Tên lửa đẩy Falcon 9 của Hãng SpaceX (Mỹ) đã đưa Euclid vào quỹ đạo trước khi kính viễn vọng của ESA tiếp tục cuộc hành trình kéo dài một tháng đến vị trí cách trái đất khoảng 1,6 triệu km. Sau khi đến nơi, Euclid sẽ dành 2 tháng để thử nghiệm và hiệu chỉnh các công cụ mang theo để chuẩn bị cho sứ mệnh khám phá năng lượng tối và vật chất tối, hai trong số những bí ẩn lớn nhất của vũ trụ, theo Đài CNN.
Dự án trị giá 1,5 tỉ USD
Dự án này của ESA trị giá 1,5 tỉ USD đánh dấu nỗ lực đầu tiên của nhân loại nhằm tìm hiểu sự tiến hóa của cái mà giới vật lý thiên văn gọi là "phần tối của vũ trụ", bao gồm vật chất tối và năng lượng tối.
Theo đó, vật chất tối trên lý thuyết là dạng vật chất vô hình tạo nên những khung giàn giáo cho phép vũ trụ hữu hình có được hình dạng và kết cấu như hiện nay. Còn năng lượng tối là dạng lực vô hình đang đẩy nhanh tốc độ giãn nở của vũ trụ. Cùng nhau, hai thành phần tạo nên phần tối vũ trụ chiếm đến 95% vũ trụ quan sát được, trong khi các vật chất thông thường, bao gồm sao, thiên hà, chỉ chiếm 4,9%. Phần còn lại của vũ trụ chứa bức xạ điện từ và phản vật chất.
Vào thập niên 1920, các nhà thiên văn học Georges Lemaître (Bỉ) và Edwin Hubble (Mỹ) phát hiện vũ trụ tiếp tục giãn nở sau sự kiện khai sinh là Big Bang cách đây 13,8 tỉ năm. Thế nhưng, cuộc nghiên cứu trong thập niên 1990 lại cho thấy có một điều gì đó vào khoảng 6 tỉ năm trước đã đẩy nhanh tốc độ giãn nở của vũ trụ. Nguyên nhân của hiện tượng này đến nay vẫn là điều bí ẩn.
Việc khám phá bản chất thực sự của vật chất tối và năng lượng tối có thể cho phép giới thiên văn học hiểu được cấu tạo của vũ trụ, cách thức sự giãn nở thay đổi theo thời gian, và những bí ẩn liên quan. Euclid được thiết kế để lập nên bản đồ 3 chiều lớn nhất và chính xác nhất về vũ trụ, bao gồm việc phân bổ các thiên hà trải rộng trong vùng không gian kéo dài 10 tỉ năm ánh sáng.
Thông qua việc quan sát hàng tỉ thiên hà, các chuyên gia kỳ vọng có thể khám phá cách thức vật chất được năng lượng tối kéo giãn và tách rời theo thời gian. Từ đó, quá trình tiến hóa của vũ trụ trong 10 tỉ năm gần nhất cũng có thể được xác định, Đài CBS News đưa tin.
Cặp đôi hoàn hảo
Tháng 5.2027, Euclid sẽ đón chào sự gia nhập của kính viễn vọng Nancy Grace Roman theo sứ mệnh của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Cả kính viễn vọng Euclid và Nancy Grace Roman đều thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu về sự tăng tốc giãn nở của vũ trụ thông qua việc thành lập bản đồ 3 chiều của vũ trụ.
"Sau 25 năm kể từ khi phát hiện vũ trụ đang tăng tốc giãn nở, hiện tượng này vẫn là một trong những bí ẩn cấp bách nhất của ngành vật lý thiên văn", Đài CNN dẫn lời nhà khoa học Jason Rhodes của NASA đang tham gia cả hai dự án. "Với sự góp sức của các kính viễn vọng mới, chúng ta sẽ đo đạc được vật chất tối theo những góc nhìn khác biệt và đạt độ chính xác hơn xa bất kỳ công cụ nào trong quá khứ", ông Rhodes dự báo.
Kính Roman cho phép giới thiên văn học nhìn ngược thời gian về lúc vũ trụ mới 2 tỉ năm tuổi, và bắt được ánh sáng của những thiên hà mờ nhạt nhất. Đồng thời, kính Roman cũng có năng lực săn lùng những hành tinh đơn độc, không thuộc về một hệ sao nào cả. Cùng với nhau, sứ mệnh của ESA và NASA mang đến cái nhìn chính xác hơn cho giới thiên văn học về chuyện gì thực sự đã và đang diễn ra trong vũ trụ.
Uy lực của kính Euclid
Kính viễn vọng Euclid được đặt tên theo nhà toán học Euclid thành Alexandria (Hy Lạp cổ đại) và được mệnh danh là "cha đẻ hình học". Trong khi đây là sứ mệnh chính của ESA, kính viễn vọng Euclid còn nhận sự đóng góp của NASA và hơn 2.000 nhà khoa học đến từ 13 nước châu Âu, Mỹ, Canada và Nhật Bản. Chất lượng của kính Euclid sẽ mang đến hình ảnh sắc nét gấp 4 lần các đài thiên văn trên mặt đất có thể mang lại. Đồng thời, camera góc rộng của kính Euclid cũng cho phép ghi lại khối lượng dữ liệu gấp 100 lần so với kính viễn vọng uy lực nhất hiện nay là James Webb.
Bình luận (0)