Sức khỏe vị thành niên toàn cầu đã xấu đi như thế nào?

18/03/2019 21:07 GMT+7

Giới chuyên gia cho rằng đầu tư vào sức khỏe vị thành niên có thể mang lại lợi ích gấp ba lần - làm cho vị thành niên hiện tại, người trưởng thành và cho thế hệ sau khỏe mạnh hơn.

Ông Peter Azzopardi, người đứng đầu dự án, nhà nghiên cứu sức khỏe tại Viện Burnet thuộc Viện nghiên cứu trẻ em Murdoch, Đại học Melbourne (Úc) chia sẻ trên The Lancet: “Vì những lý do rất chính đáng, chương trình và chính sách y tế toàn cầu đã tập trung vào sức khỏe của bà mẹ, trẻ em để giải quyết tỉ lệ tử vong cao ở trẻ em và bà mẹ. Nhưng về vị thành niên, chúng ta cho rằng họ rất khỏe mạnh. Kết quả là chúng ta hoặc không thu thập dữ liệu, hoặc thu thập nhưng chưa báo cáo một cách có hệ thống về dữ liệu đó. Giờ là lúc để tập trung vào sức khỏe vị thành niên”.
Kết quả báo cáo khiến các nhà nghiên cứu lo ngại bởi sức khỏe của vị thành niên trên toàn thế giới đã xấu đi trong 25 năm qua. Những lợi ích tích cực từ các nỗ lực y tế đã không vượt qua được tốc độ tăng dân số nhanh chóng ở các quốc gia có thu nhập thấp, phải đối mặt với những thách thức tồi tệ nhất về sức khỏe.
Pursuit dẫn lại báo cáo trên The Lancet nêu rõ, hiện có 1,8 tỉ vị thành niên trên thế giới, tăng 20% kể từ năm 1990. Nhưng trong số này, 430 triệu người (24%) hiện bị thiếu sắt (thiếu máu), tăng 74 triệu. Khoảng 324 triệu người trẻ bị thừa cân hoặc béo phì, tăng gấp đôi chỉ sau 25 năm.
Dữ liệu toàn cầu còn chỉ ra mục tiêu và ưu tiên y tế chính xác hơn. Ví dụ, nó cho thấy ở các nước giàu hơn, cần chú trọng đến việc giải quyết các rủi ro về sức khỏe vị thành niên như sử dụng chất gây nghiện, uống rượu và béo phì. Nhưng ở các nước thu nhập thấp, ưu tiên chính vẫn là cải thiện các yếu tố xã hội về sức khỏe như giáo dục, tiếp cận biện pháp tránh thai và giải quyết tỉ lệ cao các cuộc tảo hôn và mang thai tuổi vị thành niên.
Báo cáo mới nhất nói trên xét dữ liệu trên 12 chỉ số về sức khỏe vị thành niên toàn cầu (dành cho người từ 10 đến 24 tuổi) bao gồm các kết quả về sức khỏe, rủi ro và các yếu tố xã hội quyết định mà Ủy ban Lancet đưa ra năm 2016. Cụ thể:
- Kết quả sức khỏe: Bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, thương tích.
- Rủi ro về sức khỏe: Thiếu máu, hút thuốc lá, uống rượu, thừa cân và béo phì.
- Các yếu tố: Tảo hôn, mang thai ở tuổi vị thành niên, tiếp cận với biện pháp tránh thai, hoàn thành bậc trung học và tiếp cận việc làm, giáo dục hoặc đào tạo.
Peter Azzopardi viết trên trang thông tin của Đại học Melbourne, kết quả đã cho phép các nhà nghiên cứu chia ra ba nhóm quốc gia, mỗi nhóm có một hồ sơ sức khỏe vị thành niên riêng biệt.
- Nhóm đầu tiên (thường bao gồm các quốc gia có thu nhập cao và trung bình như Mỹ, Trung Quốc và Úc) có gánh nặng sức khỏe vị thành niên chủ yếu bao gồm các bệnh không lây nhiễm.
- Nhóm thứ hai (chẳng hạn Nga, Brazil và Kazakhstan) là những quốc gia, ngoài các bệnh không lây nhiễm, vị thành niên phải đối mặt với tỉ lệ thương tật cao.
- Nhóm cuối cùng (chủ yếu bao gồm châu Phi cận Sahara, Ấn Độ, Pakistan, một số nước khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương) là những quốc gia ngoài những vấn đề sức khỏe của hai nhóm trên, vị thành niên phải đối mặt với tỉ lệ cao mắc bệnh truyền nhiễm, làm mẹ và bệnh tật liên quan đến dinh dưỡng.
Theo giới chuyên gia, dữ liệu vừa công bố đem lại hướng dẫn tốt hơn để áp dụng loại chương trình y tế cần thiết cho mỗi nhóm quốc gia nhằm nâng cao sức khỏe vị thành niên hiệu quả hơn. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.