Thuở nhỏ, tôi từng mơ ước trở thành bác sĩ, khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, chữa lành những nỗi đau và mang lại niềm vui cho cuộc sống của bao người. Ước mơ ấy dần lớn lên trong tôi, có thể từ những hình ảnh qua ti vi, hoặc từ những lời khuyên ấm áp của bà ngoại.
Nhưng rồi, ước mơ ấy tan biến như giọt nước dưới ánh nắng sau cơn mưa khi tôi lên 8 tuổi. Tai nạn bom đã cướp đi ánh sáng của đôi mắt và khiến bàn tay trái tôi trở nên yếu ớt. Từ đó, cuộc sống của tôi chìm trong bóng tối, phủ đầy sương mờ của sự tuyệt vọng.
Khi đôi mắt không còn nhìn thấy thế giới, tôi không còn được chạy tung tăng trên bờ mẫu, dọc theo cánh đồng lúa vàng nhấp nhô theo làn gió. Tôi không còn thưởng thức những áng mây biến hình quyện trong làn khói bếp khi ánh hoàng hôn vừa buông. Thế giới của tôi, dường như đã biến mất cùng với những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thơ.
"Con đừng lo, ba mẹ và các chị em sẽ chăm sóc con", ba mẹ tôi an ủi. Nhưng trong lòng tôi, một nỗi khao khát mãnh liệt đã trỗi dậy. Tôi không muốn sống dựa vào sự bảo bọc của gia đình, cũng không muốn trở thành gánh nặng cho họ. Tôi quyết định phải tự mình vươn lên, tự lập để nuôi sống bản thân. Những tháng ngày trôi qua trong ánh mắt thương cảm của bà con xóm giềng. Bạn thân duy nhất của tôi lúc bấy giờ là chiếc radio nhỏ mà ba tôi mua về sau một chuyến đi xa. Tôi nghe tất cả các chương trình, thuộc làu lịch phát sóng của các đài. Và rồi, năm 1997, bước ngoặt lớn đã mở ra một chương mới trong cuộc đời tôi.
Nhờ vào thông tin trên radio và sự động viên của cô giáo cũ, tôi biết đến trường học dành cho người khiếm thị – nơi mà tôi có thể tiếp tục học chương trình phổ thông, rèn luyện kỹ năng sống và học nghề. Ngày 3.9.1997, tôi lên đường đến Trường trẻ em khuyết tật An Giang, bắt đầu hành trình học tập và phát triển. Tại đây, tôi học chữ nổi, sử dụng gậy để định hướng, và tự phục vụ bản thân. Những bước đi đầu tiên trên con đường mới đã gieo mầm cho những ước mơ lớn lao sau này.
Có 3 câu chuyện đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi và trở thành nguồn sức mạnh thúc đẩy tôi bước vào con đường công tác xã hội.
Câu chuyện đầu tiên là vào năm 2000, khi tôi về quê một người bạn chơi ở An Giang. Trên đường về, chúng tôi nghe tiếng khóc của một người phụ nữ: "Con ơi, con mù khổ lắm, sao không chết đi cho nhẹ nhàng". Những lời nói ấy như những nhát dao cứa vào trái tim tôi. Tại sao người ta lại nghĩ rằng người khiếm thị không nên tồn tại? Tại sao họ lại kỳ thị những người như tôi?
Câu chuyện thứ hai xảy ra khi tôi học hòa nhập THPT Tại trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, TP.HCM. Ngày đầu tiên vào lớp 10, tôi không may vào nhầm lớp. Khi nhờ các bạn dắt tôi về lớp, tôi chỉ nhận lại những tiếng cười trêu ghẹo vô tâm. Sau lần đó, tôi quyết định rằng con đường duy nhất để chứng minh giá trị của mình là học tập và không ngừng vươn lên. Tôi tin rằng khi mình nỗ lực hết sức, mọi rào cản xã hội sẽ dần bị phá vỡ.
Câu chuyện thứ ba là khi tôi tốt nghiệp ngành giáo dục đặc biệt với tấm bằng loại giỏi. Khi đi xin việc, câu trả lời mà tôi nhận được từ nhà tuyển dụng là: "Chúng tôi rất ngưỡng mộ nỗ lực của em, nhưng nơi đây chưa đủ điều kiện hỗ trợ nhân viên khiếm thị". Nước mắt chảy ngược vào tim, ước mơ tự nuôi sống bản thân trở nên xa vời. Trong khi các bạn cùng tốt nghiệp sáng mắt được nhiều nơi mời gọi, tôi lại bị từ chối chỉ vì khiếm khuyết của mình.
