Chiều 11.5, UBND TP.Hội An (Quảng Nam) tổ chức cuộc họp giới thiệu nội dung dự thảo phương án tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết thời gian qua dư luận đã có những ý kiến trái chiều đối với phương án bán vé vào tham quan phố cổ đã dự kiến trước đó. Phương án mới có nhiều điểm thay đổi so với phương án cũ.
Cụ thể, du khách đi theo đoàn, theo tour sẽ được bố trí đón tiếp bán vé từ xa, ngay từ các bãi đỗ xe của thành phố (như bãi xe 332 Lý Thường Kiệt, bãi đỗ xe Thanh Hà, bãi đỗ xe chùa Long Tuyền). Ngoài ra, kết hợp việc bán vé tham quan với hoạt động vận chuyển của doanh nghiệp xe điện để tạo thuận lợi cho du khách tham quan. Du khách sẽ được trung chuyển bằng xe điện từ các bãi đỗ xe vào các điểm đón trả khách tại số 8 Hoàng Diệu, sân Bảo tàng Hội An, sân quảng trường Sông Hoài. Từ đó, sẽ có lực lượng hướng dẫn cho du khách đi vào phố cổ, không dẫn khách đi vào các lối nhỏ…
Theo ông Sơn, thời gian qua, một số đơn vị lữ hành đưa khách tham quan "chui" vào phố cổ, tạo sự bất công đối với các đơn vị tuân thủ việc mua vé cho khách đoàn. Có đơn vị lữ hành chia nhỏ các đoàn ra để không mua vé, hay quảng bá du khách Hội An là "điểm không cần mua vé"… Tình trạng này nếu không chấn chỉnh, kiểm soát sẽ gây sụt giảm nguồn thu. Đơn cử năm 2019 TP.Hội An thu gần 300 tỉ đồng từ việc bán vé, năm 2022 chỉ thu được 32 tỉ đồng, riêng trong 3 tháng đầu năm 2023 chỉ thu được gần 40 tỉ đồng.
Dàn sao điện ảnh "đổ bộ" thảm đỏ Liên hoan phim châu Á – Đà Nẵng
Tối 9.5, tại Nhà hát Trưng Vương (TP.Đà Nẵng), Liên hoan phim châu Á – Đà Nẵng 2023 lần thứ 1 (DANAFF) chính thức khai mạc. Thảm đỏ của lễ khai mạc chứng kiến cuộc "đổ bộ" của hàng loạt ngôi sao điện ảnh Việt cũng như những đạo diễn tên tuổi đến từ các nước châu Á.
DANAFF có chủ đề Nhịp cầu châu Á do UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh VN (VFDA) chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT TP.Đà Nẵng cùng các sở ngành tổ chức.
DANAFF diễn ra từ ngày 9 - 13.5 có 2 hạng mục thi. Hạng mục Phim châu Á có 12 phim tham gia: Tro tàn rực rỡ (VN), Những đứa trẻ trong sương (VN), Thế chiến 3 (Iran), Tòa nhà trắng (Pháp, Trung Quốc, Qatar, Campuchia), Muru (New Zealand), Người môi giới (Hàn Quốc), Soi gương (Ấn Độ, Cộng hòa Litva, Hàn Quốc), Gangwon-do (Hàn Quốc), Người thân xa lạ (Nhật Bản), Joyland (Pakistan), AbeNida (Philippines), Giáo sĩ Qodrat (Indonesia).
Ban giám khảo gồm: Moon So-ri - diễn viên điện ảnh, đạo diễn và biên kịch người Hàn Quốc, NSND Như Quỳnh, đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn - biên kịch Adilkhan Yerzhanov (Kazakhstan) và ông Stephen Jenner - Phó chủ tịch truyền thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội Điện ảnh Mỹ.
Hạng mục Phim Việt Nam dự thi có 8 phim tranh giải: Em và Trịnh, Memento Mori: Đất, Maika: Cô gái đến từ hành tinh khác, Đêm tối rực rỡ, 1990, Cô gái từ quá khứ, Thanh Sói - Cúc dại trong đêm, Nhà bà Nữ. Ban giám khảo gồm: đạo diễn Victor Vũ, NSND Lan Hương; đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch Aditya Assarat (Thái Lan); nhà sản xuất Yulia Evina Bhara (Indonesia) và biên kịch Trần Khánh Hoàng.
Liên hoan phim lần này còn có chương trình Điện ảnh Việt Nam hôm nay sẽ trình chiếu 16 phim Việt sản xuất trong 3 năm: 2020, 2021, 2022, như: Bố già, Tiệc trăng máu, Gái già lắm chiêu 3, 578: Phát đạn của kẻ điên, Siêu lừa gặp siêu lầy...
