Sự thật về thải độc bằng nước muối: Hiệu quả hay rủi ro?

14/10/2024 04:09 GMT+7

Dùng nước muối để thải độc là một phương pháp chưa có cơ sở khoa học hay nghiên cứu nào chứng minh, trong khi đó lượng muối dư trong cơ thể sẽ ra các vấn đề sức khỏe và bệnh lý nguy hiểm về tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ…

Bị ói, đi tiểu tiện nhiều lần, không rõ có thải độc không?

Chị N.T.T (27 tuổi, ở Hà Nội) cho biết chị áp dụng một công thức trên mạng để thải độc, tuy nhiên uống xong thì cả buổi sáng mắc tiểu phải đi thường xuyên chứ không có mắc đi đại tiện như hướng dẫn.

Tương tự, chị Thư (30 tuổi, ở TP.HCM) chia sẻ chị từng xem qua các video hướng dẫn thải độc bằng nước muối nên có thử nghiệm vài lần.

"Trong những lần mình làm có lần thành công đi ra được nước như có đôi lần chỉ ói ra bằng miệng. Còn tác dụng thải độc hay không thì không biết", chị Thư cho hay.

Trong khi đó, cô N.T.H (52 tuổi, ở Đồng Nai) cho biết, cô cảm thấy thường xuyên mệt mỏi nên coi hướng dẫn thải độc nước muối thì có làm theo. Tuy nhiên do không biết liều lượng thế nào là đúng vì mỗi người hướng dẫn mỗi kiểu nên cô cứ áng chừng rồi pha nước.

"Sau khi uống có thấy mắc đi đại tiện, đi 3-4 lần như các clip trên mạng hướng dẫn. Tuy nhiên cô bị huyết áp cao và sợ ảnh hưởng thận, do thận yếu sẵn nên uống mà cũng lo không biết có bị làm sao không", cô H. cho hay.

Sự thật về thải độc bằng nước muối: Hiệu quả hay rủi ro?- Ảnh 1.

Hướng dẫn thải độc bằng muối biển thu hút sự quan tâm, chia sẻ của nhiều người

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Chưa có cơ sở khoa học hay nghiên cứu nào chứng minh hiệu quả

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Phương, bác sĩ nội tiết, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết, cơ thể con người có một cơ chế thải độc tự nhiên bởi các cơ quan như gan, tụy, thận, hệ tiêu hóa, da và phổi để loại bỏ các chất có hại khỏi cơ thể. Các chất độc hại cần phải chuyển hóa, thải ra ngoài cơ thể qua các cơ quan hệ bài tiết và tuyến mồ hôi dưới da gồm chất ô nhiễm, kim loại nặng, hóa chất tổng hợp, thành phần hóa chất trong thực phẩm chế biến sẵn...

"Do cơ thể đã có sẵn cơ chế thải độc tự nhiên, việc thải độc bằng các phương pháp thanh lọc từ bên ngoài chỉ nên thực hiện trong trường hợp các cơ quan có vai trò chuyển hóa và thải độc tố bị suy giảm chức năng. Và hiện tại, việc dùng nước muối để thải độc cho cơ thể là một phương pháp chưa có cơ sở khoa học hay nghiên cứu nào chứng minh", bác sĩ Phương nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, bác sĩ Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cho biết việc uống nước muối loãng liên tục mỗi ngày gần đây được khuyến khích như là phương pháp thải độc hay một cách hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, nước muối pha loãng không có tác dụng thải độc trên các bằng chứng khoa học. Ngược lại, nó có thể mang lại những rủi ro nghiêm trọng nếu không dùng đúng cách.

"Trong thực tế, cơ thể chúng ta đã có các cơ quan như gan, thận và phổi chịu trách nhiệm loại bỏ độc tố tự nhiên và hiệu quả. Uống nước muối liên tục có thể làm tăng huyết áp, gây tổn hại cho thận, mất cân bằng điện giải, dẫn đến mất nước, gây phù và ảnh hưởng đến sức khỏe nếu sử dụng lâu dài và sai cách. Một số bệnh cần kiêng cử lượng muối, cụ thể là trong tăng huyết áp, bệnh thận mạn và suy tim", bác sĩ Duy lưu ý.

Sự thật về thải độc bằng nước muối: Hiệu quả hay rủi ro?- Ảnh 2.

Dùng nước muối để thải độc cho cơ thể là một phương pháp chưa có cơ sở khoa học hay nghiên cứu nào chứng minh

ẢNH: LÊ CẦM

Tiêu thụ nhiều muối gây ra nhiều vấn đề sức khỏe

Theo bác sĩ Phương, cơ thể con người cần tối thiểu 200-500 mg natri, tương đương 0,5-1,2 g muối để duy trì hoạt động hằng ngày. Còn theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng muối tiêu thụ hằng ngày nên dưới 2 g natri, tương đương với 5 g muối. Trong khi đó, người Việt Nam đang dùng trung bình từ 9,4-10 g muối mỗi ngày, gấp đôi nhu cầu bình thường và cao hơn so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.

Lượng muối dư trong cơ thể có thể gây ra các vấn đề sức khỏe và bệnh lý nguy hiểm về tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ…

"Chúng ta không nên dùng nước muối để thải độc theo thông tin không được kiểm chứng về y học. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi áp dụng bất cứ biện pháp chăm sóc sức khỏe nào tại nhà. Bởi vì mỗi người có tình trạng thể chất riêng biệt, cần được sự tư vấn từ bác sĩ để áp dụng các phương pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất cho cơ thể, tránh gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bản thân và gia đình", bác sĩ Phương khuyến cáo.

>>> Đón xem bài tiếp sau: Nước ép có giúp thải độc hay chỉ là trào lưu?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.