Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trí Dũng, Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp với Báo Thanh Niên về tinh thần phát huy nội lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Q.Gò Vấp.
Vượt khó để phát triển
* Từng là "điểm nóng" của dịch Covid-19 tại TP.HCM, đến nay Q.Gò Vấp đã vực dậy thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Trí Dũng: Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều đau thương và cũng đặt ra yêu cầu cấp bách đối với hệ thống chính trị là phải huy động tối đa mọi nguồn lực, nỗ lực cao nhất để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, đặc biệt là tập trung phục hồi phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ Q.Gò Vấp vừa qua đánh giá quận đã sớm kiểm soát dịch Covid-19 và đưa kinh tế phục hồi mạnh mẽ là 2 điểm nhấn quan trọng. Nếu như thu ngân sách năm 2021 đạt 1.966 tỉ đồng thì sang năm 2022 tăng vọt lên 2.984 tỉ đồng. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi tốt cùng với nhiều công trình, dự án đầu tư công tiếp tục được triển khai cho thấy nội lực của địa phương và dư địa phát triển vẫn còn rất lớn.
Bước sang nửa đầu năm 2023, dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, có sự suy giảm do tình hình chung, quận cũng cố gắng giữ đà tăng trưởng ở mức tốt nhất có thể. Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2023 hơn 1.400 tỉ đồng (đạt 50,7% dự toán năm).
* Ông có thể chia sẻ thêm về nguyên nhân đạt được những kết quả tích cực đó?
- Khái quát nhất đó là tinh thần đại đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trên địa bàn và sự quan tâm, tiếp sức của lãnh đạo Trung ương và TP.HCM. Hằng năm, quận bám sát chủ đề từng năm của TP.HCM gắn với các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong nghị quyết của Đảng bộ quận để đưa ra các giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và mang lại kết quả cao.
Chúng tôi tập trung rà soát, đề xuất điều chỉnh các đồ án quy hoạch đô thị; bổ sung các dự án, công trình trọng điểm, chăm lo phát triển y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm chính sách đền ơn, đáp nghĩa. Trong kỳ thi học sinh giỏi năm học 2022 - 2023, Gò Vấp là đơn vị dẫn đầu toàn thành phố.
Các chương trình xúc tiến đầu tư, kích cầu tiêu dùng và gặp gỡ, đối thoại được tổ chức đều đặn đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc về thủ tục vay vốn, thuế, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh yên tâm sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế của quận chuyển dịch sang định hướng dịch vụ, thương mại ngày càng rõ nét, đi vào chiều sâu.
* Kẹt xe, ngập nước là 2 vấn đề mà người dân vẫn còn than phiền, quận sẽ giải quyết như thế nào?
- Gò Vấp là quận nội thành đang trên đà phát triển, dân số đông và có xu hướng tăng, hiện đã gần 700.000 người. Mạng lưới giao thông dù có nhiều tuyến đường trục chính nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Mở rộng đường theo lộ giới quy hoạch là trăn trở của lãnh đạo quận qua nhiều nhiệm kỳ và chúng tôi vẫn đang tiếp tục đeo bám, kiến nghị TP.HCM quan tâm. Trước mắt, quận kiến nghị ưu tiên vốn cho 5 dự án: mở rộng đường Thống Nhất, mở rộng đường số 6, xây dựng cầu mới kết nối qua khu Ấp Doi, mở rộng đường Nguyễn Văn Khối, đường Lê Đức Thọ và hoàn thiện công viên văn hóa Gò Vấp.
Trong buổi làm việc duyệt kế hoạch năm của quận, lãnh đạo TP.HCM ủng hộ đưa dự án cầu đường qua khu dân cư Ấp Doi và mở rộng đường Lê Đức Thọ vào nhóm công trình cấp bách và giao các sở ngành xem xét ưu tiên bố trí vốn.
Nỗ lực giải ngân trên 95%
* Năm 2023, Q.Gò Vấp được giao vốn bồi thường khá lớn, liệu quận có giải ngân trên 95% như năm 2022?
- Năm nay, quận có 3 dự án trọng điểm gồm mở rộng đường Dương Quảng Hàm, rạch Xuyên Tâm và kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên ảnh hưởng đến 544 trường hợp, tổng kinh phí bồi thường hơn 2.500 tỉ đồng. Hiện UBND TP.HCM đã giao vốn 1.750 tỉ đồng cho dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm.
Để đảm bảo tiến độ và quyền lợi người dân, Quận ủy Gò Vấp đã ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo hệ thống chính trị, UBND Q.Gò Vấp xây dựng kế hoạch cụ thể phân công các đơn vị giao ban định kỳ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của người dân và chủ đầu tư. Công tác thẩm định, xây dựng đơn giá bồi thường công trình, vật kiến trúc, giá cây trồng phải sát thực tế nhằm tạo sự đồng thuận cao của người dân, tổ chức.
Giải ngân vốn bồi thường là việc khó nhưng cũng là cơ hội tạo "vốn mồi", lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư xã hội. Quận sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo tỷ lệ giải ngân đến cuối năm đạt từ 95% trở lên theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
* Những công trình trọng điểm sẽ tạo ra sức bật mới cho quận như thế nào?
- Các dự án sau khi hoàn thành sẽ giải quyết tốt việc tiêu thoát nước chống ngập úng cho khu vực, bổ sung thêm tuyến đường mới để người dân đi lại thuận tiện, góp phần giảm kẹt xe.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật công viên, cây xanh được đầu tư đồng bộ, vừa cải thiện cảnh quan môi trường, chỉnh trang đô thị nâng cao chất lượng sống của người dân, vừa tạo không gian phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Đây là cơ hội để quận định hình lại các nhóm ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ dọc tuyến đường mới theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao.
Thúc đẩy chuyển đổi số
Hiện Q.Gò Vấp đang triển khai 5 mô hình điểm ứng dụng Đề án 06 (đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) và bước đầu phát huy hiệu quả tích cực.
Cụ thể, mô hình điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến, khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip, tiếp nhận thông báo lưu trú trực tuyến, cấp tài khoản an sinh xã hội và chi trả không dùng tiền mặt, thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục.
Những mô hình này đã góp phần mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục. Như mô hình tiếp nhận thông báo lưu trú trực tuyến, toàn bộ 171 khách sạn trên địa bàn đều áp dụng, trong 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận khoảng 28.000 lượt khách thông báo lưu trú. Hay như mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục, toàn quận có 59 trường với hơn 76.000 học sinh, trong đó có gần 48.000 học sinh tham gia (tỷ lệ 63%).
Bình luận (0)