Sự kiện văn hóa tuần qua: Khai mạc ‘Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam’

24/04/2022 07:00 GMT+7

Tối 19.4, lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất - 2022 đã diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT, Bộ VH-TT-DL và UBND TP.HCM phối hợp thực hiện. Lễ khai mạc kết hợp đồng thời với việc khai mạc Hội sách trực tuyến quốc gia.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam cấp quốc gia, diễn ra từ 19 - 24.4, với hơn 20 nhà xuất bản, phát hành trong cả nước tham dự, mang đến hơn 500.000 tựa sách và các mô hình xuất bản, phát hành sách điện tử, sách nói, thư viện thông minh của các đơn vị tham gia cùng nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc sắc. Tại ngày hội này, người dân thành phố và du khách đến TP.HCM sẽ có dịp trải nghiệm các mô hình đọc sách và giới thiệu văn hóa đọc mới lạ được trưng bày theo 3 không gian: không gian chuyển đổi số, không gian thành phố sách và không gian tổ chức giới thiệu các mô hình văn hóa đọc. Song song các chương trình hoạt động trọng điểm được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Đường sách TP.HCM cũng có nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày sách (21.4) nhằm góp phần phát triển văn hóa đọc.

Người dân tham quan sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) vào tối 19.4

NHẬT THỊNH

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: “Các hoạt động tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ giúp công chúng tiếp cận với mô hình sách nói, sách điện tử, sách 3D thực tế ảo, hệ thống thư viện số, thư viện sách nói cùng những mô hình, giải pháp không gian trải nghiệm tương tác về sách gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo đan xen với các hoạt động trải nghiệm những mô hình văn hóa đọc truyền thống. Với những hoạt động đa dạng, phong phú và ý nghĩa này, lãnh đạo thành phố mong rằng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất - 2022 sẽ thực sự trở thành ngày hội tri thức dành tặng cho các tầng lớp nhân dân và du khách đến với thành phố; mang lại cho quý bạn đọc nhiều niềm vui, hạnh phúc, giúp bạn đọc nâng cao năng lực sáng tạo, trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng sống để hoàn thiện bản thân”.

Trong phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Anh Tuấn đã trích lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại. Người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”. Ông cũng đề nghị các Sở TT-TT phối hợp với Sở VH-TT các tỉnh, thành, các cơ quan báo chí truyền thông chủ động trong công tác tuyên truyền về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất, tạo sự lan tỏa và kết nối bạn đọc trên toàn quốc.

Triển lãm bản Truyện Kiều chép tay cực hiếm của Hoàng gia triều Nguyễn

Sáng 22.4, tại Trường lang Đại Cung Môn, Đại nội Huế (Thừa Thiên-Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức triển lãm giới thiệu bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn, thông qua 36 panel được in và thiết kế phù hợp với không gian trưng bày.

Bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn sau biến cố thất thủ Kinh đô năm 1885 từng được bày bán ở một hiệu sách cổ ở Paris. Bản cổ thư được thư viện Anh quốc sưu tập rồi trở thành thư mục nằm trong bộ sưu tập cổ thư của thư viện này từ năm 1894. Bản Truyện Kiều chép tay được triển lãm lần này được scan và trình bày thuyết minh lại từ tác phẩm Truyện Kiều, bản Nôm của Hoàng gia triều Nguyễn, lưu trữ tại thư viện Anh quốc (NXB Lao động, 2017) của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo.

TS Nguyễn Phước Hải Trung thuyết minh bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn

LÊ HOÀI NHÂN

Theo TS Nguyễn Phước Hải Trung, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đây là bản Truyện Kiều chép tay được thực hiện vào thời Tự Đức (trị vì từ 1847 - 1883) và nhiều khả năng cũng là thủ bút của vị vua có tài văn chương này.

Bản Truyện Kiều có đầy đủ các đặc điểm nổi bật phù hợp với phong cách cung đình triều Nguyễn. Bìa bằng vải màu vàng, dệt hình rồng, mặt rồng ngang, thân uốn khúc, chân năm móng bấu vào mây ngũ sắc, trang trí xung quanh nền là họa tiết dệt hình bát bửu. Đây cũng là tác phẩm sách độc bản, cực kỳ quý hiếm, được thực hiện rất công phu với các phần chữ Hán, chữ Nôm và đặc biệt là tranh minh họa tương ứng với từng trang được vẽ rất chi tiết.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 tiếp nhận tài liệu quý của văn nghệ sĩ Thừa Thiên - Huế

Thực hiện chương trình sưu tập - bảo quản trong điều kiện tối ưu tài liệu của các cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và tài liệu do các gia đình, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ phản ánh những sự kiện quan trọng của đất nước, đoàn công tác của Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 (Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước) do bà Trần Việt Hoa, Giám đốc, làm trưởng đoàn, vừa có buổi làm việc và tiếp nhận nhiều tài liệu quý tại TP.Huế.