Thất nghiệp một thời gian, cuối cùng tôi cũng có cơ hội đi làm ở Bình Dương. Sau một năm, tôi may mắn được nhận vào làm việc tại trung tâm bảo trợ xã hội ở quê nhà. Năm 2016, tôi nhận được học bổng của chính phủ Úc, theo học chương trình thạc sĩ công tác xã hội tại Trường Flinders, TP.Adelaide, bang Nam Úc. Sau khi hoàn thành chương trình, ngoài việc nhận được tấm bằng tốt nghiệp, điều quan trọng hơn mà tôi có được là tâm trí được khai mở. Tôi đã có thể trả lời những câu hỏi về sự kỳ thị mà mình đã trải qua và nhận ra những bài học tích cực từ những trải nghiệm đó.
Tôi hiểu tại sao những điều mà xã hội gọi là “kỳ thị” lại diễn ra khắp nơi, gây đau khổ cho biết bao nhiêu người yếu thế. Tôi cũng nhận ra cách để chính bản thân mình và những người khác vượt qua sự kỳ thị đó. Qua việc học và thực hành trong ngành công tác xã hội, tôi đã được học một từ quan trọng, đó là “hiểu”.
Chỉ có "hiểu" mới khai phóng được tâm trí của mình. Chỉ có "hiểu", chúng ta mới có thể đứng trên những vấn nạn và kỳ thị. Và như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói: "Chỉ có hiểu mới có tình yêu thương thật sự". Việc kỳ thị hay bất công xã hội diễn ra nguyên nhân chính là do tâm trí ta chưa thật sự "hiểu".
Vậy chúng ta cần hiểu điều gì? Đối với tôi, người làm công tác xã hội, thay vì chống lại sự kỳ thị, tôi sẽ lan tỏa những thông điệp giúp cho cộng đồng xã hội hiểu nhau hơn, đặc biệt là đối với những nhóm người gặp khó khăn trong cuộc sống. Mục tiêu của ngành công tác xã hội là giúp con người sống bình đẳng và hạnh phúc. Điều này có thể được hiện thực hóa bằng cách giúp mọi người “hiểu”, từ đó sẽ có tình yêu thương chân thật và xã hội bình đẳng sẽ tự nhiên thiết lập. Khi hiểu, yêu thương sẽ có mặt.
Năm 2020, sau khi trở về nước, tôi đã thành lập nhóm Thiện Đồng với thông điệp “Vì cuộc sống yêu thương và bình đẳng”. Nhóm chúng tôi đã thực hiện nhiều chương trình kết nối cộng đồng, chia sẻ những hạt gạo yêu thương đến bà con đang gặp khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi cũng quyết định khởi tạo dự án “Xe kem 0 đồng”. Tính đến nay, nhóm đã thực hiện gần 40 chuyến xe kem, mang niềm vui đến cho các cụ già neo đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật, và những người mắc bệnh tâm thần đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội, cùng các bé người dân tộc thiểu số sống ở vùng quê xa xôi thuộc tỉnh Kiên Giang.
Năm 2022 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi khi tôi tham gia chạy giải marathon Đất Sen Hồng ở tỉnh Đồng Tháp. Sau lần đó, tôi nhận thấy ý nghĩa sâu sắc của việc tham gia chạy bộ cộng đồng nên đã quyết định thành lập câu lạc bộ Hoa Khuyết, nơi các bạn khuyết tật yêu thích chạy bộ, khao khát chinh phục bản thân và hòa nhập cộng đồng. Câu lạc bộ đã thu hút gần 20 thành viên với các dạng tật khác nhau: khiếm thị, tật chân, tật tay... Chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng chạy bộ và xã hội.
Một bài học thực tiễn vô cùng quý giá mà tôi nhận ra từ công tác xã hội chính là hãy trao quyền cho người khuyết tật. Trao quyền đơn giản là khơi gợi, giúp họ khám phá khả năng tiềm ẩn và phá vỡ những niềm tin giới hạn. Tôi tin chắc rằng, trong mọi lĩnh vực, khi được trao quyền, người khuyết tật có thể chinh phục mọi mục tiêu và mang lại lợi ích to lớn cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Công tác xã hội không chỉ là một công việc, mà là hành trình của yêu thương và thấu hiểu. Mỗi hành động nhỏ đều góp phần xây dựng một xã hội bình đẳng, nơi mọi người có thể sống hạnh phúc. Khi chúng ta để tình yêu thương và sự thấu hiểu dẫn lối, công tác xã hội sẽ không chỉ thuộc về những người làm nghề, mà sẽ hiện diện trong trái tim của tất cả chúng ta. Hãy để công tác xã hội trở thành nhịp đập chung của xã hội này.
Bình luận (0)