Sau khoảng 6 năm gián đoạn phân phối, Subaru XV vừa chính thức trở lại thị trường ô tô Việt Nam từ cuối tháng 10.2024. Nhưng khác với trước đây, thế hệ thứ 3 của mẫu SUV đô thị này hiện đã được hãng xe Nhật thống nhất sử dụng tên gọi mới - Subaru Crosstrek, tương tự các thị trường khác trên toàn cầu.
Đáng chú ý, ngoài "thay tên đổi họ", với việc "nhảy cóc" qua hai thế hệ, Crosstrek mới trở lại thị trường Việt cũng mang đến hàng loạt đổi mới so với phiên bản từng đến tay người dùng trước năm 2018. Từ kiểu dáng, trang bị, khả năng vận hành đến khả năng an toàn.
Tuy vậy, việc duy trì phân phối xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản tiếp tục khiến mức giá của mẫu xe này đội lên khá cao (cả hai phiên bản đều trên mốc 1 tỉ đồng). Điều này ít nhiều gây tranh cãi và phần nào khiến khách hàng đặt câu hỏi, liệu Crosstrek có đáng "đồng tiền bát gạo"?
Loạt điểm mạnh và hạn chế của Subaru Crosstrek
Thiết kế: Không đẹp nhưng khác biệt
Lướt nhanh các mẫu xe trong nhóm SUV đô thị hiện diện tại Việt Nam, có thể thấy Subaru Crosstrek có ngoại hình khá đặc biệt, thậm chí khác lạ so với nhiều đối thủ cạnh tranh. Điều này chủ yếu đến từ kiểu dáng thiên về phong cách wagon, tương tự "đàn anh" Subaru Outback; chứ không thuần SUV/Crossover như thường thấy ở nhóm xe cùng phân hạng.
Nếu so với thế hệ XV cũ, Subaru Crosstrek mới nhìn chung đã được hãng xe Nhật trau chuốt hơn ở các chi tiết. Có thể kể đến cụm đèn chiếu sáng trước và khu vực lưới tản nhiệt đã được làm mới, sắc sảo và trẻ trung hơn. Đuôi xe đồng nhất phong cách thiết kế "boomerang" tương tự những mẫu xe thế hệ mới nhà Subaru.
Mặc dù vậy, cũng phải khách quan thừa nhận rằng, diện mạo của Subaru Crosstrek không quá nổi bật nếu đặt cùng những mẫu mã cạnh tranh chung phân khúc. Xe thiên về sự nam tính và thể thao hơn. Điều này ít nhiều khiến mẫu xe Nhật khó tiếp cận hơn với nhóm khách hàng nữ vốn chuộng kiểu xe trẻ trung, năng động.
Nội thất: Thực dụng đúng chất xe Nhật
Khác với ngoại thất được đổi mới khá nhiều, không gian bên trong Subaru Crosstrek lại mang đến cảm giác "thân thuộc", bởi nhiều chi tiết tương đồng với những mẫu xe anh em. Và quan trọng hơn có lẽ bởi phong cách thực dụng đặc trưng, phần nào đến từ sự bảo thủ và cứng nhắc kiểu người Nhật.
Các chi tiết đáng chú ý quanh khu vực ghế lái bố trí khá đơn giản và không nhiều điểm nhấn. Ví dụ, khu vực cần số thiết kế tối giản chi tiết và vẫn dùng cần số cơ, vô lăng 3 chấu bọc da tích hợp các nút bấm điều khiển chưa thực sự bắt mắt; hay cụm đồng hồ sau vô lăng vẫn sử dụng dạng analog, đi kèm một màn hình LCD nhỏ, chứ chưa sử dụng màn hình hoàn toàn điện tử…
Mặc dù vậy, nếu bỏ qua yếu tố thị giác, cách thiết kế này lại mang đến trải nghiệm thực tế chân thực hơn. Cần số dễ thao tác, các nút bấm điều chỉnh to, bố trí khoa học dễ dàng tùy chỉnh và khu vực hiển thị thông tin sau vô lăng trực quan, ít gặp tình trạng lóa sáng hơn.
Một điểm nhấn khá ấn tượng nữa ở nội thất trên Crosstrek thế hệ mới là trang bị màn hình giải trí trung tâm dạng cảm ứng cỡ lớn, kích thước 11.6 inch, đặt dọc như một máy tính bảng. Màn hình này tích hợp gần như tất cả, từ hỗ trợ kết nối Apple CarPlay/Android Auto không dây, các tính năng giải trí đến hiển thị thông tin, tùy chỉnh tiện ích…
Đáng chú ý, khu vực này cũng cho thấy sự thực dụng của người Nhật, khi xung quanh cụm màn hình hãng vẫn bố trí thêm một số phím bấm vật lý giúp điều chỉnh các chức năng cơ bản. Chỉ hơi đáng tiếc là tùy chỉnh chế độ lái không có bấm núm vặn hay phím vật lý riêng. Để thao tác, tài xế buộc phải mày mò trên màn hình cảm ứng; hiện đại hơn nhưng trải nghiệm tương đối bất tiện.