Tiếp nhận các tài liệu có giá trị lịch sử của đại tá Hà Văn Lâu

T.S

Sau khi trực tiếp đến trao đổi, tìm hiểu hiện trạng tài liệu ở các gia đình nhà văn, nhà thơ, trong đó chủ yếu là những người từng được tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật như nhà nghiên cứu Hải Triều, nhà thơ Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, các nhà văn Hồng Nhu, Tô Nhuận Vĩ, Nguyễn Khắc Phê và nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Triều Nguyên…, sáng 11.4, lễ tiếp nhận tài liệu và các hiện vật gồm sách, bản thảo, ảnh, thư từ… đã được tổ chức trang trọng tại trụ sở Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế. Đây mới là đợt đầu tiên, do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và gia đình nhà nghiên cứu Triều Nguyên chưa kịp sắp xếp các tài liệu để trao; mặt khác tại Huế, ngoài các văn nghệ sĩ được giải thưởng cao của Nhà nước, còn có những nhân vật hoạt động trên các lĩnh vực khác có đóng góp đáng kể, gia đình đang lưu giữ không ít tài liệu liên quan đến những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Những tài liệu của đại tá - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Văn Lâu, người đi suốt hai cuộc trường chinh của dân tộc cho đến 2 hội nghị lịch sử ở Genève 1954 và Paris 1972, mà bà Hà Thị Ngọc Hà, từng là đại sứ Việt Nam tại Chile, con gái của đại tá Hà Văn Lâu, trở lại Huế để trao cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 dịp này là một bằng chứng cụ thể. Trước bàn thờ của đại tá Hà Văn Lâu tại P.Phú Mậu, TP.Huế, chiều 11.4, Trung tâm và bà Hà Thị Ngọc Hà đã ký biên bản tiếp nhận các tài liệu, trong đó có nhiều bức ảnh quý về 2 cuộc hòa đàm lịch sử ở Genève và Paris…

Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 đang quản lý một khối lượng rất lớn tư liệu từ 1945 đến nay của các cơ quan trung ương và các nhân vật tiêu biểu, nếu tính theo chiều dài giá xếp tư liệu là 14 km. Hiện Trung tâm đã xây dựng thêm nhiều km giá xếp tài liệu nữa để có thể tiếp nhận thêm nhiều tư liệu quý. Chỉ riêng giới nhà văn, theo danh sách bà Trần Việt Hoa cho biết, có rất nhiều tên tuổi lớn ở Hà Nội và nhiều địa phương khác, nhưng Trung tâm chưa có điều kiện tiếp cận để thực hiện kế hoạch tiếp nhận tài liệu mà gia đình đang cất giữ. Đây là một công việc không dễ dàng và phức tạp. Muốn làm tốt công việc này, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 cần có sự hợp tác tích cực của gia đình, bạn bè, cơ quan từng có quan hệ mật thiết với các nhân vật mà Trung tâm đã có kế hoạch tiếp nhận tài liệu trong thời gian tới.

Vẽ bản đồ ẩm thực 100 món ngon Việt Nam

Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đang thực hiện chương trình tìm kiếm 100 món ăn ngon của Việt Nam. Một bản đồ ẩm thực số hóa sẽ ra đời sau đó.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA), cho biết việc tìm kiếm 100 món ngon của Việt Nam đang ở những bước đi đầu tiên.

Món ốc nấu chuối đậu của quán Bún ốc bà ngoại, nghệ nhân Nguyễn Thị Hiền

VCCA

Một trong những bước đó là hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh thành phía bắc: Nam Định, Hà Nam, Thái Nguyên, Phú Thọ và Hà Nội cuối tháng 3 vừa qua. Nhiều nghệ nhân cũng tham gia khảo sát như Phan Gia Tôn Hiền, Hồ Đắc Thiếu Anh, Nguyễn Thị Hiền, Lê Thị Thiết…

Ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam, tán thành việc tìm kiếm một danh sách món ăn như vậy và cho rằng nên có những danh sách tồn tại song song. TS Nguyễn Thu Thủy, Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng nên nhân dự án này để quảng bá ẩm thực Việt Nam. Cũng theo bà Thủy, việc quảng bá ẩm thực này cần nhấn mạnh yếu tố địa phương. TS Thủy cũng cho rằng cần có thêm những liên kết ngành, liên kết vùng để đẩy giá trị ẩm thực lên cao hơn.

