Sửa luật để lương nhà giáo cao nhất

25/08/2018 09:53 GMT+7

Tại hội nghị góp ý kiến về dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, vấn đề lương nhà giáo một lần nữa trở thành đề tài nóng.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, nhà giáo không cần luật “ưu tiên” mà họ cần chính sách phù hợp và đồng lương đủ sống.
Hội nghị diễn ra sáng 24.8 tại Hà Nội, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức.
Nên bỏ biên chế, trả lương theo năng suất lao động
Về chủ trương “lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, nhiều đại biểu đề xuất phải được thể hiện rõ trong luật chứ không nên chỉ ở các văn bản dưới luật.
Ông Vũ Văn Dụ, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên (Bộ GD-ĐT), bày tỏ sự hồ nghi về tính khả thi của chủ trương này khi dự thảo luật Giáo dục sửa đổi chỉ nêu “nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề theo quy định của Chính phủ”.
Như vậy, theo ông Dụ, việc sửa luật lần này chỉ “đổi nhưng không sửa” và vẫn tiếp tục chưa đề cập đến vấn đề thể chế hóa quan điểm của Đảng từ năm 1992 tới nay. Nếu sửa như dự thảo thì thực chất chỉ là sự sắp xếp lại câu chữ so với luật hiện hành, chỉ thêm cụm từ “ưu tiên” - vừa không hợp lý, vừa không có ý nghĩa gì vì nhà giáo không cần thêm “ưu tiên” cái mà lẽ ra họ đã có.
Đáng chú ý, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, người có kinh nghiệm điều hành một cơ sở giáo dục ngoài công lập, trực tiếp ký hợp đồng trả lương cho hàng trăm giáo viên theo vị trí việc làm, thẳng thắn nhìn nhận: “Việc luật hóa chủ trương “lương nhà giáo cao nhất” chỉ có ý nghĩa rất lớn trong việc tôn vinh nhà giáo; còn chính sách ưu đãi đó trong bối cảnh hiện nay không cải thiện được nhiều cuộc sống của nhà giáo”.
Nhà nước có trách nhiệm đầu tư cả hệ thống giáo dục ĐH công và tư
PGS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết muốn đẩy giáo dục ĐH lên thì không chỉ tạo điều kiện cho hệ thống công lập “chạy” mà phải đồng thời làm cho hệ thống tư thục phát triển theo. PGS Phan Thanh Bình cho rằng nhà nước không chỉ có trách nhiệm đầu tư với các trường công mà cũng phải có trách nhiệm với trường tư thục. PGS Bình nói: “Nếu bây giờ tư thục không đạt thì trách nhiệm của nhà nước thế nào? Luật cũng phải đặt ra trách nhiệm của nhà nước với phát triển hệ thống tư thục”.
Quý Hiên
Ông Khang phân tích: Thực tế hiện nay, lương hành chính sự nghiệp công lập của nước ta rất thấp, người lao động không sống được bằng lương. Giáo viên công lập cũng trong tình trạng đó. Nguyên nhân căn bản của tình trạng này là năng suất lao động của người VN quá thấp. “Chính sách không vẽ ra được tiền. Chỉ có năng suất lao động mới tạo ra của cải vật chất và tiền bạc”, ông Khang nói và đề nghị: Cũng như các ngành khác, ngành giáo dục phải cơ cấu lại hệ thống các trường công lập; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, giảm biên chế thừa; cho nghỉ việc những người năng lực yếu kém… “Làm được việc này, năng suất lao động sẽ tăng, cuộc sống nhà giáo sẽ ổn định bền vững. Không cần chính sách ưu đãi nào khác”, ông Khang nhận định.
Từ thực tế đó, ông Khang cũng đề nghị cần xây dựng một lộ trình trong vòng 5 - 10 năm tới phải bỏ “biên chế vĩnh viễn” đối với cán bộ quản lý, giáo viên trong cơ sở giáo dục công lập. Tất cả thực hiện chế độ hợp đồng lao động có thời hạn.
Tuy nhiên, GS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư, lại cho rằng không hẳn những giáo viên chấp nhận làm việc hợp đồng với mức lương thấp là do năng suất lao động của họ thấp mà họ chờ cơ hội vào “biên chế”.
Giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương
PGS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng nên giữ kỳ thi THPT như hiện nay, tổ chức thi tại địa phương nhưng nên tổ chức chấm thành các cụm, có sự quản lý của Bộ GD-ĐT và huy động cả giáo viên chấm thi ở các trường ĐH chấm cùng với giáo viên địa phương.
GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Dù tỷ lệ tốt nghiệp THPT là 98% nhưng do cộng điểm xét học lực lớp 12 là 50%. Trên thực tế, chỉ có 46% thí sinh cả nước đạt điểm trung bình từ 5 điểm trở lên, có tỉnh tỷ lệ này chỉ là 20%. “Vậy tại sao lại băn khoăn về cơ chế tổ chức thi THPT quốc gia như hiện nay có chặt chẽ hay không?”, ông Thanh nói.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng vẫn nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng nên giao về cho địa phương chủ trì, công nhận tốt nghiệp.
Theo ông Trần Ngọc Giao, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương, tuyển sinh ĐH thì giao cho các trường.
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GD-ĐT, cũng đồng tình với đề xuất giao kỳ thi về địa phương, nhưng Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm ra đề. Tuy nhiên, giao cho địa phương thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Đề nghị đưa vào luật quy định không dạy, học cuối tuần
Xung quanh việc cho học sinh phổ thông nghỉ học vào thứ bảy, bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đặt vấn đề: Người lớn đi làm còn quy định cụ thể bao nhiêu giờ trong tuần, được nghỉ ngày cuối tuần. Nếu bắt học sinh phổ thông phải học cả ngày cuối tuần thì sẽ gây áp lực lớn.
GS Tạ Ngọc Tấn đề nghị nên đưa vào luật quy định không tổ chức dạy học thứ bảy, chủ nhật và bày tỏ trăn trở khi chúng ta tập trung dạy kiến thức quá nhiều, học sinh học quá nặng và yếu ớt về thể chất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.