Sự kiện văn hóa tuần qua: Bộ VH-TT-DL nói gì về nguy cơ bán lại ấn Hoàng đế chi bảo ra nước ngoài?

26/03/2023 10:30 GMT+7

Nguy cơ ấn Hoàng đế chi bảo bị bán ra nước ngoài đã được nêu lên tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ VH-TT-DL ngày 24.3. Theo đó, có ý kiến đặt vấn đề khi chiếc ấn Hoàng đế chi bảo này thuộc quyền sở hữu tư nhân, liệu nó có thể bị bán ra nước ngoài hay không.

Về điều này, ông Trần Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), cho biết pháp luật về di sản văn hóa có những quy định có liên quan đến ấn Hoàng đế chi bảo.

Những quy định này nằm trong 2 thông tư. Một thông tư quy định về việc di vật, hiện vật, bảo vật quốc gia muốn được đưa ra nước ngoài với mục đích tuyên truyền, bảo quản và bảo vệ. Một thông tư nữa là Thông tư 19 năm 2012 quy định về loại di vật, cổ vật không được đưa ra nước ngoài, trong danh mục này nói đến những ấn tín không được đưa ra nước ngoài.

Các quy định của pháp luật này cũng quy định trình tự cũng như thẩm quyền xem xét thẩm định của cục với các loại di vật cổ vật như vậy, có được phép mang ra nước ngoài hay không. Thông tư quy định chặt chẽ từ đối tượng đến quy định cụ thể kèm theo.

"Vì thế, nếu tư nhân tiếp tục đưa ra nước ngoài với mục đích trưng bày quảng bá văn hóa Việt Nam, hoặc đưa ra nước ngoài để tu sửa, bảo quản nếu hiện vật xuống cấp mà công nghệ và trình độ kỹ thuật của Việt Nam chưa thực hiện được, thì sẽ có thông tư quy định. Trường hợp đưa ra với mục đích khác thì cũng đã có thông tư ngăn chặn việc mang ra nước ngoài", ông Thành nói.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Bộ VH-TT-DL nói gì về nguy cơ bán lại ấn Hoàng đế chi bảo ra nước ngoài? - Ảnh 1.

Ấn Hoàng đế chi bảo

NHÀ ĐẤU GIÁ MILLON

"Chúng tôi cam kết việc chủ sở hữu có thể là tư nhân muốn mang ấn Hoàng đế chi bảo ra nước ngoài phải đảm bảo tuân thủ quy định chặt chẽ mới được mang đi. Còn lại, hoàn toàn hiện vật này chịu quản lý của Thông tư 19 sẽ không được mang ra nước ngoài", ông Thành nhấn mạnh.

Trước đó, ấn Hoàng đế chi bảo - ấn được coi là đẹp nhất của triều Nguyễn đã được nhà đấu giá Millon (Pháp) đưa ra đấu giá.

Sau đó, nhờ hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao và Bộ VH-TT-DL, ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh, mua được chiếc ấn. Ông Hồng mua ấn Hoàng đế chi bảo với tư cách là Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng. Tổng giá của tác phẩm (ấn vàng) được các bên thỏa thuận là 6.100.044 euro bao gồm thuế. Tất cả các loại thuế áp dụng cho việc bán tác phẩm do bên mua chịu trách nhiệm.

Quảng Ngãi đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh

Sáng 24.3, tại gò Ma Vương (P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ), UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi là "cái nôi" của Văn hóa Sa Huỳnh với hàng loạt di tích tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh đã được nghiên cứu như: Long Thạch, Bình Châu, Gò Văng, Núi Sứa, Gò Quách, Gò Quê, Tịnh Thọ, Xuân Phổ, Gò Kim, Xóm Ốc, Suối Chình…

Sự kiện văn hóa tuần qua: Bộ VH-TT-DL nói gì về nguy cơ bán lại ấn Hoàng đế chi bảo ra nước ngoài? - Ảnh 2.

Trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh cho lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi và UBND TX.Đức Phổ

HẢI PHONG

Nói đến Văn hóa Sa Huỳnh là người ta nghĩ đến những khu mộ chum rộng lớn với các chum gốm to, nhỏ, cao được dùng để lưu giữ phần xác của con người khi về thế giới bên kia, là nói đến những đồ trang sức bằng thủy tinh, bằng mã não rất độc đáo; những khuyên tai hai đầu thú, hạt cườm; những bình gốm, bát đồng, chậu, vò… được trang trí hoa văn đẹp và tinh xảo.

