Rời bệ phóng vào năm 1957, tên lửa R-7 đánh dấu một trong những bước tiến vượt bậc nhất trong cuộc đua vũ khí thời Chiến tranh lạnh.
|
Trong bối cảnh quan hệ Nga - phương Tây bị xem là đang ở mức tồi tệ nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh liên quan tới khủng hoảng Ukraine, Moscow liên tục thông báo những tiến triển và kế hoạch mới về tên lửa liên lục địa (ICBM). Hồi đầu tháng, Nga thử nghiệm thành công ICBM phóng từ tàu ngầm mang tên Bulava (tạm dịch: cây chùy).
|
Nặng 36,8 tấn, “ngọn chùy” tối tân của Nga có tầm bắn 10.000 km và mang theo từ 6 đến 10 đầu đạn hạt nhân. Chưa hết, RIA-Nosvoti dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga cho biết Lực lượng tên lửa chiến lược sẽ tập trận liên tục đến hết năm 2014 và dự kiến thử nghiệm 12 ICBM trong năm 2015. Những động thái trên được đánh giá là đã được tính toán kỹ lưỡng trong tình hình hiện nay khi ICBM nằm trong số những vũ khí lợi hại nhất và chủ lực nhất của các “ông lớn” nếu xảy ra một cuộc chiến toàn cầu mới. Hầu hết các tên lửa loại này hiện nay đều có sức công phá gấp cả trăm lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. Vì thế, không biết vô tình hay hữu ý mà RIA-Novosti lại bất ngờ đăng tải tư liệu về R-7, ICBM đầu tiên của thế giới và là một sản phẩm của Liên Xô.
Ý tưởng chưa từng có
Vào ngày 21.8.1957, Liên Xô phóng thành công trọn vẹn ICBM R-7 Semyorka (NATO gọi là SS-6 Sapwood). Đây là tên lửa 2 tầng có thể đưa một đầu đạn nhiệt hạch đến địa điểm bất kỳ trên toàn cầu. Được thiết kế để trở thành vũ khí hủy diệt nhưng R-7 sau đó trở thành thiết bị phóng nguyên mẫu cho nhiều loại vệ tinh và phi thuyền có người lái.
Cục Thiết kế đặc biệt Số 1 (OKB-1) bắt đầu nghiên cứu ICBM vào cuối thập niên 1940 dưới sự giám sát của “siêu kỹ sư” Sergei Korolev. Khi đó, ông Korolev (1907 - 1966) đang theo dõi quy trình phát triển các tên lửa đạn đạo đơn tầng như R-1, R-2, R-3 và R-5. Sau một thời gian dài tìm tòi và dưới sức ép phải mau chóng vượt mặt Mỹ, các chuyên gia nhận ra cần phải gấp rút chế tạo một dạng tên lửa đa tầng với sức mạnh hơn hẳn những dòng tên lửa hiện có nếu muốn tấn công bất cứ mục tiêu nào trên trái đất. Và rồi Konstantin Tsiolkovsky, cha đẻ của ý tưởng du hành không gian, đã đề xuất khái niệm về một dòng tên lửa chia thành nhiều tầng, nhằm nới rộng tầm bắn.
Đến đầu thập niên 1950, ông Korolev phúc trình lên các lãnh đạo Liên Xô bản phác họa thô về một loại tên lửa phức hợp đầy uy lực chưa từng xuất hiện từ trước đến nay. Sau nhiều cân nhắc, Hội đồng Bộ trưởng ngày 20.5.1954 chỉ thị OKB-1 chính thức phát triển ICBM có khả năng mang đầu đạn nhiệt hạch. Những tên tuổi lớn nhất trong ngành tên lửa, không gian Xô viết lập tức được tập hợp. OKB-456 do ông Valentin Glushko dẫn đầu nhận lệnh chế tạo động cơ còn 2 chuyên gia hàng đầu Nikolai Pilyugin và Boris Petrov phụ trách thiết kế hệ thống dẫn đường. Đến giữa tháng 5.1957, các vụ thử đầu tiên của R-7 chính thức được triển khai, bắt đầu bộc lộ những trở ngại chính về mặt thiết kế.