Ông Lã Quốc Khánh cho biết, VCCA cũng xác định việc tìm kiếm món ăn, vẽ bản đồ ẩm thực này được thể hiện để gắn với du lịch. “Bản đồ số đó sẽ cùng với dữ liệu thực tế, năm 2024 chúng tôi sẽ hoàn thành. Sau đó, chúng tôi tiếp tục xây dựng Bảo tàng Ẩm thực Việt Nam, dự kiến đặt tại cố đô Huế”, ông Khánh nói.

Đại giới đàn Thiện Hoa 2022 thu hút hàng vạn lượt Phật tử

Đại giới đàn Thiện Hoa 2022 (Phật lịch 2565) thu hút hàng vạn lượt Phật tử từ khắp các tỉnh thành trong cả nước về tham dự.

Đây là lần thứ 2 Ban trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai khai mở giới đàn lấy tôn hiệu Thiện Hoa, được tổ chức tại Thiền viện Thường Chiếu. Dịp này, nhiều cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban trị sự Phật giáo các tỉnh thành và cơ quan ban ngành cùng đến tham dự, chúc mừng sự thành công của đại lễ.

Toàn cảnh lễ khai mạc Đại giới đàn Thiện Hoa

BTC

Với sự tham gia của hơn 3.300 giới tử và hàng ngàn Phật tử cả nước trong suốt 5 ngày diễn ra (từ 16.4 đến 20.4), Đại giới đàn Thiện Hoa tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Đây được đánh giá là sự kiện nổi bật trong năm 2022 của Phật giáo Việt Nam và là nơi “Tuyển Phật Trường” trang nghiêm thanh tịnh từ nội dung cho đến hình thức.

Kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu

Ngày 21.4, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ kỷ niệm 700 năm (1322 – 2022) ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu và khánh thành đền thờ ông tại xã Thiệu Trung (H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa).

Dự lễ kỷ niệm ngoài lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa còn có đại diện Bộ VH-TT-DL và hàng ngàn người dân địa phương. Theo tài liệu lịch sử, Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) trong một dòng họ nổi tiếng ở làng Phủ Lý, nay là xã Thiệu Trung, H.Thiệu Hóa (Thanh Hóa). 17 tuổi Lê Văn Hưu thi đậu Bảng nhãn trong khoa thi đầu tiên của nhà Trần.

Nhà sử học Lê Văn Hưu, Tổ sư của nền sử học Việt Nam

MINH HẢI

Lê Văn Hưu từng được giao nhiều chức vụ quan trọng của triều đình nhà Trần, như: Kiểm pháp quan, Hàn Lâm viện Học sĩ, kiêm Quốc sử viện Tu giám, làm phó quan cho Thượng tướng quân Trần Quang Khải.

Sinh thời, Bảng nhãn Lê Văn Hưu là người có lòng yêu thương dân chúng và cống hiến, phụng sự triều đình, với mong muốn góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đất nước thái bình, thịnh vượng. Ông mất năm Nhâm Tuất (1322), hưởng thọ 93 tuổi. Hiện nay, trên đất Thiệu Trung vẫn còn phần mộ, bia ký khắc ghi tiểu sử, ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông.

Đóng góp lớn nhất, và đã đưa tên tuổi của Lê Văn Hưu vào lịch sử dân tộc không dừng lại ở việc đỗ Bảng nhãn và làm quan mà là khi ông được vua Trần Thái Tông điều chuyển sang làm Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu.

Thực hiện lệnh của nhà vua, Lê Văn Hưu đã thu thập tất cả các sách sử ghi chép ít ỏi và sơ sài của thời Lý và cùng thời để biên soạn lại và viết thêm rất nhiều để thành bộ quốc sử có tên Đại Việt sử ký, gồm 30 quyển.

Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu như dấu mốc lớn đánh dấu thành tựu khoa học, đặt cơ sở đầu tiên cho nền sử học nước nhà phát triển. Lê Văn Hưu vì thế đã trở thành Tổ sư của nền sử học Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.