Tính riêng tại TP.HCM từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 19.000 ca mắc và 10 ca tử vong. Đáng lo ngại, đã xuất hiện tình trạng thờ ơ phòng bệnh của không ít người, dẫn đến dịch bệnh thêm phức tạp.
Năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát, người người, nhà nhà lo phòng bệnh. Điều này cho thấy ý thức người dân trước dịch bệnh mới rất tốt. Nhưng khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, SXH bùng lên, nhiều người xem nhẹ dẫn đến số ca nặng và tử vong tăng cao. Trong khi đó, Covid-19 dù sao cũng có vắc xin ngừa, cũng có thuốc đặc trị, còn SXH thì ngược lại: chưa có vắc xin ngừa, cũng chưa có thuốc đặc trị. Do đó, công tác phòng bệnh là ưu tiên hàng đầu.
Người dân ở TP.HCM không còn xa lạ với các tấm băng rôn treo khắp phố phường mỗi mùa mưa với nội dung: diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống SXH. Đó là công việc đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, định kỳ nhưng việc thực hành hiện đang bị xem nhẹ.
Bệnh nhân SXH điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM |
TRẦN XUÂN KHÁNH |
Lăng quăng ở nơi ao tù, nước đọng, vật chứa ở ngoài đường, công trình xây dựng và ngay trong căn nhà mỗi người đang sống. Diệt muỗi, bản thân mỗi nhà phải diệt; còn diệt lăng quăng thì cả xã hội từ cá nhân, gia đình, tổ dân phố, đoàn thể và các chủ công trình xây dựng... phải làm (nhưng ít ai làm).
Việc kêu gọi không mấy hiệu quả, cơ quan chức năng tại TP.HCM nhấn tới bước căng thẳng hơn là xử phạt nếu chủ nhà, công trình, cơ quan... đã được nhắc nhở nhưng vẫn để hiện trạng cho lăng quăng phát triển. Tuy nhiên, mức phạt nhẹ, khoảng 1 triệu đồng, được cho là không mang tính răn đe cao.
Trên thực tế, ứng xử của chúng ta đối với dịch bệnh thể nào thì kết quả sẽ có tức thời. Chẳng hạn như với dịch SXH, vì còn một bộ phận người dân lẫn cơ quan chức năng ở một số địa phương chưa thực hiện phòng dịch quyết liệt, dẫn đến trên cả nước có đến 77.000 ca mắc và gần 42 ca tử vong. Đó là chưa kể hàng loạt ca phải thở máy, lọc máu trong các bệnh viện.
Dịch bệnh, trong bất cứ hoàn cảnh nào đều không thể lơ là.
Bình luận (0)