Sự thật về mây vảy rồng xuất hiện trên bầu trời Hà Nội báo hiệu sắp bão

12/10/2023 08:50 GMT+7

Chuyên gia khí tượng khẳng định hình ảnh mây xuất hiện ngày 11.10 tại Hà Nội không phải mây vảy rồng. Trong một tuần tới, Hà Nội không có dấu hiệu của bão hay thời tiết khắc nghiệt nào.

Ngày 11.10, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh cho là mây vảy rồng xuất hiện ở bầu trời Hà Nội. Theo nội dung bài viết, đây là hiện tượng dự báo một cơn bão sắp tới hoặc hệ thống thời tiết khắc nghiệt khác.

Sự thật về mây vảy rồng xuất hiện trên bầu trời Hà Nội báo hiệu sắp bão - Ảnh 1.

Thông tin xuất hiện trên mạng xã hội

CHỤP MÀN HÌNH

Thông tin này sau khi được chia sẻ đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, trong đó, nhiều người tỏ ra lo sợ và cho rằng "nên về quê tránh bão".

Nhận định về những đám mây trên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, theo quy định trong Atlas mây của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và quy định kỹ thuật của Việt Nam, đây là mây trung tích (Altocumulus translucidus), hay còn gọi là mây Ac tr.

Sự thật về mây vảy rồng xuất hiện trên bầu trời Hà Nội báo hiệu sắp bão

Mây trung tích hình thành theo từng đám, màn hoặc lớp trung tích mà phần lớn đủ thấu quang, thể hiện ở vị trí mặt trời hay mặt trăng. Trong thời kỳ đầu lúc hình thành, mây có dáng thật đều đặn, phát triển dài trung bình theo chiều ngang. Trong đám mây phân chia ra những phần tử nhỏ sắp xếp đều nhiều hay ít thành hình phiến mỏng hoặc bàn cờ.

Mây trung tích phần lớn được tạo bởi những hạt nước do độ trong suốt của những phần tử lớn rất kém và khi chúng tách ra riêng biệt thì có đường cạnh rõ rệt. Tuy vậy, khi nhiệt độ rất thấp, có thể hình thành tinh thể đá.

Cơ quan khí tượng cho hay, những loại mây này thường xuất hiện ở nhiều mực cao khác nhau trong cùng một bầu trời và đôi khi kết hợp với mây trung tầng. Khi ấy, thường có mù ở ngay dưới màn hoặc lớp trung tích giữa các phần tử của chúng.

"Mây trung tích có thể hình thành, ít nhất do một số phần tử từ đám hoặc màn, lớp mây lớn lên hoặc dày thêm, hoặc từ một lớp mây tằng tích phân chia ra, hoặc từ mây cao tằng hay mây vũ tằng biến đổi thành. Mây trung tích cũng có thể phát sinh từ đỉnh mây tích giải tỏa ra, khi đạt tới lớp không khí ổn định trong quá trình phát triển theo chiều thẳng đứng của mây tích", cơ quan khí tượng thông tin.

Trong khi đó, chuyên gia khí tượng Nguyễn Lan Oanh khẳng định, hình ảnh xuất hiện trên bầu trời Hà Nội ngày 11.10 không phải là mây mammatus (mây vảy rồng theo cách người dân thường gọi). Qua quan trắc, trong một tuần tới, Hà Nội không có dấu hiệu của bão hay thời tiết khắc nghiệt nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.