>> Lễ hội Làng Sen ở Trường Sa
>> Hội làng mùa lũ
>> Khai mạc lễ hội Lăng Cô - huyền thoại biển
>> Lễ hội Lăng Ông
>> Tưng bừng lễ hội Nghinh Ông
Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ (Bắc Ninh) ngày mùng 4 tháng Giêng - hương vị Tết vẫn còn nồng đượm, thế nhưng có đến đây những ngày này mới thấy được không khí của ngày hội làng, đông nghịt người. Người cao tuổi trong làng kể rằng bao năm qua hội rước pháo vẫn không giảm đi không khí. Người làm ăn xa xứ cũng cố gắng về thăm quê đúng ngày mồng 4 tháng Giêng để hiểu hơn về văn hóa quê hương.
Đình làng Thị Cấm 11 giờ trưa ngày mồng 8 tháng Giêng, trẻ con, người lớn, thanh niên nam nữ đứng vòng trong vòng ngoài xem 4 đội thi kéo lửa từ thanh tre, bùi nhùi như thời tiền sử. Lửa thổi cơm thi được nhóm khắp sân đình trong tiếng hát rộn ràng. 4 niêu cơm được giấu trong những đống tro để các quan đi tìm kiếm. Dân “lừa” được quan thì quan cười, dân cũng cười. Niêu cơm ngon nhất hội được chia cho bà con.
Ai đã đến lễ hội làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội) được tổ chức trong 3 ngày từ 9 đến 12 tháng Giêng một lần thì không thể nào quên. Người ta đến làng đông nghịt, để xem một lễ hội có tên lạ lùng “Con đĩ đánh bồng”.
Các chàng trai đóng giả gái biểu diễn những điệu múa cổ trong bộ quần áo mớ ba mớ bẩy, cách hoá trang má phấn môi son, răng đen hạt huyền, mắt lá răm, khăn mỏ quạ. Những cô gái vừa nhún nhảy vừa vỗ trống bồng trước bụng nhí nhảnh, vui mắt.
“Con đĩ đánh bồng”, 1 trong 10 điệu múa cổ vô giá của Thủ đô, trước kia chỉ tồn tại ở những làng ven đất Thăng Long.
Không chọn lễ hội chùa Hương (Hà Nội), hội chùa Yên Tử (Quảng Ninh), không tìm về với hội bà Chúa Kho, hay Hội Lim (Bắc Ninh)… nhiều người thập phương khăn gói hành hương về quê cha đất tổ để sống trong không khí đầm ấm, rộn rã của những hội làng.
Thời gian thay đổi, cuộc sống nhiều đổi thay, kiến trúc làng xóm cũng đổi thay trong không gian yên bình xưa với cây đa, bến nước, mái đình, nhưng ở hội làng người ta vẫn thấy vẹn nguyên giá trị văn hóa dân gian độc đáo.
Một du khách sống ở Vĩnh Phúc, lần đầu đến dự hội thổi cơm thi làng Thị Cấm tỏ ra ngạc nhiên với những bãi để xe miễn phí của người làng dựng lên gần sân đình.
Những du khách từ nội thành Hà Nội lần đầu về xem hội làng Triều Khúc ngỡ ngàng khi bắt gặp chiếc nón quai thao từ lâu mất dấu, những cụ già với hàm răng đen ngồi bên hàng nước thân thiện hỏi thăm khách ở nơi xa.
Người ta không thấy cảnh chen lấn, xô đẩy nhau tìm một chỗ đặt tiền lẻ, không thấy những bãi gửi xe gấp 5 - 10 lần giá thường, không thấy móc túi, không thấy chặt chém từ chiếc bánh mỳ, chai nước. Chỉ có những tiếng cười, cái bắt tay hỏi thăm nhau, sự nô nức, reo hò của những đứa trẻ lần đầu sống trong không khí của hội dân gian.
Lễ hội làng, một cách dung dị, nó vẫn đang sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa tinh thần người Việt.
|
Ngọc Thắng - Thúy Hằng
Bình luận (0)