Cần làm sáng tỏ tầm vóc chiến thắng 1858
|
Theo TS Ngọc, trong thời kỳ gần 100 năm cai trị nước ta, thực dân Pháp cố tình làm cho chiến thắng Đà Nẵng 1858 bị lu mờ. Với những tài liệu lịch sử thu thập được, TS Ngọc đưa ra nhiều ý kiến phản biện sử sách xưa chép về cuộc chiến. “Sử sách ta quy cho triều Nguyễn có tội làm mất nước nên mặc nhiên cho cái gì của triều Nguyễn cũng đều dở, tệ. Chính sử gia Pháp viết: “Trận Đà Nẵng 1858, ta thất bại, thất bại về chính trị lớn hơn thất bại về quân sự”. Sử Pháp đã phải công nhận là quân mình thua, mưu đồ chiến lược bị thất bại”, TS Ngọc nhận định. Theo ông, sử sách xưa nay viết Pháp đánh Đà Nẵng để đánh Huế là hoàn toàn sai lầm vì hải quân không thể mang vác đi bộ hơn 100 km, lại phải qua đèo cao là Hải Vân. Trong khi từ biển Thuận An lên kinh thành Huế chưa tới 15 km. Pháp đánh Đà Nẵng mục đích nhằm xây dựng Đà Nẵng thành một cứ điểm hùng mạnh để chinh phục toàn vùng Đông Nam Á, tạo thế đối sánh với thực dân Anh đã khống chế Đông Bắc Á.
Nhà nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, trận Đà Nẵng 1858 quân ta chỉ có 2.000, trong khi sử Pháp viết là từ 6.000 - 10.000. “Sử ta vô tư sao y sử Pháp mà không biết rằng sử Pháp, sử Tàu khi viết về ta thì đầy thiên kiến, không thể tin được. Tờ tâu của tư lệnh mặt trận Nguyễn Tri Phương cho biết quân ta chỉ có 2.000 biền binh (quân chính quy), liên quân Pháp - Tây Ban Nha có 3.000”, TS Ngọc cho hay.
“Quá dựa vào tư liệu của Pháp”
Đồng quan điểm, trong tham luận Mặt trận Đà Nẵng từ tháng 2 - 4.1859: Khoảng trống chiến sự hay sự thiếu sót của sách sử, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến (Trường ĐH Khoa học Huế) khẳng định có một sự thật là nếu chỉ dựa vào tư liệu phía triều Nguyễn, chúng ta chỉ biết rất ít, rất tóm tắt, thậm chí hiểu sai tinh thần, đường hướng chiến lược và chiến thuật về cuộc chiến đấu bảo vệ Đà Nẵng của cha ông giai đoạn từ tháng 2 - 4.1859. Qua tiếp cận các tài liệu ngoại sử từ phía Pháp, đặc biệt là các tài liệu quân y tại bán đảo Sơn Trà, ông Tiến khẳng định, khoảng thời gian này, quân triều đình nhà Nguyễn thực hiện chiến thuật phòng thủ, tấn công vì thế tương quan lực lượng chứ không hề thụ động. Trong 3 tháng, triều Nguyễn đã chủ động với nhiều cuộc tấn công được chuẩn bị từ trước, trong và sau tết gây “thất điên bát đảo” quân địch. Không đợi đến khi Nguyễn Tri Phương xuất hiện mà thời kỳ Đào Trí, Lê Đình Lý, quân Pháp đã bị đẩy về co cụm tại bán đảo Sơn Trà.
“Giai đoạn lịch sử sôi động này ở Đà Nẵng trong thực tế không phải là “khoảng trống chiến sự”, không hề là “án binh bất động”… Sự thừa nhận khách quan đó từ các nguồn tư liệu của đối phương đặt ra cho chúng ta một vấn đề hết sức bức thiết: liệu chúng ta có nên tiếp tục nhìn nhận và đánh giá tinh thần, thái độ, nhãn quan chiến lược - chiến thuật giữ nước của vua quan triều Nguyễn, kể cả người đứng mũi chịu sào Nguyễn Tri Phương tại mặt trận Đà Nẵng là hạn chế, thụ động, bạc nhược giống như nhiều sử sách hiện nay đang thể hiện…”, ông Tiến đặt vấn đề và nhấn mạnh: hậu thế đã chưa hiểu hết công lao của cha ông và máu xương của nhân dân trong giai đoạn này.
Chủ trì hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận, đúng là có nhiều nhà nghiên cứu nhắc nhở về tư liệu và cách nhận thức. “Chúng ta đã quá dựa vào tư liệu của người Pháp, đặc biệt là tư liệu chính thống của người Pháp về cuộc xâm lược, cũng như dựa vào tư liệu triều đình Huế. Nếu đọc kỹ thì chúng ta nhận thấy triều đình tổ chức kháng chiến mạnh mẽ, tuy nhiên phải hiểu rằng phần viết về vua Tự Đức được viết sau này khi dưới sự bảo hộ của Pháp, cho nên giảm đi yếu tố chủ động của chúng ta. Chúng tôi lưu ý những tư liệu ngoại sử rất quan trọng…”, ông Quốc nhấn mạnh.
Bình luận (0)