Sức hút của những vai chính không hoàn hảo

27/02/2020 06:34 GMT+7

Thời gian gần đây, hầu hết các phim dài tập Hàn Quốc thu hút khán giả Việt đều có những nhân vật chính không hoàn hảo.

Qua rồi thời của những vai chính phải khuôn thước, mẫu mực hay thường xuyên bị hại, luôn gặp phép màu, các nhân vật chính trong phim truyền hình Hàn Quốc ngày càng đa dạng hơn.

Dám sống, dám khát khao

Đang khiến cộng đồng mạng (nhất là giới trẻ) rôm rả bình luận là Tầng lớp Itaewon (Itaewon class, hiện phát tại Hàn Quốc và chiếu lại trên Netflix), khi phim khai thác sinh động câu chuyện khởi nghiệp của người trẻ. Điều đặc biệt là người trẻ trong bộ phim này nếu chỉ “nghe nói” hay “được biết” hẳn khó nhận được cái nhìn thiện cảm từ người thân, xã hội.
Đó là ông chủ của quán nhậu Damban Park Sae Ro-yi (Park Seo-joon đóng), một cậu thanh niên chưa học hết trung học, vừa ra tù vì tội mưu sát bất thành, nuôi chí trả thù những kẻ đã hại chết cha mình và dập tắt ước mơ trở thành cảnh sát của anh. Là cô nàng rối loạn nhân cách, luôn có tư tưởng chống đối xã hội, từng điều trị tâm lý, dù đỗ thủ khoa trường xịn nhưng quyết không vào đại học và bị mẹ đuổi khỏi nhà. Là “cô” đầu bếp nỗ lực kiếm tiền để được sống thật với giới tính của mình. Là cậu út trong gia thế khủng nhưng không khác người thừa, bị coi thường khi mẹ là vợ lẽ. Là anh chàng con lai gốc Phi đến Hàn tìm bố, dễ dàng gây hấn với bất kỳ ai không thừa nhận anh là người Hàn... Dù có thể bị chèn ép, yếu thế, song những cô cậu ấy, cùng sự trong sáng lẫn liều lĩnh của tuổi trẻ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Cuộc đối đầu không cân sức giữa cựu tù nhân Ro-yi với kẻ thù đang chinh phục khán giả trẻ

Ảnh: JTBC

Những phim có tỷ suất người xem cao tại Hàn, đồng thời gây sốt ở Việt Nam, trước đó cũng đều xây dựng các nhân vật mà lựa chọn trong lối sống của họ vẫn còn bị định kiến. Có lẽ vậy mà câu chuyện người mẹ đơn thân khi dọn đến ngôi làng mới để quên đi quá khứ, với công việc điều hành quán bar (trong Khi đóa trà trổ bông - When the camellias bloom) đã khiến khán giả tò mò, rồi bị thu phục bởi tài năng của biên kịch và diễn viên. Với phim tình cảm giả tưởng Khách sạn huyền bí (Hotel Del Luna), các nhân vật là những “hồn ma” nhưng lại rất chân thực và sống động khi mỗi người đến trú chân đều mang theo những câu chuyện của thế giới họ đã sống. Nữ chính, với quá khứ từng là cô gái xấu tính, bị trừng phạt để sống đến hiện tại, trong vai trò cô chủ khách sạn, đã giúp những “hồn ma” hoàn thành tâm nguyện của họ, từ việc xóa bỏ hận thù hay giải oan trong quá khứ, đọc hết cuốn sách họ thích, ăn một bữa ngon hay được gặp lại những người mình thương yêu…
Trong loạt phim Hàn lôi cuốn khán giả Việt thời gian qua, không thể không kể đến Socola tình yêu, Đôi mắt rực rỡ, Vị khách VIP, Đêm xuân, Mơ hồ… Những vai chính trong những cơn sốt ấy, dù bị sang chấn tâm lý, tổn thương tinh thần, bị xã hội định kiến… đều khiến người xem không khỏi suy ngẫm, về hành trình tìm lại (hoặc được khơi gợi lại) niềm tin yêu cuộc sống, niềm khát khao khẳng định (lẫn được công nhận) giá trị của bản thân.

“Thiếu thực tế” một cách có chủ đích

Một điều dễ nhận thấy ở các bộ phim khuynh đảo từ màn ảnh Hàn Quốc đến Việt Nam, là phim nào cũng có những tình tiết phi logic, thiếu thực tế từ hành xử của các nhân vật chính. Một phạm nhân vừa ra tù mở quán rượu lại “đối đầu” với ông chủ tập đoàn kinh doanh dịch vụ thực phẩm hạng khủng, ôm khát vọng lật đổ “đế chế” của kẻ thù - kẻ có khả năng biến người vô tội vào tù chẳng phải là “điên rồ” lắm sao? Một kẻ chỉ đọc sách trong tù gần chục năm rồi ra đời cứ thế sục sôi khởi nghiệp, hết thất bại này đến sụp đổ khác vẫn quyết giữ “đức tin” sống đúng như mình tôn thờ, hiên ngang vượt qua hết những thử thách, chẳng phải quá… không thực tế sao! Nhưng, cùng với “máu ngông cuồng” của tuổi trẻ ấy, Park Sae Ro-yi còn là chàng trai giàu nghị lực và đầy lòng trắc ẩn. Chính vì vậy mà hàng nghìn người trẻ đã không tiếc lời ca tụng nhân vật chính của Tầng lớp Itaewon dù đó là một cựu tù nhân.
Điều thú vị hơn là những tình tiết tưởng chừng thiếu thực tế lẽ ra không nên có trong các phim vốn được trau chuốt hay đầu tư kỹ lưỡng như thế, có thể đến từ chủ đích của biên kịch. Đó là nhận định của một nhà sản xuất - biên kịch từng tham gia khóa học ngắn hạn về biên kịch do đội ngũ từ đài truyền hình lớn Hàn Quốc sang giảng dạy. Nhà biên kịch này cũng nói thêm rằng, gần như việc “cài cắm” tình tiết phi logic đều được sử dụng trong từng tập, và hiệu quả của nó ra sao tùy vào tài năng của biên kịch. Theo chị, sự thiếu thực tế ấy không chỉ để gây tranh cãi nhằm tăng sự chú ý với phim, mà còn để “nâng đỡ” cho ước mơ, khát khao của nhân vật, hay là thông điệp ý nghĩa nào đó mà phim muốn lan tỏa. Hay, nói như đạo diễn Quốc Hưng, vì sao khán giả Việt - nhất là phái nữ, lại thích xem phim Hàn, chẳng phải vì nó làm cho người ta mơ mộng, lạc quan, mạnh mẽ và muốn sống tích cực hơn hay sao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.