Sự lựa chọn khó khăn

27/02/2022 08:30 GMT+7

Trong việc tranh thủ Nepal, Mỹ chậm chân hơn Trung Quốc và sử dụng hình thức viện trợ phát triển chứ không phải hợp tác đầu tư như Trung Quốc để tránh cũng bị cảm nhận là gài bẫy nợ như Trung Quốc.

Ở Nepal, trong nghị viện cũng như trên đường phố những ngày này rất sôi động khi có đông đảo nghị sĩ và người dân thể hiện thái độ phản đối chủ định của chính phủ tiến hành quy trình quốc hội phê chuẩn thỏa thuận ký kết năm 2017 với Mỹ về việc Mỹ viện trợ 500 triệu USD để phát triển mạng lưới đường sá và mạng lưới điện ở Nepal.

Thỏa thuận này nằm trong khuôn khổ chương trình Millenium Challenge Corporation (MCC) của Mỹ dành cho các nước đang phát triển và kém phát triển. Lẽ ra nó đã phải được Quốc hội Nepal phê chuẩn từ năm 2019 để đi vào triển khai thực hiện, nhưng quá trình phê chuẩn không suôn sẻ do vấp phải sự phản đối quyết liệt của phe đối lập.

Bây giờ, phía Mỹ thúc ép Nepal phải thông qua thỏa thuận, dọa nếu không sẽ hủy bỏ thỏa thuận. Trung Quốc lập tức cáo buộc Mỹ cậy thế o ép Nepal.

Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua tranh thủ Nepal

REUTERS

Nepal ở trước sự lựa chọn khó khăn. Đất nước nhỏ này đã tham gia kế hoạch Một vành đai, một con đường của Trung Quốc và được Trung Quốc từ nhiều năm nay đặc biệt tranh thủ. Đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Nepal hồi tháng 10.2019 và hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhau.

Trong việc tranh thủ Nepal, Mỹ chậm chân hơn Trung Quốc và sử dụng hình thức viện trợ phát triển chứ không phải hợp tác đầu tư như Trung Quốc để tránh cũng bị cảm nhận là gài bẫy nợ như Trung Quốc.

Nepal trở thành một trong những nơi cạnh tranh quyết liệt về địa chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ. Đất nước này cần viện trợ phát triển và vốn đầu tư từ bên ngoài mà hiện tại chỉ có Trung Quốc và Mỹ vừa sẵn sàng, vừa có chủ ý lại vừa có tiềm năng dồi dào nhất.

Nhưng chính trường và nội bộ xã hội bị phân rẽ sâu sắc vì lo ngại bị phụ thuộc vào bên ngoài, không vào Trung Quốc thì vào Mỹ, vì không dám chắc được lợi hay lợi sẽ bất cập hại khi lựa chọn bên này và khước từ bên kia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.