Cứ như thể ở đất nước này dù có gặp phải chuyện gì cấp bách dầu sôi lửa bỏng cần huy động nguồn lực đến đâu thì cũng vẫn “thúc thủ” trước “cánh cửa đấu thầu”.
Chẳng có ai nói chúng ta không cần đến luật đấu thầu, không cần đến những quy tắc kiểm soát tính khách quan và minh bạch của việc mua bán có yếu tố sử dụng vốn nhà nước. Nhưng cũng chính điều 26 của luật Đấu thầu hiện hành nêu rõ trong trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt không thể áp dụng các trình tự thủ tục bình thường thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng xem xét, quyết định phương án lựa chọn.
Điều 26 của luật Đấu thầu hiện hành mở ra một hành lang pháp lý không hề chật hẹp để giải quyết những trường hợp gói thầu “xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt”. Đó là điều kiện đặc thù của cuộc chiến chống Covid-19 gian truân cả hơn năm trời rồi. Đó là điều kiện riêng biệt về sự mất cân đối nghiêm trọng giữa nhu cầu và nguồn cung vắc xin Covid-19 trên toàn cầu, đẩy các quốc gia vào một cuộc cạnh tranh thật sự để tiếp cận sớm với vắc xin. Đó là hoàn cảnh đặc biệt chẳng khác gì hoàn cảnh chiến tranh mà chính Thủ tướng tuyên bố: “chống dịch như chống giặc”.
Điều kiện để áp dụng điều 26 luật Đấu thầu đã rõ ràng như thế rồi thì vấn đề còn lại chỉ là nhân tố “người có thẩm quyền trình Thủ tướng xem xét, quyết định”. Vậy thì cứ phải hỏi thẳng: Là ai, ai là “người có thẩm quyền” trong trường hợp này nhưng đã không bằng mọi giá để hoàn thành phận sự của mình? Trong trường hợp này, phận sự ấy không đơn giản là giải ngân cho một gói thầu, mà là giải vây cho một lượng lớn vắc xin ở thời điểm mà cuộc chiến chống Covid-19 của đất nước đi vào một khúc quanh ngặt nghèo. Phận sự ấy gắn liền với trách nhiệm quốc gia, gắn liền với an nguy của rất nhiều người.
Chắc chắn những “người có thẩm quyền” trong trường hợp này không thể không từng nghe thấy điều Chủ tịch Hồ Chí Minh răn dạy “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”. Đó là một trong những câu nói thường được nhắc ở các đợt sinh hoạt “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Vậy thì xin hỏi, đã “hết sức làm” chưa, đã làm hết sức chưa?
Hoàn cảnh “chống dịch như chống giặc” là khẩn cấp, thử thách các nhà quản trị về năng lực ra quyết định giải quyết vấn đề. Trên thực tế, có những chuyện tiềm ẩn nhiều bất trắc, cần đến những quyết định khó khăn, cần đến sự sáng suốt và lòng can đảm của nhà quản trị. Nhưng nói thật, chuyện xử lý thủ tục giải vây cho lô vắc xin 288.000 liều vừa nêu không thuộc diện này. Nó chỉ là chuyện thể hiện tư duy máy móc và sự tắc trách trong quản lý - một căn bệnh phải cần những liều thuốc đặc trị thật đắng thì mới dã tật về sau.
Bình luận (0)