Nói kỳ lạ, bởi vì người nào lần đầu ăn sứa đỏ mắm tôm sẽ thấy sợ trước khi cảm nhận được cái ngon lạ lùng của món ăn này.
>> Giải mã quán chè đông khách nhất Hà Nội
>> Người 'giữ Tết' Hàn thực cho Hà Nội
|
1. Bạn kể về món sứa đỏ mắm tôm xong, tôi rất hăm hở và tràn đầy quyết tâm phải đến ăn cho bằng thích, thế nhưng khi vừa đến vỉa hè trước ngõ 70 Hàng Chiếu, tôi chùn bước. “Bà ơi, chậu này là gì hả bà?”, “Con sứa chứ còn gì, hỏi gì mà hỏi lạ đời”, chủ quán, cụ bà Nguyễn Thị Gái, tay vẫn cắt chanh, ớt, mặt vẫn không nhìn khách, thủng thẳng.
“Con sứa được đánh bắt về, sơ chế, ngâm với vỏ cây vẹt (loại cây dưới rừng ngập mặn) để có màu đỏ đặc trưng thế này. Người ta chứa sứa đỏ trong những cái sọt tre, vận chuyển từ Hải Phòng lên đây đấy”, bà Nguyễn Thị Lập, 58 tuổi, con gái đầu của cụ Gái kể.
Theo bà Lập, người từng gánh món ăn này bán rong khắp Hà Nội từ năm 20 tuổi đến năm 42 tuổi, sứa đỏ được chế biến sẵn từ Hải Phòng về. Sứa đóng kín trong sọt tre, có thể để lâu nhiều tháng. Bán tới đâu, người ta chỉ cần bỏ sứa ra, ngâm với nước muối, không phải chế biến gì thêm.
Cả Hà Nội chắc không tìm được đâu ra quán sứa đỏ mắm tôm độc đáo, lạ lùng như của cụ Gái. Bà cụ tóc bạc phơ ngồi dưới một gốc cây xà cừ cổ thụ. Vỏn vẹn không gian cả chủ và khách ngồi là quanh một đôi quang gánh, dăm ba chiếc ghế nhựa.
Xung quanh, phố phường vẫn nườm nượp người buôn kẻ bán. Một bên cụ Gái là chiếc chậu lớn chứa đầy sứa đỏ, một bên là lỉnh kỉnh rổ đựng lá kinh giới, hũ mắm tôm, rổ chanh, chồng bát đĩa. Sự lộn xộn thú vị của một quán hàng đông khách.
|
2. Cụ Gái cắt sứa bằng một thanh tre, “phần chân sứa ăn giòn hơn, phần thân thì ăn mềm hơn, tao cho chúng mày cả 2 loại nhé, thích ăn gì thì lần sau gọi”.
Bàn tay cụ Gái nhăn nheo, những khóe móng tay vàng sậm lại - màu của nước cây vẹt nhuốm theo năm tháng. “Vì sao không cắt sứa bằng dao hả cụ?”. “Nó tanh chứ còn sao, chỉ cắt bằng tre thôi”, cụ Gái bảo.
Khay món ăn lạ lùng nhất trong cuộc đời chúng tôi được bưng ra. Một đĩa sứa đỏ đã cắt từng miếng nhỏ, một đĩa gồm đậu phụ nướng và cùi dừa cắt nhỏ, một ít lá kinh giới, tía tô bát mắm tôm pha sẵn.
“Vắt chanh ớt vào mắm tôm, đánh sầu bọt lên. Đây, gói sứa, cùi dừa, đậu phụ vào lá kinh giới, tía tô. Chấm nào. Ăn ngon không? Đấy, tao bảo rồi mà. Ngon thì bao nhiêu năm qua người ta mới đến ăn đông như thế chứ?”, cụ Gái rành rọt.
