Sửa cầu Thăng Long: Lo trễ tiến độ vì phải chờ chuyên gia

31/08/2020 20:48 GMT+7

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) đang lo trễ tiến độ do chưa thi công được đinh neo, việc thảm bê tông đang phải chờ chuyên gia nước ngoài vì vướng dịch Covid-19 .

Chiều 31.8, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể kiểm tra trực tiếp công trường dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội). Theo đơn vị thực hiện, dự án có 2 vấn đề lớn ảnh hưởng đến tiến độ dự án là đinh neo đưa về dự án chậm và chuyên gia nước ngoài.
Hiện đoàn chuyên gia tới chuyển giao công nghệ đã làm visa nhưng nay chưa có mặt tại Việt Nam do dịch Covid-19 và hàng ngày vẫn phải họp trực tuyến. Trong khi đó, việc thi công thảm bê tông mặt cầu Thăng Long phải có sự có mặt trực tiếp của chuyên gia.
Theo kế hoạch, ngày 5.9, một số chuyên gia bắt đầu tới Việt Nam, sau đó phải cách ly 14 ngày theo quy định. Dự kiến ngày 20.9, chuyên gia mới có mặt trực tiếp tại hiện trường để triển khai công việc.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, theo tiến độ, dự án sửa chữa cầu Thăng Long phải hoàn tất để thông xe trước ngày 31.12. Vì vậy, không thể cứ làm việc trực tuyến và “ngồi chờ” chuyên gia mà phải có con người cụ thể trên công trường.
“Tại sao không đề nghị đoàn chuyên gia chia thành các nhóm nhỏ để sang Việt Nam thành nhiều đợt và thực hiện cách ly theo các đợt? Việc này có thể giúp các chuyên gia có mặt tại dự án nhanh hơn, những chuyên gia tới trước sẽ chuyển giao công nghệ cho kỹ sư người Việt trước, những nhân sự chưa có mặt tại dự án thì có thể họp trực tuyến hàng ngày”, ông Thể yêu cầu.
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng yêu cầu trong vài ngày tới cần phải có nhóm chuyên gia Trung Quốc tới trước để đáp ứng yêu cầu công việc. Nếu cứ phụ thuộc vào lịch 5.9 hoặc sau đó, thì công việc sẽ khó khăn, gây chậm tiến độ dự án.
Theo ông Thể, đây là lần sửa chữa cầu Thăng Long lớn nhất từ trước đến nay, cầu sửa nhưng làm kỹ hơn cả cầu xây mới. “Để phục vụ thi công, Bộ GTVT đã đồng ý cấm cầu toàn diện, cấm mọi phương tiện lưu thông để dự án có thể hoàn thành nhanh nhất, đảm bảo yêu cầu chất lượng tốt nhất, lưu thông trong ít nhất 10 năm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh và lưu ý các đơn vị cần tập trung cao nhất, có vấn đề gì phải báo cáo và xử lý ngay.
Tổng mức đầu tư dự án sửa chữa cầu Thăng Long gần 270 tỉ đồng. Trước đó, cầu Thăng Long đã được sửa chữa lớn năm 2009, giai đoạn 2012 - 2013 cũng được sửa chữa, khắc phục lớp bê tông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị quản lý đường bộ cũng thực hiện sửa chữa cục bộ.
Hiện dự án đã phân luồng giao thông; thi công xong hệ thống điện phục vụ thi công dọc cầu; lắp đặt xong 2 trạm trộn ướt; lắp đặt xong 2 nhà mái che di động dài 240 m với 196 tấn thép; tháo dỡ xong hệ thống hộ lan dài 3,3 km.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.