Những khu dân cư dưới chuẩn
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường , kiểm tra thực tế tại các quận huyện thời gian qua cho thấy tình trạng tách thửa đất lớn ra thửa đất nhỏ, thậm chí “nhỏ xíu” khá phổ biến. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước khi hình thành các khu dân cư tập trung không đảm bảo về hạn mức tối thiểu của căn nhà, thửa đất; không được xây dựng hạ tầng đảm bảo để kết nối với hệ thống hạ tầng hiện hữu. Từ đó đã làm tăng dân số, gây kẹt xe, ngập nước cục bộ. “Đa số các quận, huyện đều ủng hộ quy định 2.000 m2 trở lên phải lập dự án, hạn chế tách nhỏ thửa đất để kinh doanh, nên Sở mới đưa ra quy định này để hạn chế phân lô bán nền không đảm bảo hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng xã hội”, ông Thắng cho hay.
Lãnh đạo một công ty bất động sản cho rằng không thể phủ nhận mặt tích cực của Quyết định 33 về việc phân lô tách thửa trong việc giúp người dân có nhu cầu thực tiếp cận được với nhà ở với giá vừa túi tiền. Tuy nhiên sau thời gian triển khai Quyết định 33, tình trạng phân lô bán nền nhỏ lẻ, tràn lan, không đúng quy hoạch, hạ tầng không đủ chuẩn, kết nối không đồng bộ... đã tạo sức ép và gánh nặng cho địa phương về hạ tầng xã hội, chất lượng sống của người dân kém. Để xảy ra tình trạng này là do sự tiếp tay của chính quyền địa phương, thậm chí không ít chủ đầu tư của các khu đất phân lô bán nền “dưới chuẩn” là sân sau của các lãnh đạo địa phương.
Tuy nhiên theo đại diện UBND H.Hóc Môn, với quy định buộc thửa đất trên 2.000 m2 phải lập dự án, thì người có đất và đặc biệt là các chủ đầu tư vẫn có thể lách được bằng nhiều cách để phân lô bán nền. Vì vậy, nên quy định những tiêu chí tối thiểu về hạ tầng giao thông khi thực hiện tách thửa đối với các khu đất có diện tích lớn.
tin liên quan
'Nhà đất hiện hữu trước ngày 15.10.2014 mới được tách thửa'Đó là quy định được đưa ra trong dự thảo sửa đổi Quyết định (QĐ) 33 quy định diện tích tối thiểu được tách thửa do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM báo cáo với lãnh đạo TP ngày 18.5.
Không để "đầu nậu" lợi dụng
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng chủ thể gây ra cơn sốt đất nền trong thời gian qua chính là giới đầu nậu lợi dụng kẽ hở của Quyết định 33 để mua gom đất rồi phân lô bán nền không theo quy định nào cả. Do đó không thể để đầu nậu lấy danh nghĩa người dân để mua gom đất, sau đó lợi dụng kẽ hở của pháp luật cộng thêm sự tiếp tay của quan chức địa phương để băm nát bộ mặt đô thị, quy hoạch của TP.
Các doanh nghiệp cho rằng TP cần có quy định về diện tích tối thiểu được phép phân lô hộ lẻ để đảm bảo mỹ quan đô thị và không phá vỡ quy hoạch. Cần có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với trách nhiệm của chủ đầu tư về chất lượng hạ tầng (điện âm, hệ thống cấp thoát nước, công viên nội khu, khu vực sinh hoạt cộng đồng) và hồ sơ pháp lý... “Việc kiểm soát chặt chẽ sẽ giúp phát huy những mặt tích cực của Quyết định 33 trong việc góp phần giãn dân, giảm bớt sức ép dân số. Đồng thời hạn chế những trường hợp sai phạm, song song đó còn tạo điều kiện để các tổ chức/cá nhân uy tín mạnh dạn đầu tư, góp phần phát triển hạ tầng xã hội, chỉnh trang đô thị, giúp người dân nghèo dễ dàng mua được căn nhà để an cư lập nghiệp. Tuy nhiên để việc triển khai thực hiện thực sự có hiệu quả và phù hợp với thực tế thì các cơ quan chức năng cần rà soát, bổ sung các tiêu chí, điều kiện phù hợp để vừa đáp ứng nhu cầu thực tế về nhà ở vừa tránh tạo khe hở cho việc phân lô bán nền trái phép”, lãnh đạo một doanh nghiệp kiến nghị.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, cho rằng quy định khống chế thửa đất từ trên 2.000 m2 phải lập dự án thì đầu nậu vẫn "né" được hết. Do đó điều quan trọng là phải kiểm soát được hạ tầng đúng chuẩn. Khi đó dù có tách theo dạng nào vẫn đảm bảo hạ tầng đô thị.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho biết mặc dù Quyết định 33 sửa đổi chưa ban hành chính thức nhưng kỳ này được chuẩn bị rất công phu. Quyết định mới vừa giải quyết được một số việc mà Quyết định 33 cũ chưa làm được và cũng khắc phục được những hạn chế, những cái bị “lợi dụng” của quyết định trước đây. TP sẽ tiếp tục bàn bạc, thảo luận để hoàn thiện trước khi ban hành chính thức nhưng trên tinh thần đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Đó là tiêu chí mà Sở Tài nguyên - Môi trường phải ghi nhớ và phải trên cơ sở chấp hành, tôn trọng các quy định của pháp luật; đồng bộ, thống nhất với các quy định khác của TP. Bên cạnh đó, phải ngăn chặn và khắc phục được những hạn chế, bị hiểu và vận dụng sai như với Quyết định 33 cũ trong thời gian vừa qua. Ông cũng yêu cầu trong 7 ngày làm việc (sau buổi họp này) các đơn vị liên quan phải rà soát lại lần nữa nhằm góp ý, nêu được chính kiến, đặc biệt là các quận, huyện vùng ven và ngoại thành. Để khi có quyết định sửa đổi hoặc thay thế Quyết định 33, các địa phương sẽ trên cơ sở đó quản lý cho tốt, tránh trường hợp bị lợi dụng, tạo ra các “đầu nậu” về đất - nền. Dứt khoát không để tình trạng, sau khi ban hành xong, thì đổ thừa cho cái này chưa rõ, cái kia bị vướng...
Bình luận (0)