Mà đúng là ngon thật. Sứa đỏ giòn tan, mát lạnh, ăn như thạch. Đậu phụ nướng thơm, cùi dừa ngọt, bùi, rau thơm se se đầu lưỡi, tất cả hài hòa trong một cái chấm vào bát mắm tôm dậy vị. Cái lạ là chẳng ai ở quán vỉa hè này ăn sứa đỏ mắm tôm bằng đũa.
Tất cả chỉ là dùng tay cầm. Tay trần cắt sứa, tay trần cuốn nguyên liệu, tay trần nhúng món ăn vào nước chấm và đưa lên miệng. Đơn giản, dân dã thật đấy. Nhưng đâu phải cái ngon nào cũng đến từ sự lộng lẫy, xa hoa?
|
3. Ít người biết tuổi thật của cụ Gái. Cụ bà ngồi dưới gốc xà cừ trước ngõ 70 Hàng Chiếu sinh năm 1928, nay đã xấp xỉ 88 tuổi. Cụ Gái bán sứa mắm tôm từ năm 19 tuổi, mỗi ngày đều chằn chặn 3 chậu.
Trước đây, người ta nhớ đến cụ ở số 62 Hàng Chiếu, nhưng sau đó trả chỗ cho người khác bán hàng, cụ lui về ngay trước ngõ nhà mình. Sứa chỉ có theo mùa, vì vậy sứa đỏ mắm tôm cũng chỉ hiện hữu ở Hà Nội từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm.
“Cụ bán một cái chị phải ra ăn ngay. Có khi một tuần ăn đến 3 lần. Không ăn là nhớ đấy nhé. Chị lên Hà Nội bán hàng từ năm 96, xem nào, bây giờ đã ăn được gần 20 năm rồi đấy”, người phụ nữ bán chiếu bên dãy phố số lẻ Hàng Chiếu niềm nở.
Cụ Gái có 1 con trai, 2 con gái. Con trai làm công nhân, còn cả 2 người con gái đều đã từng theo cụ bán sứa đỏ mắm tôm rong khắp Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Lập gánh hàng rong đến năm 46 tuổi thì bị thấp khớp, chuyển sang nghề trông coi cửa hàng giúp người khác. Bà Nguyễn Thị Minh năm nay 52 tuổi, làm công nhân môi trường. Những lúc rảnh cả 2 cô con gái xúm vào phụ giúp mẹ làm hàng cho khách.
Bà Minh bảo sứa mắm tôm ăn lành, mát, chữa được bệnh, lại là món ăn bình dân nên khách ra vào nườm nượp. Nhiều người kéo cả gia đình đến ăn, hoặc đặt hàng cụ Gái nhờ xe ôm mang về tận nhà.
Quán sứa mắm tôm nhỏ xíu trước ngõ 70 Hàng Chiếu lúc nào cũng chật kín khách, để ăn một đĩa sứa mắm tôm 25.000 đồng, có khi người ta phải đi tìm chỗ gửi xe mất 10.000 đồng, thế mà vẫn vui vẻ sẵn sàng. “Có người đặt hàng tôi để họ gửi máy bay sang Pháp cho con gái họ. Chai mắm tôm phải gói đi gói lại hàng chục lớp, nhưng cứ lâu lâu họ lại đặt vì bảo con gái họ nhớ món ăn này”, cụ Gái kể.
Người nhà cụ Gái bảo chẳng nghĩ đến việc đưa sứa mắm tôm vào nhà hàng, dù có nhiều người hỏi. Một phần kinh tế eo hẹp, mở nhà hàng là điều không tưởng với một cụ bà đã xấp xỉ 90 tuổi và 3 người con còn nhiều lo toan.
Một phần, cụ Gái bảo, quà vặt Hà Nội nhiều khi ngon từ cái dân dã, mộc mạc của vỉa hè, quạt giấy và cách ăn bằng tay. Gió điều hòa máy lạnh, những chiếc bát đĩa đẹp và bài trí cầu kỳ đôi khi làm mất đi sứa đỏ mắm tôm bình dị, ngon lạ lùng của mảnh đất này…
|
Thúy Hằng
Ảnh: Lê Nam
Bình luận (0)