Sự tiến hóa của AI: Từ Hội thảo Dartmouth đến ChatGPT

02/02/2023 07:28 GMT+7

Sự phát triển của AI đã trải qua những giai đoạn trầm lắng được gọi là "mùa đông AI" trước khi bùng nổ trong thế kỷ 21.


Câu chuyện về những con robot hay những "trợ lý ảo" thông minh không phải là điều gì mới mẻ với con người. Song hiện tượng ChatGPT đang gây bão mạng toàn cầu một lần nữa làm dấy lên những cuộc tranh luận về AI và tương lai của nhân loại.

AI là viết tắt tiếng Anh của "artificial intelligence", thường được dịch là "trí tuệ/trí thông minh nhân tạo". Thuật ngữ này chính thức được sử dụng từ năm 1956 nhưng ý niệm của con người về việc những vật thể vô tri vô giác trở thành những sinh vật thông minh đã xuất hiện từ rất lâu trước đó. Lịch sử AI hiện đại đã chứng kiến những thành tựu mang tính cách mạng, mang đến sự phấn khích và cả nỗi lo cho con người.

Sự tiến hóa của AI: Từ Hội thảo Dartmouth đến ChatGPT - Ảnh 1.

Nhà vô địch cờ vua người Nga Garry Kasparov đấu với máy tính Deep Blue của IBM

AFP

Hội thảo lịch sử

Người Hy Lạp cổ đại có những huyền thoại về "người máy", trong khi các nhà phát minh ở Trung Quốc và Ai Cập đã chế tạo ra những cỗ máy tự động, theo chuyên trang Live Science. Trong nửa đầu thế kỷ 20, khoa học viễn tưởng đã giúp con người trở nên quen thuộc với khái niệm robot thông minh. Vào đầu những năm 1950, một thế hệ các nhà khoa học, nhà toán học và triết gia đã hình thành trong đầu khái niệm AI.

Một trong số đó là Alan Turing, thiên tài mật mã người Anh thường được xem là người tiên phong trong lĩnh vực AI. Ông Turing cho rằng con người sử dụng thông tin có sẵn cũng như lập luận để giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định, vậy tại sao máy móc không thể làm điều tương tự? Năm 1950, ông đã giới thiệu "Turing test" (Phép thử Turing) để kiểm tra xem liệu máy móc có thông minh như con người hay không. Song những hạn chế về công nghệ đương thời đã khiến công trình này vẫn chỉ nằm trên giấy.

Sau đó 5 năm, Allen Newell và Herbert Simon tạo ra thứ mà nhiều người sau này xem là chương trình AI đầu tiên trên thế giới, mang tên "Logic Theorist" (Nhà lý thuyết logic). Chương trình này đã chứng minh 38 trong số 52 định lý toán học, đồng thời tìm ra những cách chứng minh mới và hay hơn cho một số định lý. Đến năm 1956, công trình này được trình bày tại Dự án Nghiên cứu Mùa hè về Trí tuệ nhân tạo ở Dartmouth (bang New Hampshire, Mỹ), sự kiện sau này được gọi là "Hội thảo Dartmouth". Tại hội thảo lịch sử này, thuật ngữ "trí tuệ nhân tạo" lần đầu tiên được nhà khoa học máy tính người Mỹ John McCarthy sử dụng, và AI lần đầu tiên được xem là một lĩnh vực học thuật.

Nhà khoa học nhận thức Marvin Minsky của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và những người khác tham dự hội thảo đã vô cùng lạc quan về tương lai của AI. "Trong vòng một thế hệ [...] vấn đề tạo ra "trí tuệ nhân tạo" về cơ bản sẽ được giải quyết", ông Minsky nói trong một cuốn sách, theo Live Science.

Sự tiến hóa của AI: Từ Hội thảo Dartmouth đến ChatGPT - Ảnh 2.

Nhà khoa học John McCarthy vào năm 1967

Đại học Stanford

Hai "mùa đông AI"

Song câu chuyện không đơn giản như vậy. Sau một số báo cáo chỉ trích sự tiến bộ của AI, nguồn tài trợ và sự quan tâm của các chính phủ đối với lĩnh vực này đã giảm xuống và giai đoạn 1974 - 1980 được gọi là "mùa đông AI".

Lĩnh vực này sau đó đã hồi sinh vào những năm 1980 khi chính phủ Anh bắt đầu tài trợ trở lại, một phần để cạnh tranh với những nỗ lực của Nhật Bản. Dù vậy, lĩnh vực này tiếp tục trải qua một "mùa đông" khác kéo dài từ năm 1987 - 1993.

Nỗ lực nghiên cứu bắt đầu trở lại sau đó, và vào năm 1997, Deep Blue của IBM đã trở thành chiếc máy tính đầu tiên đánh bại một nhà vô địch cờ vua thế giới, khi nó thi đấu với đại kiện tướng người Nga Garry Kasparov. Đến năm 2011, hệ thống trả lời câu hỏi Watson của IBM đã giành chiến thắng trong chương trình đố vui "Jeopardy!", đánh bại các nhà đương kim vô địch Brad Rutter và Ken Jennings.

Nhà phát triển ChatGPT phát hành công cụ phát hiện văn bản do AI viết

Cũng trong giai đoạn này, lần đầu tiên AI bước chân vào các gia đình với sự ra đời của Roomba, một chiếc máy bút bụi, vào năm 2002. Và cho đến năm 2006, các công ty như Facebook, Twitter và Netflix đã bắt đầu ứng dụng AI.

Từ năm 2011 đến nay, con người được bao quanh bởi AI trong kỷ nguyên của học sâu (deep learning) và dữ liệu lớn (big data). Từ những "trợ lý ảo" như Alexa của Amazon, Siri của Apple, Google Assistant của Google… hay những thuật toán dự đoán chúng ta muốn mua sản phẩm nào, cho đến xe tự lái, AI hiện diện ở khắp mọi nơi. Các công ty hàng đầu thế giới cũng như các công ty khởi nghiệp đang tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng AI để tạo ra những thiết bị đáng kinh ngạc.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.