023 do thắng Phim quốc tế xuất sắc tại LHP Docaviv. Đây là một trong các LHP bảo chứng cho Oscar.

Children of the Mist đề cập đến phong tục "kéo vợ" (bắt cóc cô bé mình để mắt về làm vợ) của các nam thiếu niên người H'Mong mỗi dịp tết Nguyên đán ở các địa phương vùng núi phía Bắc Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.