Nhà tổ, gác khánh và bậc thang lên chùa bị làm mới mà Sở VH-TT-DL Hà Nội không hay biết. Một di tích cấp quốc gia bị xâm hại. Trách nhiệm của Cục Di sản, của Hà Nội, của Sở VH-TT-DL Hà Nội, của chính quyền xã, của sư trụ trì chùa và cả những người dân đã “tình thương vô ý gây nên tội” vi phạm di tích đều không thể phủ nhận. “Mức độ xâm hại có nghiêm trọng không? Có nghiêm trọng chứ. Di sản bị xâm hại thì phải nói là nghiêm trọng chứ sao không. Cho nên mới phải đình chỉ ngay”, ông Long nhận trách nhiệm.
Ông Long cũng cho biết thành phố đã chỉ đạo đình chỉ chức vụ Trưởng ban Quản lý di tích chùa Trăm Gian và kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan. Thanh tra và một ban chuyên môn sẽ được thành lập để xem xét mức độ sai phạm của các cá nhân, các cấp sai phạm. Kết quả thanh tra (cơ sở của các mức kỷ luật) dự kiến sẽ được đưa ra trước ngày 15.9.
|
Tuy nhiên, “việc bị xâm hại nghiêm trọng khác hẳn với phá hủy toàn bộ di tích, phá cả chùa Trăm Gian thì không phải. Chùa rộng 3 ha với hàng chục hạng mục. Vì thế nếu nói chỉ có 3 hạng mục bị xâm hại là chính xác chứ không thể nói là cả cái chùa”, ông Long nói.
Tại buổi họp báo, KTS Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích - đã dùng những bức ảnh ông chụp chiều 29.8, tại hiện trường để phân tích thực trạng di tích. Gác chuông, tam bảo - phần quan trọng của ngôi chùa vẫn còn đó. Cảnh quan tổng thể với địa thế tọa lạc trên khu đồi, nhìn ra phần còn lại của một rừng thông xưa vẫn còn nguyên. Ông cũng đưa ra ảnh so sánh là những tấm ảnh tư liệu từ thời Pháp thuộc. “Đánh giá trên hiện trường tôi thấy khung cảnh tổng thể của chùa vẫn còn nguyên đó… Tôi thấy không nên quá thổi phồng vì những người hướng về di sản sẽ xót xa hơn rất nhiều”, KTS Vinh nói.
Sự thổi phồng quá đáng được nhắc đến là những cấu kiện gỗ của một di tích không thể bền vững qua 1.000 năm. Cũng vì thế, ngôi chùa tiếng là khởi dựng từ thời Lý nhưng thực ra đã là một phiên bản sau đó rất nhiều rồi. “Chùa Trăm Gian tuy lâu, nhưng không phải giữ từ khởi thủy đến bây giờ”, Phó giám đốc sở Nguyễn Đức Hòa nói.
Khả năng hồi phục khả quan
Bị thương, song khả năng phục hồi lại những hạng mục đã bị xây mới của chùa Trăm Gian lại tương đối khả quan. Điều này trái với hình dung của nhiều người rằng chùa đã “một đi không trở lại”. Theo đánh giá của KTS Vinh, dựa trên kết cấu đơn sơ của nhà tổ cũ cộng với tư liệu còn lại, việc dựng lại nhà tổ không khó. “Tuy không thể phục dựng được lại 100% nhưng việc phục hồi lại đặc điểm kiến trúc của công trình và giữ được một số yếu tố gốc sẽ vẫn rất thuyết phục”, ông Vinh cho biết.
Tuy nhiên, tiến độ, thời điểm bắt đầu việc phục dựng lại các hạng mục đã mất không chỉ nằm trong tay quyết định của Sở VH-TT-DL Hà Nội, bởi chính họ cũng phải chịu những quy định về đầu tư, ngân sách, tu sửa vừa chặt chẽ, vừa chồng chéo theo đúng quy định nhà nước. Bản thân dự án tu sửa chùa Trăm Gian mãi chưa có kinh phí, để rồi nhà chùa và người dân phải tự huy động vốn là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Thậm chí trước khi xây mới trái phép, một xà ngang mục ruỗng tại nhà tổ vốn được chống xuống cấp bằng các cột đỡ buộc thêm đã rơi xuống làm một cụ già 80 tuổi suýt thiệt mạng.
Diễn biến việc xây mới nhà tổ và gác khánh chùa Trăm gian - Hạng mục nhà tổ, gác khánh của chùa Trăm Gian xuống cấp khiến nhà chùa phải chống bằng thanh tre, cột gỗ. Vì thế, năm 2006 Cục Di sản văn hóa và Sở VH-TT-DL Hà Nội đã lên phương án trùng tu. - Năm 2010, thiết kế trùng tu chùa Trăm Gian đã được Cục Di sản phê duyệt trên cơ sở bảo tồn nguyên gốc giá trị của ngôi chùa. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay Sở VH-TT-DL vẫn chưa triển khai dự án tu bổ này. - Tháng 8.2012, một số hạng mục của chùa Trăm Gian được phát hiện đã bị làm mới mà Cục Di sản không được biết. - Chiều 31.8, Sở VH-TT-DL Hà Nội họp báo để “công bố sự thật” quanh vụ việc này. |
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)