Vi rút xâm nhập vào vùng hầu họng
Theo tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM): Cũng giống như các loại vi rút gây viêm đường hô hấp khác, SARS-CoV-2 có cơ chế nhiễm và gây bệnh như sau:
Sau khi vào vùng hầu họng, vi rút xâm nhập các tế bào niêm mạc và nhân lên, từ một con sẽ sản sinh ra hàng trăm con. Phát triển đủ lớn cả về số lượng và cấu trúc, chúng sẽ phá vỡ tế bào để tràn lan ra ngoài và mỗi con lại tìm cách chui vào một tế bào mới. Cứ như thế chu trình phát triển được lặp lại nhiều lần và ngày càng đi sâu hơn vào cơ thể. Đây là giai đoạn ủ bệnh.
Đến một lúc nào đó, tùy thuộc vào sức khỏe mỗi người, số lượng vi rút đủ lớn phá vỡ cơ chế tự bảo vệ của con người thì bệnh sẽ phát ra. Đây là giai đoạn phát bệnh.
Như vậy trong giai đoạn ủ bệnh, người mang vi rút không có triệu chứng nên người khác không thể biết. Do đó, họ có thể âm thầm lây truyền vi rút sang người khác.
Để phòng tránh bị nhiễm bệnh hay lây truyền cho người khác, chúng ta phải cố gắng ngăn chặn vi rút đi vào vùng hầu họng của chính mình.
Vì vậy, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các biện pháp phòng bệnh là: tránh tập trung chỗ đông người, đứng xa người nghi nhiễm bệnh trên 2 m, đeo khẩu trang (bất cứ loại nào), thường xuyên rửa tay bằng xà phòng...
Bên cạnh đó, bác sĩ Hùng cho biết, theo kinh nghiệm điều trị qua các ca bệnh thì còn một chốt chặn sau cùng để phòng ngừa lây bệnh Covid-19, khi những biện pháp trên bị bỏ qua. “Đó là việc súc họng với dung dịch sát khuẩn”, bác sĩ Hùng khẳng định.
Trong quá trình điều trị cho hai bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm Covid-19 (đã khỏi bệnh) tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, một trong các biện pháp đặc biệt mà bác sĩ áp dụng chính là cho bệnh nhân súc họng thường xuyên bằng dung dịch diệt khuẩn. Qua điều trị và nghiên cứu, bác sĩ Hùng đánh giá: Biện pháp này đã mang lại nhiều hiệu quả.
Súc họng diệt vi rút
Bác sĩ Hùng giải thích: Khi vi rút vượt qua các biện pháp dự phòng bên ngoài, đến được vùng hầu họng hay thậm chí các vi rút sau khi nhân lên phá vỡ tế bào chui ra ngoài, thì dung dịch sát khuẩn hầu họng “đợi sẵn” sẽ có thể tiêu diệt nó. Như vậy, sát khuẩn hầu họng là một biện pháp phòng chống nhiễm bệnh cũng như phòng chống phát tán bệnh.
“Việc dùng dung dịch sát khuẩn vùng hầu họng để súc miệng cũng cần phải đúng cách mới hiệu quả. Có những loại dung dịch sát khuẩn có khả năng diệt được vi rút nhưng cũng có những loại không. Mỗi loại dung dịch có khả năng diệt vi rút trong những khoảng thời gian khác nhau, có loại kéo dài 1 - 2 giờ sau khi súc họng nhưng có loại dài hơn 4 giờ”, bác sĩ Hùng lưu ý.
“Đừng chủ quan nghĩ rằng nút chặn sau cùng này thay thế được các biện pháp khác. Hiệu quả của việc phòng bệnh là sự phối hợp đồng bộ tất cả những biện pháp”, bác sĩ Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
|
Bác sĩ Hùng hướng dẫn một số nguyên tắc cơ bản khi súc họng bằng dung dịch diệt khuẩn để phòng bệnh:
• Phải súc họng chứ không súc miệng: Có nghĩa là cố gắng để dung dịch xuống sâu nhất vùng cổ họng mà bạn có thể chịu được.
• Súc họng mỗi lần khoảng 2 phút, trong đó có 3 lần đưa dung dịch xuống họng, mỗi lần khoảng 15 giây. Sau khi súc xong thì để nguyên, không súc lại bằng nước.
• Không cần lượng dung dịch quá nhiều trong một lần súc, khoảng 5 ml là đủ vì lượng dung dịch càng nhiều, bạn càng khó đưa dung dịch xuống sâu vùng hầu họng.
• Súc họng trước khi đi ra ngoài và ngay khi từ ngoài về nhà, hay ngay khi tiếp xúc gần với người khác. Nếu trên máy bay thì nên súc mỗi 3 giờ (với chlohexidin) hay ngay sau khi ăn.
• Trong vùng có dịch thì súc họng định kỳ theo thời gian tác dụng của mỗi loại dung dịch.
Bình luận (0)