Trước đó, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND về chương trình Sữa học đường từ năm học 2022 - 2023 đến hết năm học 2025 - 2026. Đối tượng áp dụng là HS mẫu giáo (từ 3 - 6 tuổi) và HS tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực 1, 2, 3 trên địa bàn Quảng Nam. Mỗi ngày, trẻ được uống 1 hộp sữa 180 ml, uống 5 lần/tuần trong thời gian đủ 9 tháng/năm học. Tổng kinh phí mua sữa khoảng 150 tỉ đồng.
Về việc này, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Sở GD-ĐT rút kinh nghiệm nghiêm túc, báo cáo giải trình, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc chậm trễ triển khai thực hiện chương trình Sữa học đường.
Lý giải về việc chậm triển khai chương trình Sữa học đường, ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, chia sẻ do vướng mắc trong hồ sơ đấu thầu. Trong quá trình triển khai, cũng xuất hiện một vướng mắc khác: Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 08 ngày 14.4.2023 bãi bỏ Thông tư 31 (5.12.2019) về quy định đối với sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình Sữa học đường. Vì vậy, hiện nay các sở, ban, ngành lại phải "thay đổi" quy chuẩn về sữa sử dụng trong học đường để đưa vào hồ sơ mời thầu. Có một nguyên nhân khác khiến sữa học đường chậm đến với HS là do năm học thường bắt đầu từ tháng 9 năm nay và kéo dài đến tháng 5 năm sau, nhưng giao ngân sách cho sữa học đường giao theo năm tài chính (từ tháng 1 - 12 hằng năm). Vì vậy, chương trình Sữa học đường gặp vướng mắc, đến khi hoàn thiện các thủ tục (tháng 5) thì cũng đã... hết năm học.
Mục tiêu quan trọng của chương trình Sữa học đường là cải thiện dinh dưỡng cho trẻ, tập trung vào giải pháp uống sữa nhằm đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho các em. Chương trình Sữa học đường đang đặt thêm một "nền móng" vững chắc cho trẻ em Việt. Chính vì vậy, nếu chậm triển khai, nhiều trẻ em sẽ bị thiệt thòi.
Bình luận (0)