Lễ hội văn hóa và du lịch Mường Lò nhận giải thưởng sự kiện văn hóa nghệ thuật
Lễ hội văn hóa và du lịch Mường Lò, do UBND tỉnh Yên Bái phối hợp Newday Media JSC tổ chức năm 2022, vừa nhận giải Vàng hạng mục Sự kiện văn hóa nghệ thuật xuất sắc nhất của giải thưởng EMA 2023 do Campaign Asia - Pacific (một tạp chí uy tín tại châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực marketing và truyền thông) trao tặng.
Tại hạng mục này, sự kiện InnerGlow 2022 tại Hồng Kông giành giải Bạc và triển lãm GQ ART LAB tại Trung Quốc giành giải Đồng.
Lễ hội văn hóa và du lịch Mường Lò được đánh giá cao nhờ kết hợp giá trị của xòe Thái, khi đó cũng được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của UNESCO. Tại đây, tổng đạo diễn Lê Hải Yến đã đưa ra ý tưởng về một vở nhạc vũ kịch dân gian lớn trên sân vận động TX.Nghĩa Lộ (Yên Bái) rộng hơn 6.000 m2, với sự tham gia của hơn 3.000 diễn viên, trước gần 20.000 khán giả trực tiếp cũng như nhiều khán giả truyền hình.
Chương trình cũng có nội dung lớn bằng tiếng Thái, với nghệ nhân người Thái, trong đó có nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến đã hơn 90 tuổi. Màn đại xòe, tâm điểm của lễ hội là thành quả của việc phục dựng và bảo tồn 6 điệu xòe cơ bản của người Thái, được dàn dựng với những tạo hình mang tính biểu tượng cao.
Ban tổ chức lễ hội cho biết họ phải vượt qua thử thách về di chuyển, về hạn chế kỹ thuật tại địa phương và sử dụng lượng diễn viên quần chúng khổng lồ. Thời tiết của Yên Bái thời gian triển khai dự án cũng mưa liên tục, gây hư hại thiết bị, gián đoạn thời gian tập luyện…
Theo ban tổ chức, lễ hội đã tạo được tác động mạnh mẽ đến truyền thông và ngành du lịch của tỉnh. Chỉ trong tháng 9.2022, toàn tỉnh đón 260.200 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 6.600 lượt, doanh thu du lịch ước đạt 201 tỉ đồng, tăng 150% so với tháng 8.2022. Chỉ tính riêng ngày 24.9.2022 diễn ra sự kiện chính thức lễ hội xòe Thái, TX.Nghĩa Lộ đón 28.000 du khách đến và tham gia các hoạt động. Đây là con số đáng kể với một thị xã miền núi chỉ có hơn 68.000 dân cư sống rải rác.
Quảng Trị đề nghị sửa tên gọi di tích hệ thống giếng cổ Gio An
UBND tỉnh Quảng Trị vừa đề nghị Bộ VH-TT-DL xem xét, quyết định thay đổi tên gọi Di tích quốc gia "Hệ thống khai thác và xử lý nước (14 giếng cổ)" ở xã Gio An, H.Gio Linh thành "Hệ thống dẫn thủy cổ Gio An".
Ngày 11.5, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đã ký văn bản đề nghị Bộ VH-TT-DL xem xét, quyết định thay đổi tên gọi Di tích quốc gia "Hệ thống khai thác và xử lý nước (14 giếng cổ)" ở xã Gio An, H.Gio Linh thành "Hệ thống dẫn thủy cổ Gio An".
Theo đó, hệ thống các giếng cổ Gio An là những công trình dẫn thủy cổ, cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, từng giếng đơn lẻ đều có giá trị khảo cổ, văn hóa nghệ thuật độc đáo do người Chăm sáng tạo và được người Việt tiếp thu giữ gìn cho đến ngày nay. Với các giá trị về lịch sử - văn hóa đó, hệ thống giếng cổ ở xã Gio An được công nhận là Di tích quốc gia với tên gọi "Hệ thống khai thác và xử lý nước (14 giếng cổ)" tại Quyết định số 08/2001/QĐ-VHTT ngày 13.3.2001 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL).
Ngày 23.9.2019, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 4344/TTr-UBND đề nghị Bộ VH-TT-DL xem xét cho phép lập hồ sơ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt "Hệ thống công trình khai thác nước cổ vùng Quảng Trị". Ngày 17.7.2020, Bộ VH-TT-DL có Công văn số 2646/BVHTTDL-DSVH về việc chuẩn bị hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Quảng Trị.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, trong quá trình nghiên cứu lập nhiệm vụ quy hoạch Di tích quốc gia "Hệ thống khai thác và xử lý nước (14 giếng cổ)" ở Gio An và tiến tới xây dựng hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt trình Bộ VH-TT-DL trình Thủ tướng quyết định, thì nội hàm tên gọi "Hệ thống khai thác và xử lý nước (14 giếng cổ)" chưa phản ánh một cách đầy đủ tính chất, quy mô, ý nghĩa giá trị của di tích trên cả 2 phương diện tính khoa học và thực tiễn. Vì thế tỉnh này đã có đề nghị chỉnh sửa tên gọi.
Bình luận (0)