Sửa Hiến pháp có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến lịch sử

06/11/2013 01:46 GMT+7

Phát biểu góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 tại nghị trường hôm qua 5.11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đặt vấn đề: sửa đổi Hiến pháp là việc trọng đại mà tác động của nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến của lịch sử.

Sửa Hiến pháp có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến lịch sử
ĐB Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Ngọc Thắng

Hiến định quyền sử dụng đất là quyền tài sản

 Các quy định về thu hồi đất tại khoản 3 điều 54 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là nội dung được hầu hết các đại biểu (ĐB) góp ý tại phiên thảo luận.

Theo ĐB Trần Đình Thu (Gia Lai), đất đai là tài nguyên đặc biệt, quyền sử dụng đất (SDĐ) là quyền quan trọng của người dân và phải được hiến định rất chặt chẽ nhằm tránh lạm dụng thu hồi tràn lan.

“Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã dùng từ "thật cần thiết" trong các trường hợp thu hồi đất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng… Như vậy đã thể hiện được sự cân nhắc kỹ lưỡng của Ban soạn thảo, song tôi vẫn còn băn khoăn về khái niệm “thật cần thiết”, thế nào là thật cần thiết, cần thiết ở mức độ nào và ai sẽ xem xét mức độ cần thiết đó?”, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) có ý kiến.

 

Sửa đổi Hiến pháp là việc trọng đại, mà tác động của nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến của lịch sử. Hậu thế sẽ đánh giá QH khóa 13 đã làm gì để thúc đẩy chứ không cản trở sự phát triển của dân tộc

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)

Theo ông Hùng, để làm rõ vấn đề này, Hiến pháp cần quy định rõ QH, HĐND cấp tỉnh là cơ quan đại diện cho nhân dân xem xét quyết định mức độ “cần thiết” khi thu hồi đất thì sẽ cẩn trọng hơn, có hiệu quả và khách quan hơn, tạo đồng thuận cao trong quá trình thu hồi đất.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) thì đề nghị: Cần nêu rõ trong Hiến pháp những trường hợp thực sự cần thiết phải thu hồi thì phải đền bù cho người dân theo giá thị trường. Nếu hiến định được điều này thì sẽ hạn chế việc lạm dụng thu hồi đất với các cách định giá không coi trọng quyền và lợi ích chính đáng của người đang sở hữu đất.

ĐB Hùng cũng cho rằng, thực chất quyền sử dụng đất hiện nay chính là quyền tài sản, mặc dù chưa có văn bản nào thừa nhận, vì vậy, “Hiến pháp cần khẳng định quyền SDĐ là quyền tài sản mới công bằng và để làm cơ sở cho việc quy hoạch, thu hồi, giải tỏa, đền bù theo đúng bản chất đó là quyền tài sản, mới đảm bảo sự công bằng, dân chủ và khách quan”.

Không nên có khoảng trống về cơ chế bảo vệ Hiến pháp

Sau nhiều vòng thảo luận, tiếp thu ý kiến, bản dự thảo trình ra kỳ họp QH lần này đã bỏ quy định về Hội đồng Hiến pháp (HĐHP). Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp (ủy ban) đề xuất tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành. Tuy nhiên, trong nội dung dự thảo sửa đổi, chưa thấy bổ sung thêm điều khoản cho đề xuất này. ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) tuy đồng tình với giải trình của ủy ban, nhưng cho rằng “chỉ đơn giản xử lý vấn đề bằng việc loại bỏ điều, khoản quy định về HĐHP trong dự thảo trước đây là chưa làm hết trách nhiệm với dân”.

Theo ông Đáng, cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong đó phải quy định rõ giao trách nhiệm cho ai, tổ chức nào phải đảm đương trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp? “Không nên để trong Hiến pháp có khoảng trống về cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Nếu ta không đồng ý thành lập HĐHP thì phải ghi rõ trao trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp cho QH, các cơ quan của QH, nhất là Ủy ban Pháp luật và các cơ quan nhà nước khác.

