Ngày 17.11, tại Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia các địa điểm lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, nhắc lại cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhà cách mạng tiền bối của Đảng, Nhà nước ta, của nhân dân ta; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người con ưu tú quê hương Vĩnh Long. Ông đã dành trọn cuộc đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Trong suốt quá trình cống hiến cho dân cho nước, ông đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong chỉ đạo về chính trị, kinh tế, văn hóa…
Nhiều công trình thế kỷ được nhân dân muôn đời nhắc nhớ như: Công trình đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam; công trình thủy lợi đào kênh T5 đưa nước lũ thoát ra biển Tây; khai phá Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, ngọt hóa bán đảo Cà Mau…
Toàn cảnh Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tọa lạc TT.Vũng Liêm, H.Vũng Liêm, Vĩnh Long) |
BẢO TÀNG VĨNH LONG |
Đặc biệt là trên quê hương Vĩnh Long - mảnh đất giàu truyền thống yêu nước đã lưu lại nhiều địa điểm lưu niệm có ý nghĩa lịch sử, mang dấu ấn của Võ Văn Kiệt. Trong những lần về thăm quê hương Vĩnh Long, qua trao đổi với người thân và cộng sự, ai cũng biết Thủ tướng Võ Văn Kiệt không thích giành phần lớn công trạng về mình. Ông chỉ nuôi hoài bão về việc xây dựng một địa chỉ văn hóa giáo dục lịch sử truyền thống trên quê hương Vũng Liêm.
Thực hiện di nguyện đó, Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long xây dựng năm 2010, khánh thành năm 2012 để tri ân những đóng góp to lớn của Thủ tướng đối với quê hương, đất nước. Với kiến trúc không gian mở, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa tính chất trang trọng, thành kính, sâu lắng và tính chất thân thiện, gần gũi của một điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt thời gian qua đã thực sự là “địa chỉ đỏ”, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, di tích đình Bình Phụng, H.Vũng Liêm là một trong những nơi gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những ngày đầu tham gia cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, đình Bình Phụng là một trong những nơi được chính quyền cách mạng tổ chức hội họp và tập hợp lực lượng kháng chiến. Đình Bình Phụng mang nhiều giá trị lịch sử với nhiều sự kiện cách mạng diễn ra tại ngôi đình rất đáng được ghi nhận để bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Một nhà sưu tập trao tặng gần 400 tranh dân gian cho Đà Nẵng
Ngày 18.11, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa VN (23.11), Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức lễ tiếp nhận và trưng bày hiện vật hiến tặng năm 2022.
Cụ thể, bảo tàng đã tiếp nhận 259 hiện vật; trong đó có 240 hiện vật tranh dân gian do nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa (Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội) tặng, 17 tác phẩm tranh của họa sĩ Vũ Trọng Thuấn (Việt kiều Pháp), 2 hiện vật tranh dân gian của nghệ nhân Nam Chi (Hà Nội)…
Bức tranh dân gian Đức thánh Trần (dòng tranh Kim Hoàng) do nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa tặng |
HOÀNG SƠN |
Với mong muốn các dòng tranh dân gian được nhiều người biết đến hơn, đợt này nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa đã quyết định trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng bộ 240 tranh dân gian gồm các dòng tranh Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ, tranh đồ thế vẽ tay Huế, tranh kính Huế…
Trước đó, vào tháng 8 vừa qua, bảo tàng đã tiếp nhận bộ sưu tập 145 tranh dân gian từ nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa. Qua 2 đợt, nhà sưu tập này đã hiến tặng đến 385 bức tranh dân gian với nhiều tác phẩm khổ lớn, có giá trị thẩm mỹ cao như: bộ tranh tố nữ, lợn, nghê, thần kê, bộ tranh Kiều... cùng nhiều mộc bản quý hiếm.
Dịp này, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng chọn trưng bày, giới thiệu đến công chúng 61 hiện vật, bao gồm 49 tranh dân gian do nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa tặng, 7 tác phẩm của họa sĩ Vũ Trọng Thuấn, 2 tranh dân gian của nghệ nhân Nam Chi, 1 bức tranh bằng đồng mạ vàng của nghệ nhân nhân dân Trần Duy Mong và 1 cặp tán của Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Ngọc Tuyên. Đợt trưng bày kéo dài đến hết ngày 25.11.
NSND Hồng Vân kết hợp trường Đại học Kinh tế TP.HCM thành lập Sân khấu học đường
Sáng ngày 17.11, NSND Hồng Vân cùng với trường Đại học Kinh tế TP.HCM chính thức ký kết hợp tác thành lập Sân khấu học đường UEH Theatre.
