Thế nhưng, có lẽ lời bao biện mà tôi cảm thấy bất ngờ nhất chính là của Tôn Nữ Thị Huyền, người bị cáo buộc đã đưa 37 người sang Campuchia thực hiện phẫu thuật bán thận với giá 15.000 - 17.000 USD/quả thận, tại phiên tòa được TAND TP.HCM đưa ra xét xử hôm 19.1 vừa qua.
Ở phiên tòa này, Huyền - với tư cách là bị cáo đầu vụ - dù thừa nhận toàn bộ nội dung cáo trạng truy tố, nhưng nói rằng do những người bán thận (được xác định là bị hại trong vụ án - PV) trình bày hoàn cảnh khó khăn, cần tiền trả nợ, nên bị cáo “đắng lòng”, và vì lòng “nhân đạo” mà đưa những người có nhu cầu đi bán thận chứ không ép buộc ai.
Mới nghe qua, tưởng chừng bị cáo Huyền tốt thật, nhưng cáo trạng đã chỉ rõ Huyền được phía mua thận trả 15.000 - 17.000 USD/quả thận; trong khi đối với những người bán thận, Huyền chỉ trả cho họ từ 200 - 210 triệu đồng/người. Cũng cần biết rằng, số tiền mà bị cáo Huyền hưởng lợi lên đến 2,6 tỉ đồng và hành vi này kéo dài từ năm 2017 - 2019. Do vậy, lối ngụy biện như cách mà bị cáo Huyền thể hiện tại tòa là không thể chấp nhận.
Một điều khác cũng khiến tôi băn khoăn không kém: Các nạn nhân, dù nhiều người thừa nhận không bị ép buộc phải bán thận, nhưng đa số đều nhận thức rằng, bán thận của chính mình là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Chính HĐXX cũng rất muốn biết lý do vì sao các bị hại phải lén lút bán đi thận của mình. Câu trả lời, cuối cùng cũng chỉ vì “cần tiền” và nhận thức về pháp luật hạn chế.
Vấn đề mà một thành viên trong HĐXX đưa ra khiến nhiều người tham dự phiên tòa phải băn khoăn, khi câu hỏi, dường như không được trả lời hướng về các nạn nhân: Các bị hại có biết rằng, hậu quả của hành vi bán thận phi pháp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân các bị hại, cũng như gia đình và xã hội?
Bình luận (0)