Sự nghiệp điện ảnh, sân khấu, ca nhạc vang bóng của ‘Người đẹp Bình Dương’ Thẩm Thúy Hằng

07/09/2022 16:22 GMT+7

Tin nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng qua đời khiến cho nhiều khán giả biết đến bà từ trước 1975 tiếc nuối và buồn. Bà là một trong những minh tinh đẹp nhất trên màn bạc Sài Gòn thập niên 1950-1970.

Thẩm Thúy Hằng (1940-2022) mang biệt danh “Người đẹp Bình Dương” do nổi lên từ vai diễn Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương (1958). Và bà mang luôn biệt danh này do công chúng ái mộ đặt, trở thành biểu tượng nhan sắc phụ nữ một thời ở Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung.

Thẩm Thúy Hằng (1940-2022) mang biệt danh “Người đẹp Bình Dương” do nổi lên từ vai diễn Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương (1958)

t.l

Trước 1975 bà tham gia rất nhiều phim: Áo dòng đẫm máu (1960), Bóng người đi (1964), Xin đừng bỏ em (1970), Như hạt mưa sa (1971), Tứ quái Sài Gòn (1973)… Sau ngày hòa bình bà xuất hiện trong các phim Như thế là tội ác, Hồ sơ một đám cưới, Nơi gặp gỡ của tình yêu

Giai đoạn rực rỡ nhất của Thẩm Thúy Hằng là khoảng thời gian 1965 – 1972. Phim bà đóng đạt doanh thu rất cao. Năm 1969, Thẩm Thúy Hằng đứng ra thành lập hãng phim riêng Thẩm Thúy Hằng. Với kinh nghiệm, Thẩm Thúy Hằng chọn bộ phim Chiều kỷ niệm để chiếu ra mắt. Đây là bộ phim tình cảm xã hội do Lê Mộng Hoàng đạo diễn, với dàn diễn viên “toàn sao” bên cạnh Thẩm Thúy Hằng thủ vai chính như: Phùng Há, Năm Châu, Kim Cúc, Thanh Tú, Huy Cường, Việt Hùng, Ngọc Nuôi… Tuy là phim đen trắng, nhưng phim rất thành công, từ ngày chiếu ra mắt, khán giả nô nức mua vé vào xem kín rạp.

Bà mang luôn biệt danh "Người đẹp Bình Dương" do công chúng ái mộ đặt, trở thành biểu tượng nhan sắc phụ nữ một thời ở Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung

t.l

Cuối năm 1974, khi hãng phim đổi tên là Vilifilms, bà chủ Thẩm Thúy Hằng đã tiến lên một bước, mở rộng hợp tác làm phim với nước ngoài như: Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia kể cả Pháp, Đức, Mỹ, Liên Xô. Và đã có một loạt phim hợp tác như: Vàng, Sóng tình

“Người đẹp bình dương” Thẩm Thuý Hằng qua đời ở tuổi 82

Không chỉ hợp tác làm phim, đóng phim ở nước ngoài mà đi đâu, dự bất cứ cuộc liên hoan phim nào, Thẩm Thúy Hằng cũng đều được đón chào, sánh ngang hàng với các minh tinh nước ngoài. Những năm đó, không chỉ tham gia đóng phim tình cảm tâm lý xã hội, Thẩm Thúy Hằng cũng tham gia phim hài và phim kinh dị như: Chàng ngốc gặp hên, Giỡn mặt tử thần

Giai đoạn rực rỡ nhất của Thẩm Thúy Hằng là khoảng thời gian 1965 – 1972

t.l

Thẩm Thúy Hằng đạt được đỉnh cao danh vọng khi liên tục nhận được những giải thưởng cao của điện ảnh châu Á và quốc tế như: hai lần đoạt giải Diễn viên Á châu xuất sắc tại LHP Đài Bắc, Ảnh hậu Á châu trong LHP Á châu tổ chức tại Hồng Kông và Đài Loan năm 1972 - 1974, Nữ diễn viên khả ái nhất tại LHP Moscow và Tasken tại Liên Xô năm 1982…

