Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người con ưu tú của quê hương núi Ấn sông Trà.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh ngày 1.3.1906 tại làng Cây Gạo, thôn Phổ Nhất, xã Đức Tân, H.Mộ Đức, Quảng Ngãi. Trong suốt cuộc đời với 75 năm hoạt động cách mạng liên tục, trong đó có 41 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm làm Thủ tướng Chính phủ, 10 năm là cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam được nhân dân cả nước kính yêu, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và tin cậy. Cuộc đời và sự nghiệp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là nguồn cổ vũ, bồi đắp, nuôi dưỡng, giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Khắc ghi và thực hiện lời dạy của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã không ngừng phấn đấu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội...
Tại buổi lễ, các đại biểu của tỉnh Quảng Ngãi, H.Mộ Đức, xã Đức Tân và các em học sinh cùng thân nhân gia đình cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thành kính dâng hương tưởng nhớ đến cố Thủ tướng.
Sáng cùng ngày, tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng Văn học nghệ thuật Phạm Văn Đồng lần thứ 2 năm 2023 và phát động cuộc thi sáng tác logo về "Văn hóa Sa Huỳnh". Thời gian tổ chức chấm thi từ ngày 5.6.2023 đến ngày 15.7.2023, dự kiến trao giải trong tháng 9.2023.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng Đà Lạt-Đặng Văn Thông qua đời tuổi 92
Sáng 1.3, ông Đặng Văn Thanh, con trai cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông, người có hơn 70 năm cầm máy, ghi lại thắng cảnh núi đồi thơ mộng, thác nước hoang sơ của Đà Lạt, cho biết cha anh đã qua đời lúc 21 giờ ngày 28.2.2023 tại nhà riêng trên đường Hoàng Hoa Thám, P.10 (Đà Lạt), hưởng thượng thọ 92 tuổi.
Ông Thanh cho biết thêm, trước tết Quý Mão, NS Đặng Văn Thông qua Lào ăn tết với gia đình người con trai út và lưu lại cho đến khi bị tai biến.
Theo ông Thanh, cách đây 5 ngày nghệ sĩ Đặng Văn Thông bị tai biến bên Lào, nên được gia đình đưa về Bệnh viện Trung ương Huế điều trị, tiếp đó được đưa về Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Tuy nhiên do tuổi già, sức yếu bệnh tình chuyển nặng nên chiều 28.2, cụ Đặng Văn Thông được con cháu đưa về nhà và đến 21 giờ đã trút hơi thở cuối cùng.
Nghệ sĩ Đặng Văn Thông quê ở Nam Định, năm 8 tuổi ông theo gia đình vào Đà Lạt sinh sống. Ông ở nhờ nhà người chú là chủ hiệu ảnh Đà Lạt Photo để được giúp đỡ đi học. Năm 17 tuổi, Đặng Văn Thông bắt đầu cầm máy rong ruổi khắp nơi ghi lại cảnh núi đồi thơ mộng, thác nước hoang sơ của Đà Lạt.
Hiện nay, trong ngôi biệt thự trên đường Hoàng Hoa Thám, TP.Đà Lạt của nghệ sĩ Đặng Văn Thông còn lưu giữ những bức ảnh đen trắng thắng cảnh Đà Lạt hiếm hoi từ gần 70 năm trước. Trong đó có bức ảnh hồ Mê Linh chụp năm 1948, là bức ảnh xưa nhất ông còn lưu giữ được. Hình ảnh ông chụp được sử dụng trên nhiều tờ báo, sách viết về Đà Lạt...
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông từng chia sẻ, để có những bức ảnh đẹp về Đà Lạt ông đã "thọ giáo" các NS nhiếp ảnh nổi tiếng thời bấy giờ như Nguyễn Cao Đàm, Nguyễn Mạnh Đan…; được các đồng nghiệp đàn anh Trần Văn Châu, Nguyễn Bá Mậu… trao đổi, chia sẻ, giúp cho thêm cứng tay nghề.
Lễ hội Dinh Cô là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội Dinh Cô tại Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những lễ hội nước lớn nhất của ngư dân vùng biển Nam bộ, vừa được công bố là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 2.3, tại Di tích lịch sử quốc gia văn hóa Dinh Cô (TT.Long Hải), Sở VH-TT và UBND H.Long Điền đã tổ chức Lễ công bố quyết định đưa lễ hội truyền thống Lễ hội Dinh Cô vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại buổi lễ, người dân địa phương và du khách được xem biểu diễn sân khấu hóa tái hiện quá trình hình thành Lễ hội Dinh Cô. Lễ hội Dinh Cô (còn gọi là vía Cô), là một trong những lễ hội nước lớn nhất của ngư dân vùng biển Nam bộ. Lễ hội này thuộc loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu - Nữ thần, cũng là sự kết hợp của Lễ hội cầu ngư với tục thờ cúng Thần biển (Bà Thủy Long, cá voi).
