Sự trỗi dậy của nhạc kịch và ballet

03/06/2022 06:40 GMT+7

Nối tiếp thành công của Những người khốn khổ, Hồ thiên nga , Nhà hát Nhạc vũ kịch VN vừa dựng Hàm Lệ Minh Châu.

Những đêm diễn cháy vé khiến nhiều người đặt câu hỏi: Đây có phải là chỉ báo cho sự trỗi dậy của nhạc kịch và ballet - loại hình nghệ thuật kén người xem lâu nay?

Hàm Lệ Minh Châu là vở diễn được đầu tư chất lượng của Nhà hát Nhạc vũ kịch VN

Sau cột mốc Những người khốn khổ

Hàm Lệ Minh Châu của Nhà hát Nhạc vũ kịch VN chính là câu chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy phiên bản ballet. Ở đó, có sự kết hợp của múa ballet cổ điển, múa dân gian truyền thống VN và múa đương đại. Vở diễn cũng có phần âm nhạc do nhà soạn nhạc nổi tiếng của trường phái Ấn tượng - Claude Debussy viết. Chính vì thế, nhà hát tự tin: “Hàm Lệ Minh Châu sẽ trở thành một điểm gặp gỡ của văn hóa phương Đông và phương Tây”.

Ê kíp sáng tạo của Hàm Lệ Minh Châu gồm tổng đạo diễn - NSND Nguyễn Hồng Phong, cùng 3 biên đạo múa: NSƯT Nguyễn Thị Thúy Hằng, NSƯT Phan Lương và Nguyễn Minh Trang. Hàm Lệ Minh Châu cũng có sự tham gia của dàn diễn viên gạo cội của nhà hát. Đó là NSƯT Phan Lương trong vai Trọng Thủy, “Thiên nga” Thu Hằng trong vai Mỵ Châu. Trang phục vở diễn do nhà thiết kế trẻ Duy Nguyễn thực hiện.

Đây là vở diễn Nhà hát Nhạc vũ kịch VN dự kiến sẽ mang tới tham gia Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc, sau đó đi lưu diễn lâu dài. Như vậy, Hàm Lệ Minh Châu có chung con đường với “siêu phẩm” Những người khốn khổ. Nhà hát xác định đầu tư mạnh về chất lượng nghệ thuật để có những sản phẩm thúc đẩy biểu diễn chuyên nghiệp cũng như phục vụ thị trường. Trước đó, Hồ thiên nga của nhà hát cũng đã cháy vé nhiều đêm.

Nhìn rộng hơn, có thể thấy bức tranh nhạc vũ kịch đang được mở rộng. Với sân khấu thiếu nhi, hiện có ít nhất hai vở diễn mới của mùa diễn năm nay. Đó là Ông lão đánh cá và con cá mập (Rose Media) với những bản phối bài hát mới độc quyền, trang phục may mới toàn bộ và dàn diễn viên nhí sinh động; Bầy chim thiên nga (Nhà hát Tuổi trẻ) với dàn diễn viên kịch lẫn đoàn ca múa nhạc của nhà hát. Nhà hát Công an nhân dân thì có Người cầm lái do Thượng tá - NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền chỉ đạo nghệ thuật, biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh viết kịch bản nhạc kịch và tổng đạo diễn…

Vở Bầy chim thiên nga của Nhà hát Tuổi trẻ nhận được nhiều khen ngợi

Nhà hát cung cấp

Dòng chảy mạnh mẽ hay chỉ là trào lưu ?

Biên đạo múa Tuyết Minh đánh giá việc ballet và nhạc kịch gần đây được dựng nhiều, bán vé tốt nhưng không hẳn là sự trỗi dậy. “Đây không phải là sự trỗi dậy mà thực ra ballet và nhạc kịch là một dòng chảy. Nó luôn luôn rất mạnh mẽ, và đã có truyền thống rồi”, bà Minh nói.

Đây không phải là sự trỗi dậy mà thực ra ballet và nhạc kịch là một dòng chảy. Nó luôn luôn rất mạnh mẽ, và đã có truyền thống rồi.

Biên đạo múa Tuyết Minh

Tuy nhiên theo bà Minh, dòng chảy này hiện đang có nhiều thay đổi. “Nhạc kịch hiện đại, phong cách trình diễn khác với nhạc kịch ngày xưa. Ngày xưa chủ yếu là opera giao hưởng, còn bây giờ là opera giao hưởng phối với Broadway. Ngày xưa vẫn có nhạc kịch như Lá đỏ hay Cô Sao, vở diễn hầu như chỉ quan tâm đến giọng hát, các nghệ sĩ gần như đứng im để hát hoặc tập trung như hát opera. Nhưng hiện tại, nhạc kịch đã thay đổi để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, vừa hàn lâm vừa có biểu hiện của cơ thể nhiều hơn”, bà Minh phân tích.

Cũng theo biên đạo múa Tuyết Minh, việc các vở nhạc vũ kịch có lượng người xem đông hơn cho thấy hướng đi này phù hợp với thẩm mỹ của khán giả. “Bây giờ khán giả xem đông hơn, chứ ngày xưa có lúc họ bảo xem nhạc kịch buồn ngủ. Điều đó là do hình thức diễn xuất thay đổi, hấp dẫn hơn. Các vở nhạc kịch trên thế giới cũng rất lôi cuốn, khán giả không dừng ở việc chỉ đến xem một chương trình ca nhạc bình thường. Họ thích có thêm kịch tính trong đó, nên nhạc kịch giờ hấp dẫn hơn”, bà Minh nói.

Trong khi đó, bà Lưu Thu Lan, giảng viên ĐH Sân khấu Điện ảnh, cho rằng cần có những đầu tư cho nhạc kịch dài hơi và bền vững. “Những gì ta đang thấy trên sân khấu với hình thức nhạc kịch là có đầu tư nhưng chưa có chiều dài. Sau này có thể nó sẽ rơi xuống nếu không được đầu tư bền vững”, bà Lan chia sẻ.

Vở Những người khốn khổ của Nhà hát Nhạc vũ kịch VN đã có 10 đêm diễn cháy vé tại Hà Nội vào năm ngoái

Theo bà Lan, nếu không có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho nhạc kịch lâu dài thì hỗ trợ đó sẽ không có tính bền vững. “Nếu thấy hình thức nhạc kịch này mang tính thời đại, đáp ứng nhu cầu công chúng thì ngay lập tức cũng phải có những chiến lược đưa ra lâu dài, định hướng cho nó. Đồng thời cần hoạch định nguồn tài chính để có thể nuôi ít nhất ở một mô hình nhỏ. Có thế chúng ta mới có thêm những tác phẩm có tính chuyên sâu”, bà Lan nói.

Giảng viên Lưu Thu Lan cho rằng, hiện tại ta có thể dựng nhiều vở diễn từ nước ngoài mang về, nhưng để phát triển lâu dài thì cần có những nhạc kịch mang tính bản địa. “Hiện cũng có những nhạc kịch mang tính bản địa trỗi lên, muốn phát triển chúng ta cần tư duy chuyên sâu về sự ổn định và tổ chức. Cần tránh việc “ngắt ngọn” nhạc kịch, vì nếu ngắt ngọn thì chỉ vài vở là hết”, bà Lan cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.