Các luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4, bao gồm: luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tần số vô tuyến điện; luật Thực hiện hiện dân chủ ở cơ sở; luật Dầu khí; luật Phòng, chống bạo lực gia đình; luật Thanh tra; luật Phòng, chống rửa tiền.
Hoạt động phòng chống rửa tiền luôn cập nhật với thời gian và nhận diện trong thực tiễn
Tại họp báo, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết, luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đã sửa đổi "một số dấu hiệu đáng ngờ" trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ. Đây là những giao dịch có dấu hiệu bất thường hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc từ hoạt động tội phạm hoặc liên quan tới rửa tiền.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh |
THẢO PHẠM |
Đồng thời, bổ sung "dấu hiệu đáng ngờ" đối với hoạt động trung gian thanh toán; sửa đổi quy định về thời hạn báo cáo, khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực hiện; quy định cụ thể về lưu trữ, bảo mật thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo phù hợp pháp luật hiện hành và thực tiễn hoạt động của đối tượng báo cáo.
Về quy định nội bộ, theo ông Nguyễn Kim Anh, luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 làm rõ hơn yêu cầu về quy định nội bộ của các đối tượng báo cáo, giảm bớt yêu cầu về quy định nội bộ cho đối tượng báo cáo là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Trao đổi với báo chí, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Tạ Quang Đôn cho biết, hoạt động phòng, chống rửa tiền luôn cập nhật với thời gian và nhận diện được các hoạt động về rửa tiền trong thực tiễn.
Vụ trưởng Vụ pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Tạ Quang Đôn |
THẢO PHẠM |
Theo ông Đôn, trong luật thông qua đã có quy định ứng xử với các lĩnh vực mới.
Về vấn đề pháp lý liên quan quản lý tiền ảo, tài sản ảo, ông Đôn nêu: trong Kế hoạch 941 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch phòng chống rửa tiền giai đoạn 2022 - 2025 đã giao các bộ, ngành ban hành các quy định về tài sản ảo làm cơ sở cho công tác này.
Về các hoạt động chứng khoán, bất động sản có nguy cơ rửa tiền cao, ông Đôn nêu trong luật đã có các quy định cụ thể từ nhận biết khách hàng cho đến báo cáo, xây dựng các quy định...
Ông Đôn nhấn mạnh, các điều khoản về báo cáo dấu hiệu giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán đã có các quy định nêu rõ từng dấu hiệu và đối tượng báo cáo phải thực hiện phân tích thông tin, báo cáo giao dịch đáng ngờ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khắc phục bất cập của các quy định pháp luật về thanh tra
Giới thiệu nội dung mới của luật Thanh tra, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, việc thành lập thanh tra tổng cục, vụ thuộc bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, luật cho phép thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ thay vì mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm |
THẢO PHẠM |
Ông Liêm cho biết thanh tra tổng cục, cục được thành lập có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.
Cũng theo Phó tổng Thanh tra Chính phủ, một trong những nội dung được sửa đổi của luật lần này là khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra và luật mới lần này thể hiện rất rõ.
“Với tư cách Phó tổng Thanh tra Chính phủ, tôi khẳng định, luật khi có hiệu lực thì việc chậm ban hành kết luận thanh tra sẽ không còn", ông Liêm nói.
Liên quan đến việc thanh tra kit xét nghiệm, vắc xin Covid-19 tại Hà Nội, TP.HCM và Bộ Y tế, ông Liêm cho biết, Thanh tra Chính phủ đã có kết luân, báo cáo Thủ tướng, sau khi Thủ tướng có ý kiến sẽ công bố công khai theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)