Sáng 29.8, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục làm việc, thảo luận về dự án luật Điện lực sửa đổi.
Điều 5 dự thảo luật quy định Nhà nước sẽ độc quyền trong 4 hoạt động về lĩnh vực điện.
Một là, điều độ hệ thống điện quốc gia.
Hai là, đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân, các dự án nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, các dự án nguồn điện khẩn cấp, lưới điện khẩn cấp, lưới điện truyền tải quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên và vận hành các công trình này sau khi hoàn thành dự án đầu tư xây dựng.
Ba là, Thủ tướng quyết định danh mục các dự án thủy điện chiến lược đa mục tiêu, các dự án nguồn điện khẩn cấp, lưới điện khẩn cấp, lưới điện truyền tải quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên và giao doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp thành viên do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện đầu tư xây dựng các dự án này.
Bốn là, vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.
Nhà nước sẽ độc quyền đến đâu?
Cho ý kiến tại hội nghị, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế, đặt câu hỏi: "Sửa đổi luật lần này có chống được độc quyền như hiện nay hay không?".
Ông Minh dẫn ví dụ về lĩnh vực viễn thông, "đã làm rất xuất sắc" về vấn đề này. Minh chứng là cách đây mấy chục năm, gọi một cuộc điện thoại mất mấy ngàn đồng, tháng lương dùng để gọi điện thoại cũng hết; còn hiện giờ dùng rất thoải mái, rất tốt.
Từ liên tưởng trên, vị đại biểu hỏi dự án luật sửa đổi lần này có giải quyết được vấn đề không, Nhà nước sẽ độc quyền đến đâu, giao lại cho các ngành kinh tế khác như thế nào? Đến khi nào hết độc quyền, người dân ít phép tắc hơn, tham gia vào thị trường nhiều hơn và mọi thứ phải minh bạch.
Phản hồi đại biểu, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho biết, dự thảo luật Điện lực đã quy định rõ độc quyền nhà nước trong lĩnh vực điện lực gồm những gì.
Theo đó, việc độc quyền chủ yếu là về điều độ hệ thống điện. Với hoạt động đầu tư, Nhà nước chỉ độc quyền với các dự án đa mục tiêu, công trình quan trọng đảm bảo tính vận hành ổn định của hệ thống. Ví dụ thủy điện Hòa bình, Sơn La, Lai Châu…
Với lưới điện truyền tải cao áp, về nguyên tắc, Nhà nước cũng chỉ độc quyền các lưới điện 220 kV trở lên, còn các đường dây mang tính liên kết sẽ thực hiện xã hội hóa.
Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, hiện nay nhu cầu năng lượng của Việt Nam rất cao, cơ quan chức năng sẽ thiết kế một thị trường điện sao cho minh bạch.
Tuy vậy, để đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị, một số lĩnh vực xương sống sẽ phải có sự độc quyền của Nhà nước, các lĩnh vực khác sẽ đẩy mạnh xã hội hóa.
Số liệu ông Hoài cung cấp cho các đại biểu cho thấy, hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ còn chiếm 38% trong tổng công suất hệ thống điện quốc gia. Thị trường điện cạnh tranh đang từng bước được hình thành, bảo đảm sự công khai, minh bạch.
Vừa qua, Thủ tướng cũng đã có quyết định tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ EVN về Bộ Công thương, nhằm tăng cường sự khách quan, minh bạch. EVN và các tập đoàn khác khi tham gia thị trường điện sẽ có tư cách như một chủ thể thông thường.
Không nên độc quyền toàn bộ phần truyền tải
Trước đó, trong báo cáo thẩm tra dự án luật Điện lực sửa đổi, Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định "Nhà nước độc quyền về vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng".
Lý do, Nhà nước không nên độc quyền toàn bộ phần truyền tải mà chỉ nên độc quyền phần truyền tải cao áp và siêu cao áp (từ trên 35 KV trở lên).
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát quy định "Nhà nước độc quyền đầu tư các dự án nhà máy thủy điện đa mục tiêu, các dự án nguồn điện khẩn cấp, lưới điện khẩn cấp". Phạm vi như vậy là quá rộng, điều này sẽ làm hạn chế cơ hội huy động nguồn lực xã hội để phát triển điện lực.
Bình luận (0)