Sự kiện văn hóa tuần qua: Chủ tịch nước gặp du học sinh dịch 'Truyện Kiều' sang tiếng Anh

04/12/2022 07:00 GMT+7

Chiều 28.11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp thân mật tài năng văn học trẻ Nguyễn Bình, người vừa được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải tác giả trẻ ở hạng mục Văn học dịch với tác phẩm dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh.

Tại cuộc gặp, giới thiệu với Chủ tịch nước về dịch giả trẻ Nguyễn Bình, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết Nguyễn Bình viết sách từ năm 8 tuổi, du học, thông thạo nhiều ngoại ngữ cổ và ngoại ngữ hiện đại.

Nguyễn Bình đang theo học ngành Thiên văn học tại Đại học Arizona, Mỹ. 10 tuổi, Nguyễn Bình đã hoàn thành, cho ra mắt bộ tiểu thuyết Cuộc chiến với hành tinh Fantom.

Ông Thiều đánh giá, đó là một trí tuệ đặc biệt, quan trọng hơn tất cả những điều ấy là Nguyễn Bình yêu Kiều, yêu Nguyễn Du.

Nguyễn Bình đặc biệt yêu Truyện Kiều, sau khi tìm hiểu các sử thi cổ của các nước trên thế giới được dịch ra nước ngoài anh nhận thấy Truyện Kiều dịch sang tiếng Anh vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh, đúng tinh thần của tác phẩm.

Dịch giả trẻ Nguyễn Bình tặng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tác phẩm Truyện Kiều song ngữ

VPCTN.VN

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết với bản dịch Truyện Kiều tiếng Anh của Nguyễn Bình sau khi được các nhà văn, nhà thơ, nhà ngôn ngữ kiểm định đã nhận xét rằng đây là bản dịch mang tinh thần mới, vẻ đẹp của hiện đại. Chính vì thế, vừa qua, Nguyễn Bình đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng Tác giả trẻ, hạng mục Văn học dịch với bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh.

Bày tỏ vinh dự được gặp Chủ tịch nước, dịch giả Nguyễn Bình chia sẻ về cơ duyên cũng như quãng thời gian anh hoàn thành bản dịch.

128 tác giả, đồng tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước

128 tác giả, đồng tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022, trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Ngày 1.12, Bộ VH-TT-DL cho biết Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký 4 quyết định tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho 128 tác giả, đồng tác giả, trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, 112 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022.

Bức ảnh Hai người lính trong bộ ảnh đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh của tác giả Chu Chí Thành

CHU CHÍ THÀNH

Trong đó, 8 tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm: nhạc sĩ Hồng Đăng, tác giả Chu Chí Thành, tác giả Võ Nguyên Nhân, NSND Đặng Hùng, NSND Vũ Việt Cường, NSND Lê Văn Khình, NSND Ứng Duy Thịnh, NSND Nguyễn Thị Hiển.

8 tác giả, đồng tác giả được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm: nhạc sĩ Văn Ký, tác giả Nguyễn Văn Chước, tác giả Hoàng Châu Ký, tác giả Nguyễn Xuân Trình, tác giả Nguyễn Xuân Đức, tác giả Hoàng Trung Thông, tác giả Bùi Hiển, NSƯT Phan Thế Dõng.

Về Giải thưởng Nhà nước, có 87 tác giả, đồng tác giả được tặng và 25 tác giả, đồng tác giả được truy tặng.

Cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với truyện ngắn Tướng về hưu và tập truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát.

Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về về văn học nghệ thuật năm 2022 sẽ được tổ chức giữa tháng 12 tại Hà Nội.

Nghệ thuật gốm Chăm được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể

Ngày 30.11, lãnh đạo Sở VH-TT-DL Bình Thuận cho biết UNESCO hôm 29.11 đã thông qua và ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là nghề thủ công truyền thống đầu tiên của VN được đề cử và ghi danh.

Gốm của người Chăm chủ yếu là đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ và đồ mỹ nghệ gồm chum (jek), nồi (gok), mâm (cambak), bình (bilaok)… Nghề làm gốm được xem là sự sáng tạo cá nhân do người phụ nữ Chăm làm ra trên nền tảng tri thức được lưu truyền trong cộng đồng. Thay vì sử dụng bàn xoay, người phụ nữ Chăm di chuyển giật lùi quanh khối nguyên liệu để tạo hình sản phẩm. Gốm không tráng men và được phơi khô, nung ở ngoài trời bằng củi và rơm trong 7 - 8 giờ ở nhiệt độ khoảng 800 độ C.

Nghệ nhân Chăm làm gốm thủ công

SỞ VH-TT-DL BÌNH THUẬN

Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật làm gốm của người Chăm đáp ứng các tiêu chí cần thiết để ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Chủ thể văn hóa và người thực hành chủ yếu là phụ nữ Chăm. Tri thức và kỹ năng làm nghề được trao truyền trong gia đình, dòng họ và cộng đồng. Việc trao truyền được thực hiện bằng biện pháp kể chuyện và thực hành hằng ngày. Di sản thu hút sự trao đổi và tương tác giữa những người thực hành nghề, các sinh hoạt xã hội và nâng cao vai trò của người phụ nữ Chăm trong xã hội hiện đại.

