10 nguyên nhân gây đột quỵ hàng đầu thế giới

16/03/2018 00:05 GMT+7

Đột quỵ nằm trong số các căn bệnh gây chết người và liệt nhiều nhất thế giới. Người mắc đột quỵ đang dần trẻ hóa. Béo phì, cao huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ.

Nhóm chuyên gia tại Đại học McMaster (Canada) đã cộng tác với rất nhiều chuyên gia ở 32 nước khác nhau nhằm tìm ra những nguyên nhân gây đột quỵ hàng đầu thế giới. Đột quỵ luôn nằm trong nhóm những căn bệnh giết người nhiều nhất, theo Daily Mail.
Tuy nhiên, mọi chuyện không quá bi quan khi các nhà khoa học khẳng định lối sống lành mạnh có thể giúp giảm đến 90% nguy cơ đột quỵ.
10 nguyên nhân gây đột quỵ hàng đầu thế giới gồm:
Cao huyết áp
Tại Mỹ, hơn 3 triệu người bị chẩn đoán mắc cao huyết áp mỗi năm. Người bị xem là cao huyết áp khi huyết áp họ trên mức 140/90. Các bác sĩ khuyên người cao huyết áp nên tránh ăn muối và cần tập thể dục đều đặn. Các nghiên cứu cho thấy tránh được cao huyết áp có thể giúp giảm 48% nguy cơ đột quỵ.
Lười tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp giảm 36% nguy cơ đột quỵ. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyên mọi người nên đi bộ ít nhất 30 phút/ngày với cường độ trung bình, thực hiện 5 ngày/tuần. Nếu đi bộ nhanh thì đi trong 25 phút/ngày và 3 ngày trong tuần.
Ngoài ra, mọi người cũng nên tập luyện cơ bắp cường độ mạnh hoặc đẩy tạ 2 ngày/tuần. AHA cũng khuyến khích các hình thức tập luyện khác như đạp xe, bơi lội và một số môn thể thao phổ biến.
Lười tập luyện thể thao là một trong những nguyên nhân chính gây đột quỵ Ảnh: Shutterstock
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Các chuyên gia khuyến cáo nên ăn nhiều chất xơ, rau, đậu, trái cây, ăn nhiều thịt nạc hơn thịt đỏ, tránh các món nhiều chất béo và đường để cải thiện sức khỏe. Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp giảm khoảng 20% nguy cơ bị đột quỵ.
Béo phì
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem béo phì là một dịch bệnh và nó có tác động rất xấu lên sức khỏe tim mạch của hàng triệu người. Một số nghiên cứu gần đây thậm chí còn cho rằng có rất nhiều người béo phì nhưng không nhận ra những hạn chế trong cách tính toán chỉ số khối cơ thể.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá có thể làm tổn hại màng lót bên trong của động mạch, kích thích sự tích tụ chất béo tại đây. Tình trạng này lâu dài có thể dẫn đến đau thắt ngực, đau tim và đột quỵ. Bỏ thuốc lá sẽ giúp giảm 12% nguy cơ đột quỵ, nghiên cứu cho biết.
Các bệnh liên quan đến tim
Đột quỵ có 2 loại chủ yếu. Loại thứ nhất là đột quỵ thiếu máu cục bộ gây ra do cục máu đông, loại này chiếm khoảng 85% trường hợp bệnh. Loại còn lại là đột quỵ xuất huyết, hoặc xuất huyết não, chiếm 15% còn lại, theo Daily Mail.
Một trái tim khỏe có thể giúp giảm 9% nguy cơ mắc cả hai loại đột quỵ trên. Nhiều căn bệnh về tim như rung nhĩ, loại bệnh tim khiến nhịp tim không đều, thường gây ra do béo phì, tiểu đường, hút thuốc, chế độ ăn uống không lành mạnh, căng thẳng và lười tập thể dục.
Tiểu đường
Những người mắc tiểu đường có nguy cơ cao phát triển cục máu đông. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Các nghiên cứu cho thấy kiểm soát tiểu đường giúp giảm 4% khả năng bị đột quỵ.
Rượu bia
Huyết áp cao là nguyên nhân gây đột quỵ và rượu bia được xem là một tác nhân chính. Uống nhiều rượu bia theo thời gian sẽ làm tăng huyết áp. Rượu bia cũng góp phần làm tăng khả năng bị tiểu đường, cao huyết áp và rung tâm nhĩ. Bỏ rượu sẽ giảm được 6% nguy cơ đột quỵ.
Căng thẳng
Các nghiên cứu trước đây cho thấy trầm cảm, căng thẳng và lo lắng sẽ làm gia tăng nguy cơ bị đột quỵ, đặc biệt là ở người già. Trong nhiều trường hợp, chính những trạng thái tâm lý tiêu cực trên làm dễ dẫn đến các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, lười tập luyện.
Cholesterol
Mức cholesterol trong máu cao sẽ dẫn đến rối loạn lipid máu, làm tắc nghẽn động mạch, hạn chế lưu lượng máu lưu thông đến tim, khiến đột quỵ dễ xảy ra. Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp giảm 27% khả năng bị đột quỵ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.