Tương truyền cách đây 2 thế kỷ, một trinh nữ tên Lê Thị Hồng (tục danh Thị Cách), quê ở Tam Quan (Bình Định) hay theo cha vào vùng Bà Rịa, Gò Công buôn bán và rất yêu cảnh, mến người, không muốn rời xa vùng đất phía Nam.
Ông Lâm Văn Hồng, Chủ tịch UBND H.Long Điền cho biết Lễ hội Dinh Cô diễn ra với nghi thức cổ truyền ngày càng long trọng, cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an. Chính sự hiển linh của Cô được truyền tụng giữa người này với người khác, được làm chứng, trải nghiệm khi họ tới đây cúng bái và cầu nguyện những điều được Cô giúp đỡ, phù hộ, che chở đã thu hút ngày càng nhiều người đến với Lễ hội Dinh Cô. Lễ hội Dinh Cô năm nay diễn ra từ ngày 28.2 – 3.3.
Ngoài phần nghi lễ cúng truyền thống như: Thỉnh Long vị, Cúng An vị, Cúng Tiền hiền Hậu hiền, Tụng niệm cầu Quốc thái dân an, Nghinh Bà Thủy thần nhập điện… thì phần hội có các hoạt động biểu diễn hát bả trạo, đờn ca tài tử, thả diều nghệ thuật bãi biển, thi bóng chuyền bãi biển nam, nữ, thi đi cà kheo trên cát, thi cột lưới, đan lưới thu hút thanh niên, ngư dân tham gia.
Hé lộ "kho tàng" 10.000 bức ảnh chụp Trịnh Công Sơn từng suýt bị đốt cháy
Nhân kỷ niệm 84 năm ngày sinh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (28.2.1939 - 28.2.2023), Saigon Books phối hợp cùng nhiếp ảnh gia Dương Minh Long và gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức triển lãm Trịnh Công Sơn - Lần đầu gặp lại tại Đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, Q.1, kéo dài đến hết 1.3).
Dương Minh Long là nhiếp ảnh gia chụp hình riêng cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn suốt 11 năm, ước lượng có khoảng 10.000 tấm hình (chụp bằng máy cơ thời trước). Gần 30 năm qua, ông chuyển nhà 28 lần nhưng vẫn giữ lại gần 100 kg tư liệu về Trịnh Công Sơn (bao gồm cả những kỷ vật của nhạc sĩ như bài báo, thư tình, bản ghi lời nhạc gốc).
Khi Trịnh Công Sơn mất năm 2001, Dương Minh Long cho biết ông định đốt hết tư liệu và hơn 10.000 kiểu ảnh ông đã chụp nhạc sĩ vì "người mình yêu quý đã mất thì những cái đó cũng không còn ý nghĩa". Nhà báo Trần Trọng Thức biết chuyện đã ngăn cản.
Năm 2021, dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long đã trao cho gia đình nhạc sĩ các kỷ vật, tư liệu về Trịnh Công Sơn để trưng bày trong một không gian bảo tàng mang tên cố nhạc sĩ ở Huế. Với triển lãm Trịnh Công Sơn - Lần đầu gặp lại, Dương Minh Long chỉ công bố 35 tác phẩm trắng đen chụp Trịnh Công Sơn bên người thân, bạn hữu đã nhuốm màu thời gian. Trong đó, nổi bật có hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trò chuyện về âm nhạc với nhạc sĩ Văn Cao; Trịnh Công Sơn cùng hát và chơi đàn với nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, với nhà thơ Nguyễn Duy, với nhạc sĩ Thanh Tùng, nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhà thơ Lê Đạt…; cùng hình ảnh sánh vai Liz Mitchell - nữ ca sĩ chính của nhóm nhạc Boney M - khi bà lần đầu đến TP.HCM biểu diễn năm 1994, ảnh ngồi uống trà với đạo diễn điện ảnh Trần Anh Hùng, diễn viên Hồng Kông Lương Triều Vỹ, Trần Nữ Yên Khê năm 1997 tại TP.HCM; và nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi khác…
Bên cạnh triển lãm lần này, Dương Minh Long cũng sẽ có một buổi triển lãm khác với những hình ảnh riêng chụp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Hồng Nhung tổ chức vào ngày 15.3 tại Ngôi nhà Đức tại TP.HCM (33 Lê Duẩn, Q.1), ngay sau dịp Hồng Nhung làm live concert Bống là ai? ngày 11 - 12.3 ở Nhà hát Lớn Hà Nội.
Bình luận (0)