Về nhà đi con: tiếng gọi dịu êm mà xúc cảm dữ dội
4 tháng trôi qua kể từ ngày Về nhà đi con (VFC - Đài THVN sản xuất, đạo diễn: Nguyễn Danh Dũng, biên kịch: Thủy Vũ, Khánh Hà, Thủy Tiên, Thu Trang, biên tập: Nguyễn Thu Thủy) lên sóng VTV1 cũng là ngần ấy thời gian hàng triệu khán giả sống cùng những hỉ nộ ái ố của gia đình ông Sơn (NSƯT Trung Anh) và hơn thế nữa. Bởi, xoay quanh câu chuyện được - mất, thành công - thất bại của ông bố một mình nuôi dạy 3 cô con gái: Thu Huệ (Thu Quỳnh), Anh Thư (Bảo Thanh), Ánh Dương (Bảo Hân), là những mối quan hệ tạo nên mắt xích thúc đẩy kịch tính phát triển, để từ đó các tuyến nhân vật được mở rộng mà mỗi người đến đều mang theo một bí mật đầy bất ngờ chứ không hẳn chỉ thú vị.
Theo nhà sản xuất - biên kịch Lê Thị Kiều Nhi, lâu nay cách làm việc nhóm để xây dựng kịch bản phim đã có nhưng lại theo hình thức mỗi người viết vài tập, nên dễ dẫn đến thiếu sự chặt chẽ, thống nhất của kịch bản. “Sự thành công của Về nhà đi con, theo tôi, là minh chứng thuyết phục cho hình thức làm việc nhóm của đội ngũ biên kịch. Sự đối thoại trực tiếp, tranh luận cùng nhau để phát triển, hoàn thành kịch đương nhiên sẽ tạo nên sự phong phú, sinh động, đồng bộ, chặt chẽ, từ tính cách nhân vật đến tổng thể bộ phim”, chị nói.
|
Cứ thế, người xem vừa khám phá hành trình sống - va chạm để trưởng thành, quỵ ngã rồi đứng lên…, rất gần gũi, rất như - là - con người của các nhân vật. Và không biết từ lúc nào bị cuốn vào “cơn bão”của chữ tình: tình cha con, tình chị em, tình bạn, tình yêu kiểu “mèo mả gà đồng”, tình vợ chồng... Mà, cái tình nào cũng gây thổn thức tiếng lòng, cũng làm hao tốn… nước mắt của người xem! Để rồi hồi hộp, nôn nóng, mong ngóng từng tập phim, để được giận - thương, khóc - cười cùng nhân vật mình trót “yêu” hay lỡ “cay cú”. Vì thế, không quá lời khi khẳng định khó ai kìm được nước mắt khi nghe 4 chữ buột ra từ miệng bố Sơn: “Về nhà đi con” dành cho Thư (sau khi biết được cuộc sống không thật sự hạnh phúc mà cô giấu ông bấy lâu).
4 tháng với 80 tập phim (mỗi tuần 5 tập, mỗi tập 30 phút) đã phát sóng, thời gian không ngắn đối với một phim truyền hình, nhưng Về nhà đi con vẫn giữ được sức nóng lẫn mức độ lan tỏa bền bỉ từ mạng xã hội đến đời thực. Về “bề nổi”, dễ thấy nhất, chính là những “cơn sốt” thành trend (xu hướng) từ các câu nói của nhân vật trong phim, kéo theo hiệu ứng chế hình lẫn video liên quan phim, được chia sẻ khắp các diễn đàn và rôm rả trong giờ trà dư tửu hậu của nhiều giới, đặc biệt chị em phụ nữ. Hay, cùng với làn sóng thấu cảm, thương xót với bi kịch từ hợp đồng hôn nhân của Thư là sự phẫn nộ đến mức đòi tẩy chay nhân vật Kim Nhã (Quỳnh Nga) khi là người thứ ba chen vào cuộc hôn nhân Thư - Vũ (Quốc Trường). Dẫu biết ai tẩy chay sẽ… thiệt thòi vì dù không xem thì phim vẫn tiếp tục, nhưng sự tẩy chay đó cho thấy: các diễn viên đã hóa thân quá thành công cho nhân vật của mình. Song về bản chất, như một số biên kịch chia sẻ, độ bền của cơn sốt phim cho thấy sự tài tình của đội ngũ biên kịch, trong tổng thể “chắc tay” và hòa quyện giữa đạo diễn - kịch bản - diễn viên.