Sân khấu học đường UEH Theatre sẽ là nơi biểu diễn kịch cho học sinh, sinh viên, đồng thời đào tạo những thế hệ diễn viên trẻ, lan tỏa tình yêu nghệ thuật.
Theo TS.Bùi Quang Hùng, Phó Hiệu trưởng, trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) hiện nay đang phát triển chiến lược mới, không chỉ đào tạo sinh viên giỏi về kinh tế, quản trị, luật, công nghệ, mà còn hướng tới đào tạo đa ngành, thêm những ngành sáng tạo như thiết kế, truyền thông, nghệ thuật…
NSND Hồng Vân ký kết hợp tác cùng TS.Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng UEH |
H.K |
Một người làm chuyên môn mà có thêm những giá trị nghệ thuật thì sẽ sống, làm việc nhân văn hơn. Với chủ trương đó, nhà trường đã gặp đúng người tâm huyết là NSND Hồng Vân cũng đang muốn xây dựng một sân khấu học đường nhằm lan tỏa những giá trị nghệ thuật cho lớp trẻ, xây dựng thế hệ khán giả cho tương lai. Sau mùa dịch, dù còn nhiều khó khăn nhưng đôi bên quyết định tiến hành thật sớm sự hợp tác này.
Sân khấu học đường UEH Theatre sẽ có hai hướng hoạt động. Một là biểu diễn các vở kịch từng nổi tiếng của Sân khấu Phú Nhuận, ưu tiên cho kịch văn học và kịch lịch sử, như Số đỏ, Con nhà nghèo, Dương Vân Nga, Công chúa Ngọc Hân… Đối tượng khán giả là sinh viên của tất cả các trường đại học và học sinh các trường trung học trong thành phố. Hướng thứ hai là mở các khóa đào tạo diễn viên trẻ, với đủ các bài học như hình thể, kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu… Đội ngũ giảng viên là những nghệ sĩ uy tín như Hữu Châu, Hữu Nghĩa, Hồng Vân, Thanh Thủy, Việt Anh, Hoàng Sơn, Lê Quốc Nam…
19 giờ ngày 20.11 sẽ khai trương Sân khấu học đường UEH Theatre với vở kịch Tình yêu và quyền lực (viết lại theo vở Nàng Sita của Lưu Quang Vũ), sau đó sẽ tiếp tục diễn các vở Thị Mầu lên chùa, Ai tư vãn. Giá vé dành cho sinh viên nên rất mềm, chỉ 50.000 đồng/vé. Sau vở diễn, còn dành 30-40 phút cho khán giả phản biện, giao lưu.
Lễ tưởng niệm cố nhạc sĩ Lam Phương diễn ra tại chùa Giác Ngộ - TP.HCM ngày 21.11
Lễ tưởng niệm cố nhạc sĩ Lam Phương do anh Lâm Minh Sĩ Vĩ (cháu ruột nhạc sĩ Lam Phương), gia đình cố nhạc sĩ Lam Phương và nghệ sĩ Việt Hương – nghệ sĩ Hoài Phương tổ chức, sẽ diễn ra vào ngày 21.11.2022 (nhằm ngày 28.10 năm Nhâm Dần) tại chùa Giác Ngộ (92 Nguyễn Chí Thanh, Q.10, TP.HCM).
Theo đó, lễ tưởng niệm sẽ bắt đầu từ 17 giờ, trong đó: 17 giờ - 23 giờ: Lễ viếng; Từ 18 giờ: Ký ức Lam Phương, tái hiện 15 tác phẩm nổi tiếng nhất của cố nhạc sĩ. Sau đó, vào ngày 20.12, gia đình sẽ cải táng hài cốt nhạc sĩ Lam Phương tại nghĩa trang Hoa Viên, tỉnh Bình Dương.
Nhạc sĩ Lam Phương sống ở nước ngoài từ năm 1975 |
GIA ĐÌNH NHẠC SĨ CUNG CẤP |
Nhạc sĩ Lam Phương sinh năm 1937, ông là tên tuổi tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam với hàng trăm tác phẩm từ giữa thập niên 1950 đến nay. Nhiều thế hệ khán giả yêu mến những sáng tác nổi tiếng của vị nhạc sĩ tài hoa như: Thành phố buồn, Tình bơ vơ, Biển tình, Thao thức vì em, Cỏ úa, Kiếp nghèo… Ông định cư tại Mỹ từ năm 1975 và từ đó chưa từng được trở về quê hương. Cố nhạc sĩ Lam Phương trút hơi thở cuối cùng tại Mỹ vào tháng 12.2020 sau thời gian điều trị tích cực vì chứng bệnh tim và tai biến mạch máu não trở nặng. Cuối đời ông liệt nửa người, phải ngồi xe lăn nên không thể thực hiện ước nguyện được trở về quê hương một lần kể từ khi sang nước ngoài sống năm 1975.
