Câu chuyện của Kodak gióng hồi chuông cảnh tỉnh cho những đại gia trong lĩnh vực công nghệ.
Năm mới chỉ bắt đầu được vài ngày nhưng nước Mỹ đã đón nhận tin buồn. Biểu tượng một thời của ngành nhiếp ảnh thế giới Eastman Kodak có thể phải nộp đơn xin phá sản. Tờ The Wall Street Journal dẫn các nguồn thạo tin cho hay tập đoàn này nhiều khả năng phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo điều khoản 11 trong những tuần tới trừ phi kiếm được nguồn tài chính mới. Điều khoản 11 cho phép các công ty xin phá sản vẫn tiếp tục kinh doanh trong khi tái cơ cấu nợ và khả năng tài chính.
Từng có thời từ “Kodak” đồng nghĩa với ngành nhiếp ảnh. Khi đó, hãng kiểm soát 90% thị trường phim tại Mỹ và bán 85% trong tổng số các máy ảnh trên thị trường vào năm 1976. Được George Eastman sáng lập vào năm 1892, Kodak giới thiệu dòng máy ảnh “Brownie” rẻ tiền vào năm 1900. Nhiều thế hệ tại Mỹ và các nước khác đã học cách chụp ảnh với máy Brownie và Kodak được vinh danh là một trong những tên tuổi phát kiến công nghệ hàng đầu của Mỹ thời bấy giờ, giống Apple hoặc Google hiện nay, theo Wall Street Journal.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngành ảnh kỹ thuật số đã đẩy gã khổng lồ một thời vào bóng tối. Kết quả là giới trẻ hầu như chẳng bao giờ nghe đến từ Kodak trong hoạt động hằng ngày. Trớ trêu thay, cũng chính Kodak là hãng đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu ảnh kỹ thuật số vào giữa năm 1975 với thiết bị chụp ảnh không cần phim. Tuy nhiên, tập đoàn Mỹ không nhìn ra được tiềm năng của thời đại số và sự xuống dốc cũng xuất phát từ đây. “Họ phát minh ra máy ảnh kỹ thuật số nhưng lại không tin vào nó”, AFP dẫn lời chuyên gia Gregori Volokhine.
|
Chết vì “sáng tạo”
Tin tức Kodak có thể phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản một lần nữa cho thấy sức mạnh ghê gớm của cái gọi là “sự hủy diệt mang tính sáng tạo”. Thuật ngữ này được nhà kinh tế học Joseph Schumpeter giới thiệu rộng rãi vào thập niên 1940 để mô tả sự khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường. Theo đó, người tiêu dùng mới, hàng hóa mới, các biện pháp sản xuất hoặc vận chuyển mới mẻ, thị trường mới, những hình thức mới của tổ chức công nghiệp sẽ quét bay những công ty giậm chân tại chỗ.
Microsoft đang phải nỗ lực chạy theo các đối thủ khi thị trường đang chuyển sự tập trung khỏi máy tính để bàn hướng đến các thiết bị di động như ultrabook, máy tính bảng… Hãng RIM từng thống trị thị trường điện thoại thông minh với thương hiệu BlackBerry giờ cũng lao đao khi Apple và Google nhảy vào với các sản phẩm ngày càng đổi mới và sáng tạo. Nhận sự kiện Kodak, nhà kinh tế học Mark Perry của Đại học Michigan lưu ý trên tờ Investor's Business Daily rằng chỉ có 67 công ty trong danh sách Fortune 500 hồi năm 1955 bám trụ được đến ngày nay.
Kodak đã tìm đến các ngân hàng, trong đó có Citigroup và JPMorgan Chase, trong nỗ lực tìm nguồn tài chính để duy trì hoạt động. Theo CNN, nếu không nhanh chóng xoay chuyển tình thế, Kodak có thể mất chỗ trên Sàn giao dịch chứng khoán New York.
Thụy Miên
Bình luận (0)