Gắn liền với Văn hóa Sa Huỳnh còn có đầm An Khê và lạch An Khê. Đầm An Khê là đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở vùng ven biển thuộc xã Phổ Khánh và P.Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). Đầm nước ngọt này có giá trị rất đặc biệt, là một bộ phận hữu cơ của hệ sinh thái Sa Huỳnh, mang lại những điều kiện cần thiết cho cuộc sống của cư dân bản địa, góp phần hình thành và phát triển nền Văn hóa Sa Huỳnh cổ.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền Thủ tướng, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đã trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh cho lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi và UBND TX.Đức Phổ.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, để đưa Di tích Văn hóa Sa Huỳnh trở thành Di sản văn hóa thế giới trong thời gian tới nhằm giáo dục lịch sử, văn hóa cho các thế hệ, đồng thời trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách cả nước và bạn bè quốc tế; tỉnh Quảng Ngãi cần triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản Văn hóa Sa Huỳnh gắn với phát triển du lịch.

Phố đi bộ gần 100 tỉ đồng ở Huế hoạt động từ tối 24.3

Ngày 23.3, UBND TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) cho biết Phố đi bộ Hai Bà Trưng (thuộc P.Vĩnh Ninh) sẽ chính thức đi vào hoạt động từ 18 giờ ngày 24.3.

Lễ khai trương chính thức diễn ra vào lúc 19 giờ tối 26.3. Ngay sau lễ khai trương sẽ diễn ra "Lễ hội Chào hè Huế 2023" (lúc 19 giờ 30) với chương trình Carnival sắc màu du lịch trên tuyến phố đi bộ. Chương trình do Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với UBND TP.Huế và Hiệp hội Du lịch tỉnh thực hiện.

Chương trình Carnival sắc màu du lịch là hoạt động khởi đầu cho chuỗi lễ hội, sự kiện của ngành du lịch Thừa Thiên-Huế trong năm 2023 và hưởng ứng Festival Huế 2023. Hoạt động này nhằm đem lại không khí tươi vui, phấn khởi cho các doanh nghiệp du lịch chuẩn bị chào đón mùa du lịch hè, tạo hiệu ứng truyền thông thu hút khách du lịch đến tham quan.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Bộ VH-TT-DL nói gì về nguy cơ bán lại ấn Hoàng đế chi bảo ra nước ngoài? - Ảnh 3.

Tuyến đường Hai Bà Trưng, TP.Huế vừa được đầu tư gần 100 tỉ đồng để chỉnh trang thành phố đi bộ

Thúc Nhân

Dự án chỉnh trang tuyến đường Hai Bà Trưng với chiều dài toàn tuyến khoảng 850 m, tổng mức đầu tư gần 97 tỉ đồng để hình thành tuyến đường đi bộ, bổ sung các thiết chế dịch vụ, vui chơi giải trí về đêm; dự án do UBND TP.Huế đầu tư.

Phố đi bộ này kết hợp các khu vực thương mại sẵn có và khai thác các dịch vụ thương mại của người dân để hình thành khu phố sầm uất, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí về đêm cho người dân và du khách.

Phố đi bộ Hai Bà Trưng sau khi đi khai trương sẽ hoạt động trong các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần trong khung thời gian từ 18 giờ đến 24 giờ.

Nhà làm việc của bác sĩ Yersin là Di tích lịch sử quốc gia

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL vừa có Quyết định bổ sung điểm di tích Nhà làm việc của nhà bác học Alexandre Yersin tại Hòn Bà, xã Suối Cát, H.Cam Lâm (Khánh Hòa) vào Di tích lịch sử quốc gia.

Cách đây 33 năm, Di tích lịch sử lưu niệm nhà bác học Alexandre Yersin đã được Bộ Văn hóa – Thông tin, Thể thao và Du lịch (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng là Di tích quốc gia theo Quyết định số 993-QĐ ngày 28.9.1990.

Di tích là một quần thể các địa điểm riêng lẻ, tiêu biểu, nổi bật, gắn bó trực tiếp với cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học A.Yersin, bao gồm 3 địa điểm là thư viện tại Viện Pasteur Nha Trang (đường Trần Phú, P.Xương Huân, TP.Nha Trang), chùa Linh Sơn, mộ A.Yersin (xã Suối Cát, H.Cam Lâm).

Sự kiện văn hóa tuần qua: Bộ VH-TT-DL nói gì về nguy cơ bán lại ấn Hoàng đế chi bảo ra nước ngoài? - Ảnh 4.

Nhà làm việc của bác sĩ A.Yesin trên núi Hòn Bà

N.C

Năm 2021, Hội những người ái mộ bác sĩ Yersin đã đề xuất tỉnh Khánh Hòa xem xét đề nghị xếp hạng di tích đối với nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin tại khu vực Hòn Bà để bảo tồn, phát huy giá trị di sản cùng với quần thể di tích lịch sử lưu niệm nhà bác học A.Yersin.