Những vụ phóng đầu tiên
Tên lửa R-7 đầu tiên được phóng vào ngày 15.5.1957 nhưng nhanh chóng bị “xịt” khi vừa rời bệ chưa bao lâu. Theo dữ liệu phân tích bằng phương pháp đo tử xạ, dường như tên lửa trở nên bất ổn trong quá trình bay do đường dẫn nhiên liệu bị gián đoạn. Hai tháng sau, tên lửa một lần nữa lên bệ phóng, nhưng bay được 33 giây thì xảy ra chập mạch trong hệ thống dẫn đường khiến tên lửa chệch hướng so với kế hoạch. Mãi đến lần phóng thứ ba vào ngày 21.8.1957, thành công mới đến trọn vẹn. Tên lửa mang đầu đạn M1-9 được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur, đi trọn phi đạo và phóng đầu đạn vào một khu vực đã định trên bán đảo Kamchatka.
Đến ngày 27.8.1957, cả thế giới giật mình, còn riêng các ban bệ của Mỹ thì náo loạn, khi báo chí Liên Xô đồng loạt đưa tin về cuộc thử nghiệm thành công của tên lửa đa tầng với tầm bắn vượt xa các đời trước. Tên lửa R-7 dài 31,4 m, có đường kính 11,2 m, tầm bắn 8.000 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân có sức phá hoại tương đương khoảng 3 đến 5 triệu tấn TNT. Đầu đạn hạt nhân được lắp vào khoang chứa thiết bị ở bộ phận trung tâm, và có thể phá hủy một khu vực lớn bằng cách nổ tung trên mặt đất hoặc trên không. Bên cạnh đó, tên lửa R-7 được trang bị một hệ thống dẫn đường kết hợp, gồm hệ thống phụ tự hành và hệ thống phụ vô tuyến. Đến ngày 20.1.1960, Liên Xô quyết định bổ sung R-7 vào kho vũ khí của lực lượng vũ trang.
Bên cạnh R-7, các chuyên gia Liên Xô tiếp tục phát triển hệ thống tên lửa R-7A với tầm bắn xa hơn, đến 12.000 km, hệ thống dẫn đường cải tiến, động cơ đáng tin cậy hơn và đầu đạn nhẹ hơn. Tên lửa R-7A cũng được trang bị động cơ mạnh hơn và đến ngày 12.9.1960, ICBM R-7A chính thức được kết nạp vào lực lượng vũ trang. Đến nay thì cả R-7 lẫn R-7A đều đã về hưu mà chưa một lần tham gia thực chiến vì tác dụng chủ yếu của vũ khí hạt nhân là răn đe, ngăn ngừa lẫn nhau. Tuy nhiên, từ những thành tựu của ICMB đầu tiên mà Liên Xô rồi Nga đã xây dựng được một kho tên lửa cực kỳ đáng gờm với những cái tên nổi tiếng như Topol, Yars, Bulava… Bên cạnh đó, thiết kế đáng tin cậy của tên lửa R-7 và R-7A là cơ sở để chế tạo các tên lửa đưa người và vệ tinh lên không gian từ Vostok, Voskhod, Molniya đến Soyuz. Đến nay, chúng vẫn tiếp tục phục vụ trong chương trình thám hiểm vũ trụ của Nga.
Người hùng bí mật Ngoài tên lửa đạn đạo, Sergei Korolev còn được cho là một trong những người đóng góp lớn nhất vào các thành tựu của Liên Xô về không gian với hàng loạt ý tưởng, kế hoạch về các loại tên lửa đẩy và những sứ mệnh thám hiểm đột phá. Phương Tây gọi ông là người nâng bước Yuri Gagarin lên vũ trụ. Korolev qua đời ngày 14.1.1966 do đau tim và nhiều chứng bệnh khác, theo tờ The Observer. Do chính sách có từ thời nhà lãnh đạo Stalin, nhân thân của Korolev được giữ bí mật cho đến sau khi ông qua đời nhằm bảo vệ ông khỏi các kế hoạch mua chuộc hoặc thủ tiêu của điệp viên phương Tây. Vì thế, phải sau tin buồn đăng trên tờ Pravda số 16.1.1966, nhân dân Liên Xô mới biết đến người đàn ông đứng sau một trong những niềm tự hào lớn nhất của họ. |
Thụy Miên
>> Trung Quốc xác nhận phát triển tên lửa liên lục địa có thể bắn tới Mỹ
>> Mỹ: Trung Quốc đang phát triển tên lửa liên lục địa mới
>> Triều Tiên sắp có tên lửa liên lục địa với tầm bắn vươn tới Mỹ?
>> Sức mạnh tên lửa liên lục địa Ấn Độ
>> Nga bắn thử tên lửa liên lục địa mới
>> Người phụ nữ đằng sau dự án tên lửa liên lục địa của Ấn Độ
Bình luận (0)