Ngoài các ý kiến cụ thể về các nội dung sửa đổi Hiến pháp nêu trên, ĐB Trương Trọng Nghĩa, khi kết thúc phần phát biểu của mình tại nghị trường, đã đặt vấn đề mang tính “tổng quát” về việc sửa Hiến pháp. Theo ông Nghĩa, việc đổi mới chính trị đã không đồng bộ và không theo kịp với đổi mới kinh tế như Nghị quyết Đại hội Đảng XI đã nêu, trong khi nhân dân đặc biệt quan tâm, góp ý và chờ đợi những thay đổi khi sửa Hiến pháp lần này, với 3 nội dung lớn cần đổi mới, đó là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền; đổi mới thành phần kinh tế nhà nước và đổi mới pháp luật về đất đai.

“Không ít cử tri cho rằng, Hiến pháp (sửa đổi) chính là giải pháp của mọi giải pháp. Nếu việc sửa đổi Hiến pháp lần này không đạt được yêu cầu đó, chúng ta không những không tiếp thu được những tinh hoa trí tuệ nhân dân đã đóng góp, mà còn bỏ lỡ cơ hội đưa công cuộc đổi mới lên một tầm cao mới, tạo động lực cho đất nước thoát nguy cơ tụt hậu, tiến kịp các nước trong khu vực và trên thế giới…”, ông Nghĩa nói và nhấn mạnh: “Sửa đổi Hiến pháp là việc trọng đại, mà tác động của nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến của lịch sử. Hậu thế sẽ đánh giá QH khóa 13 đã làm gì để thúc đẩy chứ không cản trở sự phát triển của dân tộc”.

 Cần cho phép ban hành án lệ

Chương 8 của Dự thảo quy định về tòa án nhân dân và một số điều khoản khác liên quan đến công tác xét xử của tòa án cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các ĐB. Một số ĐB cho rằng, mấu chốt tạo sự đổi mới cũng như yêu cầu công tác xét xử đặt ra hiện nay là việc ban hành án lệ, cần được bổ sung vào dự thảo.

ĐB Phạm Hồng Phong, Phó chánh án TAND Hậu Giang, cho rằng án lệ là phương thức có hiệu quả để khắc phục những khiếm khuyết của pháp luật vì tình trạng luật chờ văn bản hướng dẫn diễn ra phổ biến. Án lệ sẽ đáp ứng kịp thời, điều chỉnh những sự kiện pháp lý mới phát sinh, giúp cho người dân tham khảo nghiên cứu án lệ để biết được tòa án giải quyết những vụ án của họ đúng hay sai để họ thực hiện quyền kháng cáo và đề nghị giám đốc thẩm. Áp dụng án lệ còn giúp rút ngắn thời gian giải quyết án, tránh tình trạng án tồn đọng...

ĐB Vi Thị Hương (Điện Biên) cho rằng hệ thống pháp luật VN không công nhận án lệ, nhưng dù có công nhận hay không thì nó cũng đang tồn tại trong thực tế. Án lệ tồn tại như một quyền lực “mềm” bên cạnh quyền lực “cứng”. Trong bối cảnh từng bước hoàn thiện pháp luật hiện nay thì nên cho phép thực hiện công khai án lệ, công bố chính thức những bản án được coi khuôn mẫu của TAND tối cao.

Phương án về chính quyền địa phương chưa thuyết phục

ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng việc tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo về vấn đề chính quyền địa phương chưa thỏa đáng và thuyết phục. Vấn đề còn gây nhiều băn khoăn đó là do quy định lấp lửng tại khoản 1 điều 114 của dự thảo về chính quyền địa phương: “UBND có thể do HĐND cấp trên trực tiếp phê chuẩn”. Quy định như vậy có nghĩa là tồn tại chính quyền có UBND mà không có HĐND và đương nhiên chính quyền đó không phải do nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua ĐB của mình bầu ra. Loại mô hình tổ chức này đã được thí điểm tại 10 tỉnh, thành trong 4 năm qua, nhưng đáng tiếc kết quả thí điểm chưa thể giúp chúng ta khẳng định điều gì. Lấy ý kiến thì chỉ có 10 tỉnh, thành đồng ý bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường...

Bảo Cầm - Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.