Hòn Bà cao 1.578 m so với mặt nước biển, là một ngọn núi nằm giữa hai xã Khánh Phú (H.Khánh Vĩnh) và xã Suối Cát (H.Cam Lâm) thuộc tỉnh Khánh Hòa, cách TP.Nha Trang khoảng 60 km về phía tây nam.

Năm 1914, bác sĩ A.Yersin đã tiến hành khảo sát Hòn Bà, đưa một số cây công nghiệp vào trồng thí nghiệm và đã thành công với cây thuốc quinquina, giống cây cao su – một loại cây có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng trong công nghiệp.

Năm 2005, Công ty CP Yasaka - Sài Gòn - Nha Trang được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho quản lý sử dụng đã cho xây dựng lại căn nhà gỗ trên nền móng cũ. Ngôi nhà được xây dựng có kết cấu tương tự hình ảnh ngôi nhà cũ của bác sĩ A.Yersin, kết cấu 2 tầng, lắp ghép bằng gỗ sơn màu đen, mái lợp tôn nâu đỏ, dùng để trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời sự nghiệp của bác sĩ A.Yersin (hiện nay các hiện vật, tranh ảnh đã được Công ty cổ phần Yasaka - Sài Gòn - Nha Trang tháo dỡ).

Năm 2016, Công ty cổ phần Yasaka - Sài Gòn - Nha Trang có văn bản xin bàn giao khu vực này lại cho tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay, khu vực nhà làm việc này nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà do Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa) quản lý.

Di tích chùa xuống cấp nghiêm trọng không thể tu sửa do thiếu... "sổ đỏ"

Chùa Đào Lạng (xã Nghĩa Thái, H.Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng khó có thể thực hiện việc tu bổ do thiếu thủ tục về đất đai.

Đền - chùa Đào Lạng được xây dựng cách đây khoảng gần 300 năm, thờ Phật và Nam Hải đại vương.

Theo tích xưa truyền lại, khi bị Triệu Đà (tướng quân nhà Hán) đánh úp, vua An Dương Vương mất nước phải nhảy xuống sông tự tử. Sau này, các triều đại phong kiến Việt Nam đều truy tặng ông là Nam Hải đại vương. Để ghi nhớ tới công lao của vua, nhiều địa phương đã xây dựng đền thờ ông.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Bộ VH-TT-DL nói gì về nguy cơ bán lại ấn Hoàng đế chi bảo ra nước ngoài? - Ảnh 5.

Toàn cảnh di tích lịch sử, văn hóa đền - chùa Đào Lạng

ĐÌNH HUY

Năm 2003, đền - chùa Đào Lạng được UBND tỉnh Nam Định công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Tuy nhiên, trải qua thời gian, cụm di tích lịch sử cấp tỉnh này đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể đổ, sập xuống bất cứ lúc nào.

Trong cụm di tích đền - chùa Đào Lạng chỉ có phủ mẫu là nơi chắc chắn nhất do mới được xây dựng vào năm 2012, còn lại tất cả các hạng mục đều đã xuống cấp, cần được tu bổ, nâng cấp ngay lập tức.

Tại đền thờ Nam Hải đại vương thì đã bị nứt làm 3 đoạn chạy dọc các gian. Một số cánh cửa đã hỏng và phải thay mới, không còn giữ được sự cổ kính như trước đây.

Nơi thờ chính của chùa cũng có rất nhiều hạng mục xuống cấp nặng nề. Nghiêm trọng nhất là phần mái. Các thanh gỗ trên đã rời hết ra, trời mưa thì nước chảy vào trong chùa như ngoài trời.

Thượng tọa Thích Quảng Bá, Ủy viên trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh Nam Định, Trưởng ban trị sự Giáo hội phật giáo H.Nghĩa Hưng, trụ trì chùa Đào Lạng, cho biết cụm di tích đền - chùa Đào Lạng hiện đã xuống cấp nặng nề, khó có thể sửa chữa, tu bổ lại.

Tuy nhiên, do đền - chùa Đào Lạng chưa có sổ đỏ nên nhiều khả năng không thể xin được dự án. Nguyên nhân do trước đây, có một cặp vợ chồng mượn đất của chùa để ở nhờ, đến khi họ mất đi, sẽ trả lại đất cho chùa nhưng sau khi họ mất đi, mảnh đất đó lại để lại cho 2 người con sử dụng. Nhà chùa đã vận động được 1 người trả lại đất cho chùa, 1 người vẫn bám trụ và hứa "khi nào chết, sẽ trả lại đất cho chùa".

Ông Trần Hải Triều, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thái, xác nhận đền - chùa Đào Lạng hiện không có sổ đỏ do chưa đủ điều kiện được cấp như đã nói. "Chúng tôi đang làm việc với nhà chùa về vấn đề này", ông Triều nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.