|
Lôi cuốn từ những điều không hoàn hảo
Một bộ phim hay, hấp dẫn bao giờ cũng đến từ sự thuyết phục ở cả 3 yếu tố trên, bởi nếu bị hụt một trong 3 điều này, sẽ khó chạm đến cảm xúc khán giả. Cũng kịch bản đó, câu chuyện đó nhưng nếu vào tay một đạo diễn chỉ chú tâm kỹ thuật, bố cục khung hình mà không xem trọng bên trong - nội tâm của diễn viên thì khó mà điều khiển diễn viên diễn xuất tốt được. Hay, cũng nội dung đó nhưng chỉ cần bỏ qua câu thoại mà diễn viên nói như trôi tuột, thì người xem sẽ bị hẫng ngay… Những ai sống cùng không khí của Về nhà đi con 4 tháng qua, hẳn sẽ cảm nhận rõ điều ấy.
Tuy nhiên, điều khiến bộ phim tạo thành hiện tượng vượt trội so với các phim truyền hình về gia đình khác, bên cạnh những yếu tố cần thiết trên, là bởi những điều không hoàn hảo mà chính biên kịch đóng vai trò then chốt tạo nên “hiện tượng” này, từ chất liệu rất đời của hiện thực. Nhân vật không hoàn hảo, các mối quan hệ không hoàn hảo, cách giải quyết vấn đề của họ không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Vì không hoàn hảo, đó mới chính là cuộc sống, mới mang đến cảm xúc chân thật, gần gũi, dung dị.
Ông Sơn là người bố hết mực thương yêu con nhưng vì tình thương đó, ông đã bảo vệ con đến mức sai lầm (như nhiều bậc cha mẹ khác); Huệ dành hết tình yêu thương cho gia đình lớn của mình, nhưng đó cũng là một trong những lý do khiến cuộc hôn nhân của cô không trọn vẹn (khó ông chồng nào chấp nhận mình lúc nào cũng đứng sau dù vị trí đầu tiên là gia đình vợ)… Và cặp đôi Thư - Vũ lại càng lắm những sai lầm trong suốt hành trình Về nhà đi con! Chính vì tính chất rất “con người” ấy, được xây dựng đúng với “tinh thần “tính cách làm nên số phận”, nên mỗi nhân vật đều có giá trị riêng, sức hút riêng, lượng fan riêng, gộp thành “cú hích” cho phim.
"Biên kịch mới là người làm nên chuyện"Trên các trang mạng xã hội, diễn đàn về phim, rất nhiều ý kiến khán giả - những người tìm hiểu kịch bản và biết được đó là tác phẩm của sự hợp sức từ các cô gái cùng chơi với nhau - đã dành hết lời khen ngợi cho cuộc “tứ kiếm hợp bích này”.
“Các bạn cứ trách diễn viên, trên đời này ai chả có khuyết điểm đâu phải ai cũng hoàn hảo. Hãy trách người viết kịch bản phim ý, vì họ đã khiến chúng ta dán mắt vào phim thế này”. (Uyên Nguyên)
“Xem phim mình thấy toàn khen diễn viên hay, thoại thực tế, đạo diễn giỏi mà ít ai để ý biên kịch, họ mới là người làm nên chuyện Về nhà đi con. Chỉ mong mấy tập cuối không bị kéo lê thê như Gạo nếp gạo tẻ, tránh mất hứng ở cái kết”. (Phương Loan)
|
Bình luận (0)