Thẩm Thúy Hằng nổi tiếng và thành công cả trên lĩnh vực kịch nói, cải lương, tân nhạc. Ban kịch Thẩm Thúy Hằng sánh ngang vai với những ban kịch lừng danh thời bấy giờ như: Kim Cương, Mộng Tuyền, Dân Nam, Tân Dân Nam, Túy Hoa - Túy Phượng, Duy Lân, La Thoại Tân… và được xếp vào “top ten” những ban kịch nổi tiếng, và bà vào danh sách 12 diễn viên sáng giá của kịch nghệ miền Nam. Thẩm Thúy Hằng không chỉ đóng vai trò Trưởng ban kịch mà còn viết kịch bản, thủ vai chính. Một số vở kịch phát trên sóng truyền thanh hay trên màn ảnh nhỏ thời đó có sự góp mặt của Thẩm Thúy Hằng được khán giả ghi nhớ như: Sông dài, Vũ điệu trong bóng mờ, Người mẹ già, Đôi mắt bằng sứ, Suối tình, Dạt sóng

Năm 1969, Thẩm Thúy Hằng đứng ra thành lập hãng phim riêng Thẩm Thúy Hằng

t.l

Ở lĩnh vực cải lương, Thẩm Thúy Hằng cũng rất thành công trong một số vở diễn như Đò chiều, Đôi mắt huyền… Đặc biệt, vai diễn ghi dấu ấn của Thẩm Thúy Hằng trên sân khấu cải lương là vũ nữ Cẩm Lệ trong vở Bóng chim tăm cá của Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga.

Trước năm 1975, Thẩm Thúy Hằng cũng thường xuyên xuất hiện trên sân khấu “Đại nhạc hội”, nhưng không phải diễn kịch, đóng cải lương mà là hát tân nhạc. Một số ca khúc do Thẩm Thúy Hằng thể hiện trên lĩnh vực này tương đối thành công là Hai chuyến tàu đêm của Trúc Phương và Tình lỡ của Thanh Bình.

Nhan sắc một thời của minh tinh màn bạc miền Nam

t.l

Ngoài ra, hình ảnh của Thẩm Thúy Hằng đi liền với Thanh Nga thường xuyên xuất hiện trên bìa các báo xuân và lịch tết với biểu tượng một người là “Nữ hoàng điện ảnh” còn người kia là “Nữ hoàng sân khấu cải lương”. Cả hai đều đại diện cho nhan sắc người phụ nữ được nhiều người ái mộ.

Thẩm Thúy Hằng chụp ảnh lịch

t.l

Sau sự kiện 1975, trong lúc một số nghệ sĩ chạy ra nước ngoài định cư thì Thẩm Thúy Hằng cùng chồng là Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh từ chối những cơ hội ra đi mà chọn con đường ở lại quê nhà. Ông Nguyễn Xuân Oánh từng làm Phó Thủ tướng kiêm Thống đốc Ngân hàng chế độ cũ, sau đó là Quyền Thủ tướng trong 2 năm: 1964 – 1965. Sau năm 1975, có thời gian ông làm cố vấn kinh tế cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Bà xuất hiện trong rất nhiều bộ phim trước và sau 1975

t.l

Không chỉ tham gia diễn xuất trong vai trò diễn viên, Thẩm Thúy Hằng còn sáng tác kịch bản sân khấu như Người hạnh phúc, Nụ cười và nước mắt đã được dàn dựng trên sân khấu. Nhưng có lẽ vai diễn mang đậm dấu ấn của bà trên lĩnh vực sân khấu và sự nghiệp nói chung là vai Phồn Y trong vở Lôi vũ của đoàn kịch nói Kim Cương trước khi từ giã sự nghiệp, sống ẩn mình vì biến chứng của chất silicon mà bà đã từng bơm vào da thịt để giữ gìn sắc đẹp một thời.

Vai diễn mang đậm dấu ấn của bà trên lĩnh vực sân khấu và sự nghiệp nói chung là vai Phồn Y trong vở Lôi vũ của đoàn kịch nói Kim Cương

t.l

Bà chọn cuộc sống khép kín ở TP.HCM cùng chồng - ông Nguyễn Xuân Oánh đã nghỉ hưu. Thẩm Thúy Hằng muốn che giấu mọi người thời kỳ nhan sắc tàn tạ của mình trong giai đoạn biến chứng cuối cùng của chất silicon.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.