Tác giả nhạc phẩm Biển tình qua đời ngay thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên gia đình không thể đưa nhạc sĩ về Việt Nam như điều ông hằng mong ước. Gia đình nhạc sĩ Lam Phương đã hỏa táng thi hài của ông tại Mỹ. Sinh thời, nhạc sĩ Lam Phương luôn mong mỏi một lần được trở lại Việt Nam, nhưng cho đến khi qua đời, ông vẫn chưa hoàn thành tâm nguyện ấy. Hai năm sau khi nhạc sĩ tài hoa ra đi, gia đình quyết định đưa tro cốt của ông về lại quê hương, để ông yên nghỉ nơi đất mẹ.
Theo lịch trình, tối 16.11, tro cốt của cố nhạc sĩ Lam Phương sau khi về tới Việt Nam sẽ được đón từ sân bay về nhà trên đường Nguyễn Lâm (Q.10, TP.HCM), đây cũng chính nơi ông đã rời đi vào 47 năm trước. Những người yêu mến cố nhạc sĩ Lam Phương có thể đến viếng ông tại chùa Giác Ngộ - TP.HCM vào ngày 21.11.2022.
Lộ diện bức tranh Việt bán đấu giá thành công tại Pháp với 4,6 tỉ đồng
Hãng Millon (Pháp) có thông tin về kết quả bán đấu giá thành công nhiều bức tranh của các danh họa Việt Nam, trong đó có bộ tứ lừng lẫy Sáng – Liên – Nghiêm – Phái, giá tranh có bức lên tới 180.000 euro (khoảng 4,6 tỉ đồng).
Đầu tiên, kết quả bán đấu giá lô 156 của hãng Millon là tác phẩm Mèo (1977) của Nguyễn Sáng (1912-1988); bột màu trên giấy; kích cỡ 33x38 cm; nguồn gốc từ bộ sưu tập tư nhân; đã bán giá 12.000 euro (khoảng 307 triệu đồng).
Lô 164: bức Năm đứa trẻ (1976) của Mai Trung Thứ; mực và bột màu trên lụa; kích cỡ 46x12,5 cm; đã bán giá: 180.000 euro (khoảng 4,6 tỉ đồng) |
MILLON |
Lô 158: bức Điệu múa cổ (2002) của Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016); bột màu trên giấy; kích cỡ 50,8x33 cm; nguồn gốc từ bộ sưu tập tư nhân, mua trực tiếp từ họa sĩ lúc ông còn sống, tại Hà Nội khoảng năm 2004; đã bán giá 11.000 euro (khoảng 275 triệu đồng)…
Đặc biệt, lô 164 với bức tranh Năm đứa trẻ (1976) của Mai Trung Thứ; mực và bột màu trên lụa; kích cỡ 46x12,5 cm; đã gõ búa ở mức giá cao: 180 000 euro (khoảng 4,6 tỉ đồng).
Ngoài ra, hãng Millon đã bán 6 bức của Lê Minh (sinh năm 1937); 2 bức của Lê Phổ (1907-2001); 7 bức của Lê Năng Hiển (1921-2014) ; 7 bức của Ngo Tu Sam (1920-1972) 11 bức của Truong Van Y (1935); 2 bức của Mai Long; kế tiếp là tranh của Cao Thị Được, Trần Lưu Hậu, Trần Văn Thọ, Nguyễn Tường Lan, Le Chan (1940-2004); Đinh Văn Lịch (thế kỷ 20); Nguyen Quang Mau (thế kỷ 20)…
Lúc 14 giờ ngày 16.12.2022 tới đây, hãng Millon sẽ mở phiên bán đấu giá nhiều tác phẩm mỹ thuật khác của Việt Nam, đồng thời tìm kiếm thêm tranh của những họa sĩ nổi tiếng như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Phạm Hậu, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Tý, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Tiến Chung và Lê Thị Lựu...
Bên cạnh đó hãng cũng đấu giá tranh của Victor Tardieu (người Pháp) và Nguyễn Nam Sơn, cả hai đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; tranh của Joseph Inguimberty (người Pháp), giáo viên tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội 1926–1945.
Bình luận (0)