Nghề gốm của người Chăm hiện còn phổ biến ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, cũng là 2 địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống.

Chủ tịch nước dự khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Ngày 28.11, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027, khai mạc tại Cung Văn hóa Hữu nghị (Hà Nội) với sự tham dự của 1.091 đại biểu, gồm các chư tôn đức giáo phẩm, tăng ni, cư sĩ, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại đại hội.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đọc báo cáo về hoạt động Phật sự trong trong nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022). Theo đó, nhiệm kỳ qua, Giáo hội phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do sự ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, sự điều hành linh hoạt, sáng tạo của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, các ban, viện T.Ư, ban trị sự các cấp đã tổ chức tốt các hoạt động Phật sự của Giáo hội, đạt được những mục tiêu, kế hoạch đề ra trong nhiệm kỳ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại đại hội

NGỌC THẮNG

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX có chủ đề “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển” sẽ đề ra phương hướng hoạt động Phật sự, nhiệm vụ chiến lược phát triển Giáo hội trong 5 năm tiếp theo của nhiệm kỳ IX (2022 - 2027).

Đại hội có nhiệm vụ cử hành nghi thức suy tôn Đức Pháp chủ và Hội đồng Chứng minh. Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội nhiệm kỳ IX là tiến hành tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và quyết định một số Phật sự quan trọng khác.

Phát biểu tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định với triết lý “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” và truyền thống “Hộ quốc, an dân”, Phật giáo đã được đông đảo người dân Việt Nam đón nhận và tin theo.

Tìm giá trị cốt lõi "rút gọn" cho người Việt

Cả ngày 29.11 tại ba điểm cầu: Hà Nội, Huế và TP.HCM đã sôi nổi diễn ra hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mớido Hội đồng Lý luận T.Ư, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ VH-TT-DL, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp tổ chức.

Gia đình hạnh phúc là một giá trị ai cũng muốn hướng tới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Phát biểu tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người VN trong thời kỳ mới” tổ chức ngày 29.11 tại Hà Nội, GS-TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư, nhắc lại nhu cầu “cách tân, khai dân trí, chấn dân khí” những năm đầu thế kỷ 20, cùng với phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Phong trào đó để phân tích thói hư tật xấu của người Việt, rồi sau đó sửa chữa sự lạc hậu của chính mình. Nhưng đã có một thời gian khá dài chúng ta né tránh việc đó. Vì thế, việc nhìn lại mình một cách tỉnh táo là hướng đi cần thiết. “Phải chăng vấn đề này đang bị bỏ lửng?”, ông Dũng nêu câu hỏi.

PGS-TS Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, nêu hiện tượng xuất hiện sự “đứt gãy”, gián đoạn về giáo dục, trao truyền hệ giá trị con người giữa các thế hệ. Trước đây công việc này chủ yếu do gia đình đảm nhận, là vai trò, chức năng căn bản của gia đình, ông bà, bố mẹ. Ngày nay trẻ em học hành, tiếp xúc với thầy cô, bạn bè nhiều hơn ở nhà với ông bà, bố mẹ, anh chị em. Trong khi nhà trường chưa sẵn sàng, chủ động với việc giáo dục các hệ giá trị thì vai trò, chức năng của gia đình về việc này đang bị rút bỏ. “Xã hội chưa sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ trực tiếp, chủ động trao truyền, giáo dục hệ giá trị con người và các hệ giá trị khác thì gia đình đã bị tước bỏ chức năng này. Đây là khiếm khuyết lớn, cần khắc phục càng sớm càng tốt”, ông Hải phân tích.

PGS-TS Nguyễn Hữu Minh, Viện Nghiên cứu gia đình và giới, chỉ ra một loạt vấn đề về gia đình tại VN. Với phụ nữ, việc vừa phải làm việc nhà vừa phải lo việc cơ quan khiến họ chịu sức ép lớn, khó có thời gian chăm sóc bản thân. Giáo dục trẻ em trong gia đình tuy có xu hướng ngày càng bình đẳng hơn, song về cơ bản quan hệ cha mẹ - con cái vẫn bảo lưu tôn ti trật tự truyền thống, dẫn đến sự thiếu tôn trọng quyền của con cái. Tỷ lệ con cái sống chung với cha mẹ sau khi kết hôn giảm đi làm cho việc chăm sóc của con cái đối với cha mẹ sẽ ít thường xuyên hơn. Tình trạng ly hôn, ly thân và nhiều người trong độ tuổi lao động di cư khiến cho người cao tuổi càng cô đơn và thiếu nơi nương tựa.

Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng giá trị cốt lõi quốc gia đã được Hồ Chủ tịch căn dặn trong di chúc. Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước VN hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Ông Nghĩa khẳng định: “Đây chính là những giá trị cốt lõi của quốc gia mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã và đang phấn đấu thực hiện theo Di chúc của Người”.

Ông Nghĩa cũng nhắc tới lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021. Theo đó, hệ giá trị con người VN gồm 8 giá trị chủ yếu là: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Hệ giá trị văn hóa gồm 4 giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị quốc gia gồm 9 giá trị: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.