Ở phía sau, hàng ghế hai có độ ngả vừa phải, hạn chế được cảm giác đau lưng hay khó chịu nếu di chuyển đường xa. Ngoài ra, hãng xe Nhật bố trí đầy đủ cổng sạc với cả tùy chọn Type-C và USB. Tuy nhiên, hàng ghế này lại không trang bị cửa gió điều hòa riêng; đồng thời không gian trên đầu khá bí, do phải đánh đổi từ kiểu thiết kế thể thao với khoảng sáng gầm xe lớn (220 mm), nhưng chiều cao xe lại không quá vượt trội và trần xe vuốt thấp về phía sau.
Vận hành: "Hay" bậc nhất phân khúc
Subaru Crosstrek phân phối tại Việt Nam trang bị động cơ Boxer dung tích 2.0 lít, sản sinh công suất 154 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 196 Nm. Phiên bản hybrid sử dụng kết hợp giữa máy xăng 2.0 lít, công suất 145 mã lực, cùng mô-men xoắn 188 Nm và mô-tơ điện công suất 13,6 mã lực, mô-men xoắn 65 Nm. So sánh nhanh thông số kỹ thuật với các đối thủ cạnh tranh, sức mạnh của mẫu xe Nhật nhìn chung khá vượt trội.
Trải nghiệm lái thực tế với Crosstrek trên quãng đường gần 400 km qua đa dạng địa hình từ TP.HCM đi Phan Thiết – Mũi Né đã phần nào cho thấy điều này. Chân ga nhạy, khả năng tăng tốc khá tốt. Dĩ nhiên, với một mẫu SUV đô thị phổ thông, khó có thể kỳ vọng những cú bứt tốc kiểu "lưng dính ghế". Tuy nhiên, độ lanh của Crosstrek là khó phủ nhận.
Một cái hay nữa trên mẫu xe nhà Subaru là cảm giác lái chắc chắn và tin tay. Sự đầm chắc thấy rõ nếu so với nhóm xe cùng phân hạng, đặc biệt trong những trường hợp đánh lái chuyển làn trên cao tốc, ở dải tốc độ trên 80 km/giờ; hay khi đi qua các đoạn đường gồ ghề, nhiều ổ gà. Điều này đến từ hệ thống khung gầm cứng vững, kết hợp cùng treo dạng tay đòn kép bố trí ở trục sau (duy nhất phân khúc) giúp tăng tính ổn định cho xe.
Và cuối cùng, không thể không nhắc đến trang bị dẫn động bốn bánh đặc trưng của Subaru, kết hợp cùng thiết kế khoảng sáng gầm xe lên đến 220 mm (ngang nhiều mẫu SUV cỡ D), giúp Crosstrek trở nên khác biệt ở vận hành, nhờ sự linh hoạt và khả năng đi địa hình vượt trội so với các đối thủ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, đây chỉ là điểm cộng. Bởi với một mẫu xe đô thị cỡ B, khả năng off-road không phải là tiêu chí ưu tiên hàng đầu.
An toàn: Công nghệ EyeSight 4.0
Bên cạnh khả năng vận hành, an toàn có lẽ cũng là một trong những lời giải có sức nặng cho câu hỏi, liệu Subaru Crosstrek có đáng "đồng tiền bát gạo". Bởi dù định vị ở phân khúc SUV đô thị cỡ nhỏ, tuy nhiên mẫu xe này vẫn được trang bị công nghệ an toàn EyeSight 4.0 mới nhất của Subaru. Trong đó, nổi bật với bộ ba camera cùng khả năng nhận diện môi trường xung quanh. Đặc biệt, Crosstrek 2024 được Subaru bổ sung thêm một camera đơn góc quét rộng, giúp cải thiện khả năng vận hành và an toàn.
Đánh giá chung
Khách quan thiết kế và giá bán không "chiều chuộng" số đông, Subaru Crosstrek rõ ràng khó kỳ vọng cao về doanh số tại Việt Nam. Tuy nhiên, những giá trị vượt trội về vận hành, tính thực dụng cùng sự an toàn lại là điểm nhấn, hứa hẹn giúp mẫu xe Nhật tìm cho mình chỗ đứng riêng, với nhóm khách hàng khác biệt.
Bình luận (0)