Trong tiếng Anh, Ngày Độc thân Quốc tế gọi là International Quirkyalone Day, một ngày lễ diễn ra từ năm 2003 rồi lan rộng dần, với các bữa tiệc ở hơn 40 thành phố trên khắp thế giới. Ngày này không nhằm chống lại Ngày tình nhân (Valentine's Day), đơn giản là chỉ diễn ra cùng ngày.
Ngày Độc thân Quốc tế chủ yếu tôn vinh sự lãng mạn, tự do và cá tính; đề cao tính độc lập, sáng tạo, tình bạn và tất cả các loại tình yêu bao gồm cả tình yêu dành cho bản thân.
Nguồn gốc của thuật ngữ Quirkyalone
Quirkyalone là thuật ngữ do nhà văn Mỹ Sasha Cagen tạo ra từ năm 2000 trong một bài luận mà bà viết cho tạp chí To-Do List của mình. Bà định nghĩa Quirkyalone như sau: "Một người thích độc thân (nhưng không phản đối việc có một mối quan hệ), thích ở một mình hơn là hẹn hò vì mục đích đôi lứa". Bà cũng sử dụng nó như một tính từ để mô tả hành vi kỳ quặc của những người như vậy.
Quirkyalone là từ ghép của hai từ trong tiếng Anh: quirky (tính từ) xuất hiện năm 1806, có nghĩa là đầy rẫy những điều kỳ quặc hoặc phong cách riêng có vẻ kỳ lạ với một ít ngớ ngẩn, vụng về và có thể… dễ thương; alone (tính từ) có nghĩa là "một mình", xuất hiện khoảng năm 1300, là từ viết tắt của all ane, có nguồn gốc từ tiếng Anh cổ all ana (hoàn toàn cô độc, một mình).
Quirkyalone là thuật ngữ pha trộn sự kỳ quặc và đơn độc, gợi ý rằng việc thích sống độc thân là lập dị hoặc dị thường trong mắt của nền văn hóa chính thống, nhưng cũng có nghĩa là những cá nhân độc thân cũng chấp nhận bản sắc đó. Nữ văn sĩ Sasha Cagen đã biến thuật ngữ Quirkyalone thành hiện tượng, thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng, đặc biệt là những độc giả có liên quan đến hiện tượng này khi được xuất bản trên một tạp chí khác là Utne Reader. Sau sự thành công này, năm 2004, Cagen xuất bản quyển Quirkyalone: A Manifesto for Uncompromising Romantics (Quirkyalone: Tuyên ngôn cho những người lãng mạn không thỏa hiệp), trong đó mô tả chi tiết về "sự cô độc" một cách chi tiết.
Sau khi quyển sách phát hành, thuật ngữ Quirkyalone và sự quan tâm tìm kiếm về nó lập tức tăng vọt. Kể từ năm 2018, Cagen duy trì một trang mạng quirkyalone.net và bản tin dành riêng cho những người độc thân.
Bùng nổ thuật ngữ Forever alone
Cuối những năm 2000 xuất hiện truyện tranh hài hước Forever alone (Mãi mãi cô đơn) của họa sĩ minh họa Dominic Vanner. Đây là một sê-ri trực tuyến nổi tiếng mô tả các phản ứng đối với các tình huống khó xử, không thoải mái hoặc đau đớn một cách hài hước, bằng một bộ sưu tập các khuôn mặt biếm họa do máy tính vẽ.
Cụm từ Forever alone được sử dụng như một cách diễn đạt kịch tính về sự cô đơn, ít nhất là từ giữa những năm 1800, đặc biệt trong bài thơ năm 1876 của Margaret Lawrence Pray: Then and Now, trong đó có các dòng: "My life one echoless monotone/Alone, alone—forever alone". (Cuộc đời tôi là một âm thanh đơn điệu không đồng vọng/Cô đơn, cô đơn —mãi mãi cô đơn). Trong truyện tranh Mãi mãi cô đơn, họa sĩ Dominic Vanner vẽ nhân vật có cái đầu nhăn nheo, bẹp dúm với cái hàm khổng lồ và chiếc cằm lúm đồng tiền, còn thân hình gầy như que tăm. Nhân vật ấy thường được miêu tả là đang khóc trong khung cuối cùng của truyện tranh, với cụm từ Forever alone, được sử dụng như một kiểu câu kết sau một số trải nghiệm về cuộc đời.
Ngày Độc thân Quốc tế tôn vinh tình yêu
Nói về ngày lễ dành cho người độc thân, theo Thời báo New York, "nữ văn sĩ Sasha Cagen không phản đối việc sắp đặt hay hẹn hò… Bà hoàn toàn không phản đối tình dục. Thay vào đó, bà là người 'chống lại mối quan hệ buồn tẻ". Sách của Sasha chứa thuật ngữ Quirkyalone được Thời báo New York dành cho một thế hệ mới, tạo ra Ngày Độc thân Quốc tế (14.2), ngày lễ dành cho người độc thân, một đối trọng ngày càng tăng đối với Ngày Valentine. Đây là ngày kỷ niệm tất cả các hình thức tình yêu, một cộng đồng trực tuyến, một phong trào, dĩ nhiên dành cho "những người lãng mạn không thỏa hiệp!".
Bình luận (0)